Dư luận về người nữ ‘sứ giả nghệ thuật và thiện chí’ Kiều Chinh

Dư luận về người nữ ‘sứ giả nghệ thuật và thiện chí’ Kiều Chinh
Tôi vẫn nghĩ, giữa văn chương và nghệ thuật thứ bảy, vốn không có một gắn bó mạnh mẽ. Một bên dùng ký hiệu chữ viết. Một bên dùng ký hiệu hình ảnh.

Kiều Chinh và các con. (Hình: KC)

 Vậy mà, từ quá khứ tới hiện tại, không kể dư luận của nhiều tên tuổi thế giới ngoại quốc, chỉ tính riêng trong một Việt Nam máu huyết, Kiều Chinh, người nữ “sứ giả của nghệ thuật và thiện chí” đã nhận được những biểu cảm thân ái.

Từ một người bạn cùng giới, như Lê Quỳnh (3) với ghi nhận đằm thắm sau đây:

“Sau 'Hồi Chuông Thiên Mụ,' tôi và Kiều Chinh còn có dịp cộng tác với nhau trong một số phim khác nữa như 'Từ Saigon Ðến Ðiện Biên Phủ', 'Chờ Sáng', 'Ðôi Mắt Người Xưa'.

“Chúng tôi từng sát cánh đại diện cho VNCH tại các Ðại Hội Ðiện Ảnh Á Châu và Ðại Hội Ðiện Ảnh Quốc Tế tổ chức tại Bá Linh năm 1967.

“Có dịp gần gũi Kiều Chinh trong những chuyến quay phim xa hoặc xuất ngoại như vậy, tôi mới càng hiểu rõ Kiều Chinh hơn. Tôi muốn nói đến Kiều Chinh, con người của điện ảnh, và Kiều Chinh, một mẫu người đàn bà với những đặc tính không thể thiếu vắng trong một gia đình thuần túy Việt Nam. Với điện ảnh, Chinh thật bén nhạy trong diễn xuất, và thông minh qua các cuộc thảo luận về đề tài chuyện phim cũng như trong những lãnh vực khác. Chinh chịu khó đọc sách báo ngoại quốc và tự tìm cho mình một hướng đi khác biệt. Chính vì thế mà sự thành công đã liên tiếp đến với Chinh không những lúc còn ở Việt Nam, mà giờ đây, tại kinh đô điện ảnh Hollywood, Chinh đã tạo được một chỗ đứng vững vàng khiến những danh tài Á Châu khác như France Nguyen, Nancy Kwan v.v... phải nể vì. Với gia đình, Chinh là người đàn bà rất đảm đang, cuộc sống rất mực thước và có thể nói đối với Chinh, gia đình là tất cả...” (Sđd. Tr. 133).

Tới những tên tuổi quen thuộc của 20 năm văn học miền Nam. Thí dụ, Nguyên Sa, thi sĩ hàng đầu của Việt Nam, hiện đại. (4) Sinh thời, tác giả “Áo Lụa Hà Ðông” trong một hình dung “Tuần Lễ Kiều Chinh,” ông viết:

“Trong ngày đầu, khi Kiều Chinh bước lên sân khấu để cảm tạ khán giả, tôi dặn Kiều Chinh mang theo mái tóc của 'Người Tình Không Chân Dung,' mang theo 'Ðôi Mắt Người Xưa,' mang theo cảm xúc của “Hồi Chuông Thiên Mụ,' mang theo can đảm của người phụ nữ lãnh giải thưởng 'Người nữ chiến sĩ 1986' của hội Phụ Nữ gốc Á Châu tại Hoa Kỳ, kiếp sống lưu vong, vừa vật lộn với đời sống, vừa phải tranh thủ với chính mình, cố gắng vượt được chính mình. Tôi rất ân cần dặn dò Kiều Chinh mang theo vóc dáng mảnh mai, mái tóc mềm, đầu nghiêng một bên dưới ánh đèn. Kiều Chinh thu hút kinh khủng. Tôi nhớ hôm đó có Mai Thảo, có Tướng Kỳ, có Du Tử Lê, dĩ nhiên. Kiều Chinh mang đến đột nhiên giọng trầm ấm, Kiều Chinh cô lập thế giới bên ngoài, đẩy tuốt khơi xa, những người, những cảnh, làm hiện ra, bằng giọng đọc phép lạ, thế giới của tiểu thuyết, thế giới của trí tưởng. Kiều Chinh không thể nghi ngờ được, là sự thu hút tuyệt đối. Ngay từ hôm đó, tôi khám phá ra chiếc chìa khóa mở ra được tâm hồn kín bưng và đóng băng của tôi rung lên thiết yếu là âm thanh. Khi bàn tay của âm thanh cầm lấy tay tôi, dắt tôi đi, tôi đương nhiên bước tới, tôi không thể chống cưỡng nổi. Khi Kiều Chinh, ngưng đọc, mỉm cười, làm những cử động điều chỉnh lại mái tóc, tiếng vỗ tay vang lên, tôi phải mất một lúc lâu, thật lâu mới trở lại với buổi họp mặt...” (Sđd. Tr. 136).

