Đang truy cập : 168
•Máy chủ tìm kiếm : 31
•Khách viếng thăm : 137
Hôm nay : 19108
Tháng hiện tại : 2193826
Tổng lượt truy cập : 88500427
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Vai diễn khát vọng thống nhất
Trên chuyến tàu Hành trình thống nhất do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất (phát sóng lúc 19 giờ 30 phút ngày 30-4 trên kênh VTV4 và phát lại lúc 7 giờ 30 phút ngày 1-5 trên kênh VTV1) có nhiều nhân vật chính. Trong đó, NSND Trà Giang đại diện cho giới nghệ sĩ và những hồi ức tuyệt vời về bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm - tác phẩm biểu tượng cho khát vọng hòa bình, thống nhất cháy bỏng của nhân dân 2 miền Nam - Bắc.
Không diễn mà phải sống
NSND Trà Giang nổi danh với hàng loạt vai diễn trong nhiều tác phẩm điện ảnh cách mạng: Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bài ca ra trận, Huyền thoại về người mẹ..., thuộc thế hệ vàng của điện ảnh Việt Nam. Chị Tư Hậu của làng điện ảnh Việt tự sự rằng với mỗi nhân vật, bà đều phải sống chứ không chỉ diễn.
NSND Trà Giang xúc động kể lại: “Năm 1970, trên chiến trường, tôi đã gặp O Thảo trong đoàn chiến sĩ từ bờ Nam ra. Cô ấy là một trong những hình mẫu cho nhân vật Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Bố mẹ O Thảo hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Đến kháng chiến chống Mỹ, chính cô ấy tận mắt chứng kiến người anh trai bị địch tra khảo đến chết vì không khai cơ sở cách mạng...”.
Hồi đó, khi làm phim, cả diễn viên, đạo diễn, họa sĩ... cùng đi thực tế như vậy. “Thời điểm đó, cả vùng Vĩnh Linh bị xóa trắng, toàn dân sống dưới địa đạo, đi lại cũng phải rải ra, không được đi thành cụm, sẽ bị pháo kích ngay” - NSND Trà Giang kể. Bà cho biết một trong những cảnh quay khó khăn nhất là huy động người dân Vĩnh Linh ra đường trong bối cảnh thật tại cửa Tùng, sông Bến Hải.
“Buổi chiều hôm đó rất kinh khủng. Ấn tượng của tôi về toàn cảnh trên mặt đất là những thân cây trơ trụi, cháy sém. Thế nhưng, tinh thần của người dân ủng hộ đoàn phim rất cao. Buổi quay thực hiện cực kỳ nhanh chóng để kịp rút vào địa đạo mà không bị ném bom” - bà nhớ lại.
Thời ấy, làm phim cực kỳ vất vả, việc ghi hình với cảnh thật trong thời chiến rất mạo hiểm, chưa kể đạo cụ cũng rất khó khăn. “Đoàn làm phim mượn được chiếc xe tăng từ Bộ Quốc phòng để quay. Đúng lúc làm phim thì Mỹ lại ném bom nên chiếc xe tăng buộc phải về lại điểm tập kết trên Hòa Lạc. Đó là vùng núi, không phù hợp với bối cảnh miền biển của bộ phim, lại cũng là điểm ném bom” - bà kể.
NSND Trà Giang cho biết nhiều ý kiến đã đề nghị bỏ cảnh này chứ khó có thể chấp nhận một tổn thất quá lớn. Thay vào đó là ghi lên màn ảnh một dòng chữ tượng trưng chẳng hạn. Song, đối với đoàn làm phim, ngôn ngữ của điện ảnh buộc phải là hình ảnh nên mọi người vẫn quyết tâm đi Hòa Lạc.
“Tất cả trường đoạn đó, máy quay hất ngược lên trời nên khán giả không thể nào nhận ra bối cảnh thật trên đường. Đó là cái tài chọn góc máy của người quay phim. Cuối cùng cũng quay xong cảnh đó và đêm ấy, máy bay lại ném bom xuống Hòa Lạc” - bà hồi tưởng.
NSND Trà Giang cho biết năm 1972, bộ phim hoàn thành. Vậy mà mãi đến năm 1999, bà mới về lại được Quảng Trị và biết O Thảo đã hy sinh từ năm 1971. Sau này, cứ mỗi lần về Quảng Trị, bà lại ra nghĩa trang thắp hương tưởng nhớ O Thảo.
Phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm hoàn thành trước 3 năm ngày đất nước hòa bình, thống nhất. “Khi phim chiếu ở rất nhiều nơi trên thế giới, các phóng viên quốc tế đã chia sẻ cùng chúng tôi rằng ý chí hòa bình, thống nhất của dân tộc Việt Nam là quá lớn” - NSND Trà Giang xúc động.
Nói về nhân vật mình hóa thân, NSND Trà Giang tâm sự: “Tôi không gọi là diễn mà là sống lại những tình cảm của nhân vật từ đời sống thật trong tình huống kịch bản đề ra. Sau này nghĩ lại, tôi cũng không thể tưởng tượng được với tình yêu lớn đến thế nào mà mình và cả đoàn đã vượt qua hết để làm ra những bộ phim như vậy”.
Đôi mắt có thần và trái tim có lửa
NSND Trà Giang cho biết hồi vào vai chị Tư Hậu trong phim của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, bà vẫn còn trẻ lắm, mới 20 tuổi. Đạo diễn quả thật là rất bạo khi quyết định chọn Trà Giang. Bởi lẽ, với một vai diễn khốc liệt như chị Tư Hậu đòi hỏi phải là một phụ nữ rất bản lĩnh, chưa kể yêu cầu đầu tiên lại phải là người miền Nam mới có khả năng lột tả được hết cái “chất Nam Bộ” của nhân vật này. Trà Giang lại là người miền Trung, theo gia đình ra Bắc tập kết đã lâu nên gần như ai cũng nghĩ bà là người Bắc.
Khả năng thể hiện tình cảm chân thành đã được NSND Trà Giang bộc lộ qua chị Kiên, vai diễn đầu tiên của bà trong phim Một ngày đầu thu. Khi đó, đạo diễn Phạm Kỳ Nam chỉ xem bản nháp nhưng ông đã mạnh dạn quyết định chọn Trà Giang. Sau này nghĩ lại, ông cho biết còn một nguyên nhân nữa là do sức biểu cảm mạnh mẽ của đôi mắt Trà Giang. Đôi mắt ấy to, sáng, đẹp, lại như có lửa cháy trong đó và ánh nhìn khiến người ta tin cậy. Khuôn mặt hay hình thể có thể hóa trang cho già dặn hơn nhưng đôi mắt thì không. Mà đôi mắt có thần lại là yếu tố vô cùng quan trọng đối với nghề diễn.
Bằng ngôn ngữ điện ảnh ấn tượng, giàu cảm xúc, bộ phim Chị Tư Hậu đã lý giải một cách tự nhiên và đầy thuyết phục cội nguồn sức mạnh giúp chị Tư Hậu từ một người đàn bà đau khổ, tuyệt vọng đã vượt lên số phận để trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Bộ phim tạo được sự xúc động cho người xem và để lại ấn tượng mạnh về hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.
“Nghề diễn nó lạ thế đấy, mình còn trẻ lại vào vai chững chạc. Thật ra, để vượt qua những khoảng cách về lứa tuổi hay văn hóa vùng miền không phải là khó nhưng cái khó khăn hơn và cũng là bí quyết để vai diễn thành công là nghệ sĩ cần phải sống thật với vai diễn, với cảm xúc” - NSND Trà Giang bộc bạch.
Vẫn chờ vai diễn hay nhất
Sau vai diễn cuối cùng trong phim Dòng sông hoa trắng (1989-1990) của đạo diễn - NSND Trần Phương, cho tới nay, NSND Trà Giang không tham gia bất cứ bộ phim nào nữa. Bà không nhận lời làm phim với bất cứ đạo diễn nào cho dù nhiều người đã liên lạc và gửi kịch bản mời. Bởi lẽ, từ trong sâu thẳm trái tim, bà vẫn luôn chờ đợi một kịch bản tốt hơn, đợi một vai diễn tốt hơn.
Hằng ngày, NSND Trà Giang vẽ tranh trong xưởng vẽ cá nhân ở đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP HCM. Dù không đóng phim nữa nhưng bà luôn tin tưởng: “Vai diễn hay nhất đang còn ở tương lai”. NSND Trà Giang nghĩ như vậy để luôn được sưởi ấm bởi niềm hy vọng.
trà giang, diễn viên, phô diễn, kỹ thuật, đào tạo, thực tế, khắc nghiệt, không thể, sâu sắc
Mã an toàn:
Tối 29-9, vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" 2024 đã diễn ra với phần tranh tài của 3 thí sinh là: Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương, Lê Hoàng Nghi tại Nhà hát Truyền hình HTV.
Ý kiến bạn đọc