Đang truy cập : 125
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 124
Hôm nay : 18835
Tháng hiện tại : 2193553
Tổng lượt truy cập : 88500154
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
HHGB
Nếu sân khấu kịch tại TP HCM bội thu mùa Tết thì sân khấu cải lương lại đìu hiu. Nhà hát Cải lương Hưng Đạo (rạp Hưng Đạo) với kinh phí đầu tư 132,29 tỉ đồng xây xong gần 2 năm nay vẫn đóng cửa và sàn diễn im ỉm khóa.
Tản mác kiếm sô
Mùa Tết năm trước, nghệ sĩ cải lương hy vọng có điểm diễn mới để dựng vở Tết nhưng rồi thất vọng. Tết này, những tưởng hiện thực hóa giấc mơ nhưng rồi rạp Hưng Đạo vẫn không thể sáng đèn vì chưa hoàn tất thủ tục nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Sàn diễn này một lần nữa lỗi hẹn với khán giả và nghệ sĩ cải lương. Vậy là sau hơn 10 năm tính từ năm 2006, khi UBND TP HCM chính thức giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) thành lập Ban Quản lý dự án xây dựng Trung tâm Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo tại rạp Hưng Đạo cũ và gần 2 năm sau khi nhà hát này xây xong, nghệ sĩ cải lương có người đã gần hết tuổi nghề mà vẫn chưa được diễn ở đây.
Các vở mới của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dựng diễn Tết được đánh giá cao như: “Hiu hiu gió bấc”, “Mộng Hoa Vương”, “Hồn ma báo oán” đành chịu chung số phận “trùm mền” trong mùa Tết.
Gần 100 diễn viên của 3 đoàn trực thuộc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang từ mùa Tết năm trước đến mùa Tết này đều không có điểm diễn. Ngoài đoàn 2 của nhà hát này đã tổ chức chuyến đi lưu diễn 4 suất tại Campuchia trước Tết cho nghệ sĩ, các đoàn còn lại nhận diễn phục vụ một số xã ngoại thành với chương trình tổng hợp gồm trích đoạn và ca cổ. Đa phần nghệ sĩ vẫn tản mác chạy sô để tìm thu nhập cho mình trong những ngày Xuân.
Hơn 100 nghệ sĩ cải lương của các nhóm xã hội hóa như nhóm Vũ Luân, nhóm Bạch Long, nhóm Kim Thoa, nhóm Huỳnh Long, Thanh Nga, Sài Gòn 1, Dạ Lý Hương… đã phải sống cơ cực, vất vả nhiều năm nay chờ ngày được quay lại sàn diễn.
Tết trăm cay ngàn đắng
Chưa bao giờ không khí đón Xuân của nghệ sĩ cải lương lại đìu hiu như năm nay, dường như chưa có cái Tết nào não nề với họ như Tết này. Tối mùng 6, trận mưa lớn khiến các điểm tổ chức đại nhạc hội và lô-tô ở miền Tây báo hủy. Nghệ sĩ Tâm Tâm (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) trước đó từ chối các sô diễn tại TP để chạy sô các tỉnh phải ngậm đắng nuốt cay. “Những tưởng sau khi trừ tiền thuê xe, tiền cò sẽ có được hơn 1 triệu đồng/ngày cũng đỡ hơn là chạy sô ở TP HCM, thù lao chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng rồi vì mưa lớn, đành ngồi nhìn mưa mà buồn tủi” - Tâm Tâm rầu rĩ.
Các nghệ sĩ Xuân Yến, Thanh Thế, Bo Bo Hoàng, Thanh Hoàng, Trường Sơn, Chí Bảo... cũng cho biết họ không tìm được sô diễn trong mùa Tết này. “Các rạp như Công Nhân, Nhà hát Bến Thành đều tổ chức diễn hài kịch nên nghệ sĩ cải lương không còn đất diễn, đành chịu chung số phận không có Tết” - nghệ sĩ Thanh Thế tâm sự trong nước mắt.
“Chỉ chờ đến mùng 10, NSƯT Kim Tử Long sẽ tổ chức chương trình “Ba thế hệ về lại cội nguồn”, tại rạp Công Nhân, nhằm giúp đỡ nghệ sĩ nghèo tại Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM trị bệnh, chúng tôi mới có suất diễn để thắp nhang lên bàn thờ Tổ, khai trương nghề hát của mình đầu năm. Buồn biết bao khi đã 2 mùa Tết mà Nhà hát Cải lương Hưng Đạo vẫn chưa thể sáng đèn, trong khi nghệ sĩ thì không có nơi diễn!” - NSƯT Trường Sơn cảm thán.
Hầu hết các nghệ sĩ cải lương chuyển hẳn sang biểu diễn theo kiểu chương trình “Vầng trăng cổ nhạc”. “Chúng tôi theo chân một đoàn hát ở tỉnh Đồng Tháp tổ chức sô diễn giăng bảng hiệu “Vầng trăng cổ nhạc tri âm” tại thị xã Sa Đéc. “Cũng như đoàn đại nhạc hội, đoàn hát cải lương của chúng tôi có 10 nghệ sĩ chia nhau hát các trích đoạn cho đỡ buồn, vì hát tuồng dài phải có thời gian tập dượt, có cảnh trí, có đầu tư và quan trọng là có rạp cố định. Thù lao mỗi đêm cho mỗi người là 150.000 đồng. Nhờ vậy lo được các bữa ăn trong mấy ngày Tết, còn tích cóp được để trả nợ tiền gạo trong năm qua” - nghệ sĩ Minh Hiền tâm sự.
Theo chân nghệ sĩ cải lương tham gia các sô nhạc hội hoặc lô-tô diễn ở các tỉnh, người viết chứng kiến sàn diễn thì ọp ẹp, đèn mờ, nghệ sĩ cải lương phải căng mình để ca diễn vì chất lượng âm thanh quá kém. “Vì thế, việc nghệ sĩ bị khan tiếng, ho ra máu do phải hát quá nhiều và liên tục trong một thời gian dài là chuyện thường” - nghệ sĩ Thanh Mai giải thích.
Ở những nơi này, nghệ sĩ cải lương đều chịu chung cảnh hát lót cho những tiết mục tấu hài và ca nhạc. Trong thời gian chờ ca sĩ, danh hài đến điểm diễn, họ hát bằng tất cả tấm lòng. “Vì là ngày Tết nên phải cố gắng hát bằng giọng thật để được hưởng lộc Xuân, không dám bê trễ giờ diễn, sợ bị Tổ phạt. Chờ ra giêng có rạp hát, nghệ sĩ chúng tôi sẽ dốc toàn tâm cho nghề, mong khán giả đến xem và cổ vũ” - nghệ sĩ Bình Tinh kỳ vọng.
Vài ngôi sao may mắn
Trong khi đó, vẫn như mọi năm, một số ngôi sao cải lương chạy sô tản mác khắp nơi đã nhận được nhiều lộc Xuân của khán giả, như NSƯT Kim Tử Long và Kim Tiểu Long. Hai anh được xem là 2 chàng kép đắt sô ngày Tết. “Rồng lớn” (biệt hiệu của NSƯT Kim Tử Long) đón giao thừa tại Hà Nội, diễn phục vụ khán giả thủ đô, sau đó về TP HCM diễn các điểm đại nhạc hội, rồi về miền Tây “cày bừa” suốt từ mùng 3 đến nay. “Rồng nhỏ” NSƯT Kim Tiểu Long vẫn chạy được 5-7 điểm diễn trong mùa Tết này.
NSƯT Cẩm Tiên đạt kỷ lục trong giới nữ, chạy sô 8 điểm diễn mỗi ngày Tết. “Nhờ bà con thích ca riêng lẻ những bài vọng cổ Xuân, nên tôi có điều kiện tham gia diễn nhiều sô” - Cẩm Tiên cho hay.
Nghệ sĩ Bình Tinh, sau khi giành được ngôi vị quán quân chương trình “Sao nối ngôi”, trở nên đắt sô hơn. “Tôi biết bà con khán giả miền Tây ưa thích những trích đoạn tuồng cổ nên chuẩn bị sẵn các lớp diễn khoảng 15-20 phút: “Hai Bà Trưng khởi nghĩa”, “Ngọc Hân công chúa”, “Bùi Thị Xuân”… để diễn đầu năm. Nhận được lời khen ngợi của bà con khán giả, tôi hạnh phúc lắm”.
Thế nhưng, NSƯT Kim Tử Long nói: “Khao khát lâu nay của chúng tôi là được diễn trên sân khấu hiện đại, có âm thanh ánh sáng chuyên nghiệp để hóa thân trọn vẹn vào số phận nhân vật”.
Sân khấu Tết thắng lớn
Sân khấu IDECAF luôn dẫn đầu về doanh thu tại 2 điểm diễn trong mùa Tết: IDECAF và số 7 Trần Cao Vân với các vở: “Yêu đi thôi” (tác giả: Hương Giang, đạo diễn: Tuấn Khôi), “Sắc màu” (tác giả: Đăng Nhân, đạo diễn: Hùng Lâm), “Chúng ta là gia đình” (tác giả: Nguyễn Quốc, đạo diễn: Hùng Lâm) và “Đời bỗng dưng yêu” (tác giả: Bùi Quốc Bảo, đạo diễn: Vũ Minh). Mỗi ngày, sân khấu này diễn 2 suất, vé được bán hết từ những ngày trước Tết.
Sân khấu Kịch Phú Nhuận diễn tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận và Superbowl đều bán hết vé đến 11 tháng giêng. Các vở: “Điều ước của quỷ”, “Lục Sắc”, “Ma ma sư phụ”, “Ám ảnh kinh hoàng”, “Hồn oan”, “Câu chuyện rừng xanh”… diễn mỗi ngày 4 suất. Điều đáng nói là suất 10 giờ 30 phút và 16 giờ đều đông kín khán giả. NSND Hồng Vân cho biết: “Khán giả có nhiều lựa chọn nên tranh thủ đi xem suất sớm trong ngày để buổi tối còn đi xem các loại hình nghệ thuật khác hoặc du Xuân, thăm viếng người thân, bạn bè”.
Nhà hát Thế Giới Trẻ cũng thu hút khán giả qua các vở: “Chúng ta thuộc về nhau”, “Mẹ chồng rắc rối”, “Hồn anh xác em”... Vé các suất diễn trong tháng 2 đã được bán sạch từ trước Tết.
Cùng khai thác hài kịch, Sân khấu Kịch Sài Gòn mỗi ngày diễn 4 suất, suất nào cũng kín rạp. Vé các suất diễn bán qua mạng của sân khấu kịch này đã được khán giả đăng ký mua đến hết tháng 3. Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi có các vở mới: “Phim trường đại chiến”, “Chàng với thiếp”, “Lọ Lem công chúa” thu hút khán giả hơn mùa Tết năm ngoái.
Nhà hát Bến Thành có 2 vở hài: “Giải độc đắc không đồng” (tác giả: Minh Hoàng, đạo diễn: Mai Trần) và “Làm người ai làm thế” (tác giả - đạo diễn: Đức Thịnh) có sự tham gia của nghệ sĩ hài Trường Giang (người chiếm trọn 4 Giải Mai Vàng năm 2016) đã thu hút đông đảo khán giả đến xem.
Nhà hát Kịch TP HCM với vở “Mùa Xuân đại náo” (tác giả: Vương Huyền Cơ), Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh diễn vở “Mơ trăng bóng nước” từ mùng 1 cũng thu hút đông khán giả.
Chương trình “Nụ cười Xuân” do 2 nghệ sĩ Minh Nhí và Quốc Thảo tổ chức tại số 26/6A Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM thu hút người xem khi quy tụ nhiều diễn viên đoạt giải quán quân các cuộc thi game show truyền hình.
Làng tấu hài đầu năm xuất hiện thêm 12 nhóm, nâng số lượng nhóm hài lên 45. Mỗi đêm với 12 tụ điểm, quán bar và khoảng 10 chương trình đại nhạc hội được tổ chức tại các vùng ngoại thành TP HCM, 45 nhóm hài chia nhau tung hoành.
Tết này, Trấn Thành và Trường Giang dẫn đầu danh sách nghệ sĩ hài chạy nhiều sô. Ngoài 2 vở diễn tại rạp Công Nhân: “Thần kê đại hiệp” và “Lộc phát tài”, Trấn Thành còn chạy sô các điểm diễn tại Tân Hóa (tỉnh Long An) và Chợ Gạo, Mỹ Tho, Gò Công (tỉnh Tiền Giang). Từ mùng 3 Tết, Trấn Thành chạy ra các điểm diễn tận Vũng Tàu, Đồng Nai rồi về Tây Ninh, lên Bình Phước.
Trường Giang cũng không kém. Sau suất diễn buổi chiều tại Nhà hát Bến Thành với các vở: “Làm người ai làm thế” và “Giải độc đắc không đồng”, anh chạy sô các địa điểm trong nội thành và ngoại thành TP HCM.
Nghệ sĩ hài Hoài Linh năm nay ít nhận sô. Anh mở cửa đền thờ Tổ sáng mùng 1 Tết để đón du khách tham quan và lì xì lộc Xuân cho diễn viên trẻ. Sau đó, anh mới xuất hành đến vài điểm diễn, tính sơ cũng 8-10 điểm/ngày, lịch chạy sô đều đặn từ mùng 1 cho đến hết mùng 10.
