NSƯT Thanh Sang và Thanh Tú trong vở Bên cầu dệt lụa |
Người về rũ áo lau son phấn
Trong số những nghệ sĩ mai danh ẩn tích có cô đào Bích Sơn từng đóng vai nữ tướng Thánh Thiên trong vở Tiếng trống Mê Linh bên cạnh Thanh Nga. Bà được mệnh danh “kiều nữ” trong sân khấu lẫn điện ảnh vì có nhan sắc mỹ miều theo kiểu gái bắc, mái tóc dài như suối, đôi mắt buồn mơ mộng, nhưng lại hát được giọng miền Nam nên các đoàn Kim Chung, Thúy Nga, Thanh Nga mời về. Sau bà theo chồng sang Mỹ, chấm dứt luôn sự nghiệp cải lương nơi xứ người.
Bo Bo Hoàng là một huyền thoại, giờ cũng lui về ở ẩn. 4 tuổi, bà đã lên sân khấu hát đào con, đến 8 tuổi thì về nhóm Đồng Ấu Minh Tơ đóng vai Điêu Thuyền chung với Thanh Tòng - Lữ Bố, lớn lên một chút thì về đại bang Thủ Đô. Bà gây bất ngờ với vai bé Bo Bo con của NSND Ba Vân trong vở Tiếng trống sang canh, từ đó khán giả gọi luôn là Bo Bo Hoàng cho tới ngày nay. Bà đã hát cho nhiều đoàn lớn như Hương Mùa Thu, Minh Tơ, Tấn Tài - Thành Được, Dũng Thanh Lâm - Mỹ Châu… và thu đĩa rất nhiều với giọng ca trong trẻo dễ thương.
Nghệ sĩ Mộng Tuyền (phải) - Ảnh: H.K |
Bà lập gia đình với nghệ sĩ Nhật Thanh - Khôi nguyên vọng cổ trước thời Minh Vương. Và khi cải lương khó khăn thì bà có nghề may trang phục tuồng cổ mà sinh sống ổn định. Thỉnh thoảng vẫn thấy bà xuất hiện ở sân khấu vì bè bạn thân tình mời hát. Bà nói: “Đi xa mệt lắm. Giờ chỉ hát cầu vui thôi. Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy các em mặc trang phục mình may bước lên sân khấu đẹp lộng lẫy. Cũng chẳng than van gì, vì đủ ăn đủ mặc, 1 con trai, 1 con gái, 1 cháu nội, gia đình sum vầy, lại có nhà để ở không phải lang thang thuê mướn. Sống là phải lao động chứ, và làm đủ sức, đủ ăn là hạnh phúc rồi”.
Nghệ sĩ Ngọc Bích nhận giải Thanh Tâm năm 1967, sau 1975 thì nổi tiếng với vai Jackly Hương trong vở Tìm lại cuộc đời của đoàn Sài Gòn 2, cũng giã từ màn nhung rất sớm, ngay khi đoàn này ngưng hát. Bà tính trầm lặng không thích chạy sô, và từ chối cả việc phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú. Ông Nguyễn Văn Giỏi, nguyên Trưởng đoàn Sài Gòn 1 kể: “Hồi đó Ngọc Bích là một trong những nghệ sĩ được đề nghị phong tặng đợt đầu tiên, tôi và anh em ở Sở Văn hóa xuống vận động, thì bà nói: “Thôi, để cho các em trẻ, còn tôi vậy đủ rồi”. Bà sống ở ngoại ô, từ chối tiếp xúc với bạn bè cũ luôn”.
Kim Loan (chính là Mộng Tuyền) và Thanh Tú, Diệp Lang đều được giải Thanh Tâm năm 1963, nhưng lâu lắm mới xuất hiện. Mộng Tuyền sống ở Pháp, có cửa hàng bán đồ mỹ nghệ, năm nào cũng về quê chơi, ai kêu hát thì hát, nhưng bà không mấy bận tâm. Còn vợ chồng NSND Diệp Lang theo con đi Mỹ để gần gũi trông nom lẫn nhau, cả năm mới thấy ông tái ngộ khán giả kiều bào với vài bài vọng cổ. Thanh Tú thì bị tai biến cả chục năm nay, ông ít đi hát, nhưng hễ đi là cứ bài vọng cổ của Nhuận Điền (Bên cầu dệt lụa) là đủ thỏa mãn khán giả. Không ai ca những bài này hay và thấm thía bằng ông, nên khán giả cứ yêu cầu hoài.
Mỹ Châu cũng mai danh ẩn tích mấy chục năm nay, bà ở Mỹ, nửa năm về nước một lần, lâu lâu chỉ cộng tác với Đài truyền hình Cần Thơ mà thôi. Bà nói bà mến đài này vì họ rất tình cảm. Rảnh thì bà thu album nghe chơi chứ không cần phát hành. Nhưng bạn bè của bà tung những bài ca cổ ấy lên mạng, thế là Mỹ Châu vẫn ngọt ngào giọng hát như ngày xưa.
Phương Bình sau khi nhận giải Thanh Tâm 1967 thì nổi tiếng và bước vào con đường làm bầu. Nhưng nghề này không đãi ông. 5 căn nhà mặt tiền, 5 ô tô, 2 xe tải lần lượt bù lỗ cho gánh hát. Đến 1998 thì ông giải thể, chỉ còn đi hát lai rai trong các chương trình đại nhạc hội hoặc các quán nghệ sĩ.
Miệt mài theo nghề
Có thể nói, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Thanh Sang, Thanh Nguyệt, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Phương Quang, Bảo Quốc là những gương mặt của giải Thanh Tâm còn làm nghề một cách bền bỉ kỳ lạ. NSND Ngọc Giàu hết đóng cải lương sang đóng kịch, làm album, đi diễn nước ngoài hằng năm. NSƯT Thanh Nguyệt cũng vậy; với gương mặt quá đẹp và phúc hậu, bà không chỉ đóng cải lương mà còn đóng mấy chục bộ phim và cả quảng cáo. NSND Lệ Thủy luôn nhiệt tình với vùng sâu; bà con nơi nào yêu cầu là Lệ Thủy lặn lội tới nơi, thấy mà thương. Bà và con trai Đình Trí cùng nhau sát cánh làm hơn 10 album ca nhạc và vọng cổ cải lương, rất sung sức.
Nghệ sĩ Tấn Tài và Lệ Thủy - Ảnh: tư liệu |
NSND Bạch Tuyết chẳng những viết kịch bản, viết sách, mà còn nghiên cứu luật quốc tế, vì trước kia bà từng học luật. Phượng Liên vẫn đi hát đều đặn ở Mỹ; mới đây bà về nước diễn thay Thanh Nga trong các vở Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, khán giả vỗ tay không ngớt. NSƯT Phương Quang chẳng những đi hát mà còn đủ sức làm giám khảo các cuộc thi ca cổ của TP.HCM và các tỉnh. Chỉ có Thanh Sang, than là đủ thứ bệnh, nhưng khi lên hát thì cực kỳ sung sức, hát xong thì cứ… xỉu. Nhưng vai Thi Sách của ông quá hay, khán giả cứ muốn nhìn thấy ông mà thôi.
Cuối cùng là danh hài NSƯT Bảo Quốc. Ông khỏe mạnh lạ kỳ, quanh năm không hề đau ốm, giờ lại sang Mỹ chơi với con, một năm chắc ở Mỹ 8 tháng. Ông có thể nhận sô diễn ở VN lẫn ở Mỹ, miễn thấy nó phù hợp. Ông nói: “Tuổi này rồi phải lựa chọn chương trình nghiêm túc. Tôi thích đóng chính kịch nữa, vai càng phức tạp càng thích”.
Những người không còn nữa Nói tới giải Thanh Tâm không thể không nhắc tới Thanh Nga, cô đào đoạt giải Thanh Tâm năm đầu tiên khi nhan sắc và tài năng đang độ rực rỡ nhất. Thanh Nga qua đời khi mới 37 tuổi, để lại cậu con trai Hà Linh vừa 5 tuổi, sống với bà ngoại là bà bầu Thơ và các cậu, các dì. Nay Hà Linh đã tốt nghiệp Khoa Diễn viên và đạo diễn Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, là một cây hài khá đắt sô, vừa diễn tại các tụ điểm, diễn truyền hình, vừa đóng phim nhiều tập. Trương Ánh Loan, Tấn Tài cùng đoạt giải năm 1963 nhưng Ánh Loan chết quá trẻ khi mới xấp xỉ 30, còn Tấn Tài thì mất năm 2011, để lại Tấn Beo và Tấn Bo là hai con trai nối nghiệp nhưng cũng theo hài chứ không hát được cải lương. |
Hoàng Kim
Ý kiến bạn đọc