Thí dụ, Mai Thảo, (5) con chim đầu đàn một thời tạp chí Sáng Tạo:

“...Nhưng chỉ nói đến Kiều Chinh như một minh tinh màn bạc lẫy lừng, chưa đủ. Giữa hai vai trò, bà còn là một nhân vật phụ nữ lỗi lạc, trong cái ý nghĩa tốt nhất của một phụ nữ Việt Nam dấn thân và tiến bộ trước xã hội và thời đại của mình. Một quan tâm thường xuyên tới mọi vấn đề của phụ nữ. Những hoạt động tích cực không ngừng trong mọi công tác xã hội. Từ những vận động cứu trợ, từ thiện, nhân đạo. Ðến những phong trào đấu tranh cho tự do và nhân quyền trong khuôn khổ cộng đồng tị nạn Việt Nam và cộng đồng thế giới. Ðó còn là Kiều Chinh. Trên phương diện này, bà đã là hội viên của Hội Ðồng Cố Vấn Quốc Gia cho cơ quan Di Trú Liên Bang, Hội Ðồng Cố Vấn Tị Nạn tiểu bang California. Ngoài ra bà còn tham gia nhiều sinh hoạt thuộc Hội Ðồng Thành Phố Los Angeles.”

“Vinh quang tới, xứng đáng và đương nhiên. Hãy chỉ kể một số: Năm 1980, thị trưởng Los Angeles, Tom Bradley, trao tặng Kiều Chinh danh hiệu 'Today's Woman' do Bullock's toàn quốc bầu gồm 36 phụ nữ hoạt động nhất khắp nước Mỹ trong năm này. Với cộng đồng tị nạn Việt Nam trên toàn thế giới, năm 1983-84 là năm tôn vinh Kiều Chinh.Văn nghệ sĩ, báo chí, đồng bào của Kiều Chinh ở California, ở Washington DC., ở Texas, ở Âu Châu đã tổ chức nhiều họp mặt trọng thể để chào mừng Kiều Chinh tới năm 1983 là vừa tròn một sự nghiệp 25 năm điện ảnh. Tháng 5, 1985, bà được hội Phụ Nữ Hoa Kỳ gốc Á Châu -Thái Bình Dương tại Los Angeles (Asian Pacific Women's Network of Los Angeles) tuyên dương cùng nam tài tử Căm Bốt, Dr. Haing S. Ngor.”

“Năm sau, năm 1985, là giải 'Woman Warrior' tuyên dương bà là nữ nhân vật 'Á Châu xuất sắc nhất' trong đại hội mỗi năm của Hội Phụ Nữ Mỹ gốc Á Châu/Thái Bình Dương là hội có đông hội viên Á Châu nhất Hoa Kỳ hiện giờ. Gần đây, nhân ngày lễ tuyên xưng ‘Ngày tị nạn tại Hoa Kỳ’, bà được đề cử là đại biểu danh dự đại diện cho toàn thể các cộng đồng tỵ nạn ở Hoa Kỳ trong hội thảo giữa các cộng đồng này về mọi vấn đề tị nạn của lưỡng viện Quốc Hội và giới chức cao cấp Hoa Kỳ tại Tòa Bạch Ốc, bản tham luận của bà đọc trong phiên họp khai mạc hội thảo về phẩm cách của người tị nạn ở ngoài thế giới đã được tán thưởng và hoan nghênh nhiệt liệt. Và mới đây nhất, ngày 19 tháng 4, 1991, ở dạ tiệc trọng thể được tổ chức ở Montebello, Nam California, một lần nữa người nữ diễn viên lớn nhất của điện ảnh Việt Nam lại được Hội Ðồng Thành Phố Los Angeles cùng với hội những gia đình Mỹ gốc Á Châu tuyên dương là người phụ nữ của những thành tích xuất sắc nhất trong năm...”

