KIỆT TÁC SÂN KHẤU THẾ GIỚI: LÔI VŨ



Lôi Vũ (Giông Tố) viết năm 1933 là kịch phẩm của Tào Ngu đã gây chấn động dư luận Trung Hoa vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước.

Tào Ngu (1919-1996) là kịch gia tên tuổi của Trung Hoa, sinh ra trong một gia đình quan lại đã suy tàn. Ông học tiếng Anh, tiếng Pháp ở Đại học Thanh Hoa, đọc nhiều tác giả phương Tây, đặc biệt rất mê kịch và giỏi đóng kịch.

 

Ngay từ thuở mới lớn, ông đã chứng kiến nhiều cảnh xấu xa nhơ bẩn trong xã hội Trung Hoa phong kiến bán thuộc địa nên về sau ông đem những cảnh ấy vào trong Lôi Vũ. Cái mặt trái của xã hội gây cho ông nhiều nỗi đau buồn nên ông bất bình và căm thù cái xã hội bất công xấu xa ấy.

Lôi Vũ gây chấn động dư luận, được dịch ra tiếng Nhật rồi tiếng Anh nên được phổ biến khá rông rãi trên thế giới.

 

Câu chuyện của Lôi Vũ được kể tóm tắt như sau:

“Chu Phác Viên hồi còn trẻ yêu một người đầy tớ gái xinh đẹp tên Thị Bình và có với nàng hai đứa con trai. Đứa lớn tên là Chu Bình, đứa nhỏ còn nằm trong bụng mẹ. Sau vì muốn cưới một cô con gái nhà giàu, gia đình Phác Viên đuổi nàng đi, bắt lại Chu Bình rồi tung tin nàng đã chết.

 

Thị Bình nhảy xuống sông tự tử nhưng được cứu sống. Sau đó, nàng lấy người chồng khác là Lỗ Quý, một tên lưu manh, nghiện rượu, rất xảo quyệt và vô liêm sỉ, sinh được một đứa con gái tên là Lỗ Tứ Phượng. Còn đứa con riêng của nàng với Chu Phác Viên nằm trong bụng mẹ ngày nào, sau khi sinh được Lỗ Quý đặt tên là Lỗ Đại Hải.

 

Hơn 20 năm sau, tình cờ Lỗ Quý và Phượng cùng vào làm đầy tớ nhà Chu Phác Viên lúc này đã trở thành ông chủ mỏ, còn Lỗ Đại Hải thì làm công nhân trong mỏ của Phác Viên. Thị Bình vì bận đi làm ăn xa nên không hề hay biết.

 

Lúc này Phác Viên đã có vợ sau là Phồn Y, chỉ lớn hơn Chu Bình có 7 tuổi. Phồn Y còn trẻ, khao khát yêu đương mà Phác Viên thì đã già, tính tình khô khan, lạnh lung, khắc nghiệt. Phồn Y bèn tìm cách quyến rũ Chu Bình, con riêng của chồng. Lúc đầu Chu Bình cũng sốt sắng đáp lại tình nàng, nhưng về sau thì lạnh nhạt dần vì mặc cảm tội lỗi và cũng vì yêu Phượng, hơn nữa bấy giờ Phượng đã có thai với Bình.

 

Chu Xung, con của Phồn Y và Phác Viên, cũng yêu Phượng, nhưng không được nàng đáp lại.

 

Khi biết Chu Bình không còn yêu mình nữa, Phồn Y phẫn uất căm hờn, lồng lộn như con thú dữ bị dồn vào bước đường cùng, tìm cách phá phách cho hả giận rồi muốn ra sao thì ra. Trong môt chuyến về thăm nhà, Thị Bình được Phồn Y mời lại chơi và báo cho biết vì Chu Xung yêu Phượng nên buộc phải thôi việc.

 

Trong khi đó, Lỗ Đại Hải cầm đầu một cuôc đình công ở mỏ, về đặt yêu sách với Phác Viên. Do một sự tình cờ, Phồn Y biết Thị Bình là vợ trước của Phác Viên, là mẹ của Chu Bình, còn Đại Hải là con của Phác Viên và Thị Bình.

 

Vào lúc nửa đêm, trong khi Giông tố nổi lên dữ dội ở bên ngoài thì trong nhà Giông tố cũng nổi lên: lúc cả gia đình Lỗ Quý đang có mặt ở nhà Phác Viên và Chu Bình sắp dắt Phượng bỏ trốn thì Phồn Y gọi Phác Viên ra, vạch trần sự thật cho mọi người biết. Đã đến nước ấy, Phác Viên đành phải nói hết. Thế là Phác Viên, Thị Bình, Chu Bình, Đại Hải và Phượng phải đối diện nhau trong một hoàn cảnh hết sức bi thảm và đau xót. Mãi đến lúc đó, Chu Bình mới biết mình yêu em gái, Phượng mới biết mình có thai với anh ruột, Đại Hải mới biết lão chủ mỏ phải chịu trách nhiệm về vụ bắn giết thợ đình công và bị mình chửi rủa tàn nhẫn chính là cha đẻ của mình.

 

Đau đớn quá, Phượng lẻn ra ngoài, nắm một sợi dây điên đứt để tự tử. Nghe tiếng thét rùng rợn của Phượng, Chu Xung chạy ra, thấy nàng đã chết bèn ôm lấy nàng để điện giật chết theo. Đại Hải nhảy qua cửa sau chạy mất. Phác Viên gọi lại không được, chợt nhớ tới Chu Bình thì bỗng có tiếng súng nổ ở phòng bên. Phồn Y giật mình chạy qua xem rồi la thất thanh: Chu Bình chết rồi! Thị Bình bước được 2 bước rồi khuỵu xuống, ngã sấp trên sàn gạch.

 

Ngôi nhà của Phác Viên sau đó trở thành một dưỡng đường. Phồn Y và Thị Bình đều hóa điên và cùng dưỡng bệnh ở đấy. Trong màn giáo đầu, Phác Viên đến thăm Phồn Y ở trên lầu và trong màn kết, Phác Viên xuống tầng dưới thăm Thị Bình. Thị Bình không nhận ra người tình cũ nữa và đăm đăm nhìn ra cửa sổ mong Đại Hải trở về, nhưng đã 10 năm qua, Phác Viên cho người tìm kiếm khắp nơi mà không thấy Đại Hải đâu cả”.

 

Vở kịch có nhiều tình tiết dữ dội, diễn tiết rất nhanh, thắt rồi lại mở, mở rồi lại thắt, càng về sau nhịp độ thắt mở càng nhanh để rồi cuối cùng kết thúc một cách rất bi thảm với 2 người điên và 4 cái chết.

 

Trong vở Lôi Vũ, tác giả đã khéo léo dùng “Giông tố” của thiên nhiên ở ngoài trời để kích thích bản năng của con người, khiến cho “Giông tố” trong lòng người cũng nổi dậy và càng lúc càng thêm cuồng loạn đến mức kinh khủng.

 

Năm 1986, sân khấu 5B Võ Văn Tần nổi đình nổi đám với vở kịch Lôi Vũ của đạo diễn Hoa Hạ. Từ Lôi Vũ mà tất cả nghệ sĩ trong đó đều có những vai diễn để đời. Chu Phác Viên (Việt Anh), Thị Bình (Hồng Vân), Lỗ Tứ Phượng (Phương Linh), Chu Xung (Thành Lộc), Lỗ Đại Hải (Minh Hải), Phồn Y (Minh Trang), Chu Bình (Quốc Thảo), Lỗ Quý (Hữu Châu) đều là những ấn tượng khó có thể thay thế.

 

Đạo diễn Hoa Hạ trầm ngâm hồi tưởng: “Lúc đó thật lạ kỳ, dường như chúng tôi chỉ có mỗi một chuyện là ăn rồi đi tập tuồng chứ không làm bất cứ việc gì khác. Để hết tâm hồn, sức lực, thời gian cho vở kịch, sống ngất ngây với nhân vật, chừng như quên mất mình là ai”… “Nếu nghệ sĩ chịu ngồi với nhau máu lửa như vậy thì sẽ có tác phẩm đỉnh cao”.

An Nhiên

Tác giả bài viết: khangbang

Nguồn tin: BSK