Chuyện diễn viên Bạch Long phải gọi bố bằng... mày

Bạch Long

Bạch Long

Vì gia đình khó nuôi con nên ngay từ nhỏ, Bạch Long được gửi cho người cô ruột của cha nuôi dạy. Hoàn cảnh đặc biệt đó dẫn tới nhiếu tình huống dở khóc dở cười giữa cha con anh!
Chuyện diễn viên Bạch Long phải gọi bố bằng... màyDiễn viên Bạch Long kể, về vai vế trong họ hàng lẽ ra anh phải gọi mẹ nuôi bằng bà 6 nhưng vì sống với bà nên gọi bằng mẹ và gọi cha mẹ là anh 2 chị 2. Nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ nuôi đặt tên anh ở nhà là bé Năm cho dễ nuôi.

Gặp sự cố ngay từ lần đầu lên sân khấu

Nhà anh ở gần Đoàn hát cải lương Hồ Quảng Khánh Hồng - Minh Tơ (hai người cậu của nghệ sĩ Bạch Long - pv). Nghệ sĩ Minh Tơ chính là ba của NSND Thanh Tòng - người đầu tiên "khai quang điểm nhãn" cho Bạch Long đến với sân khấu.

Từ lúc 9, 10 tuổi Bạch Long đã được vào làm trong ban nhạc của đoàn hát và kiêm thêm "công việc" giặt bông phấn hóa trang cho cậu Minh Tơ.

Nghệ sĩ Bạch Long nhớ lại: "10 tuổi, lần đầu tiên anh được bước ra sân khấu để làm diễn viên con nít là nhờ cậu Minh Tơ".

Bữa ấy, đoàn hát tuồng "Ngô Tùng Quân xuất thế", vai Ngô Tùng Quân do nghệ sĩ Minh Tơ đảm nhận. Lẽ ra "ông cậu" sẽ đóng hết nhưng bữa đó ông kêu bé Năm lại hóa trang cho anh và dặn:

"Một chút nữa con sẽ đứng vô cây tùng. Có ông lão bửa cây tùng, cây tùng bể ra làm đôi thì con nhảy ra. Con sẽ cười ha ha và nói "cám ơn ông, con thọ khí âm dương ở trong cây tùng này, nhờ ông cứu con, một lạy xin đáp tạ".

Chuyện diễn viên Bạch Long phải gọi bố bằng... mày - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Bạch Long - ảnh trong bài do nhân vật cung cấp.

Lần đầu bước ra sân khấu, thấy ánh đèn sáng choang, bao nhiêu người ngồi dưới nhìn mình, bé Năm run bần bật, quên lời thoại. Thay vì nói "thọ khí âm dương" là trời đất thì anh nói "thọ khí diêm vương" khiến khán giả cười rần rần.

Sau vai diễn đầu đời ấy, bé Năm được cậu Minh Tơ cho đóng mấy vai con nít như Hồng hài nhi, Na tra...

Sợ diêm vương cắt lưỡi vì phải gọi ba bằng... mày!

Rất hiếm có nghệ sĩ nào khi nhắc đến những sự cố trên sân khấu mà lại cười vui như Bạch Long.

Bạch Long bảo, những ngày đầu lên sân khấu anh có những sự cố vui lắm. Lần đó, cậu Minh Tơ giao cho anh đóng vai ông địa trong tuồng "Tống Từ Vân tẩu quốc" (Ông vua chạy giặc - pv).

Trong tuồng này có cảnh ông vua chạy giặc trốn vào một quán nước. Vai ông chủ quán do ba ruột anh, cố NSND Thành Tôn đóng.

Ông vua trốn dưới bàn, ông địa ngồi trên bàn. Ông địa nhìn xuống biết là vua, sợ vô lễ nên ông leo xuống dưới đất ngồi. Chủ quán bồng ông địa đặt lên bàn, chút sau lại thấy ông địa dưới đất.

Động tác đó được lặp lại 3 lần. Ông chủ quán mới thắc mắc "Sao bữa nay ông địa cứ xuống đất hoài vậy ta? Hay là có trộm"... Vậy là chủ quán đi kiếm và phát hiện ra ông vua đang trốn dưới bàn.

Nhưng vì lúc đó vua chạy giặc, quần áo rách rưới không khác gì những người ăn mày. Chủ quán lôi vua ra, tính lấy cây đập ông 1 cây.

Chuyện diễn viên Bạch Long phải gọi bố bằng... mày - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Bạch Long nổi danh từ đầu những năm 80 thế kỷ trước ở lĩnh vực cải lương.

Trong cảnh này, ông địa ứng khẩu nói lên: "Ê, chủ quán. Mày mà động tới ông vua, tao bẻ cổ mày nghe mày!". Cậu Minh Tơ dặn Bạch Long nói thế.

Nhưng lúc đó, Bạch Long còn quá nhỏ, chỉ nghĩ rằng "mình là con nít, lại là con của ba nữa mà xưng mày tao với ba. Mình chết xuống dưới, diêm vương cắt lưỡi mình sao..."

Vậy là lúc đóng cảnh này, Bạch Long nói: "Ê chủ quán, mày mà động tới ông vua, con bẻ cổ ba nghe mày!", khán giả lại được dịp cười cái rần.

Lại một sự cố khác. Có lần Bạch Long được giao đóng vai quân sĩ. Quân sĩ thì không được nói. Vai quân có lời thoại là của một anh khác. Bạch Long chỉ đứng bên hầu vua thôi.

Nhưng bữa đó, người đóng vai quân sĩ được vào trình báo giặc tới bất ngờ bị đau bụng, cởi đồ quân ra đi vệ sinh.

Đang tìm quân báo không thấy, thấy Bạch Long đứng gần đó, người nhắc tuồng "túm" ngay: "Bé Năm, bé Năm vô đây". Bạch Long dạ chạy lại. Người nhắc tuồng bảo "vô báo, vô báo". Bạch Long còn chưa nói xong câu "Con biết gì đâu báo" thì đã bị người nhắc tuồng "đạp" vô sân khấu "báo đi".

Lẽ ra, Bạch Long phải nói: "Dạ, biên cương quân giặc xâm lăng, con vào đây báo lại" nhưng vì chưa được nói trước, anh quýnh quá nói đại.

Anh chạy ra nói "Dạ". Ông vua vỗ cái bốp hỏi "Điều chi?". Anh quýnh quá... "Dạ, chuyện chi không biết chuyện chi. Anh kia đau bụng biểu con báo dùm". Khán giả cười quá trời, nguyên cái triều đình vua quan cười hết. Vua cười quát "đi vô". Bạch Long lại chạy vô.

Nghệ sĩ Bạch Long kể: "Có một sự cố nữa cũng vui lắm. Trong tuồng "Lưu Kim Đính đại phá âm dương trận" anh đóng vai con quạ. Lúc đó anh Thanh Tòng đóng vai Tùng Mậu, hai thầy trò đi chung xuống cứu bà Lưu Kim Đính.

Chuyện diễn viên Bạch Long phải gọi bố bằng... mày - Ảnh 3.

Khi sân khấu cải lương bị "mất ngai", Bạch Long rẽ chân sang sân khấu kịch nói và cũng được khán giả rất thương.

Ngày xưa, cải lương bắt chước phim Hồng Kông, có dây để bay móc sau lưng. Lúc hát đèn sáng. Lúc chuẩn bị bay thì đèn tối xuống để móc dây bay.

Anh đứng sát vô cánh gà. Người làm hậu đài móc dây bay, móc dính rồi nhưng anh mặc bộ đồ con quạ đen thui. Anh ấy móc mà không trúng sợi dây nịt, móc vô cái quần. Khi rút cái rẹt thì quần rách. Con quạ không có dây bay, đâu có bay được.

Đến lúc diễn cảnh con quạ bay thì không thấy con quạ đâu mà thấy sợi dây bay tòng teng còn anh cứ chạy vòng vòng rồi kéo màn. Khán giả lại được phen cười cái rần".

Không biết những sự cố ấy có phải là sự sắp xếp của ông tổ nghiệp không nhưng với nghệ sĩ Bạch Long đó là dấu ấn không bao giờ anh quên được.

Nó giống như một "sự tình cờ có chủ ý của định mệnh" để vài chục năm sau, từ một nghệ sĩ cải lương, Bạch Long rẽ sang sân khấu kịch nói và trở thành một nghệ sĩ diễn hài rất duyên dáng.

Nguồn tin: duyenclvn theo trithuctre