Kiều Chinh: Từ nhân viên quét dọn đến diễn viên của Hollywood

Diễn viên điện ảnh Kiều Chinh (áo trắng, bên phải) chụp cùng Thẩm Thuý Hằng

Diễn viên điện ảnh Kiều Chinh (áo trắng, bên phải) chụp cùng Thẩm Thuý Hằng

Kiều Chinh là một trong những diễn viên đầu tiên của điện ảnh miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Bà còn là diễn viên Việt đầu tiên thành công ở Hollywood. Không còn gắn bó với các vai diễn, giờ đây người nghệ sĩ xa quê hơn 60 năm ấy lại gắn bó với quê hương trong việc thiện nguyện.
 

Diễn viên điện ảnh Kiều Chinh (áo trắng, bên phải) chụp cùng Thẩm Thuý Hằng
Diễn viên Kiều Chinh đang có mặt ở Việt Nam để khánh thành ngôi trường học thứ 50 của Quỹ từ thiện mà bà tham gia. Nữ diễn viên gạo cội đã dành quỹ thời gian ít ỏi của mình để chia sẻ với báo Điện tử Tổ Quốc về nghề diễn viên, những trăn trở về điện ảnh Việt Nam, cũng như vì sao bà lại dành công sức, thời gian để làm công việc thiện nguyện. Liệu lần này trở về bà có ý định quay trở lại điện ảnh?


Kiều Chinh mới trở về Việt Nam khánh thành ngôi trường học thứ 50, tại Quảng Năm, Đà Nẵng
Từ đứa trẻ mồ côi mẹ đến nhà từ thiện
+ Là một nghệ sĩ nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam, bà còn thành công ở nước ngoài và còn là một Việt kiều, nhưng khác với nhiều nghệ sĩ, mỗi lần về Việt Nam, bà luôn kín tiếng với truyền thông. Bà có thể chia sẻ lý do tại sao?
- Tôi có một suy nghĩ rất đơn giản, đó là mình về Việt Nam để làm từ thiện, nếu nói cho báo chí biết, thì giống như tôi đang đi khoe công việc của mình. Tôi nghĩ bất cứ ai làm được điều gì cho ai đó là một điều tốt và việc từ thiện tôi làm được còn quá nhỏ bé, ít ỏi như giọt nước trong biển cả mênh mông.
+ Trong những chuyến đi làm công tác từ thiện, có hoàn cảnh nào khiến bà xúc động?
- Mỗi lần trở về Việt Nam đều cho tôi rất nhiều cảm xúc. Tôi luôn mong đợi được gặp gỡ gia đình, người thân và đặc biệt là ra mộ gặp bố.
Còn trong công việc từ thiện, tôi xúc động khi cắt băng khánh thành ngôi trường học đầu tiên vào năm 1995, được xây ở Đông Hà (Quảng Trị) nơi có vĩ tuyến 17, chia đôi hai miền Nam- Bắc. Cũng như năm 2000, tôi trở về khánh thành ở trường Nhân Chính, Hà Nội, đây chính là quê nội của tôi. Sau khi cắt băng khánh thành tôi đã được gặp các cụ trong làng và các cụ đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện ngày xưa. Điều này đã khiến tôi nhớ lại những hình ảnh của gia đình mình ngày nào. Gặp những em nhỏ ở làng Nhân Chính, ký ức lại ùa về, tôi cũng đã có những năm tháng bằng tuổi này và sống trên mảnh đất quê hương này.
Cảm xúc đó khó nói ra thành lời và khi nhìn thấy các em, tôi chỉ biết “chúc các em có một tương lai tươi sáng”.
+ Tại sao bà lại chỉ chọn các em nhỏ để làm đối tượng giúp đỡ?
- Tôi nghĩ các em nhỏ là tương lai và vấn đề học vấn luôn rất quan trọng, vì đó là hành trang, là chìa khóa để mở cánh cửa tương lai. Tôi luôn mong các em có một tương lai tươi sáng hơn.
+ Ngày nay, nhiều người biết đến bà trong vai trò là nhà từ thiện, vậy điều gì đã thôi thúc bà trở về Việt Nam và làm những công việc thiện nguyện?
- Tôi nhìn thấy sự thiếu thốn, khó khăn của những em nhỏ dù chiến tranh đã lùi xa và nhiều nơi xa xôi trên đất nước mình còn chưa có trường để cho các em được đi học.
Hình ảnh các em đi đất, lội ruộng và đi qua những cầu tre nhỏ cũng như phải đi rất xa mới đến được trường, khiến tôi luôn bị ám ảnh và rất thương, cũng như cảm phục ý chí của các em.
Khó khăn nhưng vẫn đến trường là điều cần phải khuyến khích, tôi hy vọng sự đóng góp của mình sẽ giúp đỡ được các em trên con đường học vấn.
+ Một số ý kiến cho rằng, việc từ thiện của bà cũng khởi nguồn từ hoàn cảnh mồ côi mẹ, cuộc sống khó khăn đã tác động đến bà rất lớn?
- Nhận xét đó cũng gần với tôi. Và tôi đã trải qua một tuổi thơ đầy khó khăn về tình cảm lẫn đời sống vật chất, nên tôi nghĩ các em nhỏ xứng đáng được bao bọc và có một cuộc sống ấm no.


