6 năm ngày tác giải 'Màu hoa sim tím' ra đi: Cốt cách của thi nhân và tiết lộ về bản gốc 'bài thơ bất tử'

Nhà Thơ Hữu Loan

Nhà Thơ Hữu Loan

Ngày 18/3 là ngày kỷ niệm 6 năm mất của nhà thơ Hữu Loan - một cốt cách thi nhân sừng sững trong thi ca Việt.
Ông sừng sững như Đèo Cả trong thi ca kháng chiến và sống mãi như Màu tím hoa sim trong trái tim triệu người.

Có một điều ít người biết, khi tác giả nổi tiếng của bài thơ Màu tím hoa sim qua đời ngày 18/3/2010, trên đường vào xứ Thanh viếng nhà thơ Hữu Loan năm ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam vừa đi trên xe ô tô vừa hối hả viết điếu văn cho kịp lễ an táng vào buổi chiều cùng ngày. Ông Hữu Thỉnh xúc động kể lại chuyện cách đây hơn 20 năm, ông cùng đoàn nhà văn của báo Văn Nghệ vào làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa để khôi phục sổ lương hưu cho nhà thơ Hữu Loan sau nhiều năm bị gián đoạn bởi những nghi vấn văn chương liên quan đến vụ Nhân văn giai phẩm. Năm 1989, sau ba mươi lăm năm không được nhận lương Nhà nước, cầm sổ truy lĩnh lương hưu trên tay, ông già 73 tuổi Hữu Loan rưng rưng lên xe đò về Hà Nội, đến gặp Ban biên tập báo Văn Nghệ, hội Nhà văn cảm ơn, rồi đi uống rượu suốt đêm với các nhà thơ Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm… những bạn văn thời đầu cách mạng cùng cảnh ngộ trắc trở, thăng trầm vì văn chương-nghệ thuật như ông.

6 nam ngay tac giai 'Mau hoa sim tim' ra di: Cot cach cua thi nhan va tiet lo ve ban goc 'bai tho bat tu' - Anh 1

Nhà thơ Hữu Loan

Nhận xét về thơ Hữu Loan, nhà thơ Hữu Thỉnh cứ xuýt xoa khâm phục nói với tôi: “Hữu Loan là một trong những nhà thơ đặc sắc, nổi bật nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp với một cá tính thơ độc đáo hiếm thấy trong sáng tạo. Ông là một nhà thơ với tài năng đặc biệt kết hợp được một cách tài hoa hai mảng thơ khó kết hợp nhất là mảng thơ trữ tình đầy hào hoa, nặng trĩu tình yêu quê hương với mảng thơ hào sảng đầy chất anh hùng ca. Có thể nói, hai mảng thơ này của nhà thơ Hữu Loan đã tìm được điểm tựa trên hai nền tảng là hồn cốt của đồng ruộng quê hương và hiện thực bi tráng của kháng chiến, tạo nên một bút pháp đặc sắc của ông. Hai mảng thơ ấy được Hữu Loan khai thác, kết hợp và đẩy tới tận cùng cảm xúc của mình”.

“Do vậy, ai đã gặp nhà thơ Hữu Loan rồi dù chỉ một lần, cũng không thể nào quên ông được. Và làm được như thế thì khó lắm thay! Về mặt số lượng sáng tác thì thơ Hữu Loan không đồ sồ, nhưng về mặt chất lượng lại đạt được nhiều bài đỉnh cao. Người ta đọc Hữu Loan và gặp vẻ đẹp tâm hồn của một nhà thơ với những cung bậc đa dạng và chiêm ngưỡng cốt cách của một thi nhân lớn”, nhà thơ Hữu Thỉnh loại xuýt xoa ngợi khen.

Sinh ngày 2/4/1916 ở Ngọc Lĩnh, Nga Sơn, Thanh Hóa, thời trẻ Hữu Loan tốt nghiệp tú tài, nhưng chỉ ở nhà dạy học tư kiếm sống rồi tham gia cách mạng năm 1936, hoạt động phong trào Mặt trận bình dân, tham gia Việt Minh ở thị xã Thanh Hóa. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông từng giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa huyện Nga Sơn. Sau đó ông được cử làm Chủ bút báo Chiến sỹ của Sư đoàn 304 ở Liên khu IV. Sau 1954, Hữu Loan về công tác ở Tạp chí Văn nghệ một thời gian ngắn rồi bỏ về sống ở Nga Sơn làm nghề thợ đá, nuôi một đàn con tới 10 người.

Quá khứ cách mạng “lẫy lừng” như thế, nhưng Hữu Loan là một nhà thơ rất cảm khái, vì không bằng lòng với cách làm “văn nghệ” của một số người, ông bỏ công việc báo, trở về quê làm nông phu “chân lấm, tay bùn” cho nhẹ đầu. Trước khi Hữu Loan bỏ báo Văn Nghệ về quê sống, ông đã “khăn gói quả mướp” đến thức suốt một đêm với nhà thơ, họa sỹ Văn Cao ở phố Yết Kiêu. Trong đêm ấy, hai nhà thơ đi quanh hồ Thiền Quang, vừa đi vừa uống, vừa đi vừa ngẫm ngợi. Nhà thơ Văn Cao thì cố giữ Hữu Loan ở lại, nhưng nhà thơ Đèo Cả vẫn quyết về quê làm “lão nông tri điền”. Không biết họ đã uống bao nhiêu rượu và tâm sự với nhau những gì trong cái đêm chia tay buồn bã ấy, chỉ biết, sáng sớm hôm sau, Hữu Loan ra bến xe Kim Liên bắt xe đò trở về quê và lặng lẽ sống suốt mấy chục năm ở xứ Thanh, lăn lưng đi làm thuê “chở đá, đốn củi” kiếm tiền nuôi vợ con.

Người vợ đầu của Hữu Loan là bà Lê Đỗ Thị Ninh chết trẻ trong kháng chiến chống Pháp và bài thơ Màu tím hoa sim ông viết cho bà ấy khi: “Nàng có ba người anh đi bộ đội/Những em nàng/ Có em chưa biết nói/ Khi tóc nàng xanh xanh/ Tôi người Vệ quốc quân/ xa gia đình/ Yêu nàng như tình yêu em gái/ Ngày hợp hôn/ nàng không đòi may áo mới/ Tôi mặc đồ quân nhân/ đôi giày đinh/ bết bùn đất hành quân/ Nàng cười xinh xinh/ bên anh chồng độc đáo/ Tôi ở đơn vị về/ Cưới nhau xong là đi/ Từ chiến khu xa/ Nhớ về ái ngại/ Lấy chồng thời chiến binh/ Mấy người đi trở lại/ Nhỡ khi mình không về/ thì thương/ người vợ chờ/ bé bỏng chiều quê.../ Nhưng không chết/ người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương/ Tôi về/ không gặp nàng/Mẹ tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối/ Chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương/ tàn lạnh vây quanh/ Tóc nàng xanh xanh/ ngắn chưa đầy búi/ Em ơi giây phút cuối/ không được nghe nhau nói/ không được trông nhau một lần/ Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím/ áo nàng màu tím hoa sim…”. Bài thơ Màu tím hoa sim có nhiều dị bản truyền tụng khác nhau, nhưng đây đã được xác nhận là bản gốc. Bài thơ này đã được nhiều nhạc sỹ phổ nhạc như Dzũng Chinh, Phạm Duy, Anh Bằng, Duy Khánh, Nguyễn Đặng Mừng, Thu Hồ, Hồng Vân.

Bà vợ sau của Hữu Loan kém ông gần ba chục tuổi, hai ông bà sau này sinh được 10 người và có 37 đứa cháu. Năm 2004, bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan được một công ty tư nhân bỏ ra 100 triệu đồng mua bản quyền với lòng trân trọng và quý mến tài thơ của ông. Đóng thuế thu nhập mất 10 triệu đồng, ông cho con cháu 60 triệu đồng, còn 30 triệu đồng, ông để in tập thơ Hữu Loan và để “phòng thân” lúc cuối đời.

Năm 1988, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhà thơ Hữu Loan bắt đầu “tái xuất giang hồ” và trong chuyến “hành phương Nam” năm ấy, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được đón tác giả “Màu tím hoa sim” ở cố đô Huế và tổ chức cuộc nói chuyện của nhà thơ Hữu Loan với các nhà văn miền Trung. Đêm gặp mặt ấy, khi một người đưa cho Hữu Loan chiếc micro để ông nói cho to hơn trước đám đông thì nhà thơ gạt đi và nói: “Tôi lâu lắm không tiếp xúc đám đông. Thời cướp chính quyền hồi đầu cách mạng, tôi cũng có dịp nói chuyện trước đồng bào nhưng lâu quá rồi nên quên mất thói quen ấy!”. Nguyễn Trọng Tạo dí dỏm nhận xét: “Sau cả nửa thế kỷ, Hữu Loan vẫn giữ nguyên tác phong của một cán bộ cách mạng kháng chiến. Nhưng điều quan trọng hơn, ông ấy là một nhà cách-mạng-thơ thật sự. Ông được anh em văn chương quý trọng cả về nhân cách thơ và nhân cách sống vì ông là người khí khái, cương trực”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Việt Chiến

Nguồn tin: Duyenclvn theo baomoi.com