Sân khấu không tồn tại nếu không có khán giả

Sân khấu không tồn tại nếu không có khán giả

Với tôi, khi mới bắt tay vào với một loại hình sân khấu nào khác kịch nói, cũng có những khó khăn nhất định. Tôi vừa làm, vừa học, vừa lắng nghe để rồi trở nên quen tay đến thành thạo. Làm phim truyền hình vất vả hơn sân khấu nhiều nhưng mà cũng rất vui...

Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Tp HCM - là một người luôn đau đáu, trăn trở với sân khấu nước nhà. Mấy chục năm gắn bó với sân khấu với nhiều vở diễn nổi tiếng như "Huyền thoại một tình yêu", "Những khoảng cách còn lại", "Bến xưa", "Biển bờ", Rồng phượng", "Trên cả trời xanh"... mới đây, NSND Trần Ngọc Giàu đã ra Hà Nội để dựng vở "Hồn ma báo oán" cho Đoàn Kịch nói CAND và "Chuyến tàu tốc hành trong đêm" cho Nhà hát Kịch Quân đội. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng, hiện mình vẫn có "món nợ" với sân khấu cần phải trả...

- Thưa đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu, xin ông chia sẻ đôi điều về vở "Chuyến tàu tốc hành trong đêm" mà ông đang dựng cho Nhà hát Kịch Quân đội?

+ Đây là vở diễn đầu tiên tôi làm việc với Nhà hát Kịch Quân đội. Cũng nói thật là tôi bây giờ tuổi cũng cao, việc đi lại nhiều lần giữa Hà Nội và Sài Gòn để dựng vở đã khiến tôi ngần ngại. Nhưng rồi do NSƯT Minh Hằng - Giám đốc Nhà hát Kịch Quân đội mời nhiệt tình quá nên tôi đã nhận lời. Kịch bản "Chuyến tàu tốc hành trong đêm" của anh Xuân Đức là một vở diễn phản ánh những khoảnh khắc của chiến tranh, những câu chuyện trên chiến trường và sự hy sinh của những người chiến sĩ. Nó cũng phản ánh sự đối mặt của người lính với cuộc đời, mà trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ cũng xử sự như một người lính: vun đắp cho cuộc đời này tốt đẹp hơn.

- Được biết, vở diễn "Hồn ma báo oán", kịch bản sân khấu với đề tài kinh dị của Vương Huyền Cơ do ông dàn dựng cho Đoàn Kịch nói CAND đã tạo được sự chú ý với công chúng phía Nam và Thủ đô. Ông có nhận xét gì về sự trưởng thành của Đoàn Kịch nói CAND?

+ Trước "Hồn ma báo oán", tôi có dựng cho Đoàn Kịch nói CAND vở "Quỷ", cũng của tác giả Vương Huyền Cơ. Theo tôi, Đoàn Kịch nói CAND cũng là một đơn vị nghệ thuật khá… nhạy bén. Họ biết cách kết hợp hài hòa giữa việc phục vụ nhiệm vụ chính trị với yếu tố thị trường và tôi đánh giá cao điều này. Những vở diễn của Đoàn Kịch nói CAND thường xuyên đề cập tới các vấn đề an ninh xã hội, trong đó nhấn mạnh luật nhân quả, sự cắn rứt lương tâm, sự trừng phạt…

- Vừa qua, ông có dựng cho Đoàn Dân ca Nghệ An vở ca kịch "Đường đua trong bóng tối" chuyển thể từ vở kịch nói "Đường đua trong bóng tối" đã từng được dàn dựng trên sân khấu của Đoàn Kịch nói CAND. Đây vốn được xem là một vở kịch chính luận, việc chuyển thể thành ca kịch có khiến nó mất đi "kịch tính" vốn có của vấn đề mà nó đề cập?

+ Mỗi loại hình sân khấu đều có một lợi thế riêng. Theo tôi, kịch tính của vấn đề trong kịch bản vẫn giữ được. Ca kịch còn có tác dụng làm "mềm hóa" nó đi, khiến cho kịch bản không bị khô, người xem cũng dễ tiếp nhận hơn.

- Là người "chuyên canh" với sân khấu miền Nam, lâu nay ông có sự so sánh nào về tương quan giữa sân khấu miền Bắc với sân khấu miền Nam?

+ Theo chủ quan của tôi thì hoạt động sân khấu miền Nam luôn sôi nổi hơn, có tính giải trí cao hơn, xuất phát từ nhu cầu công chúng. Khi chọn vở để dựng, các nhà sản xuất luôn quan tâm tới yếu tố "khán giả cần gì" và họ làm mọi việc từ đầu tư kinh phí, truyền thông, quảng cáo… để vở diễn thu hút được nhiều người xem. Còn sân khấu miền Bắc xuất phát từ cơ chế nhà nước nên khi chọn thường cân nhắc xem "kịch bản nói gì", tính tư tưởng của nó là gì và dường như họ không quan tâm lắm đến việc có người xem hay không, thậm chí là coi việc dựng vở để hoàn thành kế hoạch. Vì thế, mỗi vở diễn là luôn khép kín hơn, các đơn vị âm thầm dựng vở, không quan tâm lắm tới việc có bán được vé không hay làm thế nào để bán được vé nên đương nhiên là ít hiệu quả hơn.

Tôi cho rằng, một nhiệm vụ chính trị nào đó trong vở diễn chỉ được hoàn thành khi nó có người xem, có khán giả tiếp nhận chứ không thể dừng ở mức hoàn thành chỉ tiêu. Ngược lại, một vở diễn được coi là hoàn thành nhiệm vụ chính trị khi đưa đến cho khán giả một đêm giải trí sảng khoái, để hôm sau họ làm việc tốt hơn, yêu mến cuộc sống hơn. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, sân khấu phía Nam chạy theo tính giải trí nhiều quá, nhưng theo tôi đó chỉ là quan niệm của mỗi người. Có một điều rõ ràng là: "Sân khấu sẽ không tồn tại nếu như không có khán giả". Và có một ý nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu anh muốn nói một điều gì đó, anh phải có cách nói hợp lý thì mới có người nghe. Nếu ý của anh rất hay mà không có cách nói thuyết phục thì khán giả sẽ không chịu ngồi nghe, thậm chí là không thèm đến nghe nữa.

- Theo quan điểm của cá nhân ông, nguyên nhân căn bản của sự khác biệt giữa sân khấu hai miền mà ông vừa nói là do đâu?

+ Như tôi đã nói ở trên, khi đầu tư một vở diễn mới, sân khấu miền Nam luôn nhắm tới nhu cầu của khán giả, xem có bán được vé không thì mới bỏ tiền ra dựng vở. Tôi chưa bàn đến một vở diễn có trí tuệ hay không trí tuệ mà nói đến việc một vở diễn có tác động xã hội hay không. Bây giờ khán giả cùng lúc có thể lựa chọn nhiều phương tiện giải trí và họ phải bỏ tiền ra để được giải trí, vì thế họ cũng có lựa chọn riêng của họ và tôi cho rằng sự lựa chọn của họ khi đã bỏ tiền ra là mua được thứ mình cần. Đồng thời, với sân khấu miền Nam, người nghệ sĩ ăn lương trong từng sô diễn và nhiều nghệ sĩ đã thực sự sống được bằng nghề. Ngay cả với đạo diễn cũng vậy. Nghề nuôi được họ, thì họ sẽ có sự cống hiến, đầu tư nhất định đối với nghề diễn. Còn với sân khấu nhà nước ở miền Bắc, nếu không có vở thì nhiều khi nghệ sĩ cũng vẫn được lãnh lương, dù đồng lương đó có thể không đủ nuôi sống họ thì họ lại làm thêm nghề khác, việc khác. Hơn nữa, vở diễn lại được Nhà nước đầu tư tiền để dựng hằng năm, nên có thể họ nghĩ cũng không cần thiết việc phải sinh lời trên đồng vốn mà Nhà nước đã bỏ ra chăng?

- Thưa NSND Trần Ngọc Giàu, vậy thì đang quen tay với những vở diễn hướng nhiều đến tính giải trí, ra miền Bắc dựng vở ông lại "vấp phải" những vở diễn có tính chính trị cao như "Chuyến tàu tốc hành trong đêm", ông có thấy mình gặp khó khăn không?

+ Khi làm việc với sân khấu phía Bắc, tôi thường nói với người có trách nhiệm ở các đoàn rằng: "Tôi là người Sài Gòn, hãy cho phép tôi được "Sài Gòn hóa" những vấn đề trong vở diễn, dù vấn đề có căng thẳng đến đâu tôi cũng muốn được nhìn nhận, giải quyết nó theo cách nhẹ nhàng, hài hước kiểu Sài Gòn".

- Có một thực tế là, hiện nay sân khấu đang khủng hoảng thiếu đội ngũ đạo diễn kế cận, nhưng lại tồn tại một nghịch lý là trong khi các đạo diễn già làm không hết việc thì các đạo diễn trẻ lại rất khó khăn khi tiếp cận một vở diễn. Hai vấn đề này hẳn có liên quan với nhau chứ, thưa ông?

+ Tôi cho rằng, sự thiếu hụt đội ngũ đạo diễn sân khấu kế cận hiện nay chúng ta phải nhìn lại một cách nghiêm túc về công tác đào tạo cũng như môi trường làm việc của sân khấu. Ở miền Nam, đạo diễn trẻ có nhiều cơ hội hoạt động nghề nghiệp tốt hơn, do nhiều đạo diễn trẻ sau khi làm vở tốt nghiệp thì sẽ đem những vở diễn của mình "tiếp thị" đến các nhà hát và họ có cơ hội được đón nhận. Nhưng cũng có một bộ phận đạo diễn trẻ, do sự năng động của sân khấu Sài Gòn đã cuốn họ đi theo khuynh hướng thị trường, "sân khấu cà phê" lúc tài năng chưa chín nên rất dễ bị mai một. Trong khi đó, việc này ở sân khấu miền Bắc lại cực kỳ hiếm hoi. Sân khấu miền Bắc ít dựng vở hơn, và vì thế khi dựng một vở mới hoặc một vở để đi dự liên hoan sân khấu, họ tìm đến với những tên tuổi "đảm bảo" nên đạo diễn trẻ ít - thậm chí là không có cơ hội để thể hiện mình.

- Ba mươi năm gắn bó với sân khấu với trên 200 vở diễn ở đủ các thể loại: kịch nói, chèo, tuồng, cải lương, dân ca…, gần đây ông lại chuyển sang làm cả phim truyền hình và phim truyện nhựa. Ông thấy loại hình nào với ông là khó hơn cả?

+ Với tôi, khi mới bắt tay vào với một loại hình sân khấu nào khác kịch nói, cũng có những khó khăn nhất định. Tôi vừa làm, vừa học, vừa lắng nghe để rồi trở nên quen tay đến thành thạo. Làm phim truyền hình vất vả hơn sân khấu nhiều nhưng mà cũng rất vui.

- Đến và ở lại với sân khấu, có lúc nào ông nghĩ rằng nếu được chọn lại ông sẽ không chọn sân khấu không?

+ Tôi luôn tâm niệm rằng, mình có nợ với sân khấu và có nợ thì phải trả. Vì thế, lúc nào tôi cũng muốn níu lấy cái "nghiệp" của mình. Tôi cũng cho rằng, tôi được "tổ đãi", mọi thứ mình có được là từ sân khấu nên luôn cảm thấy sự biết ơn đối với nghề này. Trước đây, có năm tôi dựng hàng chục vở, nhưng giờ đây có tuổi, một năm dựng dăm ba vở là cũng thấy mệt rồi. Nhiều khi cũng không muốn nhận lời mời dựng vở nữa. Nhưng đã trót mang nghiệp vào thân rồi… (cười).

- Xin cảm ơn NSND Trần Ngọc Giàu!

Hà Anh (thực hiện)

Tác giả bài viết: khoi

Nguồn tin: CAND