.
Các
thí sinh trong đêm liên hoan công diễn.Đến hội thi bằng
niềm đam mê
3 buổi thi diễn tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Long
đã thu hút đông đảo khán giả đến cổ vũ cho 10 gương mặt xuất sắc nhất đến từ các
tỉnh- thành: TP Hồ Chí Minh, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang, TP Cần
Thơ.
Có mặt tại các buổi tập và thi diễn, chúng tôi chứng kiến sự yêu
thích bộ môn nghệ thuật truyền thống này đã ăn sâu vào máu thịt các TS. Điều này
thể hiện qua các buổi tập trước giờ thi diễn.
Tập cho đạo diễn xem nhưng
chị Kim Loan (SN 1955, Vũng Liêm, Vĩnh Long)- TS lớn tuổi nhất có mặt tại vòng
chung kết xếp hạng còn luôn miệng hỏi đạo diễn cách diễn sao cho hợp lý, đúng
tính cách nhân vật.
Chị vui vẻ: “Đam mê bộ môn tài tử cải lương từ nhỏ,
hàng ngày ngoài việc đồng áng chị còn tham gia CLB đờn ca tài tử ở địa
phương”.
Còn TS Quang Minh (Long An) chuyên chạy show các tiệc liên hoan,
cưới hỏi ở TP Hồ Chí Minh “vừa luyện giọng vừa có thêm thu nhập”. Cũng ở Trà
Vinh, TS Huỳnh Thanh Liêm (SN 1986)- nhỏ tuổi nhất được vào vòng chung kết xếp
hạng- có điều kiện không kém các TS khác vì nhà cho thuê dàn nhạc tài tử nên có
điều kiện tập thường xuyên. Anh cũng thường hát các tiệc cưới hỏi ở trong và
ngoài tỉnh.
TS Kim Châu (TP Hồ Chí Minh) vừa là MC vừa là ca sĩ, nghệ sĩ
của các tiệc cưới. Tham gia hội thi này, chị đã bỏ nhiều show diễn và làm MC tại
TP Hồ Chí Minh vì theo chị thì: “Cuối năm là mùa cưới mà nên chị đắt show
lắm”.
TS Nguyễn Thị Tám (TP Cần Thơ) thì từ trước đến giờ chưa thi ở đâu
và cũng chưa tham gia diễn xuất trong một trích đoạn nào nên đây là lần thử sức
mới của chị. TS Hoàng Tuấn (Trà Vinh) làm nghề tự do “ở đâu kêu hát cải lương
thì tham gia vừa thỏa niềm đam mê và cũng có cơ hội lên sân khấu làm
quen”.
Còn TS Thế Tâm (Vĩnh Long) dù làm tiếp thị nhưng rất thích hát cải
lương, thời gian rảnh là tham gia đờn ca tài tử ở địa phương. Thế Tâm cho biết,
trích đoạn cải lương cũng là lĩnh vực mới, “chưa bao giờ đóng vai, sắm tuồng nên
em cảm thấy hồi hộp lắm”… Riêng TS Tấn Hưng là cộng tác viên của Trung tâm Văn
hóa tỉnh Tiền Giang và “khi nào được ở đây mời thì tham gia ca hát, còn lại chỉ
biết làm vườn, làm ruộng”.
Trước lạ sau quen, sau các buổi tập và trong
suốt thời gian tham gia hội thi các TS đã trở nên khắng khít, thân quen. Mỗi
người mỗi vẻ nhưng tất cả đều đến với hội thi bằng niềm đam mê cháy bỏng, bằng
tất cả tấm lòng của một người yêu thích nghệ thuật sân khấu cải lương, muốn đem
lời ca tiếng hát của mình phục vụ bà con yêu thích cải lương, đờn ca tài tử và
góp phần gìn giữ, phát huy môn nghệ thuật vốn là cái nôi của vùng đất phương
Nam.
Nghệ thuật cải lương đã được đáp ứngVòng
chung kết xếp hạng các TS phải trải qua 3 đêm tranh tài ở 3 thể loại khác nhau:
hát tân cổ giao duyên, hát 2 bản vắn trong 20 bài bản tổ (bốc thăm) và diễn một
trích đoạn không quá 10 phút. Từ yêu cầu phải diễn một trích đoạn, BTC đã mời
đạo diễn Nguyễn Quốc Khánh (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu- Bạc Liêu) về chỉ đạo
diễn xuất cho các TS.
Do phần lớn chưa lần nào diễn trích đoạn nên TS
không khỏi lo lắng. Quốc Tuấn (Long An) lo vì chưa biết “ca trong diễn và diễn
trong ca” sẽ khó khăn thế nào. TS Kim Loan cũng vậy, rất băn khoăn khi chọn một
trích đoạn để tham gia phần thi và chị đã không an tâm với trích đoạn “Tướng
cướp Bạch Hải Đường” vì theo chị thì “mình diễn không ra, ngại lắm”.
