HỌA SĨ LÊ MINH MUA NHÀ LẦU, XE HƠI NHỜ VẼ BÌA TRUYỆN CHƯỞNG

Họa sĩ Lê Minh

Họa sĩ Lê Minh

Nhờ vẽ bìa truyện chưởng Kim Dung, ông đủ tiền mua nhà lầu, sắm xe hơi. Từ câu chuyện trên, ông được xem là bậc thầy trong lĩnh vực vẽ bìa cho truyện chưởng Kim Dung. Vào đầu thập niên 1960, những ai từng mê truyện chưởng Kim Dung sẽ không thể quên những nét vẽ mềm mại, có hồn, tài tình của họa sĩ Lê Minh trên bìa từng cuốn truyện.

Làm giàu nhờ vẽ bìa truyện Kim Dung

Sau loạt truyện tranh Hoa Lư Động Chúa đăng trên nhật báo Dân Ta, tài năng vẽ tranh của Lê Minh được nhiều người biết đến, từ đây cái tên của ông được đóng dấu cho vẽ trình bày, vẽ truyện tranh và minh họa trên các nhật báo, tạp chí. Đến khi học năm thứ hai trường Mỹ nghệ Gia Định, chàng sinh viên Lê Minh đã được rất nhiều nhật báo, tạp chí, tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày (của Nguyễn Đức Kiên – Kim Châu), Đẹp (của Kim Lệ), 9 Le Minh 2Tiếng Dội (của Trần Tấn Quốc), Tiếng Chuông (của Đinh Văn Khai) tranh nhau mời cộng tác để vẽ trình bày, vẽ truyện tranh và minh họa trong một thời gian dài.

Họa sĩ Lê Minh tên thật là Lê Ngọc Minh, ông sinh năm 1937 tại Sài Gòn, từ nhỏ ông đã mê vẽ tranh và thần tượng họa sĩ Lê Trung, một bậc thầy vẽ chân dung thiếu nữ. Đến năm 17 tuổi, tài năng vẽ tranh của chàng trai Lê Minh đã được độc giả biết đến với những nét vẽ vô cùng ấn tượng sống động qua loạt truyện tranh Hoa Lư Động Chúa đăng trên nhật báo Dân Ta, do thi sĩ Nguyễn Vỹ làm chủ bút

Vào đầu thập niên 1960, tại Sài Gòn tràn ngập truyện chưởng Kim Dung bởi nhu cầu đọc truyện của người dân tăng cao đột biến. Để đáp ứng nhu cầu của đọc giả, nhiều tờ báo bắt đầu trích đăng lại. Lúc đó, họa sĩ Lê Minh đã được đọc giả biết đến sau rất nhiều tranh minh họa có hồn, đẹp mắt trên các báo Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai, Đẹp, đặc biệt là nổi danh qua các bức vẽ thiếu nữ.

Họa sĩ Lê Minh thú nhận : “Biết tài của tôi nên hàng loạt nhà xuất bản như Thế Kỷ, An Hưng, Sống Mới
9 Hoa si 1

chuẩn bị xuất bản truyện Kim Dung đều săn tìm tôi vẽ trang bìa cho bằng được. Bởi thực tế cho thấy, truyện muốn bán chạy thì tôi phải vẽ bìa. Thời điểm đó, tôi được nhà xuất bản trả một bức vẽ bìa là 2.000 đồng. Giá này là cao so với thời đó, nhờ vậy mà tôi tích lũy tiền mua được nhà lầu, xe hơi cho gia đình”.

Trong giai đoạn này, Sài Gòn cũng có các họa sĩ chuyên vẽ bìa truyện chưởng như Đỗ Phi, Cảnh Thế. Tuy nhiên, so về nét vẽ, cái hồn của từng trang bìa thì không thể so được với họa sĩ Lê Minh. Qua 12 năm vẽ bìa truyện chưởng với nhiều thăng trầm của lịch sử, ông vẫn nhớ như in lần vẽ bìa cuốn truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ. Nhà xuất bản đặt hàng ông thực hiện gấp bìa truyện có nhân vật Vạn lý độc hành Điền Bá Quang mê ni cô Nghi Lâm.

Họa sĩ Lê Minh nhớ lại : “Do quá gấp, tôi chưa kịp đọc kỹ bản thảo, nghĩ rằng Điền Bá Quang là kẻ hắc đạo, nhân vật phản diện nên tôi phóng bút vẽ một người hung dữ, đầu tóc râu ria xồm xoàm. Chỉ đến khi nhà xuất bản in bìa truyện xong, ông chủ tổ chức in truyện mới than trời. Điền Bá Quang trong Tiếu ngạo giang hồ là bạn với Lệnh Hồ Xung. Người thư sinh trắng trẻo, mày râu nhẵn nhụi, vẽ như vầy là chết rồi”.

