một cảnh
Vở cải lương "Dâu bể một kiếp tằm" do Nhà hát Cải lương Hà Nội thực hiện để kỷ niệm 600 năm nghệ thuật ca trù phát triển ở đất Thăng Long - Hà Nội. Cùng với đó là một lần tâm sự chuyện đời, chuyện nghề của những người quyết giữ nét văn hóa truyền thống dù phải trải bao thăng trầm.
"Dâu bể một kiếp tằm" là sự kết hợp biểu diễn nghệ thuật cải lương với ca trù, do Cát Điền và Thế Song viết kịch bản, NSND Hoàng Quỳnh Mai (Nhà hát Cải lương Việt Nam) đạo diễn. Vở diễn dựa vào một giai thoại dân gian thời chúa Nguyễn để kể về những người mang kiếp cầm ca trong xã hội xưa. Nhờ có họ, với tình yêu nghề tha thiết, dù trải qua bao khó khăn, oan trái nhưng vẫn giữ nghề, để nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc không bị mai một. Tác giả mượn chuyện về người mẹ của nhà chính trị, danh nhân văn hóa, danh tướng Đào Duy Từ.
Cảnh trong vở cải lương “Dâu bể một kiếp tằm”. Ảnh: Tuấn Kiệt
Bà tên là Lan Chi, chồng mất sớm nên một mình nuôi con ăn học bằng nghề hát ả đào. Suốt cuộc đời, vì con đường công danh sự nghiệp của con, bà đã chịu nhiều khổ cực, thậm chí hy sinh cả phẩm giá của mình. Tuy nhiên, trong toàn bộ vở diễn, ê kíp thực hiện không chỉ đích danh và hoàn cảnh gia đình ông mà tập trung vào khắc họa hình tượng một người mẹ, một đại diện của thế hệ xưa hết lòng vì nghệ thuật.
Sân khấu được thiết kế tối giản, đầy tính ước lệ với hình ảnh cây đàn lớn chủ đạo, trong đó người mẹ - một ca nương với những thăng trầm, dâu bể bị cuốn trong những nhịp rung của dây đàn. Những sợi dây ấy, khi thì là dải lụa mềm mại như hình tượng người phụ nữ đẹp đẽ cất tiếng hát cho đời, khi lại là những dây tơ gắn kết tình cảm, có lúc lại như chiếc thòng lọng siết chặt lấy con người. Và ở đó, bà Lan Chi, do NSND Thanh Hương (Đoàn Hoa Mai) thể hiện, đã lần lượt vượt qua những trở ngại, đớn đau với nghị lực phi thường.
Với người phụ nữ ấy, ca hát không phải chỉ để kiếm sống nuôi con mà còn là tình yêu nghệ thuật và nỗi đau đáu được sống trong hơi thở nghệ thuật. Bằng giọng hát đẹp, cao, đầy đặn, mượt mà cùng lối diễn tinh tế, NSND Thanh Hương đã thể hiện trọn vẹn điều đó. Phần âm nhạc do NSND Hoàng Anh Tú thực hiện có lẽ là điểm nhấn quan trọng trong vở diễn. Khán giả được sống trong một không gian âm nhạc hòa quyện, bay bổng giữa ca trù và cải lương. Chất ca trù được đưa vào với đầy đủ yếu tố đàn, hát, phách da diết đặc trưng, trong khi chất cải lương không bị loãng, vừa đủ tạo cảm giác mới mẻ cho người xem.
"Dâu bể một kiếp tằm" được dàn dựng rất nhanh và chỉ sau hơn một tháng đã hoàn thành. Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai dường như rút hết gan ruột vào vở diễn này. Chị nói: "Đó là câu chuyện của chúng tôi, những người theo đuổi nghệ thuật truyền thống, sinh nghề mà tử cũng vì nghề, dù thời trước hay bây giờ cũng vậy.
Từ đây chúng tôi nói được tiếng lòng mình và tri ân những bậc tiền bối". Dốc đến kiệt sức để dựng vở cộng với nắng mưa, nóng lạnh của thời tiết những ngày cận Tết đã khiến đạo diễn bị cảm, sốt nặng, nhiều khi không thể đứng dậy, cất lời. Nhưng không ngày nào chị rời sàn tập, có khi bác sĩ cũng phải đến rạp để tiêm cho chị lại sức, tiếp tục công việc. Hình ảnh ấy, cộng với những gì cống hiến trên sân khấu đã cho thấy một sự đồng điệu xưa nay của những người nghệ sĩ, luôn cháy hết mình với nghệ thuật.
Sau những ngày tết Nguyên đán, "Dâu bể một kiếp tằm" sẽ được công diễn rộng rãi.
An Nhi
Ý kiến bạn đọc