Thị trường âm nhạc vài năm trở lại đây nhộn nhịp hơn hẳn bởi sự trở lại của một số ca sĩ hải ngoại. Họ lũ lượt về nước biểu diễn với nhiều show lớn nhỏ, từ phòng trà ca nhạc, các sân khấu lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho tới cả các tỉnh xa. Những cái tên một thời đã quá quen thuộc như: Hương Lan, Tuấn Ngọc, Chế Linh, Khánh Hà, Ý Lan… rồi gần đây nhất là Bằng Kiều. Trở về, thiên hạ nghe thấy họ phát biểu rằng, vì nhớ quê hương, muốn quay về hát cho dân mình nghe… nhưng thực tế thì các cuộc trở về ấy đều “hái ra tiền”!
Cũ người mới ta
Nếu khán giả của cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã quá quen thuộc với những gương mặt, những dòng nhạc của các trung tâm ca nhạc như Thúy Nga, Vân Sơn, Asia thì khán giả trong nước lại chỉ thưởng thức các giọng ca vang bóng một thời này qua băng đĩa thu lại của Thúy Nga Paris by Night. Mặt khác, khán giả của cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã quá ngán với những ca khúc mang màu hoài hương, sầu muộn, còn khán giả trong nước thì không ngừng tìm kiếm món ăn lạ về âm nhạc.
Tuấn Vũ có tới 10 đêm biểu diễn
Năm 2011 là năm đổ bộ ồ ạt nhất của các liveshow hải ngoại: từ liveshow xuyên Việt “Đôi mắt người xưa” của Quang Lê thành công ngoài mong đợi đến mức 6 tháng sau Quang Lê tiếp tục quay trở về Việt Nam bỏ tiền làm liveshow hoành tráng “Hát trên quê hương” với mức đầu tư 6 tỉ đồng.
Tuấn Vũ thì có hẳn 10 đêm diễn hoành tráng tại Hà Nội với giá vé cao ngất ngưởng.
Sau đó Tuấn Vũ còn diễn ở các tỉnh phía Bắc, lịch trình kéo dài đến... 3 tháng ròng. Trước khi về Mỹ, Tuấn Vũ còn tranh thủ làm một show hoành tráng tại Tp. Hồ Chí Minh.
Rồi show của nữ danh ca Ý Lan với liveshow xuyên Việt “Khung trời kỷ niệm”; Thanh Tuyền với đêm nhạc “Bản tình ca mùa đông”; đình đám và hoành tráng phải kể tới liveshow “Âm nhạc và bước nhảy” của Nguyễn Hưng với “nghi án” con số đầu tư cho liveshow này lên tới 10 tỉ đồng.
Gần đây nhất là liveshow Bằng Kiều rất thu hút sự chú ý của công chúng, với giá vé ở mức siêu VIP, gần 1.000USD cho một cặp vé chợ đen.
Quê hương là cát-sê “khủng”?
Ca sĩ Hương Lan, người đầu tiên từ hải ngoại trở về phục vụ khán giả, chia sẻ: “Tôi may mắn được là ca sĩ hải ngoại đầu tiên được trở về nước biểu diễn.
Từ đó đến nay tôi vẫn thường xuyên qua lại giữa Việt Nam và Mỹ để phục vụ bà con gần xa, ở đâu yêu mến giọng hát của tôi là tôi có mặt.
Tôi luôn tâm niệm, đất nước Việt Nam là nơi tôi sinh ra, tên tuổi tôi cũng được tạo dựng ở đây chứ không phải ở nước ngoài nên việc tôi sốt sắng trở về quê hương để phục vụ bà con còn là trách nhiệm của một người nghệ sĩ nữa”.
Còn ca sĩ Tuấn Vũ tâm sự: “Tôi cho rằng, được hát cho khán giả yêu thích mình là điều bất kỳ ca sĩ nào cũng mong muốn. Và lần này khi trở về Việt Nam cũng là lúc tôi trở về với tình yêu của mình.
Dường như không ở đâu khiến tôi có được quá nhiều tình yêu của khán giả như khi đang đứng trên đất mẹ...”. Nhưng những cuộc trở về này, ngoài lý giải về nỗi nhớ quê hương còn có thêm một lý do nữa, đó là vì tiền cát-sê rất lớn mà họ nhận được sau mỗi lần về biểu diễn.
Khi mà các trung tâm biểu diễn ở hải ngoại gặp khó khăn thì việc chuyển hướng về lại quê hương biểu diễn kiếm tiền là một nhu cầu tự nhiên của bất cứ một ca sĩ nào.
