Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn: Riêng một góc trời

Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn với bức tranh ngoại cỡ Việt Nam.

Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn với bức tranh ngoại cỡ Việt Nam.

Rời nước Pháp - đất nước của nghệ thuật, họa sĩ Vũ Trọng Thuấn trở về Việt Nam và chọn một góc riêng ở Đà Nẵng để vẽ.
Phòng tranh La tour Eiffel trên đường Trần Hưng Đạo của họa sĩ Vũ Trọng Thuấn nhìn ra sông Hàn, với địa điểm đẹp này hẳn nhiều người sẽ dùng để kinh doanh, nhưng họa sĩ dành riêng không gian này để sáng tác và nơi đàm đạo với giới mỹ thuật, bạn bè thân hữu khắp cả nước. Hỏi chuyện vì sao lại chọn Đà Nẵng, người họa sĩ già nói: "Tôi thích không gian yên bình của Đà Nẵng nên mới thuê ngôi nhà này để mở phòng tranh. Chữ duyên kéo tôi về với Đà Nẵng"... Hẳn ai quan tâm đến hội họa sẽ biết đến cái tên Vũ Trọng Thuấn. Ông  sinh ra ở Hải Phòng, 14 tuổi đã theo gia đình vào Nam sinh sống rồi học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Cuộc sống khó khăn khiến ông phải nghỉ học giữa chừng nhưng với tài năng và đam mê hội họa, một thời Vũ Trọng Thuấn đã nuôi sống gia đình bằng tranh. Những năm 1964 ông đã có xe tải chở tranh đi bán khắp Sài Gòn. Ngày đất nước giải phóng, ông làm cán bộ Sở VH-TT TPHCM, đến năm 1980 cùng gia đình sang Pháp định cư.  Và nơi đây, tài năng hội họa của Vũ Trọng Thuấn dần được khẳng định. Đầu năm 2016, Vựng tập tranh của Vũ Trọng Thuấn vừa được ấn hành tại Paris. Sách dày 112 trang, khổ 32x28cm, in trên giấy trắng, bìa cứng, giới thiệu bao gồm gần 70 tác phẩm (sơn dầu, sơn mài) tiêu biểu của Vũ Trọng Thuấn, do nhà nhiếp ảnh Daniel Frydman chọn lọc. Cũng thời gian này ông có cuộc triển lãm cá nhân tại Bourg La Reine, gần Paris.

Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn với bức tranh ngoại cỡ Việt Nam.

Vũ Trọng Thuấn tâm sự, dẫu có sự nghiệp ổn định ở Pháp nhưng lúc nào tâm trí ông cũng đau đáu về quê hương nên quyết tâm trở về. Năm 1999, ông trở về Việt Nam thì đến năm 2003 đã có cuộc triển lãm cá nhân "Những tác phẩm mới 2003" tại Nhà triển lãm TPHCM. Tác phẩm sơn mài của Vũ Trọng Thuấn được chọn, giới thiệu trong một số sách, ấn phẩm tiêu biểu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Theo họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ-Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Đà Nẵng, xem tranh của Vũ Trọng Thuấn ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thân quen về quê hương được thể hiện bằng nét vẽ điêu luyện và cách sử dụng sắc màu độc đáo. Người xem còn cảm nhận,  chia sẻ cùng ông những kỷ niệm, ký ức, nỗi ám ảnh của một người con nhiều năm tha hương. "Điều đáng quý là họa sĩ Vũ Trọng Thuấn không giữ những kỹ thuật vẽ cho riêng mình mà luôn chỉ dẫn và dìu dắt cho các họa sĩ trẻ. Ông sẵn sàng tặng những tấm vóc dùng vẽ tranh sơn mài cho các họa sĩ khác, dù những vật liệu này rất đắt tiền. Trở về nước và chọn sống ở Đà Nẵng, Vũ Trọng Thuấn muốn góp sức thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật thành phố" - họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ nói.

Gần cả cuộc đời cầm cọ, Vũ Trọng Thuấn đã thử sức trên nhiều thể loại, chất liệu sáng tác, nhưng tranh sơn mài-chất liệu đòi hỏi người vẽ mất nhiều công sức luôn tạo cho ông nguồn cảm hứng đặc biệt. Ông chia sẻ "bởi sơn mài là một trong các chất liệu hội họa truyền thống của Việt Nam. Nó có ưu thế về chiều sâu, lộ ra nhiều lớp màu, khi bức tranh được đánh bóng thì hiệu quả chiều sâu tăng lên rõ rệt, khó có chất liệu nào sánh được. Theo thời gian, sơn màu càng duyên dáng với những thay đổi tinh tế trong màu sắc". Trong không gian phòng tranh của mình, Vũ Trọng Thuấn sáng tác những bức tranh ngoại cỡ dài hơn 10m, trong đó có hai bức tranh sơn mài ấn tượng ông đặt tên là Bốn mùa và Việt Nam. Bức Bốn mùa được ông dồn sức thực hiện trong 2 năm đầu  về Việt Nam. Còn bức Việt Nam thì vẫn chưa hoàn thành. "Thật ra bức tranh đã gần hoàn thành nhưng tôi vẫn chưa hài lòng, nhiều lúc muốn ẩn đi những chi tiết nên tôi phải vẽ lại". Vũ Trọng Thuấn là vậy, không bao giờ hài lòng với chính mình, lúc nào cũng tìm tòi, khám phá những ý tưởng và đường nét mới. Ở tuổi 77, mắc bệnh ung thư đại tràng nhưng hiếm ai còn giữ sức vẽ, sức sáng tạo mãnh liệt như ông. 10 năm qua ông sáng tác hàng trăm bức tranh nhưng ông không bán dù luôn có người trả giá cao để được sở hữu.  "Tôi giữ lại tranh vì ấp ủ kế hoạch mở một bảo tàng tư nhân tại Đà Nẵng. Bảo tàng sẽ có nhiều sản phẩm để thu hút du khách và nơi đó sẽ là  không gian để cho các họa sĩ trên cả nước đến giao lưu"-họa sĩ Vũ Trọng Thuấn bộc bạch.

Tác giả bài viết: Hoàng Anh

Nguồn tin: duyenclvn theo cadn.com.vn/