Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Những Vở Diễn Hay

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Ðêm vinh danh soạn giả Yên Lang hội ngộ nghệ sĩ

Chủ nhật - 16/09/2012 11:32

Soạn Giả Yên Lang - ảnh CLVN

“Cách đây hơn 10 năm khi vừa đặt chân xuống đất Mỹ, tôi nghĩ rằng bộ môn cải lương đã thực sự lùi vào quá khứ, sẽ không còn có cơ hội xuất hiện, trình diễn trên sân khấu hải ngoại, nhưng thật không ngờ ngày hôm nay trên sân khấu tại hải ngoại, tôi lại được diện kiến với khán giả ái mộ, hội ngộ với các nghệ sĩ trẻ và các nghệ sĩ tên tuổi mà trước đây hơn 30 năm đã cùng sát cánh bên nhau phục vụ cho bộ môn cải lương truyền thống tại quê nhà. Xin cám ơn tất cả khán giả hải ngoại đã tạo điều kiện cho cải lương hồi sinh....”. Trên đây là lời phát biểu chân tình, đầy xúc động của soạn giả Yên Lang, soạn giả thường trực của đoàn Kim Chung - Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt - trong đêm “Yên Lang Hội Ngộ Nghệ Sĩ” tại nhà hàng Regent West Orange County - California.
Nói đến soạn giả Yên Lang, một trong số rất ít soạn giả cùng thời hiện còn đang sống và hoạt động trong lãnh vực cải lương người ái mộ chắc chắn không thể không nhớ đến những vở tuồng cải lương đã tạo sự say mê cùng nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả ái mộ như Tây Thi Gái Nước Việt, Ðêm Lạnh Chùa Hoang..., những vở tuồng đã đưa tên tuổi Yên Lang lên đỉnh cao nghệ thuật. Cảnh trong vở Đêm Lạnh Chùa Hoang với Minh Cảnh, Lệ Thuỷ và Minh Phụng - ảnh CLVN Ngoài những vở hát được nhiều người biết đến, soạn giả Yên Lang còn sáng tác hơn ba mươi vở cải lương được trình diễn thường xuyên trên sân khấu Kim Chung như Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn - Máu Nhuộm Sân Chùa - Áo Vũ Cơ Hàn (tức Tâm Sự Loài Chim Biển) - Nắng Thu về Ngõ Trúc - Bão Biển - Người Phu Khiêng Kiệu Cưới - Manh Áo Quê Nghèo, v.v... Soạn giả Yên Lang tên thật là Nguyễn Ngọc Thanh, bước vào làng thơ từ lúc còn đang theo học trường Trung Học Tân Thịnh tại Sài Gòn. Do cơ duyên gặp gỡ ký giả Phong Vân cùng với nhà thơ Hoài Ngọc, được sự khuyến khích tận tình của hai đàn anh, cậu học trò Tân Thịnh Nguyễn Ngọc Thanh mạnh dạn bước vào lãnh vực sáng tác tuồng cải lương với một niềm tự tin và một tinh thần cầu tiến cao độ. Hai vở cải lương đầu tay cùng hợp soạn với soạn giả đàn anh Nguyễn Liêu là “Nắng Chiều Lên Cổ Tháp” và “Bếp Lửa Chiều Ly Biệt,” được trình diễn lần đầu tiên trên sân khấu Song Kiều do cô đào chánh Kiều Oanh thủ diễn vai chánh, bên cạnh các nghệ sĩ tên tuổi Tấn Tài,Thanh Sang, Phương Quang là niềm hãnh diện đầu đời của soạn giả trẻ Yên Lang. Sau hai vở tuồng đầu tay thành công, được khán giả ái mộ nhiệt liệt tán thưởng, soạn giả Yên Lang bước những bước đi vững chắc một mình với hai vở Cuối Mùa Hoa Rụng và Ðường Về Quê Ngoại trình diễn trên sân khấu Bạch Vân. Năm 1963 tên tuổi Yên Lang đã thực sự đi sâu vào lòng khán giả ái mộ, và chiếm được cảm tình của hầu hết khán giả yêu mến bộ môn cải lương, Yên Lang bắt đầu hợp tác với đoàn Kim Chung - Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt - với hai cô đào nổi tiếng miền Bắc là Kim Chung, Bích Hợp. Vở đầu tiên khi về hợp tác với đoàn Kim Chung là vở Manh Áo Quê Nghèo do Kim Chung thủ vai đào chánh, Hùng Cường kép chánh, Kim Nguyên kép phụ, Bích Hợp đào phụ (sau này Lệ Thủy thay thế cô đào Bích Hợp). Vở hát Manh Áo Quê Nghèo được khán giả say mê và yêu cầu đoàn Kim Chung diễn đi diễn lại nhiều lần. Từ năm 1963 cho đến tháng cuối Tháng Tư 1975, Yên Lang là soạn giả thường trực của đoàn Kim Chung hát trường trực tại rạp Olympic, đường Hồng Thập Tự Sài Gòn. Ngoài ra thỉnh thoảng cũng hợp tác với một số đoàn tại Sài Gòn và các tỉnh như Thinh Thông, Kim Chưởng, Dạ Lý Hương, Việt Nam với một số nghệ sĩ tên tuổi như Minh Vương, Phượng Liên, v.v... Minh Vương thời gian này bắt đầu nổi tiếng được khán giả ái mộ qua vai diễn trong vở “Nắng Thu Về Ngõ Trúc” của soạn giả Yên Lang. Minh Cảnh, Minh Phụng, Lệ Thuỷ trong Đêm Lạnh Chùa Hoang của Soạn Giả Yên Lang -ảnh CLVN Yên Lang sang Hoa Kỳ năm 1995 diện HO, lúc đầu định cư tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia. Sau thời gian ngắn sống tại Atlanta, trong một dịp sang thăm thân hữu tại thành phố biển San Diego California, Yên Lang quyết định ở lại, một tháng sau hiền nội Kiều Oanh cũng rời Atlanta theo phu quân về định cư tại San Diego. Ðịnh cư tại thành phố biển San Diego, Yên Lang và Kiều Oanh luôn đối diện với những khó khăn triền miên của cuộc sống hoàn toàn xa lạ từ ngôn ngữ đến phong tục tập quán. Sau một năm được sự khuyến khích của ký giả Lâm Tường Dũ, nhà báo Tô Kiều Phương, nhà thơ Nhật Hồng..., soạn giả Yên Lang và Kiều Oanh lại rời thành phố biển hiền hòa di chuyển về thủ đô tỵ nạn Little Saigon. Tại đây mặc dù có nhiều cơ hội phát triển trong lãnh vực văn hóa văn học, nhưng bộ môn cải lương vẫn chưa có đất dụng võ, chưa được nhiều người Việt hải ngoại chú ý tới, Yên Lang chỉ hoạt động cầm chừng, tiếp tục sáng tác một số bài ngắn như Quán Nước Quê Nghèo - Thầy Cũ Trường Xưa - Hương Nhãn Bạc Liêu - Hương Cau Quê Ngoại - Bạc Liêu Quê Mẹ - Quang Trung Áo Vải Cờ Ðào - Cô Gái Miền Trung - Ngàn Dặm Nước Non... nhưng cũng chỉ phổ biến hạn hẹp trong một số thính giả ái mộ. MC Đỗ Thanh, Soạn Giả Yên Lang, Kịch sĩ Mai Phương và Nghệ Sĩ Kiều Oanh tức bà SG Yên Lang - ảnh CLVN Như đã đề cập ở phần trên, hai vở hát đầu tay của soạn giả Yên Lang Nắng Chiều Lên Cổ Tháp và Bếp Lửa Chiều Ly Biệt cùng hợp soạn với soạn giả Nguyễn Liêu được trình diễn trên sân khấu Song Kiều, do cô đào trẻ tài sắc vẹn toàn Kiều Oanh đóng vai chánh, và tại sân khấu này, nhịp tim bắt đầu thổn thức, rạo rực trước hình bóng yêu kiều của cô đào chánh, cuộc đời soạn giả Yên Lang đi vào bước ngoặc lịch sử, bắt đầu cuộc sống mới đầy thơ mộng. Kiều Oanh chính là ái nữ của bà bầu gánh hát Song Kiều, sau khi diễn xong hai vở hát đầu tay của Yên Lang, cô đào chánh Kiều Oanh cũng cảm thấy con tim rạo rực, tình nguyện giã từ cuộc đời độc thân để về nâng khăn sửa túi cho chàng soạn giả trẻ tuổi hào hoa của đất Bạc Liêu. Kể từ đó Kiều Oanh còn có thêm tên mới là bà soạn giả Yên Lang, giã từ sân ksấu Song Kiều để thành lập “gánh hát riêng” chỉ có một đào Kiều Oanh và một kép Yên Lang. Sau hơn ba mươi năm “hương lửa mặn nồng,” cô đào khả ái Kiều Oanh “sản xuất” được ba kép nhí và một đào nhí. Hiện nay các đào kép nhí cũng đã trưởng thành, đặc biệt một kép nhí quyết tâm dấn bước theo con đường nghệ thuật của thân phụ và cũng nổi tiếng trong nước, được nhiều người ái mộ: Soạn giả Lam Tuyền, hiện nay đang là soạn giả thường trực của Nhà Hát Trần Hữu Trang, thường xuyên sáng tác các vở hài kịch được một số diễn viên hài tại hải ngoại và trong nước như Hoài Linh, Lê Tín thủ diễn. Xin chúc mừng Lam Tuyền nối gót thân phụ Yên Lang đạt nhiều thành công mỹ mãn trong lãnh vực nghệ thuật. NS Lệ Thuỷ, MC Đỗ Thanh,SG Yên Lang, NS Minh Phụng và NS Minh Cảnh - ảnh CLVN Nhìn soạn giả Yên Lang đứng bên cạnh một số nghệ sĩ gạo cội mà tên tuổi đã hằn sâu trong ký ức của từng khán giả ái mộ như Lệ Thủy, Minh Cảnh, Minh Phụng cùng với một số nghệ sĩ trẻ tài năng thuộc thế hệ thứ hai tại hải ngoại như Xuân Mỹ, Linh Tuấn... trong “Ðêm Vinh Danh Soạn Giả Yên Lang Hội Ngộ Nghệ Sĩ” chắc chắn không ai trong chúng ta không mừng thầm, cùng có chung một niềm tin yêu vững chắc cho sự hồi sinh của bộ môn cải lương tại hải ngoại, mà Yên Lang chính là một trong những chất xúc tác để bộ môn nghệ thuật này từng bước phục hồi lại ngôi vị vàng son của những năm trước 1975. SG Yên Lang và người bạn NS Minh Cảnh trong Đêm Vinh Danh SG Yên Lang Hội Ngộ NS - ảnh CLVN

Tác giả bài viết: tancogiaoduyen

Nguồn tin: Nguyễn Hữu Của - NV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN