Nghệ sĩ múa Tuyết Minh: Chiêu trò sẽ làm hỏng nghệ thuật múa

Tuyết Minh

Tuyết Minh

Với hàng loạt giải thưởng lớn trong nước và quốc tế trong lĩnh vực múa, biên đạo, nghệ sĩ múa Tuyết Minh nổi lên như một nhân tố mới của ngành múa Việt Nam trong thời điểm này. “Múa luôn mang lại cho tôi tình yêu, những người bạn tri kỷ và các lớp học trò yêu quý. Múa vẫn luôn rất công bằng, mình vì múa bao nhiêu thì múa cũng vì mình bấy nhiêu” - nghệ sĩ múa Tuyết Minh (ảnh) đã chia sẻ với PV Báo SGGP xung quanh môn nghệ thuật đầy khắc nghiệt này.


 

.
 

 

- PV: Tính giải trí, chiêu trò trong múa giờ đây dường như lấn át giá trị nghệ thuật đích thực của múa. Thậm chí tần suất sử dụng “mánh” đã có lúc khiến khán giả cảm thấy mơ hồ khi thưởng thức bộ môn nghệ thuật này?
 

- Nghệ sĩ Tuyết Minh: Đối với các gameshow, ca múa nhạc có yếu tố múa phụ họa, minh họa cho các ca sĩ, các biên đạo trẻ, các biên đạo thuộc thể loại nhảy múa hiện đại rất thích sử dụng các chiêu trò trong nghệ thuật. Chiêu trò ở đây là kỹ xảo, các kỹ thuật không phải của múa mà của các chuyên ngành khác như xiếc, vận động cơ, bẻ cơ, bẻ khớp, các loại nhảy của thế giới như nhảy cột, nhảy bụng... Tất cả các thể loại đó cho vào trong một đoạn múa để tạo thành chiêu có thể thu hút đối với khán giả trẻ. Tuy nhiên, khi liều lượng đó xuất hiện trên sân khấu, trên truyền hình quá nhiều, tất nhiên sẽ rất dễ khiến một số người hiểu lầm đó là ngôn ngữ múa mà họ không biết rằng, đó là những ngôn ngữ được vay mượn từ những loại hình nghệ thuật khác. Có thể đó là những kỹ thuật rất đẹp của các loại hình nghệ thuật khác nhưng khi đưa vào múa, đưa vào những trường đoạn múa cụ thể, khung cảnh cụ thể thì đôi lúc chúng lại tạo ra những phản cảm, không phù hợp, gây ngạc nhiên đối với khán giả nhiều hơn là tạo ra được các xúc cảm. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới giá trị thuần khiết của ngôn ngữ múa, đó là những chuyển động đẹp của cơ thể, chuyển tải những nội tâm, xúc cảm ở bên trong của múa.
 

- Thị trường múa Việt Nam đang có sự chồng lấn, hỗn loạn, phải chăng xuất phát từ chính việc đào tạo biên đạo múa?
 

- Hiện chỉ có 3 trung tâm lớn, chuyên nghiệp nhất là: Trường Cao đẳng múa Việt Nam, Trường ĐH Nghệ thuật Quân đội và Trung cấp múa TPHCM. Tuy nhiên, mặt bằng trình độ kỹ thuật của diễn viên múa cũng giảm sút nhiều vì liên quan tới đam mê, yêu nghề và phụ thuộc vào giáo trình quá cũ, quá cổ, thiếu cập nhật với những loại hình nhảy múa mới trên thế giới khiến cho kỹ thuật đào tạo không được đầy đủ. Trong khi công nghệ phát triển vượt bậc, khán giả có thể theo dõi các clip múa qua các trang mạng, trên YouTube nên dễ dàng tiếp nhận những xu hướng, hình thức mới của múa. Có thể dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch giữa việc đào tạo múa trong trường và khi hành nghề. Do đó, rất dễ hiểu khi ra hành nghề, nhiều người phải học lại, phải cập nhật những cái mới, mới có thể đáp ứng yêu cầu về nghe, nhìn của khán giả ngày  nay. Thẩm mỹ của khán giả bây giờ đã vượt xa năng lực, kỹ thuật mà người nghệ sĩ trong nước có thể đáp ứng, do đó rất khó khăn với các nghệ sĩ mới ra trường.