Phim Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tốt (hình ảnh Kiều Chinh tại Mỹ)
Ấn tượng với Ngô Thanh Vân
+ Xa điện ảnh Việt đã lâu và thời gian qua bà chủ yếu hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài. Vậy lâu nay bà có theo dõi điện ảnh nước nhà?- Tôi có quen một số đạo diễn Việt Nam như Phan Đăng Di, Trần Anh Hùng, Victor Vũ, Trần Hàm. Cách đây hai năm có Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế (Vietnamese International Film Festival - viết tắt: ViFF) diễn ra tại California, tôi đã được mời tham gia trong vai trò giám khảo. Đây cũng là đại hội Điện ảnh duy nhất dành riêng cho các nhà làm phim gốc Việt trên toàn thế giới. Vì thế, tôi đã có thêm nhiều cơ hội được xem phim ảnh nước nhà.
+ Bà thấy điện ảnh Việt Nam ngày nay thế nào?
- Tôi rất mừng khi phim Việt Nam có nhiều chuyển biến tốt. Tuy nhiên, có một thực trạng là các nhà làm phim vẫn còn e dè ở những đề tài lớn.
Làm phim thì ai cũng mong có được khán giả, hay thu được vốn nhưng cũng chính vì điều đó đã khiến cho đề tài còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó còn có những bộ phim nghệ thuật lại làm theo thị hiếu của khán giả. Tôi cũng hiểu hoàn cảnh hiện tại còn khó khăn nhưng tôi hay các nhà làm phim luôn mong có được sự ủng hộ của khán giả để điện ảnh tiến xa hơn.
+ Và diễn viên Việt Nam nào khiến bà ấn tượng?
- Thế hệ diễn viên trẻ của điện ảnh bây giờ rất giỏi và họ may mắn hơn thế hệ của tôi rất nhiều, vì có điều kiện học hỏi, được sống gần với nghề. Còn thời của chúng tôi đã sống và lớn lên khi nghệ thuật còn khó khăn.
Tôi thấy điện ảnh của mình đang nở rộ và có nhiều gương mặt ấn tương, trong đó diễn viên khiến tôi cảm tình như Trương Ngọc Ánh, Ngô Thanh Vân hay Đỗ Thị Hải Yến.
Sau khi xem phim “Dòng máu anh hùng”, tôi rất cảm tình với diễn xuất sống động của Ngô Thanh Vân.
+ Nếu có cơ hội bà có muốn giới thiệu diễn viên Việt Nam ra nước ngoài không?
- Tôi luôn mong muốn điện ảnh và diễn viên Việt Nam có được bước tiến ra nước ngoài, đặc biệt là Hollywood.
Hollywood là kinh đô điện ảnh của thế giới và mọi diễn viên ở các nước đều mong muốn mình mở được cánh cửa để bước chân vào đây.
Riêng số lượng diễn viên ở khu vực châu Á đã rất đông bởi cộng đồng người châu Á ở bên Mỹ cũng chiếm khá đông, đặc biệt là người Hoa, người Nhật. Tuy họ có nước da màu giống mình nhưng họ được sinh ra và lớn lên tại Mỹ nên tiếng mẹ đẻ của họ cũng là tiếng Mỹ. Cho nên họ không gặp rào cản ngôn ngữ khi làm việc. Khi có một nhân vật, cần một gương mặt Á Đông thì đã có rất nhiều ứng viên ở các nước đến tham dự casting, do vậy sự cạnh tranh rất khốc liệt.
Để cộng đồng người Việt Nam sánh ngang với các nước khác quả là không dễ dàng.
+ Bà nhận xét thế nào về trình độ diễn xuất của thế hệ diễn viên trẻ ngày nay?
- Tôi thấy nhiều diễn viên có tiềm năng, nếu giao cho họ một vai trò xứng đáng họ sẽ bung hết khả năng.