Ngoài ra, một kỷ niệm cũng không quên qua 12 năm cầm bút vẽ bìa truyện chưởng của họa sĩ Lê Minh là trong một lần đang vẽ gấp bìa Cô Gái Đồ Long nhằm kịp mang ra nhà in làm bảng kẽm thì đột ngột mất điện, phòng làm việc tối om, nóng bức, ngột ngạt,

9 Le Minh 3


ông chủ NXB Đại Hưng tự tay thắp nến rồi cầm quạt phe phẩy liên tục cho họa sĩ Lê Minh thực hiện nốt hình trang bìa còn dang dở.

Họa sĩ Lê Minh chia sẻ them : “Bìa truyện chưởng phải vẽ sao cho độc giả nhìn vào là thấy gay cấn hấp dẫn, do đó họa sĩ cần tuân thủ một số điều kiện bắt buộc là phải có nhân vật nữ nổi bật, tranh vẽ phải sinh động, bố cục tựa truyện, tên tác giả và người dịch phải cân đối, màu sắc hài hòa không đơn điệu cũng tránh lòe loẹt”.

Tự hào là người Sài Gòn chính hiệu

Họa sĩ Lê Minh ngoài tài năng vẽ bìa truyện chưởng Kim Dung thu hút hàng vạn đọc giả, ông còn nổi danh với tài lẻ vẽ truyện tranh nhiều kỳ (mỗi kỳ vẽ 5 cột báo) như truyện Người lấy ma, Vợ chồng của tác giả Bồ Tùng Linh trên nhật báo Thần Chung của chủ bút Nguyễn Kỳ Nam.

Họa sĩ Lê Minh còn vẽ tranh tứ bình các điển tích Trung Hoa và Việt Nam như Tấm Cám, Lâm Sanh, Xuân Nương, Phạm Công Cúc Hoa, Trầu cau, Vườn đào kết nghĩa, Bao Công kỳ án, Bích câu kỳ ngộ. Ông còn vẽ minh họa bìa và các truyện tranh Hoa Lư động chúa, Đêm biển lạnh lùng, Bên dòng sông Trẹm, Đứa con rơi, Tiếng suối Sau Leng, Hương rừng Cà Mau của nhà văn Dương Hà, Sơn Nam. Sau 1975, họa sĩ Lê Minh vẽ truyện tranh Tiết Nhơn Quý chinh đông, Kiếm khách đầu rồng (NXB Mỹ Thuật)…

Họa sĩ Lê Minh mất cha từ năm 16 tuổi, ông và người chị gái sống với mẹ. Từ khi mất cha, ông và gia đình phải lăn lộn kiếm sống bằng gánh hàng hoa mua từ chợ Gò Vấp mang về bán tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) bán.

9 Le Minh 5

Họa sĩ Lê Minh chia sẻ: “Từ bé tôi rất thương mẹ, thấy mẹ vất vả, lo toan nên tôi đã biết tự lo thân cho mình. Việc làm tốt đẹp đầu tiên mà tôi làm được cho gia đình là khi thi đậu vào Trường mỹ thuật. Cũng từ đây, với tài năng vẽ tranh cho báo, tôi dần dần giúp đỡ về kinh tế cho gia đình. Tôi còn sắm cho chị gái cái máy may để học nghề và sinh sống nuôi được gia đình sau này.

Họa sĩ Lê Minh đã sống trên 80 năm trên mảnh đất Sài Gòn, trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, đời sống có nhiều vất vả, nhọc nhằn và có cả niềm hân hoan. Họa sĩ Lê Minh tâm sự cuộc đời ông gắn bó nơi này như máu thịt, ông coi mình là một người Sài Gòn chính hiệu. Giờ đây, ngồi trong ngôi nhà trên đường Lê Quang Định (quận Gò Vấp) của cha mẹ để lại, nay đến lượt ông và con cháu sinh sống. Họa sĩ Lê Minh bùi ngùi cho biết : “Cả đời tôi gắn bó với nơi này”. Ngôi nhà cất giữ kỷ niệm những ngày ông gò lưng ngồi vẽ báo, kiếm được đồng tiền đầu tiên về phụ giúp mẹ, lo cho gia đình.

(theo P. Phúc)

Nguồn tin: tcgd theo MTSG