CẢI LƯƠNG VÀO MÙA HÁT CHẦU KỲ 3: CÁC LỄ TRONG MÙA KỲ YÊN

BT

BT

CLVNCOM - Nếu "Cải lương vào mùa hát chầu" đã được đăng trên hai kỳ vừa qua là sự giới thiệu sơ lược về mùa hát chầu và tiếng trống chầu thì kỳ này xin được nói về các lễ trong mùa Kỳ Yên.
Image

Như cây lúa trên đồng bình dị đơn sơ mà chẳng ngại nắng táp, mưa sa càng không nghĩ vướng bụi, bùn tanh hôi ... mà trái lại cứ vương mình thẳng đứng hứng nắng làng quê ngửi gió trời, tích vị phù sa ngọt ngào dâng hương cho hoa thêm ngào ngạt, cho hạt trĩu say oằn. Đó là cái bình dân, cái chân chất "cây nhà lá vườn", có sao nói vậy, thật dạ từ cái lòng của người dân Nam Bộ yên ả với cánh cò bay lả bay la mà cũng dập dờn, sóng nước, mà cũng tài tử đến lạ. Nghĩa là sao?

Trong sinh hoạt đời thường, tạm gác lại công việc thường nhật, cách giải trí của người miệt vườn rất tao nhã, họ chọn cách chơi bằng lời ca, tiếng hát, cung đàn. Trên sông nước mênh mang, sóng vỗ mạn thuyền, cá lội lăng tăng hòa cùng cung đàn khúc nhạc do chính người dân nơi này trổi lên giữa mây trời xanh thắm. Ôi! Bình yên, bình yên và bình yên đến lạ - nơi mà đờn ca tài tử và lòng người hòa quyện vào nhau - phải đúng là nơi ấy bình yên thì tiếng lòng mới hòa khúc ca. 

Cách chơi, điều giải trí đã thanh tao thì tự trong tín ngưỡng, niềm tin cũng theo câu hát mà dâng hương, đáp tạ tiền nhân - những người đi trước, cũng như Tiền hiền, Hậu hiền, Thành hoàng bổn cảnh đã phù hộ cho Quốc thái dân an. Cứ "ba năm đáo lệ Kỳ yên" làm lễ tế Thành hoàng và bà con vẫn hay gọi theo cách bình dân là cúng Đình. Lễ Kỳ yên thường diễn ra trong ba ngày, sơ lược về các lễ tế: 

Image

Ngày thứ nhất: lễ rước Tổ hát bội (hay cải lương), lễ Thỉnh sắc, lễ Nghinh và tụng kinh cầu an, lễ Thỉnh sanh, lễ Túc yết.
Ngày thứ hai và thứ ba: lễ Xây chầu, hát chầu, lễ Chánh tế hoặc Đàn cả, lễ tế Tiền hiền, Hậu hiền, lễ hồi sắc hay nối sắc.

NGÀY THỨ NHẤT: 

Lễ rước Tổ hát bội hay cải lương: vào Lễ Kỳ yên, ngay từ sáng sớm, khi xe của đoàn hát vừa đến, trong Ban quí tế của Đình thần (hay Miếu) có người sẽ bưng khai gồm có: trầu, rượu, hương, đèn, tiền lễ cùng với bốn quân hầu cầm bốn món thuộc Lỗ bộ và ban nhạc lễ ra tận cổng để rước Tổ hát bội (hay cải lương) vào, rồi đặt trang trọng trong hậu trường - sau sân khấu.

Lễ Thỉnh sắc: được tiến hành sau khi an vị Tổ hát bội (hay cải lương), một đám rước đi đến nơi cất giữ sắc thần (thường để ở nhà của một vị chức sắc có uy tín) với đầy đủ: chiêng, trống, cờ, lọng, long đình cùng đội nhạc lễ, đội lân. Khi đến nơi, người có trách nhiệm vào tế một hương, ba tuần rượu rồi khấn (hay đọc một bài văn tế ngắn) sau đó đem sắc đặt vào long đình và rước về đến Đình phải cử hành nghi thức an vị, gồm: một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà rồi sau đó mới đặt tráp đựng sắc phong lên bàn thờ nơi chính điện.
Image

Lễ Nghinh và tụng kinh cầu an: Lễ Nghinh là việc đưa kiệu đến các đền, miếu trong làng dâng hương, khấn, cung thỉnh mời chư vị thần về Đình dự lễ. Lư hương của các vị này sau đó được đưa lên kiệu trở về và đặt trên bàn hương án ở ngoài Đình hoặc đặt trên bàn thờ Hội đồng ngoại ở trong Đình. Có một số đình còn đưa thêm nghi thức của Phật giáo vào Đình. Khởi đầu cử người thiết lập bàn thờ Phật Quan Âm, rồi tiến hành niệm hương tán Phật, tụng kinh Phổ môn; cuối cùng đọc sớ rồi đốt sớ gửi cho chư Phật và cho chư thần thánh.