Hiện nay có nhiều vũ đoàn, nhiều đoàn múa đang tồn tại và hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Họ có thể không được đào tạo bài bản nhưng lại cập nhật rất nhanh các xu hướng múa của thế giới. Tuy nhiên, một số biên đạo của các đoàn xã hội hóa nhiều khi không kiểm soát được, do nền tảng của họ chưa đầy đủ để có thể biết tiếp nhận thế nào là vừa đủ, đến đâu là đủ. Do đó, dễ nhận thấy nếu nghệ thuật vẫn khô cứng theo nếp lễ hội trong khi các gameshow lại vô cùng phong phú, sức sống mạnh mẽ, thay đổi chóng mặt trong nhận thức và ngôn ngữ múa... dẫn đến mặt bằng chung của múa cũng bị phân định khá rõ. Điều này đòi hỏi các nghệ sĩ phải tâm huyết, không thể một sớm một chiều mà giải quyết được. Cần sự chung tay vào cuộc của hội nghề nghiệp như tổ chức các đợt tập huấn cho đội ngũ biên đạo...
 

- Sự chênh nhau giữa các đoàn múa công lập và ngoài công lập ngày càng lớn có phải do có quá ít nhà phê bình múa?
 

- Từ khi tôi bắt đầu vào nghề đến nay, mới chỉ thấy các nhà phê bình múa là nhà báo. Họ yêu nghệ thuật, họ đi xem các chương trình biểu diễn, với cái tâm nghề họ góp thêm một số tiếng nói cho nghệ thuật múa. Còn đội ngũ phê bình, lý luận dành cho múa chuyên nghiệp, chuyên sâu thì chưa nhiều ngoài nhà lý luận phê bình Thái Phiên, Phạm Hùng Hoan là thế hệ cũ, thầy của chúng tôi. Đây là vấn đề khó vì lý luận phê bình múa, ngoài các kiến thức về chuyên ngành nghệ thuật khác, cần có kiến thức chuyên sâu về múa, hiểu múa, hiểu nghệ thuật biên đạo... thì mới có bài phê bình tốt. Công bằng mà nói thời gian qua, nghệ thuật múa cũng có bước phát triển khá tốt. Nếu có các nhà phê bình thì con đường của các nghệ sĩ, biên đạo múa sẽ đỡ gian truân hơn nhiều. Đặc biệt là với các nghệ sĩ trẻ, nếu có đi chệnh hướng thì nhờ hoạt động phê bình họ cũng sẽ dễ dàng nhận ra, điều chỉnh, để có những bước phát triển phù hợp, vươn tới những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, vững chãi hơn với nghề.
 

- Nhiều nghệ sĩ than rằng người làm nghề múa vất vả, không thể biểu diễn “nhép” nhưng lại khó sống được với nghề. Chị suy nghĩ gì về điều này?
 

- Nghệ sĩ có sống được với nghề hay không phụ thuộc vào chất xám của họ, nguồn năng lượng của họ khi họ làm việc. Nhiều nghệ sĩ sống được với nghề, như tôi chẳng hạn. Họ là biên đạo, là diễn viên... Diễn viên giờ cũng khá đắt sô, có nhiều chương trình của nhà nước, của các đoàn xã hội hóa, gameshow... Họ rất cần các diễn viên múa giỏi, vì thế diễn viên có thể sống được nếu họ đạt được chất lượng và có con đường làm nghề chuyên nghiệp. Có một số nghệ sĩ coi nghề múa chỉ là hình thức để làm công việc khác thì họ sẽ sống nhờ công việc khác ấy chứ không phải từ nghề múa, đó cũng là điều dễ hiểu.


MAI AN thực hiện


Nguồn tin: SGGP