Hình ảnh của Kiều Chinh trên những con phố Hà Nội (ảnh: Trà Xanh)
+ Được biết, có nhiều lời mời đóng phim tại Việt Nam gửi đến bà nhưng bà đều từ chối. Vậy trong lần trở về này bà có ý định trở lại nghệ thuật?
- Là diễn viên thì tôi luôn muốn được làm việc, cống hiến cho nghệ thuật. Tuy nhiên, có đề tài và nhân vật được giao thích hợp thì tôi sẽ nhận lời. Nhất là được làm việc với các bạn trẻ khiến tôi rất vui.
Năm 2014, tôi có trở về Việt Nam và đóng phim “Đoạt Hồn” của đạo diễn Trần Hàm, trong phim tôi đã đóng cùng các diễn viên như Trần Bảo Sơn, Ngọc Diệp…
+ Lần trở về này còn điều gì khiến bà trăn trở?
- Tôi chưa có thời gian để gặp hết những người cần gặp và đến những nơi có phong cảnh đẹp như Sa Pa, Vịnh Hạ Long hay Đà Lạt. Ngoài ra, tôi hy vọng sắp tới sẽ trở về Việt Nam và thăm chùa Thầy nơi bố tôi đã từng dẫn anh em tôi đến khi còn bé…./.
+ Xin chân thành cảm ơn diễn viên điện ảnh Kiều Chinh!   




Gắn bó với nghệ thuật hơn 50 năm và có được nhiều giải thưởng danh giá nhưng ít ai biết được cuộc đời của Kiều Chinh đã gặp phải nhiều sóng gió. Sinh ra ở Hà Đông đến năm 6 tuổi, Kiều Chinh mồ côi mẹ. Bà sống với bố cùng anh trai đến 16 tuổi thì cha con ly tán. Một mình bà phải vào Nam sống nương tựa nhà người thân. Năm 17 tuổi, bà lấy chồng sinh con. Bà đã được mời đóng phim “Người Mỹ trầm lặng” nhưng không thành, và cơ duyên đã đến, bà được nhóm làm phim của ông Bùi Diễm và đạo diễn Lê Dân phát hiện trong một buổi tiệc. Kiều Chinh bước vào điện ảnh qua phim “Hồi chuông Thiên Mụ”. Sau đó bà đã tham gia hàng loạt các bộ phim của các đạo diễn Việt Nam cũng như đạo diễn các nước châu Á như: Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, Singapore. Bà cũng vinh dự trở thành một trong những diễn viên Việt đầu tiên được các nhà làm phim Hoa Kỳ chú ý. Bà tham gia các phim như Operation CIA, A Yank in Vietnam, Devil Within, Destination Vietnam. Đặc biệt, trong phim Devil Within, Kiều Chinh được vượt qua hàng loạt những gương mặt xinh đẹp và nổi tiếng khác để vào vai Công chúa Ấn Độ.
Năm 1975, bà cùng gia đình sang Canada định cư. Từ một minh tình màn bạc cuộc đời bà đã phải trải qua đủ nghề để mưu sinh như: quét dọn, hót phân gà với số tiền công tối thiểu để nuôi gia đình.
Năm 38 tuổi, Kiều Chinh được bảo lãnh qua Mỹ và bà quyết định quay trở lại với điện ảnh dù phải bắt đầu từ con số 0. Hollywood vốn là mảnh đất cực kỳ khắc nghiệt đối với những diễn viên, đặc biệt là diễn viên gốc Á, vậy mà bà đã chinh phục thành công. Đến nay bà đã tham gia hơn 100 bộ phim và chương trình truyền hình của Mỹ. Trong đó có những bộ phim nổi tiếng như "The Letter" (1986), "Welcome Home (1989), "Vietnam-Texas" (1989), "What Cooking" (2000), "Face" (2001), "Journey from The Fall" (2004). Với vai diễn trong phim "Joy Luck Club", Kiều Chinh lọt vào danh sách 50 diễn viên làm khán giả khóc nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh.
Bà nhận được nhiều giải thưởng khác như: Life Time Achievement Award của Đại hội Điện ảnh Á Châu tại San Diego 2006, The 10th Festival Internazionale Cinema Delle Donne, tại Ý, 2003.
Ngoài vai trò là một diễn viên, bà còn là một Việt kiều yêu quê hương. Bà đã gặp gỡ và thuyết phục các cựu chiến binh Mỹ thành lập tổ chức từ thiện dành cho trẻ em Việt Nam -  Vietnam Children's Fund (viết tắt là VCF). Đến nay, quỹ từ thiện VCF đã xây dựng được 50 trường học dành cho 30.000 trẻ em ở những vùng quê Việt Nam từng bị chiến tranh tàn phá.

Tác giả bài viết: Ngọc Hà Lê

Nguồn tin: duyenclvn theo toquoc.gov.vn/