Image

Lễ Thỉnh sanh: Theo nhà văn Sơn Nam, lễ này bắt nguồn từ lễ giết người để tế thần, sau dùng trâu, bò hoặc heo để thay thế. Tỉnh sanh - tỉnh là tỉnh, gạn cho trong sạch, mang ý nghĩa hy sinh, con vật bị giết gọi là hy sinh. Con vật tế phải còn sống, toàn sắc, bị cột bốn chân, đặt trên ghế ngựa trước bàn thờ Hội Đồng Ngoại, sau khi bị thọc tiết, người chánh tế sẽ dùng chén sạch hứng máu cùng một nhúm lông của con vật này đặt lên bàn hương án, chén huyết có ít lông này còn được gọi là "mao huyết". Ngày nay, để tránh cảnh giết chóc trong Đình, nhiều nơi cúng con vật còn sống rồi mang ra sau nhà bếp tiến hành giết mổ hoặc có nơi cúng con vật đã được giết mổ xong. Có Đình dâng cúng: một mâm
xôi, một mâm trái cây, một mâm trầu cau, một đĩa muối, gạo - các lễ vật này được này trên bàn, con vật tế được đặt sấp, thân phủ lên giá gỗ cao.


Lễ kết thúc, con vật được luộc chín và được mang trở lại Đình để làm lễ Túc yết.
Image

Lễ Túc yết: Thành viên của Ban tế mạc áo dài, khăn đóng truyền thống trong tư thế sẵn sàng, đứng thẳng hàng hai bên lễ sinh và đào thài - những người đào hát chúc tụng. Một lễ sinh bắt đầu xướng các nghi thức và các hương chức tuần tự thực hiện:
- Củ sát tế phẩm: kiểm lại đồ cúng.
- Tuần hương: dâng hương.
- Tuần rượu thứ nhất: dâng rượu lần nhất.
- Đọc văn tế chữ Hán: cầu nguyện thần Thành hoàng phù trợ sao cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an,...
- Tuần rượu thứ hai: dâng rượu lần hai.
- Tuần rượu thứ ba: dâng rượu lần ba.
- Hiến quả phẩm: dâng trái cây.
- Hiến bỉnh: dâng bánh.
- Tuần trà: dâng trà
- Ẩm phước: giống như lễ "thụ tộ" miền Bắc, tức Ban tế tự được thừa hưởng lễ vật đã dâng cúng, xem như đây như là lộc của thần ban.
- Hóa văn tế: có nghĩa đốt văn tế. Có đình giữ đến xong lễ đoàn cả mới đốt.

NGÀY THỨ HAI VÀ THỨ BA:

Lễ Xây chầu: Được cho là có từ thơi Vua Gia Long - bởi căn cứ vào lời chúc tụng. Nét đặc trưng của lễ Kỳ yên Nam Bộ là: Xây chầu, Đại Bội và Hát bội (hay cải lương). Cách xây chầu chia làm 3 loại: văn, võ, bán văn bán võ - thuận đạo trời (âm dương), an đạo đất (nhu cương), hòa đạo người (nhân nghĩa) - sự hòa hợp của 3 hình thức này thì vạn sự hanh thông, tốt đẹp. Có nhiều ý kiến cho rằng lễ Xây chầu được bắt nguồn từ Lễ Đại Bội trong cung đình của thời Nhà Nguyễn. Ngày nay Lễ Đại Bội gồm: 
Điềm hương - tướng mở của trời - có bộ (vũ đạo) rất mạnh (xem như sự chuyển động) mở bốn phương, tấn lên trên, ép xuống dưới - phân âm dương - trời và đất, tướng này khi xuất hiện cầm một bó nhang được đốt sẵn để khi kết thúc phần này nhang được một người đại diện trong hội Đình đón nhận đem lên bàn thờ thần - nên gọi Điềm hương là như thế.
Nhật nguyệt: Được xem là âm dương chuyển động, biến dịch rồi tương hợp - một nam và một nữ, nam cầm chén bịt trắng, nữ cầm chén bịt đỏ, sau nhiều điệu bộ rồi cụng hai chén lại với nhau 3 lần - âm dương tương hợp, điệu múa gọi là "xoang mặt".
Tam Hiền: Tượng trưng cho Phước, Lộc, Thọ. Phước tượng trưng bởi một ông quan đội mão thẻ ngang, mặc cẩm bào, râu đen dài, bồng một đứa trẻ con, ấy là có Phước. Lộc cũng là một ông quan đội mão, tay bưng hoa quả, ấy là có Lộc. Thọ, đầu râu bạc trắng, cầm gậy, ấy là được Thọ. Cả ba Ông đồng hát một bài hát chúc tụng mọi người. 
Tứ Thiên Vương: Là bốn vị tướng mặt trắng, đầu đội Kim khôi, mình mặc đai giáp, mang cờ lịnh như khi ra trận, đi hia, thắt dây lưng có hoa trước ngực, y như một kép võ còn trẻ - là Tứ trụ Thiên thần trấn 4 cửa trời (Đồng - Tây - Nam - Bắc) điều hòa “Lôi, Thủy, Hỏa, Phong”, (sấm, nước, lửa, gió). Bốn vị vâng lệnh Thượng Đế xuống chúc cho dân giàu, nước mạnh, thịnh vượng, thọ trường. Bốn vị có mang theo bốn câu liễn chúc là: 
Vạn thọ vô cương.
Phú hữu tứ hải.
Phong hòa võ thuận.
Quốc thới dân an v.v…

Các điệu múa thường là những “mường” vũ đạo căn bản trong nghệ thuật hát bội
Ngũ Hành: Hát bội gọi nôm na là “đứng cái đứng con”, một Nam đứng giữa là “CÁI”, bốn Nữ đứng bốn góc, gọi là“CON”. Nam: mặt trắng, áo cẩm bào vàng, đội mão “Cửu Long” (mão vua), tượng trưng cho màu Thổ và hành Thổ. Thổ thì ở Trung ương để điều hòa cả Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và điều hòa cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Bốn mùa có thuận hòa thì vạn vật mới được nẩy nở tốt tươi. Nữ: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa. 

Kim:- màu trắng—Mộc:- màu xanh—Thủy:- màu đen—Hỏa:- màu đỏ. Đây là sự điều hòa cả ngũ hành để sanh sanh hóa háo muôn loài muôn vật., đợt sau cùng của sự biến dịch của Thái Cực.
Gia quan: một vị “Thiên Thần”, mặc cẩm bào, đi hia, mang một cái mặt giả lớn gọi là “mặt gõ” tròn như mặt Địa. Vị thiên thần nầy do lịnh Ngọc Hoàng Thượng Đế sai xuống để “đội mão và phong chức tước” cho Linh Thần, sau khi đã cảm ứng về lời nguyện cầu của dân gian, hầu cho Linh Thần có đủ quyền uy mà thi hành nhiệm vụ
Hát chầu: ngày xưa là hát bội, ngày nay đa số hát cải lương tuồng cổ, có nơi hát bội, dù hình thức nào đi nữa nhưng cũng là biểu diễn các vở tuồng ca ngợi: hiếu, trung, chính, nghĩa ... trước là phụng cúng sau phục vụ bà con. Đêm cuối có lễ tôn vương hoặc tôn soái, tùy vào Đình hay miếu.

Image

Lễ Chánh tế hoặc Đàn cả: thường diễn ra vào ngày thứ hai hoặc thứ ba của Lễ Kỳ yên, với phần nghi thức như Lễ Túc yết vào giờ Tý - đây được xem là giờ "âm lão, dương khởi", tức là mọi điều tốt lành bắt đầu nảy sinh. Việc hành lễ tương tự như lễ túc yết, duy chỉ khác câu ở phần ẩm phước: lễ túc yết xướng: Nghinh thần cúc cung bái, thì ở lễ này xướng câu: Tạ thần cung cung bái.

Image

Lễ tế Tiền hiền, Hậu hiền: Lễ tế các vị tiền nhân có công lập làng, lập Đình, các anh hùng, chiến sỹ địa phương.
Lễ hồi sắc hay nối sắc: Tức là lễ đưa sắc thần về nơi cũ, lư hương của các vị trong lễ Nghinh cũng hoàn về nơi thờ phụng họ. Nghi thức diễn ra tương tự như khi thỉnh.

Lễ Kỳ yên - phần "lễ" chiếm phần quan trọng hơn phần "hội" - là dịp để bà con làng xóm tụ họp, trao đổi, chuyện trò, quần áo chỉnh tề đi tế lễ, lạy tạ, cầu mong cho Quốc thái dân an, an cư lạc nghiệp ... Các đối tượng cũng lễ bao gồm các thần linh chứ không riêng gì Thành hoàng bổn cảnh. Hát chầu cũng mang hình thức nghi lễ - nội dung nêu cao: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu và kết thúc có hậu.
Image

Vương Thoại Hồng

Tác giả bài viết: VƯƠNG THOẠI HỒNG

Nguồn tin: vuongthoaihong - www.cailuongvietnam.com