1. NSND Phạm Văn Khoa là bậc trưởng lão của điện ảnh Việt Nam. Những bộ phim “Kén rể”, “Khôn dại”, “Chị Dậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Sẽ đến một tình yêu” là một phần không thể thiếu làm nên danh tiếng của ông. Thuở còn trẻ, niềm đam mê nghệ thuật đã cháy bỏng trong tâm hồn, để ông thường xuyên tham gia các đoàn kịch: Thế Lữ, Hoa Lan, rồi có mặt trong Đoàn kịch Chiến thắng cùng Thế Lữ, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ, Song Kim v.v… phục vụ bộ đội trong kháng chiến chống Pháp. Ở chiến khu, ông làm chủ nhiệm báo Cờ giải phóng, rồi làm Báo Sự thật v.v…
Đạo diễn Phạm Văn Khoa là một trong những nghệ sĩ lão thành đặt viên gạch nền móng cho điện ảnh cách mạng Việt Nam. Năm 1955, ông cùng đạo diễn danh tiếng Roman Karmen (Liên Xô) thực hiện bộ phim tài liệu “Việt Nam” - cuốn biên niên sử về cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Khi ngành điện ảnh thành lập, ông trở thành Giám đốc Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh đầu tiên, kiêm TBT báo Điện ảnh, trước khi là Giám đốc Xưởng Phim Việt Nam.
Năm 1958, sự nghiệp đạo diễn phim truyện của ông bắt đầu bằng bộ phim “Vườn cam”, phản ánh chân thực vấn đề xã hội khi đó là phong trào hợp tác xã nông nghiệp. Ngay sau đấy, ông tiếp tục gây tiếng vang với bộ ba phim về đề tài chiến tranh: “Lửa trung tuyến”, “Lửa rừng” và “Lửa”, trong đó, “Lửa trung tuyến” được trao Bằng khen tại LHPQT Matxcơva và Bông sen bạc tại LHPVN 1973.
Với những bộ phim hài hước, hóm hỉnh, phê phán tệ tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ: “Sau cơn bão”, “Kén rể”, “Khôn dại” v.v..., ông đã trở thành người khơi nguồn thành công dòng phim hài Việt Nam. Đặc biệt, hai tác phẩm nổi tiếng trong sự nghiệp điện ảnh của ông, cũng là những dấu mốc của điện ảnh Việt Nam: “Chị Dậu” giành Huy chương vàng tại LHPQT Nantes tại Pháp và “Làng Vũ Đại ngày ấy” đã có mặt tham dự tại LHPQT ở Hawaii.
Năm 1984, ông nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt 1 (1984) và Huân chương Độc lập hạng 3 năm 1985. Với 3 tác phẩm đã giành các giải thưởng, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2007.
|
Đạo diễn Phạm Văn Khoa với các diễn viên trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy. |
Bằng những tác phẩm đặc sắc của mình, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã ghi vào nền điện ảnh cách mạng Việt Nam một dấu ấn riêng sừng sững không thể phủ nhận. Đó là phong cách làm phim chân thật, gần gũi, phản ánh sâu đậm hiện thực cuộc sống bằng tâm huyết, bằng lao động nghệ thuật hết mình và giàu sáng tạo, cẩn trọng trong từng hình ảnh, từng chi tiết với cách tiếp cận khán giả thật gần gũi.
Đạo diễn, NSƯT Nhuệ Giang chính là kết quả tình yêu của người đạo diễn lớn Phạm Văn Khoa với nghệ sĩ sân khấu Bích Châu. Môi trường nghệ thuật ăm ắp ấy đã nuôi dưỡng niềm đam mê điện ảnh một cách thầm lặng và mạnh mẽ trong Nhuệ Giang.
Để rồi, xứng đáng là ái nữ của một đạo diễn tên tuổi, chị đã có một “gia tài” đủ để tự hào: phim “Thung lũng hoang vắng” (Bông sen bạc tại LHPVN; giải B của Hội Điện ảnh Việt Nam và giải Fipresci tại LHPQT Melbourne), “Tâm hồn mẹ” (giải thưởng của BGK tại LHPVN 17 và diễn viên Phùng Hoa Hoài Linh giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHPQT Dubai), “Khoan nói lời yêu thương” (Cánh diều vàng cho phim; giải Đạo diễn phim truyện video xuất sắc và giải Nam diễn viên chính xuất sắc thể loại phim truyện video v.v…), “Bỏ trốn” (giải B của Hội Điện ảnh), “Lạc lối” (Cánh diều bạc) v.v…
Bộ phim nào của đạo diễn Nhuệ Giang cũng đều chan chứa tâm hồn nhân hậu với cuộc sống. Chị luôn đi sâu phản ánh những thân phận nhỏ bé, hay chịu nhiều tổn thương của xã hội và làm sáng rõ tâm hồn đẹp đẽ của họ, từ đó, cất lên tiếng nói yêu thương, mong muốn mọi người cùng cảm thông, chia sẻ.
