Vì sao không thấy gánh hát Ấn Độ ở Việt Nam?


Có người thắc mắc nói rằng người Ấn Độ ở nước ta khá đông, qua nhiều thế hệ, họ có cả Chùa Chà ngay tại Sài Gòn gần chợ Bến Thành, có nhà hàng Chà ở góc đường Nguyễn Trãi, Trần Bình Trọng, luôn có thực khách là người Ấn, người Việt đến ăn cơm nị. Thế nhưng, không hiểu sao người ta lại không thấy có “Đoàn hát Ấn Độ” giới thiệu về văn hóa của một quốc gia đông dân đứng thứ nhì trên thế giới, và người ta cũng không thấy gánh hát nào từ Tân Đề Li sang Việt Nam trình diễn.

Người Ấn ở VN qua nhiều thế hệ

Có người thắc mắc nói rằng người Ấn Độ ở nước ta khá đông, qua nhiều thế hệ, họ có cả Chùa Chà ngay tại Sài Gòn gần chợ Bến Thành, có nhà hàng Chà ở góc đường Nguyễn Trãi, Trần Bình Trọng, luôn có thực khách là người Ấn, người Việt đến ăn cơm nị. Thế nhưng, không hiểu sao người ta lại không thấy có “Đoàn hát Ấn Độ” giới thiệu về văn hóa của một quốc gia đông dân đứng thứ nhì trên thế giới, và người ta cũng không thấy gánh hát nào từ Tân Đề Li sang Việt Nam trình diễn.

Chớ như người Hoa ở Việt Nam họ có gánh hát Tàu ở Chợ Lớn, có ban nhạc Triều Châu, và khi xưa họ còn có những gánh hát Sơn Đông đi hát dạo cùng khắp các chợ. Ngoài ra họ còn có gánh hát từ Hồng Kông sang Chợ Lớn trình diễn, có cả nghệ sĩ tên tuổi như Mã Sư Tăng, Hồng Tuyến Nữ. Cặp đào kép trứ danh này từng đến thăm Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu ở đường Cô Bắc, Sài Gòn, được Má Bảy Phùng Há, Năm Châu, Duy Lân cùng nghệ sĩ các đoàn hát tiếp đón trọng thể. Do đó ít nhiều gì bà con ta cũng hiểu sơ qua về văn hóa đặc thù của dân tộc Trung Hoa.

Ngược thời gian trở về những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, lúc bấy giờ phim Ấn Độ tràn ngập các rạp chiếu bóng ở Sài Gòn, ở các tỉnh, đi đâu cũng thấy hình ảnh tài tử Ấn Độ vẽ trước rạp chiếu bóng. Các phim Ấn Độ thời ấy thường có nội dung, tình tiết gần gũi với văn hóa Á Đông, và diễn tiến câu chuyện thường là kẻ ác gặp dữ, kẻ hiền gặp lành. Trang phục và nhạc điệu phim nào cũng na ná như nhau, nghe âm thanh là nhận ra ngay là phim Ấn Độ đang chiếu. Đặc biệt là thường hay có rắn xuất hiện, khiến những khán giả vốn sợ rắn đã sợ hãi hồi hộp, có người xỉu luôn tại rạp. Các “tài tử rắn” lên màn bạc đem lại sự mới lạ, nhưng cũng đồng thời làm mất đi số khán giả, phần nhiều là phái nữ họ đã bái bai phim Ấn Độ do vấn đề rắn.

Thời đó phim Ấn Độ rất ăn khách nhờ nói tiếng Việt, do ban Năm Châu chuyển âm. Có những phim tài tử hát nhạc Ấn, lại được chuyển sang ca vọng cổ, các phim này lúc đầu khán giả phải sắp hàng mua vé. Tôi còn nhớ tại rạp Tân Đô ở Tân Định, cuốn phim “Gió Bụi Kinh Thành” có đoạn tài tử Ganesan xuống vọng cổ: “Thật khổ thay trong cái cảnh gió bụi kinh... thành...” Khán giả vỗ tay vang dậy, không phải tán thưởng cái anh chàng tài tử Ấn này, mà là khen tặng làn hơi ca ngọt ngào mùi rệu của đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn.

Tung hoành được vài năm thì phim Ấn Độ bị phim chưởng Tàu đánh tới tấp, Anh Ba tung “chưởng” mạnh quá khiến phim Anh Bảy chịu không nổi phải bỏ chạy hết rạp này đến rạp khác, thu hẹp dần, chỉ còn chiếu mỗi một rạp Long Phụng ở đường Gia Long mà cũng chưa yên thân. Rồi thì rạp cuối cùng Long Phụng cũng bị Anh Ba gỡ hình tài tử Ấn xuống và treo lên những Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Trịnh Phối Phối, Trần Tinh... Coi như phim Ấn Độ đã cáo chung, mất hết khán giả, mất luôn thị trường.

chua-an-400.jpg
Bên trong Đền thờ Bà Mariamman (đền Hindu giáo), ở số 45 Trương Định, Q.1, TP HCM. Photo courtesy of Kiến Thức.

Xem phim Ấn Độ người ta thấy có cảnh những đoàn hát Ấn Độ đi trình diễn ở vùng quê, và hình thức cũng giống như, gánh hát bầu tèo (tên gọi gánh hát nhỏ) ở miền quê nông thôn nước ta. Về trang trí thì rất đơn giản, chỉ vài tấm phông màn, và dụng cụ hát cũng thu gọn trong vài chiếc rương, chẳng khác gì các gánh hát bán thuốc dạo ở thôn quê miền Đông, miền Tây Nam Việt thời những năm cuối thập niên 1950.

Vậy là nước Ấn Độ cũng có hát xướng nhưng không hiểu sao mà người Ấn ở Việt Nam, họ không lập gánh hát phục vụ cho nhu cầu giải trí trong cộng đồng của họ. Cũng như gìn giữ văn hóa khi ra nước ngoài như người Hoa.

Người Ấn Độ rất muốn có vợ Việt?

Tôi từng nghe một bà có chồng người Ấn nói rằng, nếu lập gánh hát thì không sống nổi, vì đa số người Ấn Độ sang Việt Nam họ rất muốn có vợ Việt rồi theo sống lập nghiệp luôn ở quê hương của bà xã, có nghĩa là khi có vợ Việt rồi thì họ tách ra khỏi cộng đồng người Ấn, tức nơi quy tụ người Ấn ở khu vực có Chùa Chà.

Số người Ấn có vợ Việt khá nhiều nhưng ở rãi rác khắp nơi, mỗi khi có lễ hội ở các Chùa Chà thì họ quy tụ về chỉ một ngày, một buổi mà thôi. Hết lễ họ trở về nhà lo làm ăn, có người suốt mấy năm chưa về lễ hội một lần, nên dần dà con cái của họ đồng hóa với dân Việt luôn. Vả lại người Ấn ở Việt Nam không đông đảo như người Tàu nên không thể lập gánh hát. Có lẽ do vậy mà không có gánh hát Ấn Độ chăng?

Cũng vấn đề người Ấn có vợ Việt này, mà thời kỳ trước 1975 trên sân khấu Dạ Lý Hương dựng lên vở tuồng “Tình Anh Bảy Chà” của soạn giả Xuân Phát, nội dung vở hát là câu chuyện một người Ấn có vợ Việt. Kép Thành Được đóng vai Anh Bảy rất được hoan nghinh, nhưng khổ nỗi anh hề Xuân Phát kiêm soạn giả viết tuồng lại không nghiên cứu kỹ lưỡng văn hóa và tôn giáo Ấn Độ, đã cho kép Thành Được đội chiếc nón mà Anh Bảy thường đội. Nhưng chiếc nón ấy lại liên quan đến tôn giáo nào đó, cũng như người Ấn chuyên nghề cho vay tiền góp lại không phải ăn mặc như nhân vật mà Xuân Phát dựng lên. Thành thử ra soạn giả Xuân Phát bị Hội Ấn Kiều Sài Gòn lên tiếng phản đối, cho rằng bị chế diễu, thơ phản đối đăng trên nhiều tờ báo.

Lúc bấy giờ do vấn đề ngoại giao, không muốn mích lòng nước bạn, nên Bộ Thông Tin đã không cho diễn tuồng “Tình Anh Bảy Chà” trên sân khấu cũng như trên truyền hình nữa. Có điều là sau 1975 cả soạn giả Xuân Phát và Thành Được đều có mặt ở hải ngoại, mà khán giả không thấy vở tuồng “Tình Anh Bảy Chà” từng ăn khách kia được dựng trở lại.

Khoảng 1971 trên truyền hình Việt Nam có chiếu Lễ vũ Ấn Độ (tế nữ thần). Những vũ khúc trình bày đều là vũ dân tộc Ấn dùng động tác hai tay diễn tả hình ảnh, và vận dụng hết mặt diễn tả nội tâm. Ngoài các điệu thôn vũ, đáng chú ý nhứt là lễ vũ. Đây là điệu vũ diễn tả lễ tế nữ thần Cali hằng năm theo cổ tục của Ấn Độ. Một người được tuyển chọn để tế sống cho nữ thần được hài lòng. Lúc đầu nạn nhân tỏ ra sợ hãi, nhưng rồi lần lần họ chấp nhận xem như một danh dự là được hy sinh cho nữ thần. Ở điệu vũ này, vũ công cặp mắt há trắng như một thần linh, và do bởi lễ tế thần thường được cử hành dưới ánh sáng ngọn đuốc và nến, nên những động tác lúc vũ rất vất vả như tưới sáp nóng lên mình, lăn lộn...

Trên đây là những vấn đề có liên quan đến người Ấn Độ hiện diện sinh sống ở nước ta từ lâu đời, mà lại không có đoàn hát Ấn Độ. Ấn Độ cũng có nghệ thuật sân khấu dân gian Tìm hiểu thêm vấn đề thì biết rằng ở Ấn Độ cũng có nghệ thuật sân khấu dân gian.

Nếu như ngày xưa các diễn viên sân khấu Ấn Độ bị coi là thuộc về đẳng cấp thấp và bị khinh bạc (giống như quan niệm “xướng ca vô loại” ở nước ta ngày trước) thì nay lại hoàn toàn khác, họ được mọi người ưu ái, nhứt là đối với những diễn viên có tài, bởi vì chính họ là những người làm vẻ vang cho tổ quốc trước đông đảo khán giả sân khấu thế giới. Nhưng cũng vì sự ưu ái này nên đã có những sự cạnh tranh gay gắt, về vấn đề nghệ thuật trình diễn giữa các đoàn, nhờ vậy mà sau cùng, chính khán giả là nhũng người được lợi nhất.

Đối với các nghệ sĩ tuồng dân gian Ấn Độ, thì không có việc “ế” khán giả, mà chỉ có vấn đề làm sao phải luôn nâng cao trình độ diễn xuất, bởi vì tuồng tích hay, không hẳn là đã đủ, mà còn cần phải diễn hay nữa. Điều này đòi hỏi các diễn viên phải “đổ mồ hôi sót con mắt”. Về trang phục trên sân khấu thì đào kép ăn mặc kín đáo giống như trong phim Ấn Độ mà chúng ta thường thấy. Các đoàn hát dân gian chỉ trình diễn bốn hoặc năm lần trong mỗi tháng, là vì họ dành khá nhiều thời giờ vào việc tập luyện hơn là dành thời gian vào việc “chạy sô”. Tuy số lần trình diễn trong tháng có giới hạn, nhưng lại là những lần diễn đầy khán giả, những loại tuồng mà có nội dung chế giễu “quan chức bàn giấy”, cho vay nặng lãi, địa chủ, v.v... là những loại tuồng luôn được khán giả ưa thích.

Tuy nhiên, không vì các buổi hát luôn có khán giả đến xem mà các đoàn sân khấu dân gian Ấn đã trở nên giàu có. Cũng giống như các gánh hát cải lương ở nước ta, ít có đoàn nghệ thuật dân gian nào chịu đóng trụ lâu tại một nơi, cho dù đó là tại thủ đô Tân Đề Li sầm uất đầy đủ tiện nghi, hay tại vùng Rishi Rish hẻo lánh sát chân dãy Hy Mã Lạp Sơn hung vĩ. Hầu như các đoàn nghệ thuật dân gian đều thích được đi khắp nơi trong đất nước Ấn Độ hơn là diễn mãi ở một chỗ, và mỗi lần đi đây đi đó như vậy là thu chi đều gần như ngang nhau.

Từ thủ đô Tân Đề Li di chuyển đến thành phố Patna nằm trên bờ sông Hằng cách cả ngàn cây số, đoàn nghệ thuật dân gian Gulab mở cuộc lưu diễn dừng lại hát nhiều chỗ, và khi đến đây họ tạm nghỉ để đi chơi đây đó thăm Patna, và đến khi gần cạn tiền, đoàn mới tiếp tục diễn lại để... lấy tiền mua vé xe lửa về Tân Đề Li! Như vậy có nghĩa là sau cuộc lưu diễn túi không lại hoàn túi không, chẳng khác gì đào kép cải lương xứ mình vừa nghỉ hát là đi vay nợ vậy.

Tác giả bài viết: tancogiaoduyen

Nguồn tin: RFA