CHAÒ MỪNG KHÁCH MỘ ĐIỆU ĐẾN VỚI TRANG WEB THỨ 2 VỀ CL - CLVNCOM 2 Đây là trang web thứ 2 của cailuongvietnam.com (CLVNCOM 2) . Đây cũng là nơi dừng chân của những người yêu BẢN SẮC DÂN TỘC, những người thiết tha gìn giữ NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG VN, đặc biệt là những người HÂM MỘ CẢI LƯƠNG....
Hai cô đào thuộc thế hệ thứ 5 của gia tộc, Tú Sương (trái, vai Thượng Dương hoàng hậu) và Quế Trân (vai Linh Nhân hoàng thái hậu) kế thừa xuất sắc nghiệp hát gia tộc trong vở Câu thơ yên ngựa - Ảnh: LINH ĐOAN
Từng tràng pháo tay vang lên không ngớt khi mỗi nghệ sĩ xuất hiện, mỗi lớp diễn, mỗi câu thoại đắt giá.
Chương trình kỷ niệm 100 năm gia tộc hát bội, cải lương tuồng cổ Vĩnh Xuân - bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng duy trì nghiệp hát, khởi phát từ chiếc nôi đình Cầu Quan (tức đình Thái Hưng, quận 1, TP.HCM) không còn dừng lại ở một gia tộc mà là những hình ảnh quá đẹp, quá ý nghĩa của cải lương miền Nam, của thành phố hơn 100 năm qua.
Gia tộc Vĩnh Xuân - bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng được xếp vào gia tộc theo nghiệp hát lừng lẫy thuộc hàng nhất nhì miền Nam.
Khó có gia tộc nào duy trì nghề hát tới trăm năm, kéo dài đến nay là đời thứ 6 và hứa hẹn vẫn tiếp tục thêm vài đời nữa.
Câu thơ yên ngựa (tác giả: Hoàng Yến, chuyển thể: Ngọc Văn - Thanh Tòng) được xem là vở sử Việt đầy tự hào của gia tộc khi những người tiên phong như nhạc sĩ Đức Phú, NSND Thanh Tòng… có nhiều sáng tạo mang tính đột phá, Việt hóa từ trình thức vũ đạo, âm nhạc, bài bản cho đến phục trang, dàn dựng…
Đây là vở cải lương tuồng cổ tiêu biểu cần phải nhắc tới trong lịch sử cải lương và mang đậm dấu ấn của đất phương Nam.
Chính vì lẽ đó nên nghe tin Câu thơ yên ngựa được làm lại, suất đầu tiên ngay lập tức cháy vé, ban tổ chức phải kê thêm rất nhiều ghế xúp để đáp ứng yêu cầu của khán giả.
Từ trái qua, nghệ sĩ Quế Trân (vai Ỷ Lan), Chí Linh (vai Lý Đạo Thành) và Tú Sương (vai Thượng Dương hoàng hậu) trong lớp Xử án Thượng Dương - Ảnh: LINH ĐOAN
Với bàn tay dàn dựng của đạo diễn Hoa Hạ, Câu thơ yên ngựa bản dựng mới thật sự mang một sức sống khác. Những tinh hoa từ vũ đạo, âm nhạc, bài bản đinh trong vở diễn được những người con xuất sắc của gia tộc sáng tạo đều được nâng niu, gìn giữ.
Đạo diễn chú trọng đào sâu tâm lý từng nhân vật, đẩy mạnh tiết tấu vở diễn, khai thác mạnh mối quan hệ của Lý Thường Kiệt - Lý Đạo Thành và Linh Nhân hoàng thái hậu (Ỷ Lan) - Thượng Dương hoàng hậu theo cách nhìn, lý giải mới mẻ, có tình có lý hơn.
Trên tất cả Hoa Hạ đã khiến Câu thơ yên ngựa tối 19-4 làm khán giả thật sự xúc động về tinh thần đoàn kết, giải tỏa hiềm khích để cùng nhau giữ nước của các bậc tiền nhân.
Một khúc tráng ca về lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm bừng bừng trỗi dậy trong những ngày cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Nghệ sĩ Tú Sương (thuộc thế hệ thứ 5 của gia tộc) diễn cùng hai con gái Tú Quyên và Hồng Quyên (thế hệ thứ 6) trong vở Câu thơ yên ngựa phiên bản năm 2025 - Ảnh: LINH ĐOAN
Với Câu thơ yên ngựa bản dựng 2025, những người lớn trong gia tộc lùi lại yểm trợ cho con cháu phô diễn tài năng. Các con của ông Minh Tơ đảm trách những phần quan trọng.
Con trai Minh Tâm giữ vai trò chủ chốt về âm nhạc. Nghệ sĩ Công Minh, người con thứ 9, thì lo về phần phục trang. Còn người con trai út là Thanh Sơn dạy cho các nghệ sĩ trình thức vũ đạo trong vở.
ân khấu Câu thơ yên ngựa 2025 chính là nơi tỏa sáng của thế hệ thứ năm với các con, rể như Tú Sương, Quế Trân, Lê Thanh Thảo, Điền Trung.
Nổi bật nhất là Quế Trân (vai Ỷ Lan) và Tú Sương (Thượng Dương hoàng hậu). Hai cô đào đã chứng tỏ kế thừa xuất sắc nghề hát của gia tộc khi thể hiện sự chín muồi trong ca diễn.
Đạo diễn Hoa Hạ đã dụng công dựng các lớp diễn đối đầu giữa hai bà đầy kịch tính. Với tài năng của mình, Quế Trân, Tú Sương đã khắc họa nhân vật đầy sâu sắc, tinh tế đến từng tích tắc.
