Bìa
CLVNCOM - Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu đều là tác phẩm bất hủ của soạn giả Trần Hữu Trang. Hai vở tuồng, hai câu chuyện khác nhau, nhưng cùng một bút pháp thể hiện. Chỉ xin phân tích một chi tiết nhỏ của bút pháp đó thôi: Vận dụng chữ "mình" trong phương ngữ Nam Bộ.
Vợ chồng gọi nhau là "mình", nhạc trẻ cũng có bài "Mình ơi". Trong tuồng Tô Ánh Nguyệt, trích đoạn mà Trấn Thành cải biên, chính là đoạn có chữ "mình" tuyệt hay. Minh gặp Nguyệt, xin được gọi tiếng "mình" là sẵn lòng tha thứ. Và mấy mươi năm qua, nhiều danh ca, kép mùi, đã làm lay đọng bao trái tim bởi tiếng "mình" ấy. Minh Vương thanh tao, Trọng Hữu trầm lắng,... Còn cái ông Trấn Thành vào vai Nguyệt, gọi bằng "em" cũng ngán, huống hồ là "mình". Thiệt buồn, má Giàu chắc biết điều này, mà má quên nhắc Trấn Thành. Đành lòng sao nếu hậu duệ của soạn giả Trần Hữu Trang chấp nhận bỏ chữ "mình" trong sáng tác của tiền nhân?
Trong Đời cô Lựu, có 2 lần tiếng "mình " làm nên âm vang của vở diễn. Lựu gọi Minh Thành lúc son trẻ; "Cơm em có trước hay me mình (hái) có trước". Vì sao cơm của Lựu nấu sẽ chín trước? Vợ ngoan. Còn Minh Thành là giáo làng, thủng thỉnh đi thăm ruộng, gặp "học trò" nào đó, nhờ nó leo lên cây me (nhà nó) hái cho cô mấy trái me thì ... sớm sao được. Đạo diễn phải "nói" cho diễn viên hiểu bối cảnh đó, diễn viên mới "xuất thần" được !!!. Lần thứ hai, sau 20 năm làm vợ hội đồng Thăng, Lựu đã thất thân với người khác - kẻ hại chồng mình - tiếng "mình" uất nghẹn... Phải nói là, chưa ai diễn tiếng "mình" hay hơn cô Bạch Tuyết. Bạn có thể không thích nghe cô ấy hát, nhưng bạn cứ xem lại băng do đoàn 284 diễn hồi 32 năm trước, cải lương chi bảo "vừa đủ" tuổi làm bà hội đồng U45, mặn mà nhan sắc, mà lợt lạt nợ duyên với người chồng tấm mẳn... Gọi một tiếng "mình" có cả nồng, cay, đắng, chát,... và có cả lòng mong mỏi vị ngọt của bao dung tha thứ... Xin lỗi, cái này "gái thiệt" làm mới được, chứ ... giả gái ... giả tới bao giờ mới ra hình hài nội tâm của nhân vật.
Mình đã từng "chui" vào Nhà hát Trần Hữu Trang xem Đoàn xung kích tập tuồng. Và mình tự biết mình ... không có giọng ca ... của kép chính. Nhưng những gì "học lóm" được, cùng với chút ít tình yêu Nam Bộ, mình biết Trấn Thành rất sai. Chỉ e rằng anh ấy nói: Ông kẹ này là ai mà chê tui dữ quá ! - Và Hari ơi, Trấn Thành sẽ gọi cô là "mình" hay chỉ là "ghệ"! - Thời gian học tiếng Việt, sống ở Việt Nam khá lâu, cô chắc hiểu hàm nghĩa của tiếng "mình" trong phương ngữ Nam Bộ phải không?
NGHỆ THUẬT 3D
Những gì cơ bản nhất của sân khấu cải lương, phải học ít nhất là 3 năm, chưa kể trước đó phải nuôi dưỡng niềm đam mê trong hơn 10 năm. Từ vai có thoại cho tới vai có ca, ca trong diễn và diễn trong ca, ca bài lẻ, ca trong nhân vật,.. Phải khẳng định rằng những cái cơ bản đó Trấn Thành chưa được học. Thành thật sẽ được tha thứ. Càng hùng biện về cái sai, cái sai càng ... biến tướng hơn.
Trấn Thành diễn hài - có duyện. Trấn Thành làm MC - có chất. Nhưng xét ở chiều sâu, cần cái gì hơn "giải trí" một chút, anh ấy cần được đào luyện thêm. Sản phẩm nghệ thuật bây giờ "bát nháo", cũng cần làm người thưởng thức thông minh. Vì trân trọng nhau, quý nhau, mà ít có diễn viên trẻ nào vượt qua "hình tượng Tô Ánh Nguyệt - Lệ Thủy". Còn Trấn Thành là ai trong lĩnh vực cải lương mà ... cải biên một chút cho ... hợp gu người với khán giả?