Với nghệ sĩ Mỹ Chi, tối mùng 1, sau khi diễn vở kịch “Táo du Xuân” ở Công viên Văn hóa Suối Tiên, chị có mặt tại Bình Dương. Đêm mùng 2, chị diễn 3 sô tại Mỹ Tho, Chợ Gạo, Cái Bè rồi quay về chạy 5 sô cho các đại nhạc hội lô tô. Nghệ sĩ Mỹ Chi cho biết: “Tấu hài được mùa trở lại nên Tết này, các nhóm hài lên lịch diễn tính bằng phút”. Mùng 2 Tết, nghệ sĩ Mỹ Chi phải vào bệnh viện cấp cứu vì xỉu dọc đường.
Nghệ sĩ hài Anh Vũ cũng gần như không biết ăn Tết là gì. Anh nhớ lại: “Đêm giao thừa tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận, tới suất thứ 3 là cái đầu tôi đã “treo lơ lửng trên mây” vì thiếu ngủ. Qua Tết, tôi thấy mình sụt cân nhưng vui vì được đếm tiền lộc Tổ đầu năm”.
Tết Đinh Dậu, khán giả có đủ phim nội lẫn ngoại để chọn lựa. Trong đó, phim nội gồm: “Rừng xanh kỳ lạ truyện”, “Nàng Tiên có 5 nhà”, “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu” và “Chạy đi rồi tính” - được nhà phát hành BHD chiếu từ Tết dương lịch kéo dài đến mùng 6 Tết nguyên đán. Phim ngoại có: “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2”, “XXX: Return of Xander Cage” và “Kungfu Yoga”. Ngoài ra, một số phim ra mắt đã lâu như “Why him” vẫn được nhà phát hành chiếu xen kẽ trong Tết.
Vin Diesel, Châu Tinh Trì gây sốt
Không khác so với Tết năm trước, năm nay phim ngoại vẫn lấn át phim nội. Khán giả đến rạp chủ yếu chọn lựa “XXX: Return of Xander Cage” hoặc phim của Châu Tinh Trì khiến các phim này luôn trong tình trạng cháy vé. Suất chiếu dành cho các phim này vẫn đầy ắp trong khi phim Việt chỉ còn “Nàng Tiên có 5 nhà” trụ vững ở nhiều rạp.
.
Đại diện Công ty CJ CGV Việt Nam (chiếm 40% tổng số rạp chiếu phim cả nước) cho biết: “Theo thống kê sơ bộ thị trường cả nước, “XXX: Return of Xander Cage” đạt doanh thu cao nhất, kế tiếp là “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2”. Phim Việt dẫn đầu về doanh thu là “Nàng Tiên có 5 nhà”. Đây cũng là phim nằm trong tốp 3 doanh thu cả nước”.
Đại diện Công ty TNHH Lottecinema Việt Nam cũng xác nhận “XXX: Return of Xander Cage” có doanh thu cao nhất, kế đến là “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2”. Đây là một bất ngờ vì nhiều người nghĩ phim của Châu Tinh Trì sẽ dẫn đầu doanh thu phòng vé. Phim Việt “Nàng Tiên có 5 nhà” cũng được xem nhiều nhất tại hệ thống rạp chiếu này.
Việc khán giả chọn phim ngoại hơn phim Việt có nhiều lý do. Một số người thích Vin Diesel, số khác thích Châu Tinh Trì và vấn đề dán nhãn. Khán giả Ella Nguyễn (22 tuổi, ngụ ở TP HCM) nhận xét: “Tôi xem phim của Châu Tinh Trì, thấy diễn viên diễn xuất ổn, kỹ xảo hình ảnh đẹp mắt nhưng nội dung làm hơi quá, giải trí thì được chứ không đọng lại nhiều. Phim này nhạt hơn phần 1 rất nhiều, tiếng cười cũng không đậm bằng. Sắp tới, tôi xem thêm “XXX: Return of Xander Cage” là kết thúc mùa phim Tết. Tôi không dự định xem phim Việt vì ít chuộng kiểu tình cảm hài hước của các phim mùa Tết”.
Với khán giả Tâm Phúc (50 tuổi; nhà ở quận Tân Bình, TP HCM), do tình cờ vào rạp nên chọn xem phim “Why him” có suất chiếu gần nhất. Bà vẫn còn định kiến với phim Việt kể từ lần xem “Hello cô Ba” rất lâu trước đây và thấy mình không hợp với hài nhảm.
