VẺ ĐẸP CON GÁI TÀY TRONG THƠ DƯƠNG THUẤN

nhà thơ

nhà thơ

Bằng những câu từ giản dị như lời tự sự, Dương Thuấn đã lột tả vẻ đẹp rất đỗi nên thơ mà chân chất, thân thương của người con gái dân tộc Tày.
Người ta thường cho rằng người con gái miền xuôi mới là văn minh nhất, đẹp nhất với kinh kỳ đô hội, lụa là quanh mình thì với người con gái miền ngược họ vẫn coi gái xuôi là gái… “chân đen”. Chỉ như vậy cũng đủ thấy con gái miền ngược chân phải trắng thế nào: “Cô gái Núi Hoa/ Mái tóc xanh về ở/ Bắp chân thon mây trắng quây quần/ Ngôi sao đậu vào con mắt” (trích bài “Cô gái Núi Hoa”). Dương Thuấn nói: “Người Tày vốn theo quan niệm phồn thực nên vẻ đẹp của người con gái nơi đây cũng được hiểu theo quan niệm đó: chân phải to- khỏe và trắng. Cái trắng ở bắp chân con gái miền ngược khác với cái trắng của con gái miền xuôi: nó tròn trịa, căng tràn sức sống và mịn màng, nõn nà như mây bông, mát lành như nước suối”.



 
 
Cái đẹp của người con gái Tày còn được hiểu ở một nghĩa khác, vẻ đẹp đó không chỉ để ngắm mà nó còn phải nói lên được sức khỏe để còn lên nương làm rẫy, sinh ra của cải, vật chất đồng thời nó còn ẩn chứa một hàm ý vô cùng đáng yêu: đó là nó phải thật “tiện ích”. “Mùa đông miền núi vô cùng lạnh, cái lạnh thấu vào gan ruột, luồn lách vào từng hơi thở bởi vậy không có cái chăn nào, không đống lửa lớn nào hay cái điều hòa hiện đại nào có thể sưởi ấm và làm mùa đông bớt hẳn lạnh giá bằng… thân nhiệt của người phụ nữ”, Dương Thuấn cho biết. Có lẽ chính bởi thế mà anh mới bật ra những câu thơ: “Chọn vợ thì chọn hai bắp chân/ Để đi nương khỏe- đêm gác nầm”. “Gác nầm” chính là gác đôi chân “mây trắng quây quần” đó lên người chồng. Câu thơ ngắn nhưng ẩn chứa cả một câu chuyện lãng mạn, ngọt ngào và gợi cảm. Dẫu có nhung gấm bọc lấy thân cũng không có người đàn ông nào hạnh phúc bằng người đàn ông hằng đêm có đôi chân săn chắc, ấm áp và nuột nà như mây quấn quýt, sửa ấm cho.
 
Vẻ đẹp của người con gái Tày còn là vẻ đẹp của tự nhiên, vẻ đẹp kết tinh của hương rừng và khí thiêng của núi, bởi thế mà nó không cần phải bưng bít, che đậy như vẻ đẹp của người con gái miền xuôi. Cứ chiều tối về, những cô gái xinh đẹp của núi rừng lại rủ nhau ra suối tắm, phô diễn những gì đẹp đẽ nhất mà tạo hóa ban tặng. Chính sự hồn nhiên dung dị của người con gái dân tộc đã khiến bao trái tim đàn ông thổn thức, ngẩn ngơ và Dương Thuấn không là ngoại lệ, anh phải thốt lên khi nhớ về những cảm xúc thăng hoa trong hồn thuở ban đầu, khi được đặt tay lên vầng ngực thanh tân của cô bạn gái cùng trang lứa để nhận ra mình đã qua thời con nít như thế nào: “Đêm trăng đầy rừng/ Chàng trai nhảy múa/ Cặp vú hồng mới nhú…”. Cảm xúc lần đầu tiên được chạm tay lên “ngọn non bồng” mà cô bạn gái sẵn sàng dâng tặng một cách hồn nhiên đã khiến nhà thơ như cảm thấy mình như đang trong vũ hội và cảm xúc đó dường như là cảm xúc mãnh mẽ nhất nhưng cũng thuần khiết nhất…

Dương Thuấn là một nhà thơ tài hoa của dân tộc Tày. Anh sinh ngày 7 tháng 7 năm 1959 tại bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn. Ngay từ tập thơ đầu tay có tựa đề “Cưỡi ngựa đi săn” viết cho thiếu nhi (năm 1991) đã được Hội Nhà văn tặng giải A tới nay anh đã cho ra đời rất nhiều tập thơ khác như: “Đi tìm bóng núi”, “Đi ngược mặt trời”, “Hát với sông Năng”… Bên cạnh nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật Dương Thuấn còn có những bài thơ được nhạc sĩ An Thuyên và Cầm Phong phổ nhạc, trở thành những ca khúc trữ tình nổi tiếng như: “Khúc hát Cao Nguyên”, “Đi tìm bóng núi”, “Tình ca bên suối”, “Lá trầu”… 
 
Thục Nhi

Nguồn tin: tcgd theo TCSKVN