HỒI KÝ CỦA NAM NGHỆ SĨ MINH CẢNH : NHỮNG NĂM THÁNG QUA MAU...

HỒI KÝ CỦA NAM NGHỆ SĨ MINH CẢNH : NHỮNG NĂM THÁNG QUA MAU...


Trong những năm đầu của thập niên 1960, kéo dài đến những ngày cận giải phóng, với những bài ca cổ: Tu Là Cội Phúc, Sầu Vương Ý Nhạc, Em Bé Đánh Giầy, Lòng Dạ Đàn Bà, Võ Đông Sơ, Lưu Bình Dương Lễ, Quán Gấm Đầu Làng... và 1 số vở cải lương: Dốc Sương Mù, Máu Nhuộm Sân Chùa, Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn, Đêm Lạnh Chùa Hoang... giọng ca của nam NS Minh Cảnh đã vút cao, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng người nghe và xem, đã sớm đưa tên tuổi của Minh Cảnh vào hàng tài danh trong làng kịch nghệ miền Nam thời ấy.



Sau ngày hòa bình lập lại, Minh Cảnh vẫn được giới trẻ yêu thích cải lương cả nước biết đến qua làn hơi thiên phú có 1 không 2 này thông qua các đài phát thanh của TP và các tỉnh hoặc là sự xuất hiện của anh trên các sân khấu: Sông hậu, Viên An, An Bình, Hồng Cảnh, Thiên Cảnh... Thế nhưng anh ''đến rồi đi" với người mộ điệu bất chợt. Thế hệ trẻ yêu thích SK vừa được diện kiến anh, chưa biết rõ về anh thì anh lại mất hút (dù báo KTP đã có giới thiệu anh trong trang "Đời Thường và Cuộc sống nghệ thuật").
Cho đến hôm nay, nhiều người đã gởi thư về tòa soạn muốn biết thêm về anh: hiện giờ ở đâu, có còn hoạt động trên SK nữa không?-Trong 1 lần về miền tây công tác vào đầu tháng 3-93, tôi đã gặp lại Minh Cảnh tại điểm Sóc Tréc(tỉnh an giang), trên SK đoàn cải lương Hoa Anh Đào-An Giang(đêm đó anh có mặt từ đầu đến cuối trong vở Máu nhuộm sân chùa qua vai Trần Trị Tâm). Tôi đã trao đổi với anh về ý niệm của 1 số độc giả như thế, được phép anh, tôi xin trích 1 số đoạn chính trong hồi ký: "Những năm tháng qua mau" của anh để giới thiệu với bạn đọc của báo SK trong số này.

NHỮNG NĂM THÁNG QUA MAU...

Mới đó mà đã trên 30 năm- kể từ ngày tôi đến với SK cải lương và vụt chốc nổi danh. Thời gian qua nhanh quá, đến nổi mình chưa kịp nhìn lại mình.
Để có được chổ đứng vững chắc và có tên tuổi trong làng kịch nghệ miền nam thời ấy chẳng dể chút nào. Tôi đã may mắn được nằm trong lớp những người nghệ sĩ được khán giả mến chuộng cải lương khắp nơi biết đến và yêu thích. Nhiều người đã tặng tôi những danh hiệu khá kêu như: giọng ca có 1 không 2, 1 làn hơi thiên phú, độc đáo, người khai phá ra cách ca tân thời, người sáng lập ra trường phái ca dài hơi... Nhưng cũng không ít người phản bác, cho là lối ca của tôi đã phá hỏng bài ca vọng cổ(?) - Hãy dành vấn đề này cho lịch sử SK phán xét. Còn đã là NSSK ai mà thoát ra khỏi qui luật khen chê bao giờ. Đối với tôi phải biết làm gì để giữ phẩm chất của 1 người NS và làm sao cho thật xứng đáng với sự ngưỡng mộ của quý ân nhân khán giả- những người nuôi sống tôi và gia đình tôi. Cho nên tôi đã dồn hết tâm trí cho chí hướng đó và tôi đã được bà con khán giả khắp nơi đáp lại 1 cách nồng hậu.

Có thể nói suốt cuộc đời tôi là chuổi ngày tháng phiêu bạt. Từ Cà Mau đến nhiều tỉnh, từ nông thôn đến thành thị, từ núi rừng cao nguyên đến biển cả mênh mông...lời ca tiếng hát của tôi đã góp phần làm đẹp cho đời. Đất nước thống nhất, tôi lại có dịp đến với bà con bằng con đường lưu diễn của mình. Ở những nơi đó, tôi đã có dịp biết đến những cảnh đẹp của quê hương, biết được những tập quán và con người từng địa phương. Bao giờ đến cũng được bà con khán giả đón chào với tình cảm thân thiết như 1 người thân từ phuơng xa mới về. Họ dành nhau để kéo tôi về nhà ở. Những lúc này tôi phải thật khéo léo để chối từ. Bởi nếu không, nhận lời người này mà từ chối người khác thì họ sẽ dổi hờn, trách cứ. Có lúc nhà tôi trú tạm là 1 ngôi nhà lá còn nguyên vẹn nhưng khi tôi rời khỏi thì ngôi nhà đó đã trở nên tơi tả vì khán giả hâm mộ quá sức, muốn nhìn thấy mặt tôi nên họ tranh nhau vạch lá để nhìn. Riết rồi ngôi nhà lành thành loang lỗ, xiêu vẹo. Nhưng chủ nhà không vì thế mà buồn lòng. Trái lại họ còn hãnh diện vì nhà họ ở có N trú ngụ. Tình cảm này tôi bắt gặp nhiều nhất là ở miền trung. Mỗi lần tôi đến ở, họ thường làm gà làm vịt rồi mời bà con lối xóm đến chung vui như ngày hội. Thú thật từ lâu tôi đã ăn chay và kiêng cử dùng thịt của 12 con giáp cho nên lúc đó chỉ thành thật khai báo để bà con thông cảm kẻo không họ mời mà mình không dùng là họ buồn, họ trách. Nhiều khán giả vẫn thường ghé thăm và tặng tôi các loại đặc sản tùy theo vùng mà họ có như: thịt rừng, móng cọp, mật ong, gỗ quý, những con cá mà tôi chưa bao giờ thấy tới... Họ tặng hàng khối nhiều đến nổi cả gia đình tôi ăn cả tháng cũng không hết. Tội nghiệp nhất là có những cụ già 7,8 chục tuổi nhà ở xa cả chục cây số cũng tìm tới tặng tôi 1, 2 trái dừa để dùng lấy thảo. Có cụ nói: má nay đã gần 80, gần đất xa trời mới thấy mặt con má có chết cũng vui. Cụ khác thì bảo: thằng Minh Cảnh là thằng nào, cho tao gặp 1 chút- dạ con đây!- bà cụ nắm tay tôi: con đây hả cảnh, má ... má vui lắm. Rồi bà nghẹo ngào, thừ người ra mà không nói được lời nào cả. Bạo dạn nhất là các em thiếu nhi. Ôi thôi, gặp tôi là chúng nắm tay kéo lui kéo tới, đứa thì hôn, đứa ngắt vai, đứa véo mông, bẹo mặt... ríu rít như 1 đàn chim: chú ơi, tối nay chú hát hết tuồng nha,không có là tụi con bắt đền chú đó! Những người dân tộc thì thật là nhút nhát. Họ đứng cách xa tôi chừng vài chục mét, nhìn tôi rồi cười. Trong ánh mắt của họ, biểu lộ những tình cảm chân thật. Tôi vẫy tay mời họ lại chơi. Họ nhìn nhau cười bẽn lẽn rồi nói với cái giọng lơ lớ: tụi ... tui...mê... anh...hát...lắm...anh...minh...cảnh...ơi!Rồi họ thụt lùi. Một lúc sau rồi họ cũng bước tới nhưng vẫn giữ 1 khoảng cách như ban đầu, chỉ nhìn tôi mà cười thôi. Các cô thiếu nử thường lén coi tôi hóa trang. Vãn hát, họ canh me tôi về nhà rón rén từng tốp năm ba cô bước theo tôi hỏi chuyện. Có cô đánh bạo đến vổ vai tôi 1 cái rồi chạy mất hút. Trong tốp có cô nói: con nhỏ đó mê chú hát lắm nên nó bạo gan đến làm quen chú đó, nó mắc cở chạy mất tiêu rồi, chú đừng giận nó nhé. Các cậu thanh niên thì bày tỏ tình cảm 1 cách công khai: gặp tôi đâu là họ đón đường để hôn cho bằng được, có lúc ngộp muốn chết. Nhất là khi gặp mấy tay say rượu thì cực khổ vô cùng. Họ bắt tôi ca cho bằng được mới chịu cho đi. Tuy nhiên cũng có người biết chuyện, tìm cách khuyên giải"bọn mình" nên dừng lại và thế là cậu ta tranh thủ hôn tôi 1 cái rồi bái bai hẹn mai gặp tiếp...

Những tình cảm ưu ái mà khán giã khắp nơi dành cho tôi khá phong phú, đủ kiểu đủ trò, tuy có làm cho tôi vui, động viên tôi khá nhiều trên bước đường làm nghệ thuật nhưng lắm khi cũng làm tôi mệt nhừ vì tối ngày hết tiếp người này rồi đến người khác quá giờ ăn giờ nghĩ trưa cho đến gần giờ hát mà khách viếng thăm vẫn không ngớt. Có khi số người đến thăm tôi trong 1 lúc cả trên 100 người làm ghe tôi muốn chìm luôn như lần hát cúng đình ở đền Đức Cố Quảng(xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú,An Giang) thấy nguy hiểm quá: ghe gần chìm đến nơi nên năn nỉ bà con khán giả lên bờ bớt kẻo không thì chết chìm cả đám bây giờ.
Thế mà họ vẫn chen nhau tiếp cận ghe để nhìn cho được mặt tôi 1 chút rồi mới lên. Lãnh đạo đoàn phải giải quyết bằng cách cho từng đợt chừng 10 người xuống thăm rồi đến đợt khác... cứ thế làm suốt buổi và tôi khỏi nghỉ trưa luôn. Trong các đợt lưu diễn tôi hay bị tình trạng khán giả nghi hoặc cho là Minh Cảnh giả. Họ không tin 1 NS như tôi lại len sâu vào những vùng heo hút như thế này. Bởi vì không ít đoàn hát đã quảng cáo là có tài danh này tài danh nọ nhưng rút cuộc chả có ai. Một lần không tin nên 10 lần cũng thế và tôi đã trở thành nạn nhân của tình trạng này. Có người cố đến xem cho bằng được mặt tôi nhưng xem rồi họ cũng chưa tin bởi vì cả đời họ có bao giờ thấy mặt tôi đâu, lại nữa các phương tiện truyền thông báo chí viết về tôi quá ít nên ngày đầu đoàn hát tôi đến biểu diễn tại những điểm mới, heo hút là dư luận về Minh Cảnh giả lại xảy ra. Chỉ có khi tôi cất tiếng ca trên SK thì lúc đó bà con khán giả mới tin chắc là Minh Cảnh thật và dư luận sau đêm hát lại râm ran. Bao giờ đêm đầu đoàn đến điểm mới , dù có quảng cáo rộng khắp thì lượng khán giả cũng chừng mực. Những đêm sau khi khán giả biết chắc đoàn hát có Minh Cảnh thật thì lượng người đến xem mới tấp nập như ngày hội. Đất nước thống nhất đã tạo điều kiện cho các đoàn cải lương lưu diễn đi sâu vào nông thôn- những vùng trời, vùng đất mà ngày nào còn bị bom cày đạn xéo ít ai trú ngụ, giờ đã thành trù phú. Tuy ánh điện chưa về được, nhưng người dân đã biết thay đèn dầu leo lét bằng đèn bình ắc quy hay đèn măng xông sáng rực. Nhiều nơi đã thay sức cày bằng trâu , bò bằng máy cày công nghiệp. Nước cũng đã chảy theo ý người qua các công trình thủy lợi để tưới lên những đồng ruộng mênh mông , giúp cho nền nông nghiệp nước nhà ngày thêm phát triển. Có những nơi, mới năm nào tôi đi qua hoang vắng, âm u giờ trở lại đã thay đổi rất nhiều(nhất là 1 số vùng ở Minh Hải). Sự thay đổi quá mức mà tôi , đôi khi cứ ngỡ là trong mơ. Nhưng bên cạnh những đổi thay đó, đại bộ phận người dân nông thôn mình vẫn còn khổ cực, thiếu thốn đủ bề. Những lúc này lòng tôi xót xa quá, thương người dân tay lắm chân bùn, 1 nắng 2 sương đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt để dành từng hơi thở từng sự sống. Và tôi chợt nghĩ: phải chăng mỗi con người sinh ra đều có 1 phần số khác nhau cho nên kẻ thì tiền dư bạc để, dùng đồng tiền 1 cách phí phạm, vô bổ; kẻ thì thiếu thốn trăm bề, chắt chiu từng đồng lẻ để xây dựng cuộc sống? Dù vậy, những người dân tay lắm chân bùn này lại rất thủy chung với cải lương. Họ không bỏ rơi chúng tôi trong các đêm diển nhất là trong tình hình SK cải lương xuống cấp như hiện nay. Tôi còn nhớ cách đây một hai năm khi tôi hát ở Hôi An(Quảng Nam Đà Nẵng)thì bị trời bão mấy ngày liền. Bà con nông dân ở đây đã gom góp tiền bạc để mua bánh mì, nấu những nồi nước lèo nóng với hàng chục thúng bún đến tặng chúng tôi suốt mấy ngày trời bão, đã giúp đoàn hát chúng tôi vượt qua cơn hiểm nghèo vì thiên tai ụp đến. Dù thiếu ăn, thiếu mặc, chắt chiu từng đồng để xây dựng cuộc sống nhưng mỗi khi đoàn hát đến họ sẵn sàng "thắt lưng buộc bụng" để đến với chúng tôi qua các đêm diễn. Vâng! cải lương vẫn còn được bà con nông thôn ủng hộ hết mình. Tôi nghỉ: Tình cảm của họ đối với cải lương- bộ môn SK truyền thống của VN, sẽ không bao giờ cạn kiệt... Nếu như các nghệ sĩ, các đoàn hát không tự " quay lưng" lại với họ bằng các "phi vụ" lường gạt, bịp tuồng... để 1 lần không tin thành ra cả 100 lần họ sẽ không còn tin chúng ta nữa.

Đi lưu diễn thét rồi cũng thành quen. Cực khổ nhưng vui, gian nan nhưng cũng lắm nguồn động viên chân tình từ khán giả. Đi mãi, ngày tháng qua mau, đến nổi không hay tóc mình giờ đây đã đổi sắc- 56 tuổi rồi các bạn ơi. Giựt mình mới biết mình đã ở trong hàng ngủ những NS có danh trên 30 năm rồi.

Nặng nghiệp tổ nên hàng đêm tôi vẫn có mặt dưới ánh đèn SK để tiếp tục cuộc hành trình của mình. Khi nào hết nợ SK thì tôi sẽ tìm một Thảo Am xa vắng, ít người biết tới để tu. Hiện giờ, ngoài giờ hát, tôi rất cần 1 sự yên tịnh để sống với đức tin của mình. Chiếc ghe 40 tấn mà tôi vừa hợp đồng với giá 1 triệu 8 đồng 1 tháng cách đây hơn 1 năm đã là mái ấm của gia đình tôi trong suốt thời gian lưu diễn. Không phải tôi làm như thế là để cách ly với đồng nghiệp và xã hội mà vì tuổi tối đã lớn, khó ngủ nên tôi rất cần những không gian yên tịnh để dưỡng sức và cũng là môi trường tốt để tôi tịnh tâm sống với đạo hạnh. Thỉnh thoảng tôi có về TPHCM để thu đài, thu băng, quay video. Thời gian qua tôi đã thực hiện xong 1 số băng video theo đơn đặt hàng của 1 số việt kiều ở hải ngoại, vì họ muốn nghe lại giọng ca và xem phong độ tôi trên SK như thế nào, như: Giữa Chốn Bụi Hồng, Hai Chiều Ly Biệt, Cổ Xe Độc Mã, Thằng Điên và Nữ Chúa, Máu Nhuộm Sân Chùa, Lời Thơ Trên Tuyết, Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà...Xa cách thành phố khá lâu, nhưng tôi vẫn thường xuyên theo dõi những hoạt động của thành phố. Thú thật tôi rất mừng khi hay tin có nhiều bạn trẻ- những đồng nghiệp của thế hệ hôm nay đã trưởng thành nhất là qua giải Trần hữu trang 2 năm vừa rồi. Tre tàn thì măng mọc, quy luật đào thải phải như vậy thôi. Tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ kế tục sự nghiệp của chúng tôi để vực dậy SK cải lương vốn đã xuống cấp trong những năm gần đây. Chúng tôi luôn đứng bên cạnh các bạn vì sự nghiệp chung. Một nền SK vững mạnh, trẻ trung, có sức cuốn hút người xem.

Khổ Gia Trường ghi. (báo SK số 151)

Tác giả bài viết: nguyen

Nguồn tin: BSKTP