Đang truy cập : 199
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 198
Hôm nay : 22042
Tháng hiện tại : 2196760
Tổng lượt truy cập : 88503361
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Vĩnh biệt Giáo sư Trần Văn Khê!
Người "trùng tu quốc nhạc"!
Giáo sư Trần Văn Khê. Ảnh: DUY KHÔI Tính tuổi còn hai đúng bảy mươi Bài thơ "Tự thuật ngẫu hứng" do Giáo sư Trần Văn Khê sáng tác tháng 7-1988, được ông ký tặng bạn đọc Báo Cần Thơ vào ngày 26-11-2008. |
Cả cuộc đời gắn bó với công việc nghiên cứu âm nhạc và văn hóa, với nhiều cương vị danh giá như Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học Pháp, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Châu Âu, Phó Chủ tịch Hội đồng quốc tế âm nhạc UNESCO… và là Giáo sư giảng dạy ở hàng chục trường đại học trên toàn thế giới, Giáo sư Trần Văn Khê đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quảng bá văn hóa Việt Nam. Giáo sư Trần Quang Hải đã thống kê những con số ấn tượng về công việc của cha mình suốt gần 30 làm việc: viết gần 200 bài nghiên cứu âm nhạc; được các nước mời hay được Trung tâm Nghiên cứu khoa học Pháp và UNESCO phái đi dự gần 200 hội nghị quốc tế trên 67 nước trên thế giới; thu thập được gần 500 dĩa hát của các nước trên thế giới, thực hiện được hơn 15 dĩa hát về âm nhạc truyền thống Việt Nam… Dù chưa đầy đủ song đã phản ánh phần nào cống hiến của Giáo sư Trần Văn Khê cho âm nhạc thế giới, cách riêng với Việt Nam.
Giáo sư Trần Văn Khê am tường nhiều loại hình âm nhạc, văn hóa trên thế giới, song âm nhạc dân gian Việt Nam vẫn được ông dành trọn tâm huyết. Từ năm 1963, Giáo sư đã chủ ý giới thiệu với UNESCO đĩa hát của cố nghệ nhân dân gian Bạch Huệ qua tiếng đờn kìm của cha bà là nghệ nhân Sáu Tửng (người Cần Thơ), hát những bản Oán. Sau đó không lâu, dưới thương hiệu "Tuyển tập UNESCO", đĩa thu âm của nghệ nhân Bạch Huệ với tiêu đề "Vietnam traditions of the South" đã được phát hành trên thế giới, với công lao lớn của Giáo sư Trần Văn Khê. Bởi thế, con đường đờn ca tài tử đến với danh hiệu di sản phi vật thể đại diện của nhân loại có đóng góp rất lớn của ông. Hay với điệu hò Đồng Tháp, Giáo sư đã mang theo giáo trình giảng dạy của mình đến hàng chục nước, nhờ đó điệu ngân nga, trữ tình của vùng Đồng Tháp Mười được thế giới biết đến và giờ đã là di sản phi vật thể đại diện của quốc gia…
Từ khi về nước ở hẳn (2006), Giáo sư đã mang gia tài là tài liệu, hình ảnh, hiện vật sau hơn nửa thế kỷ nghiên cứu tặng lại cho Bảo tàng TP Hồ Chí Minh như một món quà cho đất nước. Ngay tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh, Giáo sư đã thành lập một "bảo tàng" thu nhỏ về kiến thức âm nhạc với hàng ngàn tư liệu, sách vở, là tài liệu quý cho giới nghiên cứu âm nhạc. Đặc biệt, Giáo sư đã tổ chức định kỳ những buổi giới thiệu văn hóa Việt Nam ngay tại chính ngôi nhà của mình và thu hút rất đông người đến học hỏi. Thật cao quý biết bao khi ngay trên giường bệnh và biết mình không qua khỏi, Giáo sư đã lập di nguyện với những nỗi lo toan cho văn hóa nước nhà: lập nhà lưu niệm Trần Văn Khê với đầy đủ tư liệu với lời nhắc "cho các em cháu đến tham quan, nghiên cứu dễ dàng, không lợi nhuận", tiền phúng điếu sẽ dùng để trao học bổng hoặc làm giải thưởng mang tên ông… Một nhân cách lớn đã dành trọn tình yêu cho văn hóa dân tộc, ngay cả những giờ phút cuối đời!
Nửa thế kỷ xa quê hương, Giáo sư vẫn giữ được giọng nói "rặt ri Nam bộ", vẫn đờn ca tài tử rất hay, vẫn say mê văn hóa Việt và luôn hướng về đất nước với bao tình cảm thiết tha. Đó là cái tâm của một nhà nghiên cứu văn hóa – nhân tài của đất nước!
Giáo sư Trần Văn Khê chụp ảnh cùng lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bạc Liêu tại Festival Đờn ca tài tử lần thứ I- 2014. Ảnh: DUY KHÔI
Ký ức về Giáo sư
Còn nhớ cách đây gần chục năm, Giáo sư có về giao lưu với sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Khi ấy, ông còn đi đứng khỏe khoắn. Ấn tượng lần đầu khi tôi gặp ông là một người "lễ phép" – lễ phép theo nghĩa tôn trọng, trân quý người tiếp chuyện với mình, bất kể tuổi tác. Sinh viên chào ông, ông cười rồi cúi đầu sâu chào đáp trả một cách trọng thị. Lần đó, Giáo sư nói rất nhiều điều về văn hóa Việt Nam. Một bạn trẻ bày tỏ với Giáo sư về sự lấn át các loại hình văn hóa ngoại lai. Giáo sư cười nhẹ rồi đưa ra hình ảnh về một bữa cơm có đủ món ăn Tây – Ta. "Chọn ăn món nào, cách nào là sở thích của mỗi người. Tôi không bảo thủ, nệ cổ. Truyền thống cũng sẽ thay đổi, không có truyền thống nào bất di bất dịch. Nhưng sự thay đổi là từ bên trong đi ra chứ không phải vay mượn bên ngoài và áp đặt vào" – Giáo sư nói.
Giáo sư rất chỉn chu khi xuất hiện trước công chúng: luôn chọn chiếc áo dài hoa văn thuần Việt, chiếc nón nỉ đen, sợi dây chuyền lúc nào cũng để ra bên ngoài với mặt dây chuyền đều là nhạc cụ, khi thì đờn kìm, khi thì đờn tỳ bà… Ông rất vui vẻ và sẵn sàng giao lưu, chụp ảnh với mọi người, nụ cười luôn nở tươi trên môi. Báo chí xin phỏng vấn, Giáo sư đều nhận lời, đáp từ lưu loát như chuẩn bị bài sẵn, chính xác và sâu sắc.
Trong lần trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Cần Thơ vào năm 2008, Giáo sư Trần Văn Khê đã chia sẻ về nỗi nhớ quê hương: "Sáng mùng một, tôi ăn mặc quần áo chỉnh tề, nhắm về hướng Đông là hướng nước Việt, đi đủ 100 bước rồi quay lại tự xông nhà của mình… Thiếu quê hương làm day dứt lòng nhiều người Việt sống ở nước ngoài, hàng ngày hàng tháng, nhất là khi xuân về". Vậy rồi khi nói về tục "khai đờn" đầu xuân, Giáo sư hồi tưởng lại tục lệ đẹp ấy ở quê nhà Vĩnh Kim thuở xưa và tâm sự: "Tôi luôn coi những cây đờn như những người bạn thân thiết của mình. Sáng đầu năm, tôi muốn những cây đờn lên tiếng tâm tình chia sẻ cùng tôi. Đó cũng là tình cảm của tôi đối với quê nhà và âm nhạc dân tộc…".
Tháng 4-2014, Giáo sư về Bạc Liêu ở 5 ngày để tham gia Festival Đờn ca tài tử, tôi – một người rất ngưỡng mộ ông - chỉ dám "len lén" theo bước xe lăn của ông do một người cháu gái đẩy. Dừng trước biểu tượng cây đờn kìm cao ngút, Giáo sư nhắm nghiền mắt lại, cảm nhận, rồi sáng bừng đôi mắt, đôi tay mô nhịp, hát một bài bản tài tử theo ký âm "hò, xự, xang…". Ông quay qua giải thích với cô tình nguyện viên, lý do tại sao cây đờn kìm lại có quy cách như hiện tại. Tôi còn nhớ, ông kể đích thân ông đã đo được khi tham quan cây đờn kìm cổ của Việt Nam tại một bảo tàng ở thủ đô Paris của Pháp. "Đường kính của thùng đờn là 36 phân, rồi sợi dây đàn từ con dơi cho tới con cóc là 36 nhân 2 bằng 72 phân" – Giáo sư lý giải rành mạch.
Trong bữa ăn ở Bạc Liêu, tôi ngồi cạnh bàn ăn của Giáo sư. Việc ăn uống của Giáo sư rất khó nhọc do khớp ngón tay bị phong thấp. Loáng thoáng nghe có hai người phụ nữ muốn chụp hình lưu niệm với Giáo sư, ông nói: "Cứ tự nhiên, xin mời!". Thế là hai cô ấy nhờ tôi chụp ảnh giùm. Chụp xong, Giáo sư nhìn tôi nói: "Còn cháu, cũng muốn chụp với tôi chớ?". Tôi mừng rơn và nhờ một trong hai cô chụp giúp. Đáng tiếc là cô ấy đã không biết mở đèn flash nên ảnh "tối thui". Tôi lại không dám làm phiền khi Giáo sư đã dùng bữa.
Qua nhiều lần dự hội thảo về đờn ca tài tử do Giáo sư Trần Văn Khê chủ trì, tôi cảm nhận được tình cảm và tâm huyết mà ông dành cho loại hình nghệ thuật này. Trong một hội thảo ở Bạc Liêu, Giáo sư đã ví von tiếng rao đờn trong tài tử: "Rao vừa dẫn người nghe đi dần vào điệu, hơi để nghe bản đờn, vừa là lúc thử xem có phím đờn nào chênh lệch hay không. Giống như người kỵ mã trước khi cỡi ngựa cần phải biết chứng con ngựa mình đang cỡi". Và trong cuộc nói chuyện nào, điều đọng lại nơi vị Giáo sư đầy tâm đức là sự ưu đãi cho nghệ nhân, sự mai một, biến chất của các loại hình nghệ thuật dân gian với nỗi đau đáu của một nhà nghiên cứu nặng lòng với văn hóa dân tộc.
* * *
Xin tiễn biệt Giáo sư Trần Văn Khê – một hiền tài của đất nước!
Đăng Huỳnh
giáo sư, văn khê, nghiên cứu, văn hóa, âm nhạc, cổ truyền, nổi tiếng, thế giới, nhân tài, hưởng thọ, quy luật, cuộc đời, ra đi, mất mát, to lớn
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc