ĐQ - HT
CLVNCOM - Tự nhiên nào đưa con đò cứ sớm sớm chiều chiều lại xuôi ngược trên sông, tự đâu đó sao cánh lục bình cứ trôi lững lờ trên sóng nước êm êm, và ... cung đàn hòa tiếng hát đã bao lâu rồi nhỉ?
Có những vấn vương, vương vấn cứ sóng đôi mãi thế, êm êm tình bước bên tình, lời yêu nồng vẹn nghĩa phu thê lại thắm hòa tất lòng khúc nhạc quê hương. Đó là bức chân dung tình của đôi uyên ương nghệ sỹ cải lương: Hoài Thanh - Đỗ Quyên!
Chuyện tình hai người ấy cớ sao lại hòa tất lòng khúc nhạc quê hương? Không du dương, không chung đường tơ tiếng nhạc làm sao được khi mà đôi bạn đời nay là đôi bạn ngày xưa cùng học dưới sự truyền dạy của NSND Phùng Há.
Đã ngần ấy năm, bụi thời gian không làm phôi pha lòng yêu nghề mà lửa đam mê sân khấu cứ bùng cháy và cháy mãi như muốn lan truyền cho thế hệ trẻ! Nếu năm dài tháng rộng mang theo những biến cô, thăng trầm của cải lương thì bản tài tử vẫn đứng một ngôi vị cao trong lòng mộ điệu không hề phai nhạt! Tài tử là bản hồn quê non nước đó, đâu riêng gì nơi lòng mộ điệu mà ngay cả những họa sỹ vẽ cảm xúc trên sân khấu - là những người nghệ sỹ cũng phải nắm vững nhịp tài tử mới có thể tự do sáng tạo theo từng làn hơi cách ca, nhả chữ riêng của mình. Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, là một gia tài lớn, hơn nữa cải lương phát triển trên nền nghệ thuật đờn ca tài tử, vậy thì tại sao nhiều em nghệ sỹ trẻ bây giờ không biết nhiều về đờn ca tài tử, thậm chí là không biết hát tài tử? Vậy thì hát cải lương là để làm cái gì? Vì sao lại xuất hiện những câu hỏi ấy? Phải chăng đó là thực trạng, hiện trạng hôm nay? Vậy lỗi là do đâu? Đâu rồi bài tài tử trong cải lương? Phải chăng từ đó mất đi dần cái hồn, sự hấp dẫn cũng như thu hút giới mộ điệu? Mà oái oăm thay không biết mất ở chỗ nào, từ đâu mà mất?
Với những câu hỏi ấy, trăn trở đó, vợ chồng nghệ sỹ Hoài Thanh và Đỗ Quyên tiếc thay lại là số ít hầu như rất ít trong trong số nghệ sỹ quan tâm đến tình hình ca tài tử hiện nay và càng đặt biệt hơn là việc biết ca và phải ca làm sao cho thật chín chữ trong bài tài tử, không những thế mà còn ai hoài, đau đáu khi thốt lên "đâu rồi bài tài tử của cải lương nay" như chính nỗi lòng của bản thân mình vậy! Nếu cải lương có nhiều biến cố hay khi thăng trầm... thì bài tài tử vẫn có vị trí nhất định trong đời sống người dân Nam bộ, và hiển nhiên nằm trong thẳm sâu thiêng liêng nơi trái tim người nghệ sỹ, điều ấy có hay không thì thiết nghĩ bản thân câu hỏi "đâu rồi bài tài tử trong cải lương nay" cũng là câu trả lời, đó có lẽ cũng chính là đáp án chỉ ra thực trạng cải lương hôm nay và cách làm nghề của người trẻ! Không là sương khói tương tư tiếng tiêu sầu, không là lục bình trên sông mà là một khối, một niềm trăn trở day dứt chung trong cuộc đời nhau!
Nếu như với nghệ sỹ Đỗ Quyên theo sự dí dỏm của nghệ sỹ Hoài Thanh khi nói về phu nhân của mình là: 8 tuổi đi theo thầy cô lớn, cuộc đời đi học rồi đi học, làm đạo diễn đến phụ giáo rồi làm cô giáo! – Như có một sự tiếp nhận, duy trì, truyền nghề, phát triển và bảo tồn bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử và đặt biệt là lưu truyền và ca bài bản tài tử trong cải lương ở người nữ nghệ sỹ đã có nhiều đóng góp này! Phải chăng đó là yếu tố tạo nên một sự khác biệt ít ỏi trong nhiều thế hệ những người hát và biểu diễn, hay chỉ khi nào mang một trái tim nhà sư phạm thì mới có được điều đó chăng hỡi các bạn nghệ sỹ ơi - trách Người thầy này phát biểu: “tài tử phải đúng nhịp” – khi nói đến đây cô kể về cha mình – một nhạc sỹ đàn tranh luôn nghiêm khắc với con mình “cứ 1 giờ khuya đang ngủ là vực con dậy học nhịp, vì trong đêm khuya thanh vắng dễ dàng cảm âm hơn, nghe nhịp chuẩn hơn, và khi thật chuẩn rồi thì người nghệ sỹ mới sáng tạo ra cách ca riêng của mình, dùng giọng hát của mình để thu hút chú ý người khác muốn nghe mình hát” – điều này nay được lặp lại ở cậu con trai Hoài Anh Kiệt – cứ khi mọi người đang ngủ thì Kiệt lại thức để sáng tác. Nghệ sỹ Đỗ Quyên còn chia sẻ thêm bên cạnh ca cho đúng nhịp thì lời thoại cũng phải học, khi thoại không đàn thế nào và thoại không đàn thế nào, hoàn toàn khác nhau, người đàn phải rao làm cho nghệ sỹ có hứng muốn ca ngay, ngay cả khi đã mặc bộ đồ hát – phục trang vào cũng phải có trách nhiệm – có khi người nghệ sỹ phải nhập vai trước khi hóa trang một tiếng đồng hồ, nghĩa là có sự kết hợp của: đàn, ca, diễn xuất phải chú trọng – điều này các bạn trẻ nên xem và học hỏi NSND – tiến sỹ Bạch Tuyết – một nhân vật rất điển hình của sân khấu cải lương, và người đạo diễn là hết sức quan trọng! Không chỉ có thế đôi nghệ sỹ còn theo dõi tình hình cải lương hôm nay qua đài phát thanh với các chương trình thi ca cổ và vẫn một lời ai hoài: “đâu rồi bản tài tử cũ, không có! Xót xa trước tình hình mai một này”.
Nghệ sỹ Hoài Thanh cùng chung nỗi niềm đó “khi đi chấm điểm cho các chương trình thi ca ở người lớn tuổi thì âm hưởng tài tử, cải lương vẫn còn và ở những giọng ca trẻ thì điều này hầu như không còn nữa!” – con trai - ca sỹ Hoài Anh Kiệt có lẽ ảnh hưởng từ những trăn trở của bậc sinh thành nên mỗi lời anh nói, cả trong suy nghĩ, cảm hứng bài tài tử cũng theo vào sáng tác, biểu diễn “đem trường tương tư, tứ đại oán, tẩu mã đem cả tiếng đàn tranh, đàn kìm của quê hương vào giai điệu trẻ sôi động,” và “khi học thì phải biết tiết chế, ví dụ như một người nam học thầy là nữ thì phải biết tư duy, tiết chế lại cho phù hợp với giọng nam” – phải chăng đưa hồn tài tử vào dòng chảy hôm nay?
Trong nỗi niềm, trong ai hoài, trong xót xa đâu rồi “bản tài từ tử trong cải lương” gia đình nghệ sỹ không ai bảo ai vậy mà họ cùng chugn một nỗi nhớ và hồi tưởng về cải lương ngày ấy, nghệ sỹ Hoài Thanh: “nhớ cải lương, nhớ rạp Hưng Đạo xưa đặt biệt là mỗi Tết về có cây thật to, to lắm trước rạp, còn có hai câu đối hai bên và cả tấm liễng cung chúc tân xuân nữa… đoàn nào cũng có tuồng hát, Sài Gòn cách nhau một cây số lại có rạp hát, nhớ thủ phủ của cải lương: rạp Hưng Đạo xưa rồi bên Cô Bắc, Cô Giang, Hội Sân Khấu cả tòa soạn báo Sân Khấu nữa…” còn nghệ sỹ Đỗ Quyên “ước gì cải lương mỗi ngày được diễn 3 suất, tài tử vẫn có hướng phát triển riêng”
Tự nhiên nào đưa con đò cứ sớm sớm chiều chiều lại xuôi ngược trên sông, tự đâu đó sao cánh lục bình cứ trôi lững lờ trên sóng nước êm êm, và ... cung đàn hòa tiếng hát đã bao lâu rồi nhỉ? Có lững lờ không? Có bèo dạt mây trôi không khi mà tài tử là hồn của cải lương mà … “đâu rồi bản tài tử trong cải lương nay?” Tác giả: Vương Thoại Hồng
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://www.cailuongvietnam.com là vi phạm bản quyền
Ý kiến bạn đọc