Tô Hoài viết về Nguyễn Tuân

Nhà văn Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài

Vừa qua, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Lễ tưởng niệm một năm ngày mất của một trong những đại thụ văn chương nước nhà: nhà văn Tô Hoài. Với cuộc đời hưởng dương hơn chín mươi năm, minh mẫn cho đến những ngày cuối cùng, lại cầm bút từ năm mười bảy, mười tám tuổi, với bút lực năng động và dồi dào, Tô Hoài đã để lại một gia tài văn chương đồ sộ, trong đó có chân dung các bạn văn.
Nhà văn Nguyễn Tuân.
Nhà văn Nguyễn Tuân.


Đọc ông, có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống, về phong tục, tập quán của nhiều vùng đất trong đó nổi bật nhất là vùng ngoại ô Hà Nội, quê ông. Đặc biệt, trong hơn một thập niên cuối thế kỷ 20, bạn đọc bừng ngộ trước một đặc sắc mới của Tô Hoài khi ông cho ra đời Cát bụi chân ai và Chiều chiều. Ông đã làm sống lại một thời chưa xa với một số gương mặt văn sĩ thân quen và về bản thân ông, cả phần dương bản và phần âm bản, qua đó là đời sống xã hội của một thời kỳ đầy biến động.

Việc Tô Hoài chọn Nguyễn Tuân làm nhân vật trung tâm của Cát bụi chân ailà một lựa chọn thấu tình đạt lý. Nguyễn Tuân là một nhà văn nổi danh từ trước cách mạng, với văn cách độc đáo. Ông cũng là người quyết liệt trong việc lột xác để hòa mình với cách mạng, với cuộc sống mới, cho nên qua mỗi thời kỳ kháng chiến ông đều có tác phẩm hay. Là nhà văn từng giữ cương vị cao trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn, Nguyễn Tuân cũng là người có uy trong giới văn nghệ. Đặc biệt ông là người sống rất có cá tính mà nói như họa sĩ Nguyễn Sáng là thuộc diện không coi ai ra gì! Có nhiều người rất thích, rất quý văn tài của ông nhưng cũng lại rất sợ ở ông cái tính khủng khiểng, kiêu ngạo và không ít khi ác khẩu. Tô Hoài quen Nguyễn Tuân từ trước, hiểu và biết về ông nhiều, bao phen cùng sống, cùng làm việc, cùng đi thực tế với nhau, tuy cá tính hai người chưa hẳn đã giống nhau. Chọn Nguyễn Tuân như một tâm điểm cho hồi ký, Tô Hoài muốn thể hiện sự hợp nhất của những tính cách vốn rất khác nhau về hoàn cảnh, sở trường, lối sống cùng hoạt động dưới mái nhà văn nghệ cách mạng, về sức mạnh tiềm ẩn có trong mỗi con người để vượt qua rào cản khách quan và chủ quan khi cùng hướng đến mục đích cao nhất.

Nguyễn Tuân xuất hiện bao giờ cũng là nhân vật gây ấn tượng, không chỉ lúc về già với cái ba toong cầm tay trong những bước đi chậm rãi, với mái tóc bạc phất phơ và cái mũi cà chua. Văn hóa ăn mặc của Nguyễn Tuân bao giờ cũng có sự khác người. Trong hồi ký Tô Hoài, ngày còn trẻ, ông đã "khăn lượt vố, áo gấm trần, tay chống dọc chiếc quạt thước thay ba-toong, chân bít tất bận giày mõm nhái Gia Định". Trong bữa tiệc tiếp khách, "Nguyễn Tuân thường đứng một mình... đứng phía trong phòng tiệc - mà chỉ có khách thạo uống mới khám phá ra góc thân ái ấy. Những năm bao cấp khó khăn nhưng Nguyễn Tuân không mặn mà với tiệc tùng. Ông không ăn đồ đun lại, dù ngon, mà chỉ ăn gói muối lạc mang theo - như lần tổ làm phim Vợ chồng A Phủmổ bò chiêu đãi; ăn phở chỉ độc món phở chín và không dùng gia vị -cốt để thưởng thức vị ngọt của nước xương. Ông là người rất ý thức về bữa ăn gia đình: đi ăn tiệc đâu cũng chỉ ăn lấy lệ rồi về ăn cơm vợ nấu. Hút thuốc, uống rượu với Nguyễn Tuân cũng được Tô Hoài thể hiện như là một sinh hoạt tao nhã, từ cách uống, cách cầm tuýp, cách hút, đến cách mời. Là người khá nổi tiếng ăn chơi, nhưng ông cũng là người rất yêu và có nghĩa với vợ. Tô Hoài cho biết: yêu ghét ai, Nguyễn Tuân tỏ ngay thái độ. Ông ghét thói hợm hĩnh - như lần "đuổi" họa sĩ Nguyễn Sáng ra khỏi nhà vào sáng mồng ba Tết vì ông ấy "không coi ai ra gì, ai cũng không bằng mình" dù ông rất mến Nguyễn Sáng; hoặc gặp người ghét giơ tay bắt, ông cũng không chìa tay ra. Nhiều người từng truyền nhau câu nói của Nguyễn Tuân "bao giờ tôi chết thì nhớ chôn theo tôi một thằng phê bình để ở dưới ấy trao đổi cho đỡ buồn". Tuy nhiên, ông vẫn biết nhìn ra và chấp nhận ở người khác mình, như với chính Tô Hoài. Có năm Nguyễn Tuân chán không nhìn mặt ông nhưng "lâu lâu không được tào lao vài ba câu lại thấy văng vắng"...

Nguyễn Tuân có thú xê dịch khác người. Thích là đi, dù đi vào thời điểm nào. Như một lần ông lặn lội sang Hương Cảng, tiếng là đóng phim nhưng chỉ xuất hiện mấy giây trước ống kính, dù lúc bấy giờ đã năm hết Tết đến. Như một lần ông cùng người bạn tên Thiệp sang Tháilan, vừa đặt chân đến nơi đã bị bắt, rồi bị giam, bị giải về như một tù nhân. Máu xê dịch ấy, được thỏa chí khi hòa bình lập lại, ông đi khắp nơi, từ Lũng Cú, đến giới tuyến Vĩnh Linh, đi Sa Pa, Sông Đà, vào trại giam giặc lái Mỹ, đi khắp Hà Nội để quan sát... Đến đâu ông cũng phát hiện ra những đặc sắc của miền đất đó, những đặc sắc mà người không tinh tế, không giàu cảm quan thì không thể thấy, cũng như không có tài năng thì không thể hiện ra được như người đọc cảm nhận từ những trang ký, những tùy bút tuyệt hay. Về văn chương, ngay từ trước cách mạng, có người mê Nguyễn Tuân như điếu đổ từng chữ, có người mới chỉ lướt qua một đoạn đã không chịu nổi cái giọng khụng khiệng, khệnh khạng. Nhưng ai biết vượt qua được cảm giác đó, sẽ thấy được một Nguyễn Tuân nghệ sĩ đích thực, tài hoa, suốt đời đi tìm cái đẹp. Với những câu chuyện mà Tô Hoài biết, quan sát được, cả những điều ông nghĩ, những thư từ trao đổi giữa hai người, Tô Hoài cho chúng ta biết hơn về Nguyễn Tuân - một tính cách mà đằng sau cái "lạ" là một bản lĩnh văn hóa trong làng văn thời bấy giờ... Nguyễn Tuân đã chấp nhận và dung hòa khi tận dụng được điều kiện mà cơ chế ưu tiên cho văn nghệ sĩ để thể hiện năng lực, sở trường của một người thích đi, thích khám phá, có tài nắm bắt được cái hồn cốt, chiếm lĩnh được đối tượng của mình. Ông là một người văn hóa, yêu nước. Điều đó không chỉ thể hiện qua những trang văn đẹp mà còn cả trong hoạt động văn nghệ, hoạt động cách mạng của ông. Những cuộc phỏng vấn phi công trong trại giam càng khẳng định điều này. Và những người làm quản lý cấp trên cũng vậy: tôn trọng tài năng nhưng cũng biết chấp nhận cá tính của Nguyễn Tuân, tạo điều kiện cho ông đi cả trong và ngoài nước, để ông đóng góp vào văn học cách mạng. Nên mới tồn tại một cá tính sáng tạo như vậy trong số những người điều hành hoạt động của Hội Nhà văn.

Toàn bộ những gì Tô Hoài viết về Nguyễn Tuân đã cho thấy được con người đầy bản lĩnh Nguyễn Tuân và cách ứng xử của nhân cách ấy với bạn bè, nghề viết và cơ chế xã hội.

 

TÔN PHƯƠNG LAN

Những bức thư nhỏ của nhà văn lớn


Tôi được làm việc với nhà văn Tô Hoài hơn 10 năm, trước và sau năm 1990. Bấy giờ lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội còn có nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhạc sĩ Thái Cơ, các nhà thơ Vũ Quần Phương, Bằng Việt và Phan Thị Thanh Nhàn.

Với tài năng thiên bẩm, ông trở thành nhà văn lớn năm 20 tuổi với Dế mèn phiêu lưu ký. Sau này, ngoài sáng tác, ông còn viết nhiều hồi ức và khảo cứu về Hà Nội.

Trong cả tác phẩm và ngoài đời, ông đều thể hiện sự tinh tường và cần mẫn ở mọi góc nhìn. Ông thường để ý rất nhanh những cử chỉ mà người ta hay coi thường là "vặt vãnh", để từ đó phân tích, khái quát suy đoán về bản chất. Từ hiểu bản chất đến hình thành niềm tin, rồi từ đó mà giao việc làm. Chính vì thế, những năm làm quản lý một hội liên hiệp với chín chuyên ngành, tham gia công tác ngoại giao, Mặt trận Tổ quốc..., ông vẫn tạo được cho riêng mình một khoảng thời gian tĩnh lặng để suy ngẫm và sáng tác. Sức sáng tạo thật lớn ấy, minh chứng từ hơn 150 tác phẩm và sự mến mộ của các tầng lớp bạn đọc đã dành cho ông và tác phẩm của ông.

Công việc nhiều, ngoài những buổi họp, cuộc gặp trực tiếp ở cơ quan; ông còn điều hành công việc bằng thư tay -những mẩu giấy đủ các loại, đủ kiểu "văn phong", làm nên một phong cách rất riêng của Tô Hoài trong đời sống. Càng những năm sau này, ông trao đổi với tôi bằng thư càng nhiều hơn. Tôi trân trọng giữ được khá nhiều mẩu giấy nhỏ và một số trang bản thảo ông tặng. Có bản ông còn sửa chữa bằng các màu mực khác nhau, sửa lại dăm, bảy lần. Ông cẩn trọng lắm. Trước đại hội, ông để tôi viết báo cáo. Đọc lại bản thảo, ông viết: "Tôi chưa chữa xong báo cáo đại hội nên tôi về Nghĩa Đô tập trung viết cho xong. Hội Văn nghệ Dân gian họp 23-2 tôi sẽ đến dự" (ông rất ưu tiên ngành văn hóa truyền thống). "Hội Mỹ thuật ngày 24 mời cô Nhàn (Phan Thị Thanh Nhàn) dự, cũng như hội Âm nhạc ngày 28-2 mời cô Nhàn, Hội Nhà văn, mời anh Vũ Quần Phương... Tôi gửi Phương tờ khai xin thẻ nhà báo, e người ta thấy mình quá già, nhờ Phương nhấn mạnh hộ. Bao nhiêu năm nay trong mọi việc cần giấy tờ tôi đều dùng Thẻ Nhà báo cho tiện... Nhờ các anh ấy giúp cho". (Hoài).

Còn đây là thư ông hướng dẫn làm tờ trình xin kinh phí bổ sung: "Tôi vừa gặp anh Kha (Phó Chủ tịch thành phố). Đầu năm ta đã xin rồi... cho nên việc xin bổ sung là phải nêu những việc cần thiết chứ không phải cứ liệt kê bình thường như xin tiếp. Tóm lại, phải xin có đặc điểm và cần thiết mới có thể được" (Hoài). Ý ông nói: phát sinh là phải có lý do chính đáng. Đại hội xong, ông viết: "Diễn văn khai mạc Hội Nhà văn rất hay. Anh Phạm Thế Duyệt có chúc mừng tôi là: "Không có anh thì không thể có khai mạc thế này, và thật vinh dự cho Hà Nội". Tôi không chủ trương tiếp ai hoặc đoàn nào về dự Đại hội Nhà văn, anh không phải lo" (Hoài).

Nhà văn Tô Hoài còn là tấm gương sáng trong thực hành tiết kiệm. Lúc bấy giờ, kinh phí cho một đại hội là rất ít, giấy in tài liệu cũng hiếm lắm. Điều nhỏ ấy làm ông phải cấn cá, do dự vô cùng: "Không biết các bản này có phải phát cho đại biểu không. Nếu phát thì hai loại là 1.000 bản, tôi e quá nhiều. Sau đại hội lại phải gửi chấp hành mới để làm kế hoạch thực hiện. Anh hỏi các vị nào có kinh nghiệm xem. Theo ý tôi chỉ in khoảng 10 bản để dùng mà thôi. Nhưng lại sợ ít quá" (Hoài).

Khó khăn trong cuộc sống riêng cũng đeo đẳng ông một thời gian. Chỗ ở của ông tại Nghĩa Đô quá xập xệ, cần sửa thêm để ngồi viết. Ông viết cho tôi những dòng này: "Cuối năm, cạn tiền, nhiều việc phải tiêu. Thú thật là vì đưa tiền cho anh em thợ còn chưa thích ứng nên phải kéo dài thì Mỹ phải giúp tôi cho gọn lại. Chỉ vài, ba triệu, chục triệu là cùng, tôi đoán thế" (Tô Hoài).

Nhân đây, tôi cũng muốn trích đoạn lời dặn trong một lá thư gần như khi ông chuẩn bị nghỉ hẳn: "Tôi phải có mặt ở chỗ Mặt trận Tổ quốc Thành phố sáng thứ tư 10-4, từ lúc 7 giờ sáng. Mỹ đi sớm lên chỗ tôi ở (Nghĩa Đô) khoảng 6 giờ 30 rồi đèo tôi về Hà Nội, đến đấy thì vừa 7 giờ và tôi chỉ làm việc khoảng 30 phút rồi lại đến Nghĩa Đô ngay. Mỹ cố giúp tôi, đừng thuê xe ô-tô, mà cũng đừng nhờ ai khác nhé" (Hoài).

Rất nhiều bức thư khác, vừa là điều hành công việc, vừa là nơi để ông có thể bộc lộ những suy tư cuối cùng sau hàng chục năm công tác. Tôi không nói hết ở đây được. Chỉ biết rằng, bên cạnh sự tài hoa của nhà văn Tô Hoài, chính ông cũng có một đời sống dung dị, dân dã như ta thường thấy. Và, chắc chắn, những điều ấy đã khiến ông càng thân thiết hơn.

Nhà thơ BÙI VIỆT MỸ

Một bậc thầy sinh ngữ vừa đi

Hoài nguyên tên là Nguyễn Sen. Bút danh Tô Hoài của ông gắn lại hai địa danh lịch sử: sông Tô Lịch với phủ Hoài Đức, do quê nội ông ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, mà ông sinh trưởng ở Hà Nội, trong một gia đình thợ thủ công. Hơn 60 năm viết văn, ông để lại hơn một trăm tác phẩm, bao quát nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận, bàn luận về văn học qua kinh nghiệm viết của chính ông.

 

Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt 1 - 1996 cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.

Tác phẩm lớn cuối cùng của ông là tiểu thuyết Ba người khác.

Sinh ngày 27-9-1920, Tô Hoài đã sống trải cuộc đời dài gần trọn một thế kỷ.

Thật đáng xem là kỳ lạ: một nhà văn có phong cách, ngôn ngữ và chuyện đời thuộc vào hàng độc đáo bậc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại, được sinh ra vào thập niên thứ hai của thế kỷ trước, nay lại cáo biệt cõi đời cũng vào kỳ ấy của thế kỷ này. Kỳ lạ, bởi ông sinh trưởng vào thời tiếng Việt quốc ngữ trong văn chương đi vào bước ngoặt tiến hóa nhảy vọt với cây bút lớn Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu; và nay ông ra đi trong lúc tiếng Việt văn học đang trải nghiệm một biến đổi hiểm nghèo dẫn đến sự tương thích với tính nhị phân đơn điệu của ngôn ngữ máy tính.

Tiếng Việt trong văn chương của Tô Hoài đáng được gọi như là sinh ngữ - một ngôn ngữ sống động ở mức độ nắm bắt và biểu đạt trọn vẹn sức sống của những cảnh những người, những sự việc và thần thái của mỗi vùng hiện thực mà ông đưa vào văn học của mình.

Các sáng tác trong mười năm lại đây của Tô Hoài luôn cho thấy phẩm chất đặc biệt đó. Ngôn từ của ông trong hồi ký từ “Chiều chiều” cho đến “Giấc mơ ông thợ dìu”, trong truyện ngắn và trong tiểu thuyết cho đến “Ba người khác” đều không ngừng gây kinh ngạc cho người thưởng thức bởi ngôn từ đó sống động một cách hoàn toàn đặc trưng “giọng” Tô Hoài, không xu thời theo văn phong được gọi là “hiện đại”, lại luôn tỏa ra cái ánh sáng cốt cách của lời ăn tiếng nói người Việt cùng một sức mạnh minh triết.

Người đọc hoàn toàn có thể đắm vào thưởng thức những câu chuyện, bao giờ cũng độc đáo, của ông. Hoặc hoàn toàn chỉ thưởng thức các ý tứ sắc bén, hài hước, thâm trầm luôn luôn bất ngờ và có sức mạnh răn dạy của ông. Nhưng đừng quên Tô Hoài đã làm ra tất cả những hiệu quả ấy chỉ bằng ngôn từ và cú pháp đặc sắc, chỉ ông mới có; bằng một từ vựng tiếng Việt mà khi ông dùng đến ta mới thấy ngỡ ngàng sao ta chẳng biết, hay đã quên; bằng một lối hành văn chính xác như những đường dao giải phẫu trên tinh thần và tình cảm – vạch ra những thâm căn, những động cơ, những tư tưởng sâu kín - mà đôi khi chỉ qua vài câu đối thoại.

Văn chương của Tô Hoài thực sự là một gia sản học thuật về văn hóa Việt mà tiếng Việt qua ngần ấy thế hệ đã hun đúc vào ông.

Ngôn ngữ ấy và văn chương ấy đã từ lâu về sống với cuộc sống đương thời của người Việt mà Tô Hoài không cần phải chăm bẵm cho chúng nữa. Chúng đã có cuộc sống riêng và vẫn không ngừng làm được cái bổn phận căn bản của ngôn từ và văn chương: chúng sản sinh các ý nghĩa cho những ai thưởng thức.

NGUYỄN CHÍ HOAN - Thời Nay

Nguồn tin: tcgd theo NDO