Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Đời Thường Nghệ Sĩ

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

NSƯT Mỹ Thu - Nữ hoàng Ấn Độ

Thứ tư - 18/12/2013 09:19

NSƯT Mỹ Thu - Nữ hoàng Ấn Độ

Là một nghệ sĩ tài sắc, từ thập niên 80 - 90, thuở sân khấu cải lương còn là thiên đường cho nghệ sĩ, cho khán giả mộ điệu.
NSƯT Mỹ Thu đã sớm khẳng định vị trí của mình ở các tỉnh miền Tây, nhất là ở khu vực miền Trung cô được khán giả phong tặng danh hiệu “Nữ hoàng Ấn Độ” qua các vở diễn Công Chúa Tô Lan. Mùa tôm, Hoàng hậu Ba Tư... Con đường đến với nghệ thuật như trải thảm hoa với cô, sân khấu cải lương đã chọn Mỹ Thu. Như là định mệnh dành cho phận má hồng. Sự nghiệp thăng hoa, nhưng hạnh phúc gia đình, niềm vui không trọn vẹn. Sau bao cuộc thăng trầm, dâu bể Mỹ Thu giờ đã lắng lòng, chút thanh thản bình yên trong mái ấm nhỏ của mình với đứa con gái duy nhất từ mối tình đầu tiên, nhớ lại mấy mươi năm xưa....

Gốc Miền Trung xuôi Nam

NSƯT Mỹ Thu tên thật là Nguyễn thị Thu, cha mẹ là người Đà Nẵng, đã rời miền Trung nơi cắt rún chôn nhao, nắng gió mùa khô, mùa mưa giông bão, vào Nam định cư tại vùng đất đỏ Xuân Lộc, Đồng Nai. Sanh ra ở vùng đất mới nầy, từ thuở nằm nôi được nghe lời hát ru mang âm hưởng điệu hát câu hò bài Chòi thắm đượm của người mẹ trẻ vốn là một nghệ sĩ hát dân ca. Biết nói đã biết ca, 5 - 6 tuổi trở thành cây ca nhạc trữ tình nhất... nhà, tới khi cắp sách đến trường là hạt nhân nhỏ tuổi xuất sắc nhất, cứ như thế bé Thu vừa học chữ, vừa hát cho đến hết cấp III. Không chọn con đường học vấn mà chọn nghiệp “cầm ca”...

Đi hát từ đam mê cải lương của người chị ruột...

Trong gia đình Thu có người chị thứ tư rất mê coi hát cải lương, quen biết nhiều đoàn hát. Đi coi hát về, nhìn lại thấy em gái mình nhan sắc cũng đâu đến nỗi và giọng ca nữa, dường như chất giọng nó nghe hay hay không thua mấy cô đào chánh. Thời gian ấy, làm ăn khó khăn, đời sống người dân ở thôn quê cực nhọc trăm bề, chạy lo cho cái ăn, cái mặc vô cùng vất vả, không muốn em mình mai sau cực khổ, suốt đời thành cô thôn nữ chân quê, chị tư quyết định đưa em mình lên Sài Gòn tìm đến lò dạy đờn ca cổ nhạc của nhạc sĩ Út Trong, một ông thầy rất có tay dạy học trò, nhiều đệ tử của ông trở thành những nghệ sĩ danh tiếng, hy vọng em gái mình cũng sẽ là nghệ sĩ cải lương... Học với thầy Út Trong mấy tháng, nhờ sáng dạ, có năng khiếu nên Thu học rất nhanh các thể loại bài bản cải lương, được thầy và bạn đồng môn yêu mến, tin tưởng cô gái nầy sẽ thành tài. Chị tư tự đặt nghệ danh Mỹ Thu cho em gái, chị mong muốn cuộc đời và sự nghiệp của em mình luôn xanh trong, tươi đẹp...

Sau đó Mỹ Thu nghỉ học ở thầy út Trong, được chị tư gởi vào đoàn cải lương Kim Dung của ông bầu Đặng Hiền Lương, hát quanh vùng Giồng Ông Tố, đào chánh của đoàn là nghệ sĩ Ánh Hoa (vợ vua xàng xê Minh Chí, hiện là diễn viên điện ảnh) Hoa Thảo Sương, Minh Thành (khôi nguyên vọng cổ trước cả Minh Vương) Quang Hiền, Ngọc Kim, Hoàng Kim ... “Vua xàng xê” Minh Chí coi sân khấu (phụ trách nghệ thuật). Mỹ Thu không phải làm tỳ nữ ngày nào, hằng đêm hát tân nhạc phụ diễn trước khi đoàn mở màn hát vở cải lương dài. Một đêm kia, đoàn diễn vở Lâm Sanh - Xuân Nương, nghệ sĩ Hoa Thảo Sương bị bịnh đột ngột, vai Công chúa của chị trong vở chưa có người hát thay vai, nghệ sĩ Minh Chí mới hỏi “ Có đứa nào hát vai Công chúa được không bây?”, ông vừa dứt câu hỏi Mỹ Thu đã đưa tay xin hát thế. Mặc dù ngày nào cũng được hát ngoài màn, rất dạn dĩ sân khấu, vậy mà khi đóng tuồng, vào vai Mỹ Thu lại run, mất tự tin, tới lớp diễn bước ra sân khấu tối tăm mặt mày, quên cả lời thoại, bài ca, không nhớ mình phải hát gì, nghệ sĩ Minh Chí hát vai vua đứng bên cạnh, với kinh nghiệm của mình ông đã cứu bồ bằng vài câu hát cương rồi đến bên nắm tay Mỹ Thu trấn tỉnh, vừa nhắc tuồng, vừa nói nhỏ “ Bình tỉnh hát đi con, ba sẽ hổ trợ cho con...” sau câu nhắc nhở đó, Thu bỗng tỉnh ra, lấy hết tinh thần hát hoàn thành vai Công chúa, trong đoàn khen có tương lai. Ai cũng trầm trồ “Công chúa đẹp quá” lần đầu tiên thế vai đào nhì, vượt qua thử thách thành công, Mỹ Thu được 2 nghệ sĩ Minh Chí và Minh Thành nhận làm đệ tử. Sư phụ Minh Chí dạy diễn, thầy Minh Thành dạy ca, cô Ngọc Kim dạy hóa trang, dạy hát đào văn, đào võ, cứ vậy mà luyện nghề...

25 năm vinh quang...

Mấy năm đầu tập sự, đến năm1983, tên tuổi Mỹ Thu bắt đầu được chú ý, các đoàn tìm đến mời Mỹ Thu về hát chánh, Thu chọn đoàn Cao Văn Lầu lúc nầy vẫn chưa chia thành 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau như hiện nay mà tên gọi chung là tỉnh Minh Hải. Vùng sông nước nầy đón nhận cô đào chánh Mỹ Thu nồng nhiệt, bắt đầu hưởng được hương vị vinh quang, nhiều bà má, nhiều bạn, nhiều em coi Mỹ Thu như người thân trong gia đình, ghe hát vừa cặp bến đã có người dân mời mọc về nhà cho nghỉ nhờ, con cá, con tôm ngon dành riêng cho cô đào chánh xinh đẹp ca hay, diễn giỏi, những tình cảm sâu đậm ấy không bao giờ quên. Thời ấy đi diễn vùng sông nước rất đông khán giả, nhưng sinh hoạt rất vất vả, mùa nắng thiếu nước ngọt, mùa mưa sình lầy trơn trợt có bửa sau đêm diễn mình đầy bùn đất như từ dưới ruộng lên, vậy mà vui lắm. Tiếng lành đồn xa, tác giả Trần Nhật Quang (ông Mười Quang, thân sinh nghệ sĩ Kim Thoa) lúc ấy là Trưởng đoàn cải lương Võ Thị Sáu (nay là đoàn cải lương Đồng Nai) sau khi nhận trách nhiệm cải tổ, xây dựng đoàn lớn mạnh, đã mời Mỹ Thu về cộng tác với đoàn, mở ra một giai đoạn rực rỡ của Mỹ Thu trên sân khấu nầy. Bộ ba Ngân Vương - Mỹ Thu - Phương Hồng Thủy, cùng với Tuấn Minh, Lan Ngọc, Ngọc Hường... đã đưa đoàn cải lương Võ Thị Sáu từ một đoàn cải lương hạng trung trở thành “đệ nhất anh hùng lưu diễn”, danh xưng mà các đoàn bạn kiêng nể phong cho đoàn.

Đi lưu diễn miền Trung, miền Bắc giai đoạn ấy, bất cứ đoàn cải lương nào trong Nam ra, kể cả các đoàn lớn ở TPHCM không may lấy điiểm diễn gần đoàn Võ Thị Sáu bị thất thu là cái chắc. Những vở tuồng màu sắc của đoàn rất được ưa chuộng, những tiểu thư, công chúa, nữ vương Ba Tư, Á Rập, Ấn Độ được Mỹ Thu ca múa rất độc đáo, gượng mặt đẹp đài các, quí phái, trong trang phục lộng lẫy, ở lứa tuổi đương xuân hăm mấy làm say đắm hằng triệu khán giả miền Trung vậy là họ đặt cho Mỹ Thu danh hiệu “Nữ Hoàng Ấn Độ” Những danh xưng ông hoàng bà chúa của sân khấu cải lương là kết quả của tài sắc, của sự ái mộ cuồng nhiệt mà khán giả dành riêng cho nghệ sĩ là thần tượng của mình. Từ năm 1984 lúc vừa bắt đầu về đoàn kéo dài đến năm 1993, gần 10 năm vinh quang với đoàn cải lương Võ Thị Sáu, gắn liền với bộ đôi Ngân Vương - Mỹ Thu. Đẹp đôi từ sân khấu đến cuộc đời. Sau khi chia tay với mối tình đầu, nhiều năm ở vậy nuôi con, đứa con gái duy nhất cho đến bây giờ, Mỹ Thu và Ngân Vương đã đến với nhau, nhịp cầu duyên là những vai diễn mà hai người hóa thân trên sân khấu. Những ngày hạnh phúc của đôi uyên ương đồng tài, xứng sắc đã để lại cho sân khấu cải lương nhiều vai diễn hay mà mỗi khi nhắc lại người ta còn nhớ “Đoàn cải lương Võ Thị Sáu có Ngân Vương - Mỹ Thu đẹp đôi số 1”.

Đời nghệ sĩ nhiều biến đổi, là nghệ sĩ trẻ đang ăn khách, tài hoa Ngân Vương rất được nhiều người ái mộ, đã dan díu tình cảm với người khác, một cú sốc tình cảm dữ dội đã làm Mỹ Thu đau đớn chia tay người chồng mà mình thương yêu, quí trọng nhất. Cô đã ở vậy cho đến ngày nay. Sau này Ngân Vương tâm sự, sai lầm lớn nhất là anh đã đánh rơi hạnh phúc của mình, mất người vợ tài hoa, hiền thục. Bây giờ họ vẫn là bạn tốt, nhưng không thể quay về với ngày xưa ấy.

Việt Khang / Tạp chí Sân khấu

Tác giả bài viết: meoxu

Nguồn tin: SKVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN