Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 2: Thiên tài không thể định nghĩa(

Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 2: Thiên tài không thể định nghĩa(
Tọa đàm khoa học đầu tiên về Bùi Giáng đã khép lại hôm 14.9 nhưng âm vang trên diễn đàn ấy 'vẫn còn tiếp tục truyền thông và mở rộng' như lời ông Bùi Dương Thạch - đại diện Bùi tộc Vĩnh Trinh tại tọa đàm, đã nói với chúng tôi trong cuộc gặp chiều hôm qua 18.9.

Bùi Giáng tại nhà đường Lê Quang Định - d
Bùi Giáng tại nhà đường Lê Quang Định - Ảnh: Tư liệu

Thưa ông, vui lòng cho biết một trong những điều 'vẫn còn truyền thông' sau tọa đàm?

Tôi muốn nói đến tiểu sử Bùi Giáng mà trước đây thường do các tác giả ngoài tộc Bùi viết với một số chi tiết khác nhau làm công chúng băn khoăn. Nay qua tọa đàm, Bùi tộc Vĩnh Trinh chúng tôi thu thập thêm tài liệu để chính thức thông báo về các nét chính trong đời ông sau đây. Bùi Giáng sinh ngày 17.12 năm Bính Dần 1926 tại làng Thanh Châu, xã Vĩnh Trinh, H.Duy Xuyên, Quảng Nam, là con thứ nam của ông Bùi Thuyên (thuộc đời thứ 16 họ Bùi ở Quảng Nam) và bà Huỳnh Thị Kiền. Ông lấy vợ năm 1944, lúc 18 tuổi. Vợ ông là hoa khôi trong vùng: bà Phạm Thị Ninh; khi mang thai bà bị bệnh, phải sinh non và cả hai mẹ con đều qua đời. Từ đó ông in sâu vào lòng một quá khứ không vui: “Xin ngó lại bàn chân em bước/Vì em đi vào lúc gió đương bay”. Rồi ông nói với người đã khuất trên núi rừng Trung Việt: “Khung cảnh ấy nằm sâu trong đáy mắt/Có lệ buồn, khóc với lệ hòa vui/Để tràn ngập hương mùa lên ngan ngát/Rồi tan đi trong hố thẳm chôn vùi”...

Về các chi tiết khác, nghe nói đã có một số tài liệu mới về Bùi Giáng vừa lưu hành trong nội bộ của Bùi tộc Vĩnh Trinh tại TP.HCM?

 

 
 

“Hiếm có tác giả nào mà khi ta đọc đôi câu cũng có thể cảm thụ được cái tinh thể của toàn bộ văn nghiệp đồ sộ, nhìn một hành vi mà thấy được phong độ dị thường của cả bình sinh. Một giọt nước mắt mang cả lượng hải hàm của đại dương - nói như nhà Phật. Các bậc thâm trầm ngày xưa gọi đó là “mở cửa thấy núi, một khí xuyên suốt (khai môn kiến sơn, nhất khí quán hạ). Phương Tây bảo rằng Văn là Người. Quả ở đây, Người trở thành Văn, Văn với Người không hai. Anh Giáng là sao Văn Khúc (...) thuộc vào loại thiên tài không định nghĩa được (génie indéfinissable)”.

Bùi Văn Nam Sơn
(Bùi tộc phổ hệ)

 

Đó là ấn phẩm dày khoảng 360 trang lần đầu tiên chúng tôi tập hợp các bài viết về Bùi Giáng được xem là một bộ sưu tập nhỏ dùng làm tặng phẩm kỷ niệm cho bà con trong Bùi tộc. Chúng tôi cám ơn và ghi nhận nhiều cách nhìn về Bùi Giáng mà chú Bùi Văn Nam Sơn gọi một cách hình ảnh là “Bùi Giáng trong chiếc kính vạn hoa”. Chẳng hạn anh Mai Thảo viết về Bùi Giáng rất sống động và tài tình, riêng chuyện “điên” mà Mai Thảo nhắc đến qua 4 câu: “Và ở Sài Gòn vẫn còn Bùi Giáng. Tối tối về chùa đêm làm thơ. Ngày ca múa khóc cười giữa chợ. Kẻ sĩ điên thế kỷ mù rồi” thì anh Huỳnh Hữu Ủy không đồng tình, cho là “Mai Thảo rất nhầm lẫn khi quy tội điên của Bùi Giáng cho những nguyên nhân thời đại” vì Bùi Giáng đã: “Thoát ra khỏi mọi phiền trược của cuộc đời, chẳng còn câu chấp chi cả, ông sống hoan hỷ như một đứa trẻ với một nguồn thơ tinh khôi, hồn nhiên, đầy hoan lạc” như mấy câu: “Người con gái lội qua khe/Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau/Nỗi niềm tưởng lại xưa sau/Bàn chân với nước cùng nhau lại đè”...

Còn những điểm sáng tương đồng tương cảm?

Có lẽ cần nhắc đến kết luận của Thái Tú Hạp rằng: “Dù với bao nhiêu lời nhận định nào đi nữa ta vẫn thấy một điểm chung của mọi người là đã dành sự yêu mến cho con người siêu lãng tử lẫn thiên tài độc đáo này”. Một điểm chung tiếp theo là nhắc đến “một Bùi Giáng lang thang trên vỉa hè Sài Gòn đau đáu nhớ nhung về mảnh đất hẹp Quảng Nam mà vẫn đem triết học Đông Tây về với ca dao lục bát, vẫn có thể quàng vào thân thể của Brigitte Bardot hay Monroe những xiêm y của Xuân Hương” như Nguyễn Hoàng Vân đã viết từ Melbourne (Úc). Các bài viết trước năm 1975 của Trần Tuấn Kiệt, Cao Thế Dung, Tạ Tỵ, Du Tử Lê, hoặc sau này của Huy Cận, Trụ Vũ, Phạm Thiên Thư, Vũ Đức Sao Biển, cùng nhiều tác giả khác đều tựu trung nhắc đến Bùi Giáng là thi sĩ đã đưa thơ “vượt qua những rào cản của ngôn ngữ”. Nỗi nhớ quê hương của ông cũng thật lạ như: “Người hỏi tôi: Từ đâu ông đến đây?/Thưa cô thôn nữ từ đây tôi về/Ủa phải anh Sáu Giáng đó không?/Và cô có phải là cô Bông năm nào?/Anh còn nhớ rõ ôi chao!/Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh/Anh điên mà dzui-dzẻ thập thành/Chúng tôi tỉnh táo mà đành buồn hiu”.

Những năm cuối đời, có lần Bùi Giáng về thăm những “cô gái quê” thuở xưa: “Bảy mươi tuổi quá nặng nề/Còn em đã sáu tám rồi em ơi”. Ông cũng viết một bài thơ trước khi mất do Bùi Kiến Quốc chép lại: “Chiêm bao tôi thấy tôi về Quảng Nam/Rong chơi Đại Lộc, Điện Bàn/Duy Xuyên, Tiên Phước, Hòa Vang, Thăng Bình/Tìm người bạn cũ không ra/Còn phong cảnh cũ khác xa những ngày/Xóm làng, đồng ruộng lạ thay!/Chỉ còn dáng núi chạy dài xa xa/Giữ nguyên hình ảnh đậm đà/Còn trong kỷ niệm bao la tuổi nào/Ngắm nhìn, tim máu xôn xao/Tôi rời đất Quảng trở vào miền Nam/Tâm hồn bao xiết hoang mang/Bài thơ viết vội, dở dang lạ lùng...”.

Riêng ông nhớ nhất những câu gì của Bùi Giáng?

Câu: “Ta đi còn gửi đôi giòng/Lá rơi có dội ở trong sương mù”, thơ của ông gửi lời hẹn không chỉ đến người ở cõi này, mà còn đến những ngày “hội” ở kiếp sau. Đồng thời cũng làm chúng ta liên tưởng đến người vợ xinh đẹp của ông cùng qua đời với đứa con đầu lòng khi tuổi mới thanh xuân - và chắc chắn biến cố ấy đã làm ông đau xót hẹn hò: “Mai sau còn dự hội nào/Ngó nhau từ kỷ niệm đầu bão giông...”. (Còn nữa)

Giao Hưởng

Nguồn tin: TNO