Thế
là chị lại đã đổi sang 1 trích đoạn khác. Chính sự không quen của các TS đã làm
cho người chỉ đạo diễn xuất hết sức vất vả, thế nhưng vẫn nhiệt tình chỉ hết
ngón nghề vì “các anh, chị ấy quá đam mê cải lương, dù diễn xuất chưa chuyên
nghiệp nhưng chính cái chân phương, đơn giản đó làm cho khán giả yêu
thích”.
Diễn đạt hay không đạt còn tùy thuộc vào bạn diễn, vì trong diễn
xuất đòi hỏi phải có kẻ tung người hứng. Hầu hết bạn diễn cũng là người không
chuyên, do đó TS nào cũng cố gắng hết mình để diễn chứ không thể hát và diễn như
con rối hay hát để trả bài được.
Cho nên diễn trích đoạn ở đêm thi thứ 3
cũng được xem là cách làm mới cho một cuộc thi hát cải lương. Ở đêm thi thứ 2,
các TS trình bày 2 bản vắn trong 20 bài bản tổ của sân khấu cải
lương.
Theo NSND Thanh Tòng thì đây là điều mới lạ ở hội thi lần này
nhưng cũng là điều khó khăn đối với các TS vì sân khấu cải lương hiện nay ít có
vở nào áp dụng 20 bài bản tổ đó. Đờn ca tài tử vừa được Unesco công nhận là Di
sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì đây là một cái mới, sáng kiến
kịp thời mà BTC đã làm được.
Chính phong trào đờn ca tài tử ở các địa
phương đã nuôi lớn các TS trong cách ca lối diễn, nuôi dưỡng ý chí về niềm đam
mê, giữ gìn bản sắc dân tộc, các em là người gìn giữ và lưu truyền các bài bản
cải lương này.
Trích
đoạn Tô Ánh Nguyệt của thí sinh Trần Hoàng Tuấn.Dẫu biết rằng
trong số 10 TS, có người đã từng thi ở các hội thi khác, cũng có TS chưa tham
gia lần nào, chưa được đào tạo chính quy nhưng đã thể hiện rất tốt, cho thấy sức
hút và sức truyền tải của âm nhạc cải lương đối với người dân Nam Bộ là rất lớn.
Chỉ tiếc đa số các TS yếu về phần nhạc trong thể hiện bài tân cổ giao
duyên.
Khi phát biểu với hội thi, Tiến sĩ- NSND Bạch Tuyết- Trưởng Ban
giám khảo đã cho rằng: Sen vàng vọng cổ, cuộc thi được tổ chức một cách khoa
học, có chiến lược. Chất phóng khoáng, tự do và trữ tình đã được đáp
ứng.
3 đêm diễn với 3 phong cách và loại hình khác nhau. Đêm đầu tiên cho
thấy sự phát triển không ngừng của nghệ thuật sân khấu dân tộc (tân cổ giao
duyên).
Đêm thứ 2 cho chúng ta thấy rằng cái hay, cái tinh túy của âm
nhạc dân tộc, bài bản cải lương đã được nhắc lại, giữ gìn và truyền trao (20 bài
bản tổ).
Đêm thứ 3 có tính bác học và hoàn thiện của nghệ thuật sân khấu
cải lương về kịch bản, dàn dựng, biểu diễn tuồng cổ, tuồng hiện đại, hương sa,
âm nhạc và thiết kế mỹ thuật cùng kết thành một vở diễn (trích đoạn).
Từ
những điều này cho thấy rõ ràng, đờn ca tài tử không chỉ mang tính dân tộc mà
còn xác định được tính cách văn minh và hiện đại đúng với khát vọng của ông cha
mình ngày xưa là cải cách hát ca theo tiến bộ lương truyền tuồng tích sánh văn
minh.
Trong phát biểu tổng kết, ông Phạm Thanh Xuân- Phó Giám đốc THVL,
Trưởng BTC liên hoan cho rằng: Thông qua liên hoan này, chúng ta tin tưởng rằng
loại hình sân khấu truyền thống dân tộc sẽ tiếp tục phát triển và càng đi sâu
vào tâm khảm của con người Việt Nam một cách khoa học và văn minh. Riêng các TS
đã có thêm kinh nghiệm quý để tiếp tục gắn bó, phát huy niềm đam mê nghệ thuật
của mình.
Liên hoan tiếng hát PTTH Vĩnh Long 2013- giải Sen vàng vọng cổ
đã kết thúc với giải nhất thuộc về TS Nguyễn Thế Tâm (SN 1979,Vĩnh Long), giải
nhì thuộc về TS Nguyễn Thị Kim Châu (sinh 1970, TP Hồ Chí Minh) và TS Nguyễn Thị
Tám (SN 1976, TP Cần Thơ) đạt giải ba. Ngoài ra, BTC còn trao các giải khuyến
khích, giải dành cho bài tân cổ giao duyên, bản vắn, trích đoạn và giải triển
vọng.
HỒ VĂN
Ý kiến bạn đọc