Dùng ảnh hưởng của mình, vực dậy cải lương. Mèn ơi, xin lỗi, em trai không làm nổi đâu. Vì em không có chất cải lương, không có khả năng thực có, cần có của một diễn viên cải lương. Hãy nhận là em bất tài trong đề tài đóng vai chuẩn đào thương của sân khấu cải lương. Đó là nơi dành cho "gái đẹp thiệt, có khả năng ca diễn thiệt" làm. Vô một câu vọng cổ sao cho mùi, nói lối sao cho đúng chuẩn "thật và đẹp", diễn trong từng cái lấy hơi, cái thở ra, cái cúi đầu,... Cái này khoa diễn viên kịch thì học khác, khoa kịch hát dân tộc học khác mà. Và quan trọng, học với NGƯỜI THẦY nào nữa.
Nếu Trấn Thành khiêm hạ, chấp nhận học hàm thụ với những bậc thầy của sân khấu cải lương, 5 năm sau anh sẽ khác. Còn cứ khoác lác như hiện nay, khán giả sẽ ít dần, nếu anh cứ xà quần trong những vai giả gái. Vì rất nhiều người tinh ý nhận ra rằng ... nghệ thuật đang 3D hóa, không phải công nghệ 3D, mà chính là... nói dai, khêu dâm vì ... dốt quá ! Không được đào tạo, không tự học ở bất cứ lĩnh vực nào, chính là dốt vậy mà. Đau. Nhưng ai cũng phải biết đau mới trưởng thành hơn.
Hien Nguyen facebook - Giáo viên trường PTTH Đa Phước Trấn Thành xin lỗi vì mượn hình ảnh Tô Ánh Nguyệt diễn hài
Nam diễn viên khẳng định anh sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc về việc mượn các nhân vật kinh điển của nghệ thuật cải lương để biến thành dị bản trên sân khấu hài. Thời gian gần đây, nhiều khán giả chia sẻ bức xúc về một trích đoạn cải lương mang tên Tô Ánh Nguyệt remix có sự tham gia của Trấn Thành, Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Giàu và Anh Đức. Ở dị bản do Trấn Thành viết nội dung, nam diễn viên giả gái, hóa thân vào nữ nhân vật chính. Diễn xuất và lời thoại của anh cùng hai bạn diễn bị cho là "bóp méo" nội dung vở cải lương kinh điển của cố soạn giả Trần Hữu Trang.
Trưa 23/4, sau một thời gian hứng chịu sự chỉ trích từ dư luận, Trấn Thành chia sẻ với VnExpress anh rất xin lỗi về vụ việc.
|
"Tôi còn trẻ, trong hành trình làm nghề không tránh khỏi có khi sai sót. Mong khán giả và các anh chị, cô chú trong nghề lượng thứ để tôi tiếp tục làm việc và cống hiến", Trấn Thành nói. |
"Đáng lẽ tôi phải thay đổi tên tất cả các nhân vật trong trích đoạn này để khán giả yêu nghệ thuật cải lương chính thống không bị hiểu nhầm chúng tôi đang tái diễn vở Tô Ánh Nguyệt kinh điển của cố soạn giả Trần Hữu Trang. Tôi thật sự chỉ muốn làm một dị bản cải lương hài, trong đó, tôi mượn các nhân vật ở nguyên mẫu nhằm nói đến một nội dung hoàn toàn khác tác phẩm gốc. Cái sai của tôi là đã làm vở diễn không khéo, có cách thể hiện chưa đúng để khán giả cảm nhận được thông điệp mình muốn nói. Nếu chỉ là nhân vật hài bình thường thì không sao, nhưng vô tình lối diễn của tôi được đặt vào nhân vật nổi tiếng như Tô Ánh Nguyệt đã làm khán giả bất bình", nam diễn viên giãi bày.
Ngoài ra, nam diễn viên còn xin lỗi vì chưa xin phép tác quyền đã tự ý lấy vở diễn nổi tiếng ra để chế tác dị bản.
|
Trấn Thành giả gái vào vai "Tô Ánh Nguyệt tân thời". Ảnh chụp từ màn hình. |
Nam nghệ sĩ khẳng định anh không phải là người đầu tiên mượn hình tượng các nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm kinh điển để làm dị bản. "Trong Tây Du Ký - một tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc, nhân vật Đường Tăng hay Tề Thiên Đại Thánh cũng nhiều lần bị đem ra chế tác thành các nhân vật dị bản trong Tây Du ngoại truyện... Hay mỹ nhân ngư - một hình ảnh xinh đẹp, quen thuộc trong phim hoạt hình Walt Disney - cũng bị Châu Tinh Trì lấy ra biến đổi lại và được mọi người rất yêu thích", anh nói.
Trước khi làm Tô Ánh Nguyệt Remix, Trấn Thành ấp ủ ý định sẽ thực hiện một vở cải lương dài chính thống để giới thiệu bộ môn nghệ thuật mà anh rất yêu quý đến gần với khán giả hơn. "Tôi định làm cải lương hài để khán giả, nhất là người trẻ, chú ý và thấy thích cải lương trước đã rồi từ từ sẽ có dự án lớn nghiêm túc, chính thống hơn. Nhưng vấp phải sự cố này và những phản ứng từ mọi người tôi cảm thấy 'nhát tay', không dám làm nữa. Tôi sợ một lần nữa bị sơ sót, vì người nghệ sĩ chung quy lại vẫn chỉ muốn phục vụ khán giả và được khán giả yêu quý", anh nói.
Trích đoạn cải lương Tô Ánh Nguyệt Remix là tiết mục trong chương trình ca nhạc hài kịch do một trung tâm ở hải ngoại thực hiện. Video này đã xuất hiện trên Internet từ đầu năm nay nhưng gần đây mới gây sự chú ý với khán giả.
|
Tô Ánh Nguyệt là một trong những vai diễn lớn của Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy (phải). Tác phẩm cải lương nổi tiếng được cố soạn giả Trần Hữu Trang soạn khoảng 1935-1936. |
Tiểu phẩm Tô Ánh Nguyệt remix diễn lại phân đoạn khi ông Minh tìm đến nhà Tô Ánh Nguyệt sau thời gian dài cả hai không liên lạc nhau. Đứa con trai ngày trước Tô Ánh Nguyệt trao cho ông Minh đã trưởng thành, sắp lấy vợ. Vì thế, ông tìm đến nhà người yêu cũ để mời bà đến dự tiệc cưới con. Trong nguyên bản, đây là một trích đoạn hay, cảm động. Qua thể hiện của diễn viên Trấn Thành (vai Tô Ánh Nguyệt), NSND Ngọc Giàu (vai ông Minh) và Anh Đức (vai đứa con trai), trích đoạn được cải biên theo dạng hài biến tấu. Trong đó, Trấn Thành biểu diễn nhiều về hình thể, nhất là phô diễn phần ngực độn giả gái. Trong cuộc hội ngộ giữa ông Minh và Nguyệt có những câu đùa tếu táo, những lời thoại ám chỉ về giới tính, quan hệ nam nữ.
Kết thúc, Trấn Thành tuyên bố: "Ngày xưa bà kia là bà Tô Ánh Nguyệt còn con này không phải Tô Ánh Nguyệt mà là con Nguyệt bán cocktail tô. Thành ra tôi không chờ đợi gì hết. Chế đã có chồng...".
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Kim Tử Long, việc pha hài vào cải lương để cải biên thành các tiểu phẩm chọc cười khán giả là xu hướng khá phổ biến nhiều năm qua trong làng truyền hình, sân khấu. Tuy vậy, việc cải biên cần khéo léo, không nên quá bám sát vào kịch bản gốc, giữ lại trọn vẹn tên nhân vật hoặc các tình tiết khiến khán giả hình dung, liên tưởng đến nguyên tác như trường hợp Tô Ánh Nguyệt remix.
Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội sân khấu TP HCM - chia sẻ ông biết đến trích đoạn cải lương hài này sau khi nhiều người lên tiếng bức xúc. "Cảm giác đầu tiên của tôi là rất buồn. Có thể có khán giả cười khi xem xong trích đoạn. Nhưng đó là tiếng cười xuất phát từ việc một kịch bản kinh điển, vốn được nhiều khán giả nắm rõ đường dây câu chuyện, lại bị biến tướng một cách méo mó chứ không phải cười vì nét duyên của diễn viên", đạo diễn Trần Ngọc Giàu nói.
Trước nhiều phản ứng của khán giả, Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Giàu (người đóng vai Minh) chia sẻ với VnExpress: "Tôi sẽ rút kinh nghiệm về việc này, sẽ không bao giờ tham gia vào những vở biến tấu từ tuồng cải lương kinh điển như 'Tô Ánh Nguyệt' nữa".
Ý kiến bạn đọc