Thể hiện hai nhân vật từng được mẹ, các cô, dì biểu diễn rất thành công, Quế Trân, Tú Sương cho thấy không phải là cái bóng của người đi trước mà đủ bản lĩnh tạo ra nét riêng.
Lớp diễn Lý Thường Kiệt đi khảo sát tình hình trên sông và viết bài thơ thần là lớp diễn hay khiến khán phòng vỡ òa cảm xúc. Võ Minh Lâm (vai Lý Thường Kiệt) đã bổ sung thêm một vai diễn hay vào hành trình nghề nghiệp của mình - Ảnh: LINH ĐOAN
Đạo diễn Hoa Hạ tâm sự với Tuổi Trẻ Online: "Khi bắt tay làm lại Câu thơ yên ngựa tôi cảm nhận rất rõ tâm huyết của anh Thanh Tòng khi đặt vào vở diễn, thương anh lắm.
Để làm vở phiên bản 2025 các người con trong gia tộc quây quần, mỗi người một tay để góp sức sao cho vở hay nhất, thật đáng quý và xúc động.
Điều tôi thấy mừng nữa là các diễn viên thuộc thế hệ thứ 5, 6 của gia tộc trong vở đều rất xứng đáng về mặt đạo đức, nghề nghiệp.
Đặc biệt, Quế Trân và Tú Sương diễn giỏi quá. Tôi ngồi xem các em biểu diễn mà cứ rưng rưng muốn khóc. Không chỉ khóc vì nhân vật mà khóc vì cảm nhận được sự đam mê và miệt mài rèn luyện nghề, giữ nghề của các em dù sàn diễn cải lương khó khăn".
Sau vai Huỳnh Công Lý trong Người mang 9 án tử, nghệ sĩ Bảo Trí (phải) tiếp tục có một vai độc cực hay, vai Vệ Uông trong Câu thơ yên ngựa bản dựng 2025 - Ảnh: LINH ĐOAN
Ngoài con cháu trong gia tộc, Câu thơ yên ngựa còn có sự góp phần của các nghệ sĩ khác tạo dấu ấn đẹp trong lòng khán giả như Chí Linh, Bảo Trí, Võ Minh Lâm, Minh Trường, Nhã Thi…
Trước khi vở diễn mở màn, ban tổ chức đã chiếu đoạn phim tư liệu về quá trình hình thành, sống cùng năm tháng của Câu thơ yên ngựa 50 năm qua.
Từ bản dựng đầu tiên khoảng năm 1979, 1980 đến các bản thâu truyền hình trên HTV, VTV, Đài truyền hình Cần Thơ, chương trình Gìn vàng giữ ngọc, Trăm năm nguồn cội, rồi được chọn là vở tiêu biểu sang Pháp lưu diễn…
Những nghệ sĩ kỳ cựu của gia tộc như Thanh Tòng, Hữu Cảnh, Trường Sơn, Bạch Lê, Xuân Yến, Thanh Loan, Thành Lộc… ai cũng thể hiện sự nghiêm cẩn với từng vai diễn.
Những hình ảnh đó khiến không ít khán giả rơi nước mắt vì nhớ ký ức đẹp của cải lương xưa, trân trọng một gia tộc luôn nỗ lực giữ gìn nghề hát, nâng niu tinh hoa cải lương tuồng cổ cho thế hệ mai sau.
Nghệ sĩ Công Minh chia sẻ ông quá hạnh phúc vì vở diễn quý giá của gia tộc đã được đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng bản mới rất công phu và lật mở nhiều vấn đề hay, gai góc.
Là người phụ trách phục trang vở diễn, vợ chồng ông và con gái đã cất công nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu nên với bản dựng 2025 nhiều khán giả trầm trồ về trang phục, mũ mão đẹp, sát với lịch sử.
Ông Công Minh nói: "Tôi cảm nhận được sự yêu quý, trân trọng gia tộc chúng tôi của đạo diễn Hoa Hạ. Khi dựng vở chị kỹ từng chút một và trao đổi liên tục với tôi, Minh Tâm, Thanh Sơn… để vở diễn đạt hiệu quả cao nhất!".
Cảnh trong vở Câu thơ yên ngựa phiên bản 2025 - Ảnh: LINH ĐOAN
Trước sức hút của vở cải lương tuồng cổ Câu thơ yên ngựa sau đêm diễn tối 19-4, ê kíp đã quyết định tái diễn vào đêm 10-5 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Quyết định tái diễn cấp tốc là do nhiều khán giả gọi điện về cho ban tổ chức "phàn nàn" họ chưa kịp mua được vé để xem lại vở cải lương đã khắc sâu vào tâm trí của họ.
Câu thơ yên ngựa (tác giả: Hoàng Yến, chuyển thể: Ngọc Văn - Thanh Tòng) phiên bản 2025 được nhà Minh Tơ - Thanh Tòng phối hợp Sân khấu cải lương mới Đại Việt thực hiện nhân kỷ niệm đánh dấu 100 năm gia tộc theo nghiệp hát.
Bản dựng mới với bàn tay dàn dựng của đạo diễn Hoa Hạ đã được nhiều người khen ngợi bởi nâng niu tinh hoa cũ, đồng thời thổi làn gió mới khiến vở diễn có tuổi đời gần 50 năm tiếp tục làm khán giả thổn thức.
Chỉ sau khoảng 1 ngày công bố tái diễn, khán giả đã đặt mua trước hơn 2/3 rạp. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với một vở cải lương sử Việt, có tính chính luận cao.
Câu thơ yên ngựa phiên bản 2025 có sự tham gia của các nghệ sĩ Quế Trân, Tú Sương, Chí Linh, Võ Minh Lâm, Bảo Trí, Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Minh Trường, Nhã Thi...
LINH ĐOAN
Nguồn tin: tcgd theo TTO::
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn