Đến thời làm mới kịch xưa

kịch

kịch

Không chỉ giải quyết tình trạng thiếu kịch bản mới, làm mới vở diễn cũ là cách sáng tạo làm sống lại các giá trị cần thiết cho cuộc sống hôm nay

Vở kịch "Ngôi nhà không có đàn ông" (tác giả: Ngọc Linh) được đạo diễn Vũ Minh dựng lại trên sân khấu IDECAF đang gây sốt vé, khẳng định việc làm mới kịch bản cũ mang hơi thở cuộc sống hôm nay đang được khán giả đón nhận.

Kịch bản cũ, dấu ấn mới

Vẫn trên nền kịch bản của tác giả Ngọc Linh, "Ngôi nhà không có đàn ông", qua bản dựng của Vũ Minh, kể về một ngôi nhà luôn cấm cửa đàn ông. Người mẹ do thù hận người chồng lừa dối bà suốt thời gian chung sống với nhau nên bắt cô em gái và 3 đứa con gái (Xuân, Hạ, Thu) của mình cự tuyệt với đàn ông; trong khi đứa con gái tên Hạ sống mất phương hướng, yêu nhiều và đau khổ đến tuyệt vọng. Người mẹ đặt niềm tin vào cô gái út với mong muốn có được sui gia tử tế nhưng rồi Thu báo tin có thai và sau đó bỏ trốn theo tiếng gọi trái tim. Người mẹ đã kịp nhận ra vì sự thù ghét đàn ông của bà mà làm khổ bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Khi được dựng lần đầu tại Sân khấu nhỏ 5B (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM), "Ngôi nhà không có đàn ông" đã từng làm thổn thức biết bao người xem. Tuy nhiên, điểm nổi bật trong bản dựng mới chính là tính phản biện đối với những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống hôm nay mà đạo diễn Vũ Minh đã lồng ghép một cách sinh động, làm bật lên tính tư tưởng của vở diễn: Nên phá bỏ những rào cản do lòng thù hận sinh ra đã khiến con người không vươn tới hạnh phúc. Những câu hỏi cũng được đặt ra buộc người xem suy nghĩ để tìm câu trả lời cho mình: Con người sẽ làm gì khi đối mặt với những điều bất tín trong tình yêu? Liệu hạnh phúc có bền vững khi người ta sống thiếu chân thành?

Đến thời làm mới kịch xưa - Ảnh 1.

Cảnh trong vở kịch "Ngôi nhà không có đàn ông" trên sân khấu IDECAF Ảnh: Trần Tiên Dũng

Một vài cảnh diễn mới và nhân vật mới được sáng tạo nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của thông điệp vở diễn. Đó chính là bà mẹ không thể buộc Thu phải sống như bà. Giấc mơ người chồng hiện về hối lỗi và chỉ ra cho bà cái sai trong cách giáo dục con. Nếu ở bảng dựng cũ, vở chỉ được khai thác khía cạnh bà mẹ ban lệnh và kiểm soát lối sống của các con thì ở bảng dựng mới, các con của bà đã phản kháng lại mệnh lệnh của mẹ, chọn hướng đi cho cuộc đời mình. Cảnh người dì lỡ thời quăng chiếc áo cưới cho Xuân, hối thúc cô nhận lời cầu hôn của bạn trai hoặc cảnh chàng thanh niên sống nghèo khó bằng nghề sửa xe nhưng dám đương đầu với cuộc sống để xây dựng hạnh phúc với Thu đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả.

Vở diễn khép lại với thông điệp mới: Thời nay, con người hiểu và nâng niu hạnh phúc bằng nhiều cách nhưng tình yêu không thể mua bằng tiền, chiếm đoạt. Ngôi nhà hạnh phúc phải có đàn ông, đàn bà và có tiếng khóc, cười của trẻ thơ.

Thời của kịch cũ quay lại

Dựng mới kịch bản cũ đang là phương cách giúp các sân khấu kịch giải quyết tình trạng thiếu kịch bản trầm trọng hiện nay. Thế nhưng, nếu chỉ thay đổi diễn viên, cảnh trí, trang phục mà không chú tâm đến tính thời đại, hơi thở cuộc sống hôm nay của câu chuyện kịch thì xem ra chỉ là mong ăn nhờ vào hào quang của vở diễn trong quá khứ.

Vì thế nội dung câu chuyện và đường dây kịch bản "Ngôi nhà không có đàn ông" gần như thay đổi từng cảnh diễn. Việc làm mới vở cũ đã được đạo diễn Vũ Minh tập trung từ không gian sân khấu đến tạo hiệu ứng tương tác với người xem khi lồng vào những vấn đề thời sự của cuộc sống hôm nay. Đó chính là then chốt làm nên thành công của việc dựng lại kịch cũ.

 

Những kịch bản văn học xưa có thể làm thổn thức người xem hôm nay, đang cần các sàn diễn dựng lại như: "Giấc mộng kê vàng", "Ngôi nhà của chúng ta", "Ngôi nhà không có đàn bà", "Thần tượng thật", "Lò heo quay", "Xa thành phố yêu dấu", "Đôi bông tai", "Sợi dây đai"... Theo đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, việc dựng mới những kịch bản cũ đã từng thu hút khán giả trong giai đoạn này sẽ nhắc nhở các sàn kịch giữ sự nghiêm túc trong dàn dựng, thuần Việt trong phong cách diễn xuất, không để lai căng cách diễn, cách chọc cười của game show vào sân khấu kịch. 

Nhiều cách thức

Năm nay, các sân khấu kịch tại TP HCM có đến 20 vở kịch cũ được dựng lại bằng phiên bản mới. Ði đầu là Sân khấu Hoàng Thái Thanh, sau đó là Sân khấu IDECAF, Kịch Sài Gòn, Kịch Phú Nhuận, Sân khấu Trịnh Kim Chi, Sân khấu số 7 Trần Cao Vân… Sàn diễn 5B dù tạm ngưng hoạt động nhưng vở cũ của sàn diễn này là "Tình lá diêu bông" đã được Nhà hát Thế Giới Trẻ trưng dụng.

"Theo tôi, nếu biết khai thác "diễn viên quen mặt" qua sóng truyền hình thì các sàn diễn sẽ có một nguồn diễn viên mới khiến khán giả muốn đến xem để biết "thần tượng" của họ vào vai kịch như thế nào. Đây cũng là yếu tố cần thiết hiện nay khi dựng lại kịch bản cũ bên cạnh việc dung nạp tính thời sự" - NSND Hồng Vân phân tích. Bà cho biết vở "Làm" (dựa theo tác phẩm văn học của Vũ Trọng Phụng) tái dựng trên Sân khấu kịch Phú Nhuận với dàn diễn viên mới này đã thu hút đông khán giả. Hiện nay, các sân khấu kịch cũng đang làm mới một số kịch bản cũ theo phương thức này.

Thanh Hiệp

Nguồn tin: tcgd theo NLĐ