Đang truy cập : 187
•Máy chủ tìm kiếm : 31
•Khách viếng thăm : 156
Hôm nay : 19157
Tháng hiện tại : 2193875
Tổng lượt truy cập : 88500476
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
CẢI LƯƠNG CHI BẢO – GIỌT MÁU CẢI LƯƠNG HỌC TỪ CÀNH CÂY CỌNG CỎ
Truyền thống dân tộc xưa nay luôn nêu cao đạo lý tôn sư trọng đạo, ai ai sinh ra cũng có ít nhất một người thầy mà chúng ta tôn kính. Là kỹ sư tâm hồn của những tâm hồn nghệ thuật lại càng đặc biệt hơn. Làm sao để giọt máu cải lương lúc nào cũng trẻ, lúc nào cũng hòa nhập được?
Dòng đời luôn dung nạp điều mới, dòng tuần hoàn máu luôn sản sinh ra tế bào mới và tự hủy đi những tế bào cũ không còn khả năng đáp ứng.
Cốt yếu, tự nhiên vốn dĩ là sự luôn tiếp thu, tìm tòi cái mới? Ở con người quá trình đó được gói gọn trong một chữ : học. Đúng hay sai?
Ai là người nuôi giọt máu cải lương, và giữ hồn cho cải lương kiêu sa và lấp lánh mãi? Chính người nghệ sĩ hay người mộ điệu? Và , làm sao để giữ được điều đó? Thiết nghĩ, sư uyên bác của người nghệ sĩ cũng không là ngoài lệ!
Dạ, kính thưa NSND Bạch Tuyết, các bậc tiền bối rất tinh tế trong việc nhìn người, chọn chữ! Điển hình là CẢI LƯƠNG CHI BẢO! Dạ thưa Cô, làm sao để có được một sự uyên bác, hình ảnh nhân vật hàn lâm, lời ca đi liền với động tác hình thể (đặc biệt là trong các vở cải lương xã hội, và bài vọng cổ) như một NSND Bạch Tuyết?
NSND Tiến sĩ Bạch Tuyết: Cảm ơn cha mẹ sinh tôi ra là một đứa bé ham học, kiên trì, và thích nhận trách nhiệm tự thân. Tôi học Thầy, học bạn, học từ cành cây cọng cỏ, học và ngẫm nghĩ trầm tư, để biết được nguyên nhân khách quan, chủ quan, chân thành xin lỗi mình ở mỗi lần vấp ngã.
Thành quả không đến dễ dàng mà phải qua quá trình rèn luyện, kiên trì, học hỏi. Người nghệ sĩ trong thời đại mới, thiết nghĩ phải là người của tri thức, tầm hiểu biết sâu, rộng, nhận định phải logic, sâu sắc và nhạy bén … Nếu đạt đến sự uyên bác thì hình ảnh nhân vật đa chiều hơn, sang trọng hơn sẽ càng mang lại hiệu ứng thẩm mĩ cảm thụ hơn từ người xem. Cải lương trong thời đại mới, nhất là xu thế hiện nay rất cần những điều đó. Vì sao?
Trước thực trạng cải lương hiện nay, NSND Bạch Tuyết có tâm sự gì với thế hệ nghệ sĩ trẻ và một lời trao gởi dành cho các bạn ấy?
NSND Tiến sĩ Bạch Tuyết: Các nghệ sĩ thế hệ hôm nay đa số rất năng động, tài hoa, tuy nhiên các bạn vừa phải tự chăm chút tài năng vừa phải đối mặt với thế giới truyền thông công nghiệp hiện đại, vừa phải giữ thân giữ giọng, nuôi dưỡng đam mê của mình khi bước chân vào “đấu trường vô hình” (nhưng có thật). Bạn nào may mắn có đủ bản lĩnh, thông minh, chuyên cần, kiên trì, nhìn nhận những vấn để chung, riêng bằng tư duy khoa học, đương nhiên sẽ nắm được chiếc chìa khóa vàng, đường hoàng bước đi trên con đường của các ngôi sao. Ngược lại, rất khó nói. Chúng ta thử nhìn một vài trong những nghệ sĩ đang thành công, được khán giả tin cậy, yêu mến thật sự, ít hay nhiều, âm thầm hay công khai, các vị đó đều có “manager” của mình. Bởi vì đứng về qui luật, người nghệ sĩ thường bay bỗng khi sáng tạo nghệ thuật, bây giờ họ cần người quản lý giúp họ sử dụng con mắt thứ ba, đó là “tư duy chiến lược” đến từ một con người đang đứng hai chân vững vàng trên mặt đất.
Từ đó có thể thấy rằng giọt máu cải lương từ lúc hình thành, sinh trưởng, phát triển rồi tỏa sáng không hề đơn giản như bao người vẫn nghĩ, và nếu những ai làm nghề với một trái tim, hơi thở, lòng tự hào dân tộc, quê hương đất nước, ý thức gìn giữ, bảo tồn nền nghệ thuật đặc biệt có một không hai thì càng khó hơn và đáng được trân trọng ở vị trí cao nhất, làm được những điều đó lịch sử sẽ nêu tên các bạn, cũng như đâu dễ dàng gì dòng nghệ thuật lại có: CẢI LƯƠNG CHI BẢO Bạch Tuyết, DANH CA Út Trà Ôn, KỲ NỮ Kim Cương, HOÀNG TỬ SÂN KHẤU Minh Phụng, ĐỆ NHẤT ĐÀO THƯƠNG Lệ Thủy, THỐNG SOÁI TUỒNG CỐ Thanh Tòng, PHÙ THỦY SÂN KHẤU Thành Lộc … và những dấu ấn này, tâm huyết về một nền nghệ thuật dân tộc trong thời điểm này làm sao, khi nào có lại lần nữa?
Nếu trên thế giới nghệ thuật được xem là nền công nghiệp giải trí thì ở Việt Nam – một đất nước với bề dầy lịch sử hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm, thời bình xây dựng và phát triển – một ý thức tự cường, bảo vệ dân tộc đã và luôn luôn hiện hữu trong suy nghĩ của mỗi người tự bao đời nào rồi, thì nền nghệ thuật bên cạnh sự giải trí đơn thuần còn có cả sứ mệnh lịch sử, sứ mệnh đó là những “Đời cô Lựu”, “Tiếng Trống Mê Linh”, “Dương Vân Nga”, “Câu Thơ Yên Ngựa” … Phân tích đến đây, có thể thấy rằng cũng là lời ca tiếng hát nhưng lời ca tiếng hát giải trí và lời ca tiếng hát mang hình quê hương có khác nhau hay không, và khác nhau như thế nào, đó lại là câu trả lời nơi khán giả và giới mộ điệu. Thế nhưng, giải trí hay sứ mệnh thì cũng không thể nằm ngoài giọt máu ấy, bởi, tất cả là sự dung hòa để phù hợp, và người nghệ sĩ rất cần một sự phù hợp mọi xu thế, thời đại. Và, chỉ khi nào nghệ thuật gắn liền với lịch sử dân tộc, mang đậm hình ảnh, hơi thở quê hương thì nghệ thuật ấy giá trị muôn phần!
Từ sự nhận định, phân tích, tâm sự trên, khi được hỏi về một cuộc sống hiện tại, NSND Bạch Tuyết nói đến chữ hiếu với cha mẹ và một lần nữa nhắc lại đạo lý tôn sự trọng đạo.
Một cuộc sống hiện nay của NSND Bạch Tuyết – điều mà rất nhiều thế hệ khán giả quan tâm?
NSND Bạch Tuyết: Tôi vẫn hát, vẫn học, vẫn tham gia giảng dạy những nơi tôi thích, với những bạn trẻ hết lòng với đam mê nghệ thuật, sống trách nhiệm với bản thân, cũng như với cuộc sống. Đó là vì tôi thật tâm báo hiếu với ông bà cha mẹ, với các vị Thầy, đặc biệt là NSND Phùng Há. Bà nói “Truớc khi là nghệ sĩ, con là một người Việt Nam bình thường, hãy chịu thương chịu khó sống với cả hai trách nhiệm “tự nhận”` đó cho tốt, vậy là con đã trả ơn cho má, cho Tổ nghiệp, khán giả. Và cho các người ân nghĩa trong đời có khi con chưa biết, chưa gặp, nhưng họ vẫn luôn hồn nhiên thương mến, bảo vệ con.
Chữ hiếu cho cha mẹ thì xưa nay người ta vẫn giữ, thế nhưng báo hiếu cho Thầy, cho Cô thì … xưa nay có mấy ai làm được? Thế nhưng, với NSND, tiến sĩ Bạch Tuyết thì vẫn làm như một niềm say mê đến lạ thì không phải là một điều đơn giản mà người đời vẫn xem đó là việc đơn giản. Phải uyên bác ở một tầm cao tri thức, sâu sắc nhận định nơi tâm hồn và hàn lâm về nghệ thuật mới có thể lĩnh hội và thực hiện điều dạy bảo cao cả ấy một cách rất tự nhiên và đầy đam mê đến lạ! Thế mới hay trời sinh ra là một giọt máu cải lương không phải là điều dễ dàng gì?
Lời dạy của NSND Phùng Há bao gồm cả tình người và đạo đức ở đời. Nghề, thiết nghĩ chưa đủ để nghệ sĩ toả sáng mà còn phải kết hợp cả đạo đức, và đạo đức với cả những người ta chưa một lần biết mặt trong đời thậm chí chưa gặp nhưng vẫn luôn âm thầm, hồn nhiên thương mến ta – điều mà xưa nay hiếm ai nhìn thấy được và thực hiện được thì há dễ mấy ai? … “Trước khi là nghệ sĩ, con là một người Việt Nam bình thường, hãy chịu thương chịu khó …”, thấm nhuần được điều này và am hiểu về Phật Pháp, NSND Tiến sĩ Bạch Tuyết luôn gần gũi, chân tình, giản dị, hòa đồng trong cuộc sống – đúng như những gì Cải lương chi bảo đã phát biểu tại tòa soạn Báo Sân Khấu TP. HCM trong chương trình “giao lưu nghệ sĩ & khán giả, CLB đờn ca tài tử” do Báo Sân Khấu tổ chức: “… triết học của Phật giáo cho mình một nhân sinh quan rộng rãi và bao dung để mà sống trong đời trở thành người tốt, có hữu ích, giúp ích được cho mọi người trong cuộc đời, dạy mình khiêm tốn, không sống xa hoa khi chung quanh mình còn nhiều đau khổ, bao người còn thiếu thốn, rất biết ơn giáo lý đạo Phật … cho xã hội tốt hơn, làm lành vết thương của cuộc sống, không khoét sâu vào nỗi đau nhân loại …”
Lời dạy của NSND Phùng Há cùng lời phát biểu của NSND Tiến sĩ Bạch Tuyết là một chuẩn mực, chân dung chân thực về hình ảnh người nghệ sĩ – ân tình, nghĩa nhân mang nặng, là ngôi sao dù có đứng trên cao danh vọng thì vẫn là một người Việt Nam bình dị – có tình, có nghĩa, sau trước vẹn tròn, trọn đạo hiếu – hiếu với cha mẹ – người sinh thành, dưỡng dục – hiếu với người Thầy – người đã truyền dạy cho ta tinh hoa sự nghiệp, phải biết tôn sự trọng đạo, sống hòa nhịp, thân thiện, hướng đến cộng đồng – sống là cho chứ đâu chỉ biết nhận riêng mình, ý thức trách nhiệm bản thân, càng không nên có suy nghĩ hưởng thụ cá nhân … Các “ngôi sao” ngày nay sẽ thực sự là sao sáng nếu biết lĩnh hội, rèn luyện và thực hiện được tốt đẹp những lời vàng ý ngọc này!
Hy vọng sân khấu cải lương ngày càng có nhiều ngôi sao không chỉ đẹp về hình ảnh mà còn lẫn cả nội dung, ý tình chan chứa trong từng câu hát để cải lương mãi như dòng chảy thời gian cuốn theo những gì hàng trăm năm và có cả sự xinh tươi, non biết! Thế mới hay dòng chảy ấy có lúc âm thầm hay rạo rực, ồn ào, dữ dội hay hiền hòa, ấm áp dù bình yên hay cám dỗ thì CẢI LƯƠNG CHI BẢO đến nay vẫn chỉ có một mà thôi – ngày ngày, thời gian năm tháng đi qua mà giọt máu cải lương nay vẫn ham học, học mọi lúc, mọi nơi, ngay cả việc học tự cành cây cọng cỏ, chân tình với cả những người mà trong đời có khi chưa biết, chưa gặp, nhưng họ vẫn luôn hồn nhiên thương mến …
Xin chân thành cảm ơn NSND – tiến sĩ Bạch Tuyết với những điều chia sẽ chân tình và quí giá!
Vương Thoại Hồng – Báo Sân Khấu TP. HCM (21/11/2016)
thời gian, trăm năm, bạch tuyết, hình như, lịch sử, tiếp nhận, rèn luyện, kiên trì, học hỏi, gìn giữ, thế hệ
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc