Ca sĩ Quang Lộc, thí sinh đạt huy chương vàng của cuộc thi Tuyển lựa ca sĩ tân

Quang Lộc & NS Minh Cảnh

Quang Lộc & NS Minh Cảnh

Ca sĩ Quang Lộc là một cái tên còn rất mới với các khán giả tại California, chỉ có những ai theo dõi cuộc thi “Tuyển lựa ca sĩ tân nhạc toàn Hoa Kỳ” (dành cho các thí sinh hát nhạc Việt khắp 50 tiểu bang từ 15 đến 49 tuổi) do trung tâm Hương Sỹ Nhân (tại San Diego) của nghệ sĩ Hương Sỹ Nhân tổ chức; diễn ra vào ngày 4 tháng 4 năm 2015 vừa qua tại hí viện Kroc Performing Arts Center (thành phố San Diego), thì mới biết đến ca sĩ Quang Lộc. Anh là thí sinh đến từ tiểu bang Louisiana, đã đạt giải huy chương vàng của cuộc thi tổ chức trong tháng 4 này và trở thành ca sĩ của trung tâm Hương Sỹ Nhân. Với cộng đồng người Việt ở California, ca sĩ Quang Lộc là một tên mới, nhưng với cộng đồng người Việt tại thành phố New Orleans và những thành phố lân cận trong tiểu bang Louisiana, thì giọng hát mượt mà truyền cảm của ca sĩ Quang Lộc rất thân quen với các khán giả yêu nhạc qua những chương trình đại nhạc hội trên các sân khấu lớn, nhỏ do các bầu show ở tiểu bang Louisiana tổ chức, và những buổi văn nghệ vào dịp lễ, tết tại chùa, nhà thờ... trong nhiều năm nay.
 
                                                                                                                                                                                       Chân dung ca sĩ Quang Lộc


*Thành công từ cuộc thi
Trong cuộc thi “Tuyển lựa ca sĩ tân nhạc toàn Hoa Kỳ” của trung tâm Hương Sỹ Nhân tổ chức, Quang Lộc đã chinh phục người xem lẫn ban giám khảo khi hoàn thành xuất sắc hai phần thi ở vòng bán kết và chung kết. Ở phần bán kết, anh chọn ca khúc “Về Đâu Mái Tóc Người Thương” là sáng tác của nhạc sĩ Hoài Linh. Ca từ giản dị, giai điệu sâu lắng, da diết của ca khúc rất dễ nghe, dễ đi vào lòng người. Nhưng hát sao thật hay thì chẳng dễ chút nào. Cũng như bao ca khúc trữ tình thuộc thể loại nhạc “mùi” khác, “Về Đâu Mái Tóc Người Thương” giống như kể một câu chuyện tình, người hát phải vừa nhập tâm vào nội dung bài hát, vừa phải điều khiển kỹ thuật để chuyển tải tốt nhất thông điệp về tình cảm của tác giả. Đòi hỏi ở người hát sự giản dị, mộc mạc, ngọt ngào, đặc biệt là kỹ thuật dàn hơi, nhả chữ, chuyển giọng, biết cách bẻ giọng hát theo những kiểu luyến láy đặc biệt sao nghe thật “mùi”. Quang Lộc đã hát bằng chất giọng ấm áp như rót mật vào lòng, đem lại cảm giác man mác buồn cho người nghe, cách hát của anh chỉ giản dị thôi, mộc mạc thôi, không phô diễn quá nhiều kỹ thuật nhưng nhờ thế lại len lỏi đi sâu vào từng dòng tâm trạng của khán giả và ban giám khảo, tạo nên sức quyến rũ riêng. Đặc biệt mở đầu ca khúc có đoạn ngâm thơ, nên anh đã tạo thêm điểm nhấn đẹp cho phần thể hiện ca khúc này.
Sang vòng thi chung kết, Quang Lộc đã chọn ca khúc mang âm điệu ngũ cung, ca khúc “Anh Em Thua Một Người Dưng” của Tô Tài Năng. Với cách hát rõ lời, âm thanh giọng hát mềm mại của một chàng trai miền Tây chân chất, lay động người nghe một cách nhẹ nhàng, nên Quang Lộc đã chinh phục ban giám khảo và khán giả để giành được giải nhất. Nói về lý do chọn ca khúc này, Quang Lộc cho biết:
“Quang Lộc thấy lời ca dường như nói rất chính xác cuộc sống xã hội hiện tại ở Việt Nam, nhiều người đã vì tiền tài, đất đai, chạy theo vật chất nhiều quá, nên gia đình gồm anh chị em, cha mẹ đã bị rạn nứt tình cảm ruột thịt rất nhiều. Những lời lẽ trong ca khúc rất thấm thía, nhắc nhở mọi người nên nhớ tình nghĩa anh em, bạn bè... nặng hơn của cải phù du.”