Chưa kể, lớp khán giả hoài cổ lâu nay vẫn thường mua băng đĩa hải ngoại rất hào hứng với những cuộc “về nước” của các ca sĩ hải ngoại đã yêu mến từ lâu. Họ cũng tò mò sau bao nhiêu năm tha phương, những ca sĩ đã vang bóng một thời trở về với phong độ ra sao: về cả giọng ca và hình thức bên ngoài… Nhận thấy có thể trở về và kiếm tiền sống khỏe ngay tại mảnh đất “chôn rau cắt rốn”, thế nên, các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ nổi tiếng ở hải ngoại nô nức trở về nước hát, trong đó có Elvis Phương, Đức Huy, Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Giao Linh, Từ Công Phụng, Thanh Tuyền, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Phi Nhung, Linda Trang Đài, Trường Vũ, Quang Lê, Hoài Linh…
Họp báo giới thiệu liveshow của ca sĩ Quang Lê
Ngoài ca sĩ chính thì đơn vị được lợi nhất là công ty tổ chức. Bởi chỉ cần tên tuổi của một ca sĩ hải ngoại nổi danh thì giá vé các chương trình sẽ cao ngất trời, chưa nói đến liveshow.
Trong khi khán giả chỉ cần được diện kiến ca sĩ mình yêu thích qua một vài bài thì phần lớn thời gian chương trình đều dành cho những ca sĩ “làng nhàng” khác. Với mức giá vé “khủng” như vậy, chắc chắc tiền lãi sẽ về đầy túi đơn vị tổ chức.
Dù đã về già nhưng các ngôi sao loại một như Elvis Phương, Hương Lan, Lệ Thu… cũng còn được trả trên dưới 1.000USD một show hát; dù chỉ hai bài cho một liveshow, hoặc một đêm hát ở phòng trà.
Một chủ phòng trà ở Tp. HCM kêu trời vì có ca sĩ hạng “sao” không chịu giảm mức cát-sê ngất ngưởng, mặc cho đêm diễn có bán được vé hay không. Còn chưa kể đến trường hợp có ca sĩ còn đòi ở khách sạn hạng sang và đi ôtô xịn trong suốt thời gian trở về quê hương.
Có lẽ điều này đang đi ngược lại với ý nghĩa “Hát cho quê hương” mà rất nhiều người phát biểu khi trở về. Và một thực tế là chuyện đòi hỏi cát-sê cao còn làm lũng đoạn thị trường nhạc nhạc Việt và dập tắt hy vọng được nghe những ca sĩ một thời họ thần tượng của tầng lớp khán giả bình dân.
Mang theo hệ lụy
Dù đã xảy ra từ năm 2005, nhưng chắc nhiều người không thể quên có tới 9 ca sĩ về nước hát bị cấm biểu diễn vì không kê khai thuế thu nhập cá nhân. Vấn đề thứ hai mà các nhà quản lý cũng khó bề kiểm soát và dễ bị che mắt: đó là việc ca sĩ hát ca khúc chưa được cấp phép biểu diễn. Chủ yếu là các ca khúc bị quy là nhạc vàng.
Mặc dù có tới hàng trăm ca khúc đã được biểu diễn, nhưng vẫn có hiện tượng đăng ký một đằng, hát một nẻo. Hoặc, sau khi biểu diễn, các ca sĩ trao tặng hay bán CD, trong đó nội dung ra sao, có bài hát bị cấm hay không cũng khó biết.
Gần đây nhất, có liveshow của Chế Linh với giấy phép chương trình xin đăng ký 35 bài thì đã có 11 bài không có trong danh mục ca khúc được phổ biến của Bộ VH-TT&DL nên Sở VH-TT&DL Hà Nội không chấp nhận những bài hát này.
Không những thế, sự mập mờ còn xảy ra khi có đoàn đã đi địa phương, nhất là các vùng sâu biểu diễn với giấy phép đã hết hạn.
Chưa kể, trên thực tế các ca sĩ hải ngoại chỉ biết về hát và mang tiền đi. Thật hiếm có ca sĩ nào có một buổi hát miễn phí cho đồng bào nghe hoặc ít nhất cũng đi trao quà từ thiện ở một trung tâm nào đó… Từ những cuộc đổ bộ ào ạt cho tới thưa thớt hầu như công chúng không nhận ra được tấm lòng của các ngôi sao hải ngoại thực tâm hướng về quê hương như họ từng phát biểu.
Dư luận hoài nghi về những câu nói ân tình, họ cho rằng, các cuộc đổ bộ phần lớn là vì tiền. Vì các nghệ sĩ khó có đất sống, khó kiếm sống ở nước ngoài nên mới về “gặt hái” tại mảnh đất sinh ra mình. Có thể, sẽ chẳng có lần hai cho sự trở về của một ca sĩ. Nhưng thiết nghĩ, nếu thực sự là người con nhớ về quê hương thì khi nhận được tấm lòng của quê hương cũng cần và nên báo đáp ân tình. Để cho những chuyến trở về không nhuốm màu tiền bạc.
Ý kiến bạn đọc