Dù không bằng các năm trước nhưng Hoài Linh vẫn là cái tên chủ yếu lôi kéo khán giả xem “Nàng Tiên có 5 nhà”. Chị Ngọc Quyên (27 tuổi; nhà ở quận 3, TP HCM) cho biết đã xem “XXX: Return of Xander Cage” và dự định xem tiếp “Nàng Tiên có 5 nhà” vì rất thích nghệ sĩ Hoài Linh. Ngọc Quyên nhận định phim Việt Tết năm nay ít hơn mọi năm nhưng nhìn tổng thể có cái hay riêng, không một màu, nhàm chán. Một số khán giả khác cũng chia sẻ xem phim vì thích nghệ sĩ Hoài Linh và đó là thói quen hằng năm.
Khổ vì “dán nhãn”
Ba phim Việt ra rạp Tết Đinh Dậu đều được dán nhãn từ C13 trở lên nhưng “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” lại được dán nhãn P (dành cho mọi đối tượng, kể cả trẻ em).
Việc dán nhãn cùng với chất lượng của các phim là chủ đề được bàn tán nhiều. Ngoài “Nàng Tiên có 5 nhà” dán nhãn C16, 2 phim “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu” và “Rừng xanh kỳ lạ truyện” đồng dán nhãn C13. Các phim này mất lượng lớn khán giả, nhất là với những đại gia đình ba thế hệ cùng đi xem.
Hai phim “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu” và “Rừng xanh kỳ lạ truyện” sớm bị rút suất chiếu tại các cụm rạp không thuộc đơn vị chịu trách nhiệm phát hành hoặc góp vốn sản xuất quản lý. Việc thua lỗ của 2 phim này là chắc chắn dù chất lượng được giới chuyên môn nhận định hơn hẳn “Nàng Tiên có 5 nhà” do CJ CGV phát hành.
Ông Phi Long - Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Poly, đại diện truyền thông của “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu” - cho biết khi ra rạp, phim này bị hệ thống phát hành khác tự dán nhãn C16 dù được cấp phép C13. Việc chuyển từ C13 lên C16 khiến phim mất thêm một lượng khán giả vì cứ ngỡ bị giới hạn độ tuổi. Nhà sản xuất lập tức phản ánh, các rạp mới điều chỉnh nhưng khá chậm, mất 2-3 ngày sau khi phim chiếu.
Nhiều khán giả sau khi xem “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” đã phản ứng trên mạng xã hội rằng phim này cần dán nhãn C13 vì có cảnh bạo lực, tạo hình yêu quái ghê rợn, chi tiết phản cảm... “Tôi thích phần 1 của phim này nên quyết định xem tiếp phần 2. Khi vào rạp, tôi thấy có nhiều đại gia đình đưa con nhỏ cùng xem. Phim có một số cảnh không phù hợp với trẻ em như sư phụ dạy học trò mà đánh bằng roi đến rách da thịt, móc họng, kéo lưỡi, chặt bay đầu, yêu nhền nhện trang phục hở hang... Một số người mẹ vội vã bịt mắt con lại khi xem các cảnh Trư Bát Giới quấy rối tình dục từ thường dân đến yêu quái” - khán giả Nguyễn Thị Nguyên (quận 8, TP HCM) cho biết.
Một khán giả khác chia sẻ trên mạng: “Tôi xem “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” xong, về nhà phải xem lại trên mạng có dán nhãn gì không và ngạc nhiên khi thấy cơ quan quản lý kiểm duyệt “thoáng” vậy. Nhiều cảnh, em tôi phải che mắt”.
Thế giới cấm trẻ em, Việt Nam chiếu xả láng
Theo nhiều nhà sản xuất, phim Việt Tết Đinh Dậu tự làm khó mình bằng việc nhãn dán và khiến cho cán cân vốn chênh lệch giữa phim nội và phim ngoại tăng thêm. Các tiêu chí dán nhãn khiến mọi người hoang mang, không hiểu thế nào mới là phim C13, C16 hay P, trong khi “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” vẫn có những yếu tố không thích hợp với trẻ em.
Ở Mỹ cũng như một số nước khác trên thế giới, “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” được dán nhãn PG 13 (cấm trẻ em dưới 13 tuổi) khi công chiếu. Ông Phi Long thắc mắc: “Vì sao một bộ phim bị dán nhãn PG 13 trên thế giới khi phát hành ở Việt Nam lại được ưu ái dán nhãn P - dành cho mọi lứa tuổi khán giả?”.
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc