Mấy lời cùng thần thức Nguyễn Khắc Phục

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã tạ thế lúc 3h 40’ sáng 20 tháng 5 năm 2016, ngày giỗ: 14 tháng Tư năm Bính Thân. Như thế, kể từ khi người bác sĩ trực tháo ống thở oxy ra khỏi người ông, không ai có thể bớt đi hay có thể thêm vào cho ông được gì nữa rồi. Xin coi đây chỉ như cuộc chuyện trò cuối cùng giữa thần thức ông trong thời trung ấm với tôi - kẻ còn đang loay hoay với đời.
 

Tên ông đến với tôi khi tôi chưa diện kiến, tiểu thuyết Học phí trả bằng máu nghe đâu bị đốt, nhưng không tìm đọc. Tôi chỉ thực sự kính trọng ông khi, cũng thời điểm 1984 ấy cái bút ký mà giờ tôi cũng quên tên nó, in trên báo Văn nghệ nói về chứng bệnh buồn ngủ đang lây lan như dịch. Ôi cái năm 1984, đến bo bo cũng đã không còn có mà ăn, ăn gạo tấm xát trắng đến lõi thì bệnh chứng này nó sinh từ gốc thiếu vitamin B1 toàn quốc. Nhưng để nâng thành khái luận hội chứng cho một thảm họa giống nòi rồi viết nó tưng tửng mà ám ảnh đến thế, rồi lại đăng lên được báo Văn nghệ thời ấy, thì chỉ tài năng xuất chúng Nguyễn Khắc Phục mới làm nổi.

Lần đầu tiên tôi gặp ông là lúc ông nói về vi tính, về giao diện và về mạng, tại tổ thơ báo Văn nghệ vốn là cái phòng gì đó chừng 3m2 cải tạo thành, giữa rất đông người nghe nhưng không rõ mặt ai vì khói thuốc mù mịt. Tàn buổi sáng thì chỉ còn lại ông với tôi tiếp tục nói về giao diện, rồi từ nguyên lý giữa các giao diện khả dĩ phái sinh các khuynh hướng sáng tạo luôn bất ngờ để tương thích nhau trong cùng một văn bản, về cuối đời ông kịp viết xong tiểu thuyết Hỗn độn như để xong đi một việc khởi từ buổi sáng mù mịt khói năm xưa. Với tôi, nhờ buổi sáng mù mịt khói thao thao về giao diện này, tôi luyện để cái giống nhau, cái bất tương thích của nhiều thời, giữa thời nọ với thời kia có thể gói lại trong một câu văn không quá phức hợp. Chỉ đến khi ông đưa tôi đi uống rượu thịt chó ở Lê Văn Hưu, mới chuyển sang nói chuyện về lịch sử. Tôi có cảm giác, giữa tri thức modern nhất của nhân loại với kiến văn lịch sử xa xưa nhất của dân tộc Việt Nam đều sống vô cùng sục sôi nhưng cũng vô cùng ổn thỏa trong con người tài tử này. Tôi có cảm giác, ngay cả nhà sử học Dương Trung Quốc (hai người đều yêu mến tương kính nhau) cũng khó có đủ tự tin để nói chuyện với ông về lịch sử. Thuộc sử, đã đành, nhưng dùng nó như một đại (diện) thế luận cho mọi chuyện thật chính xác là Đỗ Chu đệ nhất, chỉ trong vài ba câu với liều lượng tục nhân dân dã vừa đủ còn sử dụng nó như một cái cờ lê vạn năng để tháo gỡ mọi ách tắc của thời đại hay lau chùi thay phụ kiện để các biến cố hôm nay vận hành trơn tru trở lại thì Nguyễn Khắc Phục đương kim đệ nhất, theo như tôi biết!

Một hôm uống Quentho ở Quán Sứ, ông bất ngờ hỏi tôi: Mày có biết Lý Thường Kiệt làm sao để giữ được bất ngờ khi kéo quân sang Ung Châu đánh quân Nam Tống tan tác cả hai tỉnh? Tôi làm sao biết được. Ông bảo cụ theo sinh kế dân Thái Bình mày đấy. Cứ tháng một, chạp sương mù là rủ nhau sang biển Quảng Đông mò sò huyết. Đi các tháng khác không được, vì làm gì có tủ lạnh tủ cấp đông như bây giờ? Đi lúc sương mù, về trong giá lạnh, sò huyết về đến Thăng Long còn tươi. Nhưng cụ đóng bè bằng tre luồng Thanh Hóa, đưa voi lên bè, kéo nhau đi trong biển sương mù. Khi cập bờ, cho voi lên trước. Voi xuất hiện như thiên binh thiên tướng, trong sương mù khiến một đồn mười mười đồn trăm, lính hỏa đài không biết thế nào mà cấp báo nổi việc thiên binh cưỡi tê ngưu giáng phàm.

Về sau, tôi đọc thấy điều này trong Thăng Long ký tập 1 (chứ thật quả tôi không tìm thấy sử liệu này ở đâu, kể cả dã sử). Đây là cuốn tiểu thuyết viết về nhà Lý, một triều đại khai hiển nền văn minh Đại Việt rực rỡ, mà Nguyễn Khắc Phục đặc biệt yêu quý. Tôi có cảm giác, ông sẽ tuyên bố cạch mặt bất cứ ai, nếu chót nghi ngờ về định tính vĩ đại của nó, mà ông thì không ít lần cạch mặt tôi, phải không anh? Sao lại cười? Tôi nhớ mình chót cãi nhận định rằng Vương An Thạch đã học Lý Nhân Tông xuất kho thóc cho dân vay để tránh nạn bán lúa non và ngụ binh ư nông, ông quắc mắt: Mày ngu lắm, Khương Duy thời Tam quốc là đem quân đi giả vờ làm ruộng mà lánh nạn, còn Lý Thường Kiệt gửi binh vào lúc binh nhàn canh cửi bận. Về đọc lại sách, thấy đúng như ông nhận định, vào thời nhà Lý, Đại Việt mạnh hơn nhà Tống. May mà tôi kìm lại được!

Nghe dự án bộ trường thiên 20 tập Thăng Long ký, tôi rất tin. Tập 1 đã rải ra trên cái nền vững vàng của cấu trúc 3 khép mở, cho phép độ trường thiên đi trong thế không hết: Bộ ba Đinh, Lê, Lý với Vạn Hạnh đại diện, được bao trùm bởi tam giáo đồng nguyên là một tiến (Lê Hoàn) một thoái (vua Đinh) và một chồi (Vạn Hạnh, tiếp theo là Lý Công Uẩn). Trong tư tưởng tam giáo đồng nguyên của Vạn Hạnh và Lý Thái tổ, khi Lê Văn Thịnh định biến pháp từ Lão (âm mưu) để bị đi đày 40 năm sau, như ông Phục nói, nó sẽ thành một ẩn dụ vĩ đại của văn học khi cần diễn tả sự đem giáo lý mà khuynh loát sự sống, trong khi nó chỉ có nhiệm vụ phụng sự đời sống. Chánh sứ Phan Thưởng, một trí lự kiệt xuất hóa thân từ nhân vật lịch sử Lê Văn Thịnh, đã nổi lên trong tiểu thuyết như là tiêu biểu cho trí thức Thăng Long thời đại, lấy lại 3 tỉnh biên cương dễ như thò tay vào túi lấy đồ, coi cựu thù như trẻ ranh, đọc râm ran sướng. Nhưng uyên ảo nhất là Vạn Hạnh. Ông không làm nhiều việc, nhưng toàn việc chưa ai làm: Nuôi, dạy cách làm vua cho người ở chùa 30 năm sau làm vua. Ông đã đưa được đứa trẻ bọc trong nhung lụa của tã lót huyền thoại lên làm vị vua đĩnh đạc hiển hách, như thế, ông là thiền sư nhưng đem giáo lý Phật để làm nền tảng cho thế sự, cho các giáo lý khác mà ông biết đã và sẽ sinh ra trong dân tộc yêu quý của mình và cần dung nhận nó để vững vàng thêm thế quyền và thế tục. Ông, sinh năm 938, sinh ra như khát vọng độc lập, tình yêu say đắm cộng đồng đã tích tụ, như được tâm thế dân tộc này ấp ủ thai nghén trong nghìn mùa xuân, những khởi mở vũ điệu hoan ca ù à ù ập, tình là tình phộc sinh ra. Ông là ngã ba Hạc Trì của phù sa châu thổ có tên là Văn hóa Đại Việt. Anh cứ hay bảo em đại ngôn, anh Phục, nhưng xin cứ để em nói, cùng với Vũ Như Tô, Vạn Hạnh là hai nhân vật thành công nhất ở cả tầm tư tưởng, sức khái quát và tính chân thật của hình tượng nghệ thuật của văn học ta. Rồi đấy anh xem! 

Nhưng một mảng lớn sáng tạo của Nguyễn Khắc Phục tôi không đủ thì giờ để theo học, ấy là viết kịch bản văn học / phim và kịch bản lễ hội. Tôi tiếc các kịch bản Lễ hội, người ta ngại nọ kia không làm theo, hay nếu làm theo thì cũng không dám nhấn đậm. Ví dụ mười cái xe conteiner xếp dãy trồng tre làm nên bờ sông Như Nguyệt/ phòng tuyến Như Nguyệt, nơi từ đâu đó giọng Lý Thường Kiệt ngâm thơ thần truyền qua loa, loa nọ truyền loa kia, tạo nên chuỗi âm thanh hùng vĩ vang rền là điểm nhấn cho Lễ hội 1000 năm Thăng Long – Hà Nội thì đã bị biên tập lược bỏ. Hay như kịch bản tôn vinh nhà thơ Phạm Tiến Duật: Võng ông ra khuôn viên bệnh viện 108, với nguyên trạng y cụ dây dẫn dịch truyền loằng ngoằng, khách ngồi đứng quanh võng ông nằm, dưới các gốc cây cột võng cho khách ngồi đứng xem, mặc quân phục mũ tai mèo hoặc thanh niên xung phong, treo la liệt những khẩu hiệu viết chữ vôi lên tường, lên cót. Rồi hát bài hát Trường Sơn phổ thơ Phạm Tiến Duật, đọc thơ Phạm Tiến Duật trên nền nhạc guitar rồi piano. Nghĩa là dựng hẳn lại khí thiêng Trường Sơn và con chim khiếu của nó là Phạm Tiến Duật nằm giữa. Bệnh viện không cho làm, lấy cớ là chưa có tiền lệ nên phải xin phép lôi thôi.

Một con người thật nhiều Phật tính. Một tuần viết xong vở kịch, nhận trăm hay dăm chục triệu rồi vứt lên một trại trẻ mồ côi kiếm sống cạnh bãi rác Diên Khánh cho một ít, để nhà cho vợ con một ít; một ít mang ra Hà Nội bia rượu với bạn bè, còn bao nhiêu hay bấy nhiêu. Thế rồi khi bạn bè, như Phạm Tiến Duật nằm liệt, Nguyễn Khắc Phục bỏ ra ròng rã ba tháng bên giường bệnh, làm tuyển, lo kiếm tiền in ra Tuyển tập Phạm Tiến Duật xong gần như chạy bộ vào 108 trao sách, Phạm Tiến Duật như vồ lấy rồi cứ giữ khư khư như thể đó là chỗ níu bám cuối cùng với dương thế.

Thế rồi khi bạn bè cần vui, thì cũng vứt lại mọi việc mà chơi. Tôi nhớ ngày một lãnh đạo cấp cao bây giờ hồi còn làm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng Sông Đà từng chở ông Phục vào chơi tổ tôm trong ấy. Đêm muộn, tôi nằm  gối lên đùi ông mà ngủ, vừa ngủ vừa nói, ngày còn bé em theo bố đi đánh tổ tôm, sáng dậy về qua chợ thể nào cụ cũng ghé chợ mua lòng lợn, hay cá chép. Hôm thua mua chịu một ít, hôm được mua nhiều lại còn cho em tiền ăn bánh giò. Ông Phục còn mải chơi bài, cứ hử hở ừ ờ tràn đi. Vậy rồi khuya về, ông vốc túi quần bên trái đưa tôi một mớ, móc túi bên phải ra vuốt phẳng lại, cho mình, cũng một mớ.

Hào sảng, tráng chí và ngạo nghễ, ấy là Nguyễn Khắc Phục. Tôi theo ông lên Thành ủy Hà Nội quyên tiền làm Tuyển tập Phạm Tiến Duật. Bí thư Phạm Quang Nghị lúc ấy lấy đưa ông 10.000.000 đồng. Ông nói không, ông cho người mang đến thủ quỹ, tôi cầm nhỡ tiêu mất. Ông Nghị gật gù, chợt nói, ông có hộ khẩu Hà Nội từ bé, hình như Hà Nội còn nợ ông một căn hộ? Ông Phục nói ngay, không, Hà Nội không nợ tôi gì cả, nhưng nợ hàng vạn người dân nghèo thì có. Anh Phục ạ, sao không nhận rồi chia đôi chia ba mà cho người nghèo? Anh không nhận rồi bởi chứng hay cho, thiên hạ bảo anh dùng tiền đánh bóng tên tuổi, khiến nhiều khi rất bực. Hôm ấy anh bảo, bực à, hơi sức đâu mà bực. Mày còn bực với ba vụ lẻ tẻ ấy thì đừng dại chơi với tao, vì sẽ còn phải bực dài dài.

Vậy nhưng Nguyễn Khắc Phục cũng là người hay dỗi. Năm ấy, năm còn thuê nhà Đào Quang Thép trên Dịch Vọng. Chả hiểu sao không về Nha Trang ăn Tết, hỏi không nói, a lô không bấm OK. Tôi gọi rủ Thanh Hằng lên xem thế nào. Thấy nằm còng queo, cạnh đống tranh Lê Đại Chúc bị vợ rày la sao đó vừa chở từ Sài Gòn ra lấp hết các lối đi. Chúng tôi ra chợ Chùa Hà, mua cho ông chậu hoa ly, mâm ngũ quả với vài ba cái bánh chưng. Nói gì thì nói, người luống tuổi mà dỗi nhau nó chả ra làm sao, phải không? 

Thôi anh chả ở nữa, thì đi cho chân cứng đá mềm.

Một con người tài năng dư thừa, sáng kiến dư thừa, dự kiến lớn khó ai vượt qua. 

Nhưng tôi đoán anh đã nhẹ nhõm ra đi. Hy vọng, sông mê cháo lú không xóa hết nổi tri thức và sáng kiến quá khổ một con người. Để linh hồn anh khi tái sinh, có nền tảng, có đà mà tiếp tục làm những gì còn dang dở, lần ấy thì xin làm kỹ hơn, anh ạ.

Cầu mong thần thức Nguyễn Khắc Phục được thanh thản. Nam mô a di đà Phật!   


Tác giả bài viết: Văn Chính

Nguồn tin: duyenclvn theo daidoanket.vn