Những bộ phim chị làm hợp tác với chồng, NSND Nguyễn Thanh Vân, cũng đều rất thành công. Họ đã cùng nhau làm gần 10 bộ phim. Khi anh làm đạo diễn thì chị làm phó cho anh và ngược lại. Chị từng lăn lộn với nắng cát miền Trung khi anh làm phim “Đời cát”. Cũng nhờ “con mắt xanh” của chị, anh mới có được diễn viên Mai Hoa góp phần quan trọng cho thành công của phim.
2. Bố chồng của NSƯT Nhuệ Giang, chính là NSND Hải Ninh, một tên tuổi đã gắn với lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam với những tác phẩm mãi mãi là niềm tự hào: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (giải thưởng của Hội đồng hoà bình thế giới, Giải quốc tế tại LHPQT Maxcơva; “Em bé Hà Nội” (Giải quốc tế và Giải thưởng đặc biệt của Hội đồng Giám khảo LHPQT); “Mối tình đầu” (Giải nhất UNESCO và Giải bạc LHPQT tân hiện thực); “Thành phố lúc rạng đông” giành Giải thưởng lớn Bồ câu vàng tại LHPQT Lai-xich v.v…
Mỗi bộ phim của ông đều là những tác phẩm sử thi hoành tráng, phản ánh chân thực nhiều vấn đề trọng đại của lịch sử dân tộc trong giai đoạn đất nước còn chia cắt. Không chỉ thế, các tác phẩm của ông còn mang tầm tư tưởng lớn lao, là tiếng nói của nhân loại và cả giá trị lịch sử.
|
Cha con NSND Hải Ninh - NSND Thanh Vân. |
Suốt những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, NSND Hải Ninh đã lăn lộn dưới đạn bom ở các vùng tuyến lửa miền Trung, để thâm nhập thực tế và đó chính là chất liệu để ông tạo nên những tác phẩm điện ảnh lớn. Tôi từng hỏi ông lúc sinh thời, bí quyết nào để làm nên những bộ phim mang giá trị vượt thời gian ấy, người nghệ sĩ lớn đã chia sẻ: “Đó là lòng yêu nước luôn ngời sáng trong tôi, là sự đam mê nghề nghiệp đến khắc khoải, dám hy sinh và chấp nhận lao động cực nhọc để sáng tạo, đi đến thành công. Đó cũng là sự trau đồi không ngừng kiến thức, học vấn để làm cơ sở sáng tạo nghệ thuật và là vốn sống phong phú để phản ánh chân thật hiện thực”.
“Người cha suốt đời nồng nhiệt với điện ảnh, thành thật với điện ảnh và hết mình với điện ảnh” đã có ảnh hưởng lớn đến con trai, NSND Nguyễn Thanh Vân. Do điều kiện chiến tranh, cậu bé Vân phải theo cha đi khắp mọi miền trong các chuyến làm phim và đã hiểu được những vất vả, nhọc nhằn, cũng như niềm vui, hạnh phúc của nghề đạo diễn, để mà yêu và dám dấn thân. Nhưng đạo diễn Nguyễn Thanh Vân luôn tìm cho mình con đường đi riêng, bằng sức sáng tạo bứt phá của thế hệ nghệ sĩ điện ảnh thứ 2.
Nếu cha anh, NSND Hải Ninh thiên về những bộ phim chứa đựng các vấn đề lịch sử đất nước với chất anh hùng ca, thì NSND Nguyễn Thanh Vân lại đi sâu khai thác các góc khuất của thân phận con người với âm hưởng trầm buồn. Những rung cảm cá nhân luôn thôi thúc anh đốt mình cùng nghệ thuật: “Với tôi, điều quan trọng nhất để làm phim là phải thực sự rung cảm với câu chuyện, với vấn đề mình muốn kể. Làm phim là sự phơi mình trước mọi người qua tác phẩm”.
Cái mà anh hướng tới, là những tác phẩm làm lay động tâm hồn. Luôn đi vào những vấn đề rất đời thường với cái nhìn nhân bản, mỗi tác phẩm của anh đều là tiếng nói của nhân tâm, kéo gần hơn sự cảm thông giữa con người với con người. Anh luôn phát hiện ra những khía cạnh của đời sống, để chia sẻ và thể hiện cảm xúc của mình, bằng ngôn ngữ biểu hiện riêng.
Nguyễn Thanh Vân cần mẫn cóp nhặt, chắt chiu từng hình ảnh, từng chi tiết, bằng cả tâm huyết và trách nhiệm. Tài năng, sức sáng tạo tràn trề, cùng sự đồng cảm sâu sắc trước những số phận, đã làm nên những tác phẩm với ý tưởng nghệ thụât táo bạo, thấm đẫm tính nhân văn, trong lối kể chuyện giản dị, nên các tác phẩm của anh đã chạm được tới góc sâu thẳm của trái tim. Đó là lý do để thành công liên tiếp đến với anh.