Đang truy cập : 213
Hôm nay : 21376
Tháng hiện tại : 2196094
Tổng lượt truy cập : 88502695
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
CL
.
Một thế kỷ trôi qua, cải lương vẫn luôn là món ăn tinh thần của người Nam bộ. Trong ảnh: Trích đoạn “Tiếng trống Mê Linh” được biểu diễn tại Cần Thơ.
Cải lương thuở ban đầu
Nhiều tài liệu biên khảo về cải lương ghi nhận, rạp hát cải lương đầu tiên là rạp Thầy Năm Tú ở Tiền Giang. Rạp được xây vào năm 1905, do ông Châu Văn Tú (thường gọi thầy Năm Tú) đầu tư, dùng để chiếu bóng nên được đặt tên là Cinéma Palace.
Năm 1918, ông Năm Tú mua lại gánh xiếc và ca ra bộ của gánh Thầy Thận (tức André Thận) ở Sa Đéc rồi bỏ tiền mời thầy tuồng, đào kép về lập nên gánh Thầy Năm Tú. Ngày 15-3-1918, gánh Thầy Năm Tú khai trương, diễn tuồng "Kim Vân Kiều" của soạn giả Trương Duy Toản. Tác giả Lê Ái Siêm trong quyển "Tiền Giang với nghệ thuật sân khấu cải lương" xuất bản năm 2013 đã thuật lại: "Đêm 15-3-1918 là đêm lễ hội tưng bừng của Mỹ Tho… Ghe thuyền của dân lục tỉnh đặc kín sông Bảo Định. Thiên hạ đen nghẹt, xô đẩy giành nhau mua vé…" (trang 58).
Theo tác giả Nguyễn Tuấn Khanh trong cuốn "Bước đường của cải lương", ngày 29-8-1921, Trương Văn Thông là chủ gánh hát Tân Thinh mời ký giả Nguyễn Văn Chất của tờ Nông Cổ Mín Đàm tới xem tuồng. Sau màn chiếu bóng thì hai soạn giả của gánh là Lâm Hoài Nghĩa và Nguyễn Quốc Biểu lên sân khấu giải thích về ý nghĩa của hai chữ cải lương.
Ngay ngày khai trương này, gánh hát Tân Thinh đã cho treo hai câu đối của soạn giả Lâm Hoài Nghĩa hai bên bảng hiệu:
"CẢI cách hát ca theo tiến bộ
LƯƠNG truyền tuồng tích sánh văn minh"
Tác giả Nguyễn Tuấn Khanh nhận định, hai chữ cải lương dùng cho bộ môn kịch nghệ đã được dùng từ trước đó, nhưng năm 1921 đã được gánh Tân Thinh cổ động và phổ biến rộng rãi hơn nên được nhiều người biết đến truyền tai nhau.
Nếu như trước khi tên gọi cải lương ra đời, nhiều gánh hát thành lập nhưng đa phần hoạt động kiểu tạm bợ, di động thì gánh Tân Thinh có rạp hát cố định, hình thức nghệ thuật sân khấu cải lương hoàn chỉnh.
Những gánh hát cải lương tiên khởi
Sau gánh hát Tân Thinh, ở Chợ Lớn - Sài Gòn có gánh Văn Hí Ban khai trương vào ngày 9-9-1921. Gánh có quy mô không lớn, đào kép không nhiều nên đôi khi một người phải đóng hai, ba vai. Đào gồm các cô: Liễu Hoa, Thiên Hương, Bích Hà; kép có Vương Ngọc Tùy…
Tại Thốt Nốt (Long Xuyên, nay thuộc Cần Thơ), ông Vương Có là người gốc Triều Châu lập gánh Tập Ích Ban vào năm 1921, gồm các nghệ sĩ nổi tiếng như Bảy Nhiêu, Ba Ngưu, cô Năm Thốt Nốt… Thầy tuồng là ông Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền. Ban ngày các nghệ sĩ tập tuồng ở sân rộng phía sau tiệm tạp hóa Vĩnh An Đường của ông Vương Có, ban đêm diễn ở sân đình Thạnh Hòa - Trung Nhứt.
Dù chỉ tồn tại khoảng 2 năm vào cuối thập niên 1920 nhưng gánh hát Đồng Nữ Ban của bà Ba Viện được giới làm nghề và người mộ điệu nhắc đến vì tính chất đặc biệt là chỉ có nghệ sĩ nữ. Bà Ba Viện là cô ruột của cố Giáo sư Trần Văn Khê. Theo lời kể của Giáo sư lúc sinh thời, những thiếu nữ được chọn vào Đồng Nữ Ban sẽ phải học rất nhiều thứ: học chữ, học ca, học diễn, học võ, học cả chuyện bếp núc, nữ công, may vá, thêu thùa… Những lần lưu diễn, tất cả nghệ sĩ cùng sống chung trong một chiếc ghe chứa được khoảng 50 - 60 người. Gánh hát của bà Ba Viện lưu diễn khắp nơi, từ Mỹ Tho đến Thủ Đức, Bến Tre, Thủ Dầu Một, Rạch Giá…
Cùng với thành công của gánh Đồng Nữ Ban, ông Hai Cu - một thợ kim hoàn ở Sài Gòn lập gánh Nam Đồng Ban nhưng không thành công lắm. Sau khi Nam Đồng Ban rã gánh, ông lập Tái Đồng Ban. Tại Mỹ Tho, cô Tư Sự lập gánh Đồng Bào Nam; Long Xuyên có gánh Sĩ Đồng Ban; Sóc Trăng có Tân Phước Nam… Cải lương ngày càng được người dân ưa chuộng, các gánh cải lương ra đời ngày càng nhiều. Cải lương lan rộng khắp lục tỉnh Nam kỳ, trở thành bộ môn nghệ thuật truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần người Nam bộ.
Bài, ảnh: Đăng Huỳnh
hoạt động, lĩnh vực, nghệ thuật, kỷ niệm, ra đời, thế kỷ, loại hình, sân khấu, phát triển, món ăn, tinh thần, nam bộ, thế hệ, nghệ sĩ, khán giả
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc