Diễn viên Thanh Tuấn: 'Khán giả nhớ tôi, có lẽ do cái mặt tôi già hơn tuổi…'

Diễn viên Thanh Tuấn

Diễn viên Thanh Tuấn

Thanh Tuấn (sinh 1987 tại Hóc Môn, TP.HCM) không phải dạng diễn viên “đình đám” mà ai cũng cần có để PR cho sản phẩm, lại xuất thân trong gia đình không ai làm nghệ thuật để tạo quan hệ, nhưng ra trường lại có khá nhiều vai diễn ấn tượng. Trong mắt của nhiều diễn viên đồng trang lứa, việc có vai đều đều như Thanh Tuấn là một trường hợp thật khó hiểu.
Thanh Tuấn đã đóng hơn 30 vở kịch sân khấu và truyền hình, trên 20 phim, gần 100 tiểu phẩm. Đôi lúc nhìn lên truyền hình thấy đến 4-5 phim có diễn viên này đóng chính hoặc thứ chính. Đơn cử như các phimĐường về (1, 2), Oan trái nghĩa tình, Tay chơi miệt vườn… và các vở kịch dài như Con ma nhà họ Hứa, Lan và Điệp… gần đây.

Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện cùng Thanh Tuấn.

* Trong bối cảnh mà nghề diễn có nhiều thị phi về việc tìm kiếm vai, Thanh Tuấn làm sao để kiếm được nhiều vai lớn như vậy?

- Tôi vào nghề tới nay đã gần 10 năm, hầu như kiểu vai nào cũng nhiệt tình thử qua, dù vai lớn vai nhỏ, nặng nề hay nhẹ nhàng, tôi cũng đều đặt lòng tin vào đó. Chắc các anh chị đạo diễn, đồng nghiệp thấy thế mà thương nên có vai nào hợp là gọi cho em út ngay.

Còn nói làm sao để kiếm vai, chắc nhờ tôi có cái tính nhà quê, chịu khó, nghĩ gì nói đó, với lại mỗi lần nhận được vai mới tôi đều nghiên cứu kỹ trước khi đóng, nên các anh chị đạo diễn tin tưởng. Còn mấy kiểu PR, quan hệ để kiếm vai thì chắc... tôi không rành rồi, vì bản thân không đẹp trai, không ăn ảnh, chỉ có quê mùa là dễ sợ thôi, nên cũng không biết phải PR theo cách nào.


Diễn viên Thanh Tuấn

 

* Được biết gia đình muốn Tuấn ở nhà làm ga-ra sửa xe, nhưng Tuấn lại thích làm diễn viên, trong khi sắc vóc của bản thân - như Tuấn tự nhận - là rất quê mùa. Vì sao lại quyết tâm như vậy?

- Tôi tự thấy mình là người yêu thích và say mê nghệ thuật. Lúc nhỏ chỉ coi các cô chú, anh chị trên truyền hình là đã mê dữ lắm, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm một người diễn viên hài kịch như hôm nay.

Tôi đến với nghề như một cái duyên. Tốt nghiệp lớp 12 xong, định thi đại học thì ba cứ nằng nặc kêu ở nhà làm ga-ra sửa xe, nhà có sẵn nghề ổn định, bon chen làm gì cho cực. Tôi vốn coi ba như thần tượng - một con người chính trực - nên từ bé tới giờ chuyện gì cũng nghe theo ba. Nhưng lần đó tự ý và im lặng đi theo chọn lựa riêng.

Lúc đi thi, cũng chỉ nghĩ thì thi cho thỏa ước mơ thôi, còn bao nhiêu bạn giỏi hơn, hay hơn và đặc biệt là đẹp trai hơn, chắc chi mình đã đậu. Đến lúc thi đậu rồi mới thú thật cho ba mẹ hay tin, cầm tờ giấy báo đậu mà cứ tưởng như mơ. 

Lúc ấy ba mẹ không ủng hộ, nhưng dần dần tôi chứng minh cho thấy mình hết lòng hết dạ với cái nghề, tới giờ đi quay hay đi diễn đâu xa xa, ba còn muốn đi theo cho vui.

* Ai cũng nghĩ con đường mình đi là nhiều chông gai, nhưng công bằng nhìn nhận, con đường Tuấn đang đi được gặp khá nhiều may mắn, vấn đề còn lại là tự mình sẽ tỏa sáng thế nào mà thôi. Tuấn có cảm thấy khó khăn, lo lắng với con đường bằng phẳng của mình hay không?

- Đúng. Mỗi người mỗi nghề đều có cái khó riêng, không thể so đo, nhưng đằng sau các nỗ lực bằng cái tâm sáng với nghề, chắc thành công sẽ luôn ló dạng. Con đường tôi đi đang gặp nhiều may mắn, có lẽ vậy (cười). Theo tôi thấy thì sự may mắn nhất đến từ khán giả, họ thương họ nhớ mình qua một số vai diễn. Khó khăn nhất là làm sao để khán giả tự nhiên thương quý mình.

Thanh Tuấn (bên phải) trong vở kịch “Con ma nhà họ Hứa”

 

* NSƯT từ thời còn rất trẻ Hữu Châu đã được giao các vai già, anh ấy diễn rất đạt, mà khi xem vai già thì khán giả cứ ngỡ rằng diễn viên trẻ này đã rất kỳ cựu trong nghề. Bạn cũng thường được giao các vai luống tuổi, các vai già, tại sao vậy?

- NSƯT Hữu Châu là một người thầy mà Thanh Tuấn rất kính nể, từ nhân cách cho đến nghề nghiệp. Nhờ được làm việc cùng với thầy trong một số tiểu phẩm mà học hỏi được rất nhiều, nhất là làm nghề cần phải có tâm, cần phải tạo chiều sâu cho từng vai diễn.

Khi nhận các vai già, tôi đều học hỏi từ cách diễn của các thầy đi trước như NSƯT Thành Hội, Hữu Châu... các thầy cũng rất nhiệt tình chỉ bảo khi mình hỏi. Có lẽ nhờ vậy mà vai già hay đến với tôi.

Còn tại sao tôi đóng nhiều loại vai, nhưng khán giả thường nhớ các vai già, có lẽ do cái mặt già hơn cái tuổi quá nhiều. Lúc trước còn tự ti sao mình già háp so với đám bạn thế này, nay thì thầm cảm ơn, vì như vậy lại ít bị cạnh tranh.

* Vậy bạn có lo lắng khi mình chưa nổi tiếng mà đã có gương mặt “kỳ cựu” trong mắt khán giả không?

- Đối với tôi, sự nổi tiếng không quan trọng bằng sự thương yêu của khán giả, nếu mình được làm nghề cho đến khi cụm từ “kỳ cựu” là thật sự, thì còn gì hạnh phúc bằng. 

Vừa rồi ra đường nghe một khán giả nói: “À, cái thằng này keo kiệt trong phim Tay chơi miệt vườn kìa”, tôi thấy rất vui. Tôi nghĩ nghề diễn viên cũng như nghề sửa xe của ba, mình làm tử tế, có công việc làm thường xuyên và được trả công đều đều, như vậy đã là may mắn rồi, còn nổi tiếng hay không cũng chẳng quan trọng cho lắm.

Tác giả bài viết: Như Hà

Nguồn tin: duyenclvn theo theothaovanhoa