*Tâm tình của ca sĩ Quang Lộc
Trò chuyện với ca sĩ Quang Lộc về cơ duyên đến với nghiệp ca hát và lắng nghe những tâm tình của anh về tình yêu dành cho âm nhạc, đặc biệt là những ca khúc mang âm hưởng dân ca, nhạc “mùi”, vốn là dòng nhạc anh yêu thích và đeo đuổi bấy lâu nay, người viết cảm nhận ở anh lối nói chuyện gần gũi, tự nhiên như chính giọng hát của anh: mộc mạc và sâu lắng.
Ca sĩ Quang Lộc cho biết tên thật của anh là Lê Bá Lộc, còn Quang Lộc là nghệ danh anh chọn cho mình khi bắt đầu đi hát chuyên nghiệp trong những chương trình đại nhạc hội tại địa phương nơi anh sống ở thành phố New Orleans. Anh kể khi còn ở Việt Nam, gia đình anh sống ở Long Thành, Đồng Nai, đến năm 1993 anh cùng ba mẹ, anh trai và 2 người em trai của mình sang Hoa Kỳ định cư theo diện H. O của ba. Ba anh là cựu sĩ quan VNCH, ông là cán bộ xây dựng nông thôn, sau 1975 bị đi tù cải tạo 6 năm.
Quang Lộc nói từ nhỏ anh rất mê âm nhạc, rất thích nghe những ca khúc trữ tình, nó như thấm vào máu. “Chắc Quang Lộc ảnh hưởng máu văn nghệ của ba, ba không ca tân nhạc mà rất thích ca vọng cổ. Khi nhỏ Quang Lộc luôn ao ước được học một nhạc cụ, như đàn guitare chẳng hạn, luôn ước mong mình có điều kiện học nhạc, vì thấy các bạn mình được học, thích lắm. Lộc còn nhớ, hồi đó thấy mấy anh em Quang Lộc mê đàn quá, mẹ đã cố gắng dành dụm tiền mua cho mấy anh em Quang Lộc 1 cây đàn guitare, cây đàn thường thôi, nhưng mấy anh em Quang Lộc quý cây đàn vô cùng. Lúc đó mấy anh Quang Lộc tự tập đàn, chứ không có học thầy gì hết, vì đâu có tiền đi học. Nhưng nhờ năng khiếu trời sinh, nên đàn được và thường vừa ôm đàn vừa nghêu ngao hát.”
Anh kể: “Khi mất nước, gia đình khi ấy rất khó khăn, ba đi tù cải tạo, Quang Lộc mới học mẫu giáo, em trai nhỏ nhất chỉ mới 1 tuổi, mẹ là một giáo viên dạy tiểu học, phải buôn bán thêm để nuôi 4 con. Lộc còn nhớ mẹ có đưa đi thăm ba 1, 2 lần trong trại tù cải tạo khi ba ở trong trại gần Long Khánh, nhưng sau đó ba bị đưa ra ngoài bắc, ở Hà Nam Ninh, thì gia đình không còn điều kiện để đi thăm nữa, vì xa xôi quá, mẹ Quang Lộc cũng không có tiền để đi thăm. Sau khi mãn hạn tù cải tạo về lại nhà, ba vẫn tiếp tục bị kềm hẹp tại địa phương rất khắc khe, từng đường đi, từng việc làm, đều bị chính quyền theo dõi sát sao, ảnh hưởng cuộc sống rất nhiều. Ba đi tù cải tạo về, cuộc sống gia đình vẫn tiếp tục khó khăn, không làm gì được với 2 bàn tay trắng và bị kềm kẹp tại địa phương, ba có kể cho anh em Quang Lộc nghe những gian nan trong tù từ Nam ra Bắc. Dù vậy, ba vẫn không đổi tính, vẫn là người ba hiền hậu của mấy anh em, vẫn thương vợ và các con. Điều mà ba Quang Lộc thường hay nói với mọi người và các anh em Quang Lộc là thời gian ba đi tù, ở nhà mẹ vẫn thủy chung chờ đợi chồng về, một lòng chăm lo cho các con, đó là một điều vô cùng quý giá đối với ba Quang Lộc, ba rất tri ân sự hy sinh của mẹ Quang Lộc.”
Anh nói, vì có lý lịch xấu, nên anh và anh trai chỉ học xong lớp 12 chứ không có thi đại học, mà đi làm để phụ giúp gia đình. Vì nếu chỉ có ba mẹ làm thì cũng không đủ tiền nuôi sống gia đình. Dù cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ có âm nhạc là người bạn đồng hành chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống của anh. Anh kể thần tượng của anh lúc đó và đến mãi về sau luôn là tiếng hát của Duy Khánh, ngoài ra anh cũng rất mê giọng hát Chế Linh và ca sĩ Nhật Trường (nhạc sĩ Trần Thiện Thanh). Chính 3 thần tượng này là những người thầy của anh, dù anh chưa có duyên may gặp họ lần nào, và dĩ nhiên chưa bao giờ được các thần tượng dạy ca.

*Năng khiếu trời cho và rèn luyện không ngừng
Quang Lộc tâm sự: “Quang Lộc rất thích nghe những thần tượng của mình hát, nhưng Quang Lộc không muốn mắc chước y chang vì không muốn chỉ là bản sao của thần tượng. Nên Quang Lộc học từ mỗi thần tượng của mình một chút để tạo nên cách hát cho riêng mình. Nhiều nghe nghe nhận xét giọng Quang Lộc hao hao chú Duy Khánh, do Quang Lộc học cách ngân nga của chú. Quang Lộc rất mê chất giọng mạnh mẽ, ngọt ngào của chú Duy Khánh, cách luyến láy rõ ràng trong mỗi chữ để nghe rõ phát âm, nhất là cách chú ngân rung rất dài, và nhẹ nhàng, dần dần mới dứt câu hát. Còn với chú Chế Linh, Quang Lộc học ở chú cách hát mùi mẫn, thảm sầu, nhất là khi hát những bài buồn, thì Quang Lộc học cách hát của chú. Còn với cách hát của chú Nhật Trường, Quang Lộc rất thích cách biểu hiện nét hồn nhiên, vui tươi, trẻ trung, tình tứ của chú khi ca.”


Ca sĩ Quang Lộc nhận giải thưởng tại cuộc thi “Tuyển lựa ca sĩ tân nhạc toàn Hoa Kỳ” (dành cho các thí sinh hát nhạc Việt khắp 50 tiểu bang từ 15 đến 49 tuổi) do trung tâm Hương Sỹ Nhân (tại San Diego) của nghệ sĩ                                                             Hương Sỹ Nhân tổ chức


Cũng theo lời Quang Lộc cho biết anh nghe từ băng cassette (thời còn ở Việt Nam), CD, DVD (khi ra đến Hoa Kỳ) tiếng hát của các thần tượng của mình rất nhiều và tự học là chính, nhờ năng khiếu trời cho nên dù không học thầy về bài bản nhạc lý nơi trường lớp đàng hoàng, nhưng khi hát, anh biết chọn đúng âm điệu hợp với giọng mình. Anh cũng rèn luyện không ngừng cách giữ hơi để xuống giọng cho mượt. Vì dòng nhạc trữ tình mà anh yêu thích và hay hát rất cần người hát có làn hơi dài để tránh ngắt câu nhiều. Không những thế, cần phải biết dàn trải làn hơi một cách điêu luyện theo tiết tấu bài hát để không bị phô khi hát dài. Anh cũng học cách điều khiển âm lượng to, nhỏ theo giai điệu, cách nhả chữ đúng điểm nhấn cảm xúc.
Quang Lộc chia sẻ: “Khi qua định cư tại Hoa Kỳ, Quang Lộc đã 20 tuổi, thời đầu mới qua, cũng như bao gia đình di dân khác, gia đình Quang Lộc cũng rất khó khăn, vì qua đây với hai bàn tay trắng, phải gầy dựng lại từ đầu. Nhưng nếu so với cuộc sống khổ cực, bị kềm kẹp tại Việt Nam, thì qua đây, sống ở đất nước tự do, có nhiều cơ hội để học tập, tìm việc làm, thành ra cả gia đình cảm thấy rất hạnh phúc. Sau vài năm đầu khó khăn, gia đình dần dần có cuộc sống ổn định.”
Quang Lộc kể hồi đầu vì bôn ba công việc mưu sinh nên mãi đến năm 2005, anh mới có điều kiện, thời gian rảnh rỗi để đi sinh hoạt với cộng đồng. Anh là phật tử của chùa Bồ Đề, là một chùa lớn của cộng đồng người Việt tại thành phố New Orleans. Những dịp tết, lễ, anh thường lên hát trong những chương trình văn nghệ ở chùa, dần dà các phật tử biết anh nhiều hơn, nơi anh sinh hoạt ca hát tại chùa, có nhiều anh chị từng học đàn hát, nên Quang Lộc học hỏi thêm từ các anh chị này và trau dồi cách hát của mình. Sau đó, cộng đồng người Việt tại đây cũng biết đến Quang Lộc nhiều hơn. Anh được mời đến hát tại nhà thờ vào dịp lễ, tết...
Quang Lộc nói: “Khoảng từ năm 2010 đến nay, Quang Lộc được mời đi hát vào dịp cuối tuần rất nhiều, thường đi hát trong những tiệc cưới, được ban nhạc Magic Four (là ban nhạc có tiếng tại đây) mời Quang Lộc tham gia. Ngoài ra Quang Lộc cũng nhận lời bầu show hát trong các casino ở đây, từng đứng chung trên sân khấu với những ca sĩ ngôi sao Việt Nam đến từ California, hoặc hát tại những hội chợ xuân ở đây. Những dịp hát chung với ca sĩ ngôi sao, Quang Lộc học hỏi được từ các ca sĩ này rất nhiều, xem cách họ trình diễn, cách họ hát, ngân nga, kỹ thuật sử dụng micro, cách họ bước ra sân khấu..., họ chính là những người thầy của Quang Lộc.”
Anh hồn hậu chia sẻ: “Trong gia đình, ba Quang Lộc là người ủng hộ tinh thần lớn nhất cho Quang Lộc đeo đuổi đam mê ca hát. Ba luôn động viên Quang Lộc, nhưng buổi diễn nào của Quang Lộc, nếu có điều kiện, ba đều đi xem. Khi về lại nhà, ba khen tặng những gì hay, góp ý những gì còn hạn chế, những khuyết điểm của Quang Lộc, để Quang Lộc khắc phục. Ba chính là người hâm mộ hàng đầu trong những khán giả hâm mộ Quang Lộc. Thường khuyết điểm của Quang Lộc là khi nói trước khán giả, không được suôn sẻ, vì không có khiếu ăn nói. Ngoài ra khi hát, Quang Lộc cũng cần thêm về diễn xuất, dù cách hát của Quang Lộc luôn được khen, nhưng phần diễn tả ca khúc đó vẫn còn cứng, chưa mềm mại lắm.”

*Cơ duyên đến với cuộc thi tuyển lựa ca sĩ

Tâm sự về lý do đến với cuộc thi“Tuyển lựa ca sĩ tân nhạc toàn Hoa Kỳ”, anh nói: “Quang Lộc cũng có biết trước đây những trung tâm như Thúy Nga, Asia tổ chức thi tuyển giọng ca hay, nhưng lúc đó Quang Lộc không có điều kiện đi thi, vì vẫn còn bận rộn công việc mưu sinh. Lần này, tình cờ xem thông báo trên truyền hình về cuộc thi do trung tâm Hương Sỹ Nhân tổ chức, ngay thời điểm cuộc thi diễn ra, Quang Lộc thấy thuận tiện nên tham gia. Hơn nữa do điều kiện dự thi cũng đơn giản hơn cho thí sinh, không tốn kém thời gian nhiều. Những cuộc thi của các trung tâm khác, thí sinh tham gia phải bay đến địa điểm Nam California thi vòng sơ kết, rồi nếu vào được bán kết lại phải bay qua đó thi tiếp, đến vòng chung kết tiếp tục như vậy. Mất rất nhiều thời gian, còn cuộc thi này thì vòng sơ kết chỉ hát chay qua điện thoại cho anh Hương Sỹ Nhân nghe thôi, nếu đạt, thì được thông báo ngày thi vòng bán kết và chung kết chỉ trong 1 đêm thi. Đây là điều thuận lợi, tiết kiệm được thời gian cho thí sinh ở xa. Vì vậy Quang Lộc quyết định đi thi.”
“Chi phí tất cả đều do thí sinh tự túc, nhưng được anh Hương Sỹ Nhân chỉ dẫn tận tình đường đi nước bước khi đến San Diego để có những dịch vụ với giá cả phải chăng, không quá tốn kém cho thí sinh.”
Anh cho biết thêm: “Đi thi là cách học hỏi thêm cho Quang Lộc, ngay từ phần hát của các thí sinh, cũng có những điều hay để học hỏi, ngay cả những ca khúc mà các thí sinh đó chọn hát, có nhiều bài Quang Lộc chưa biết, nhờ nghe thí sinh ca mới biết, ồ đó là bài hay, Quang Lộc có thể tìm ca khúc này để tập hát... Khi đạt huy chương vàng, Quang Lộc cảm thấy rất hạnh phúc, không thể diễn tả được hết cảm xúc khi ấy. Ba mẹ vì bận việc nên không đi theo Quang Lộc để ủng hộ cho Quang Lộc thi, nhưng khi đạt giải, Quang Lộc gọi về thông báo cho ba mẹ, mẹ xúc động đã khóc. Ký hợp đồng với trung tâm Hương Sỹ Nhân, Quang Lộc mong là qua trung tâm sẽ được cơ hội giới thiệu tiếng hát của mình đến được nhiều khán giả hơn. Nhất là có cơ hội đứng chung sân khấu với các ca sĩ tài danh, nổi tiếng.”
Quang Lộc tâm sự thêm: “Cuộc thi hát của trung tâm Hương Sỹ Nhân nói riêng và những cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của các trung tâm khác nói chung là rất cần thiết, đặc biệt là cuộc thi của trung tâm Hương Sỹ Nhân với điều kiện dễ dàng, cho ghi danh từ 15 tuổi đến 49, giúp các em trẻ lớn lên tại đây, mê hát nhạc Việt có thể ghi danh thi. Khi các em hát nhạc Việt thì các em phải nói tiếng Việt, học tiếng Việt thì mới hát đúng, diễn tả bài hát đúng. Đây là điều rất quý cho cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ. Vì vậy Quang Lộc thấy có những cuộc thi như thế này rất cần thiết. Hy vọng các trung tâm nhạc của người Việt tại đây hãy tiếp tục giữ truyền thống như thế, để tất cả thí sinh thi ca hát, giữ gìn tiếng Việt.”
Về lời khuyên cho các thí sinh khác tiếp tục ghi danh tham gia cuộc thi của trung tâm Hương Sỹ Nhân, Quang Lộc chia sẻ: “Ai có khả năng ca hát thì hãy mạnh dạn ghi danh đi thi, vì cuộc thi này không tốn nhiều thời gian, ban tổ chức cũng đã tạo rất nhiều điều kiện, hướng dẫn thí sinh rất chi tiết đến dự thi, nên những thí sinh ở các tiểu bang xa không gặp khó khăn. Khi đi thi, thí sinh nào cũng hồi hộp, căng thẳng, cố gắng đừng quá hồi hộp, vì khi mình run, hồi hộp quá, mình sẽ hát bị mất độ ngân nga, không còn tự nhiên nữa. Nói thì nói vậy, chứ lúc thi Quang Lộc cũng hồi hộp lắm. Dù đã hát trên sân khấu nhiều năm rồi, nhưng khi đi thi, lại có áp lực khác vì hát cho giám khảo nghe. Vì vậy, hãy chọn bài hát hợp với giọng của mình, thì mình mới thể hiện thành công được.”
Anh nhờ nhật báo Viễn Đông chuyển đến độc giả lời tâm tình của anh: “Nghe nhạc và hát giúp mình giảm bớt nhiều căng thẳng trong đời sống, thời gian mình nghe nhạc còn hay hơn là thời gian mình đam mê những môn giải trí khác như cờ bạc... Quang Lộc rất mong được nhiều khán giả biết đến tiếng hát của mình và mong nhận được sự thương yêu của các khán giả gần xa. Đặc biệt trong chương trình đại nhạc hội do trung tâm Hương Sỹ Nhân tổ chức vào 2 giờ 30 chiều Chủ Nhật, ngày 19 tháng 7 năm 2015 tại hí viện Kroc Performing Arts Center (thành phố San Diego). Quang Lộc sẽ hát trong chương trình này cùng với các ngôi sao tài danh như nghệ sĩ Minh Cảnh, ca sĩ Hương Lan, Tuấn Anh, Như Quỳnh, Quang Lê, Hồ Hoàng Yến, Hương Sỹ Nhân. Rất mong khán giả hãy đến tham dự thật đông. Quang Lộc rất hồi hộp chờ đợi buổi diễn sắp tới này và mong là không phụ lòng yêu thương của khán giả.”

Băng.Huyền



Nguồn tin: viendongdaily.com