“Những vinh hiển vừa kể, như những vì sao lấp lánh của một bầu trời, cùng rực rỡ chiếu sáng trên suốt chiều dài 30 năm điện ảnh Kiều Chinh, ba mươi năm không ngừng, ba mươi năm lừng lẫy. Những vinh hiển ấy, cộng với một phong thái nghệ sĩ thanh lịch và một cách thế ăn ở rất mực đầy đặn và khả ái với tất cả mọi người đã đem lại cho Kiều Chinh một phần thưởng tinh thần nữa, theo ý tôi, còn quý báu hơn cả những giải thưởng và những huy chương. Ðó là lòng yêu mến và quý trọng mà mọi giới và rộng lớn quần chúng yêu thích điện ảnh dành cho Kiều Chinh, một lòng yêu mến và quý trọng thắm thiết, mênh mông, hầu như không một nghệ sĩ nào có được. Như thế, từ ba mươi năm nay. Như thế, từ Hà Nội tới Sài Gòn tới Hollywood...” (Sđd. Tr. 10 & 11).

Và, đây nữa. Hai bài viết của một Du Tử Lê / Hồ Huấn Cao, cũng từ hơn hai chục năm trước:

“...Cùng với tiếng cánh quạt trực thăng vần vũ, thổi rạp ngã những hàng cây. Cùng với dòng suối nước xiết. Cùng với tiếng súng nổ ran. Cùng với tiếng người lính dắt nhau băng ngang một mục tiêu. Cùng với cảnh tượng thân yêu của đất nước, của tổ quốc rất gần mà, cũng rất xa, hàng chữ 'Vietnam-Texas' chạy ngang khung vải. Cùng với tiếng lựu đạn nổ khắp ruộng đồng, cùng với những ngôi nhà mái tranh, vách đất của Việt Nam quê hương yêu dấu bốc cháy. Hàng chữ 'Kieu Chinh' chạy suốt chiều ngang màn ảnh đại vĩ tuyến. Kiều Chinh - Cái tên gọi xác quyết cho một nhan sắc Việt Nam, cho một diễn xuất Việt Nam, bên cạnh những tên tuổi đã thế giới. Khiến xúc động. Khiến rưng rưng làm sao những lồng ngực Việt Nam lưu đầy. Buổi tối Kiều Chinh - Charlie Chaplin Theatre - Vietnam Texas - Tiếng động cơ ầm ầm dưới thấp. Kiều Chinh - Tiếng reo khan lạnh lùng của lửa.”

“Kiều Chinh - Trong hình ảnh tượng trưng thảm kịch Việt Nam và chiến tranh. Thảm kịch người nữ Việt Nam, giữa nghiệt ngã định mệnh một đất nước, bi thương một dân tộc, té xuống. Người đàn bà Việt Nam mang tên Mai Lan trong 'Vietnam Texas,' với tất cả thảm kịch của mình, qua diễn xuất của Kiều Chinh, đã là mạch máu chính, là trái tim, là lõi tủy của cái thème mà, người sản xuất kiêm diễn viên chính Robert Ginty muốn tỏ bày với nhân loại.” (...)

“Là tài tử đã vượt khỏi biên cương một đất nước, là tên tuổi đã vượt khỏi lằn ranh lãnh thổ một quốc gia, nhưng ra khỏi phim trường, ra khỏi ánh sáng chói gắt, Kiều Chinh vẫn là một phụ nữ Việt Nam Ðông Phương, đúng nghĩa...” (Sđd. Tr. 166 ... 167).

Ðể kết thúc bài viết này, tôi xin được dùng lại một ghi nhận cũ, nhưng với tôi, ngày càng thực chứng tính xác định của nó:

“Với tôi, Kiều Chinh là hình ảnh người nữ Việt Nam thế kỷ (thứ 20) còn sót lại.” (Sđd. Tr. 126.)

Du Tử Lê

(Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011, kỳ chót: “Kiều Chinh, phía bên kia vòng nguyệt quế.”)

 

Chú thích:

(3) Lê Quỳnh, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1934, mất ngày 5 tháng 1 năm 2008, tại Nam California.

(4) Nguyên Sa, tên thật Trần Bích Lan. Ông sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932 tại Hà Nội, mất ngày 18 tháng 4 năm 1998 tại Nam California.

(5) Mai Thảo, tên thật Nguyễn Ðăng Quý. Ông sinh ngày 8 tháng 6 năm 1927 tại Hải Hậu, Nam Ðịnh, mất ngày 10 tháng 1 năm 1998 tại Nam California.

Nguồn tin: tcgd theo NV