Vĩnh biệt Vua Riêm - NSƯT Phương Quang

PQ

PQ

Khán giả quen gọi ông là Vua Riêm (vở "Nàng Xê Đa"), vì cho đến hôm nay, chưa có nghệ sĩ nào diễn xuất sắc hơn ông nhân vật này
 
Vĩnh biệt Vua Riêm - NSƯT Phương Quang - Ảnh 1.

NSƯT Phương Quang

Tôi có duyên may được gắn kết cùng ông qua nhiều lần Hội Sân khấu TP HCM tổ chức Giải thưởng Trần Hữu Trang. Ông là vị giám khảo nghiêm khắc, thí sinh nào ca sửa lời bài vọng cổ, diễn quá cường điệu là ông chấm điểm rất thấp. Ông thường nói với nghệ sĩ trẻ: "Hãy luôn nghĩ nghề là viên ngọc thô, bởi ông bà có câu ca: "Ngọc kia chẳng giũa, chẳng mài, cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi". Và ông đã mài giũa nghề của mình cho đến khi kiệt sức.

Vĩnh biệt Vua Riêm - NSƯT Phương Quang - Ảnh 2.

NSƯT Phương Quang với NSƯT Thanh Vy trong vở "Nàng Xê Đa"

"Anh kép đen… đẻ ra vàng"

Ông nói mình khao khát theo nghề hát với suy nghĩ nghề này sẽ giúp ông thoát khỏi cảnh đời nghèo khó. Ban đầu, ông theo làm đệ tử nhạc sĩ Văn Còn, xách đờn cho thầy lúc đó đang cộng tác tại đoàn Thanh Minh. Những lúc rảnh, thầy dạy ông ca theo nhịp đờn. Sau đó, ông dự thi và được nhận vào học nghề tại đoàn Kinh Thành, lúc đoàn khai trương tại rạp hát Gò Công ngày 24-12-1961. Ông có giọng ca trầm ấm, cách ngân giống với giọng ca Út Trà Ôn, nên ông được đóng vai kép con trong vở "Cánh nhạn phương trời". Ông nhớ như in lúc hóa trang, nghệ sĩ Minh Luông và Bạch Cúc đã phán rằng: "Nước da anh kép vườn này đen thui như cục than cháy, có trát hết hộp phấn cũng không trắng nói gì đến chuyện sẽ nổi tiếng?". Câu nói đó, in sâu trong trí nhớ của ông, giúp ông nỗ lực rèn luyện để thoát khỏi định kiến của người trong nghề.

Vì có giọng ca giống Út Trà Ôn nên bà bầu Kim Chưởng khi nghe ông ca liền mời về đoàn mình cho làm kép chánh, diễn cặp với nữ danh ca Phượng Liên.

Ông mang ơn nghệ sĩ Kim Chưởng, người thường trìu mến gọi ông là "anh kép đen... đẻ ra vàng". Bởi năm 1962, từ gánh Tuấn Kiệt, ông được cậu Mười (tên thường gọi thân mật về NSND Út Trà Ôn của giới nghệ sĩ - PV) mời về ký công tra (hợp đồng) 300.000 đồng/3 năm, sau đó bà bầu Kim Chưởng chịu ký với ông 500.000 đồng/5 năm. Thành công của ông là suất hát nào cũng đông kín khán giả. Các hãng dĩa thi nhau mời ông thu âm, khai thác giọng ca vàng. Năm 1966, "viên ngọc đen" ngày nào đã chạm tay chiếc HCV triển vọng giải Thanh Tâm trong sự ngỡ ngàng, khâm phục của nhiều nghệ sĩ đã từng hoài nghi về ông.

Vĩnh biệt Vua Riêm - NSƯT Phương Quang - Ảnh 3.

NSƯT Phương Quang và NSND Ngọc Giàu trong vở "Tình mẫu tử"

Một phong cách ca diễn rất riêng

Điều giúp cho NSƯT Phương Quang thành công trên hành trình rèn giũa giọng ca và kỹ năng diễn xuất chính là ý chí. Ông từng tâm sự rằng ban đầu vì hâm mộ mà học theo cách ca của thần tượng là cậu Mười, sau đó khi hiểu rõ, muốn trụ vững thì đừng biến giọng ca của mình thành "nô dịch". Ông cố thoát khỏi cái bóng thần tượng bằng cách học tất cả ngón nghề cần và đủ cho một anh kép. Soạn giả Điêu Huyền và đạo diễn - NSƯT Đoàn Bá thường kích ông phải "thay máu". "Nếu soạn giả Điêu Huyền thường tìm cách chê bai thì đạo diễn Đoàn Bá thường nói bóng, nói gió để "đêm về tôi phải nằm gác tay lên trán suy nghĩ, tìm ra cách đổi mới chính mình" - NSƯT Phương Quang từng tâm sự. Để rồi một thời gian sau, ông tạc vào sự nghiệp của mình những dấu ấn tuyệt vời: Vai Năm Báu (vở "Tình yêu và lời đáp"), Vua Riêm (vở "Nàng Xê Đa"), cậu Út (vở "Tần Nương Thất")... khẳng định cách ca diễn khác hoàn toàn với thần tượng của mình.

Vĩnh biệt Vua Riêm - NSƯT Phương Quang - Ảnh 4.

NSUT Phương Quang và NSND Bạch Tuyết

Bốn vai diễn ông được chấm giải HCV triển vọng Thanh Tâm là tuồng dã sử, nên tất cả đều không có nguyên mẫu mà phải tự sáng tạo như: Hoàng Mộng Long (vở "Người nhạn trắng"), Kỳ Thanh Lang (vở "Mặt trời đêm"), Kim Đồng (vở "Huyết phiến lôi phong") và Sĩ Tế Nãi Long (vở "Tình nào cho em")…

Sau ngày đất nước được thống nhất, ông đầu quân về các đoàn: Sài Gòn 2, Văn Công TP rồi Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Đoàn Cải lương 2-84... Trên các sân khấu đó, ông còn để lại khá nhiều vai diễn ấn tượng: Tư lệnh (vở "Lời ru của biển"), Tám Khỏe (vai "Người ven đô"), Nguyễn Huệ (vở "Tiếng sóng Rạch Gầm")… Từ năm 2000, TP HCM đã tập trung vực dậy phong trào đờn ca tài tử, với chủ đề "Đờn ca tri kỷ", ông đã gắn bó hơn 70 chương trình, đi khắp nơi gieo mầm xanh tài năng trẻ.

Đã từng được đóng cặp với nhiều đào chánh trên 17 đoàn hát với gần 100 vở tuồng, ông vẫn chung thủy với vợ. Đó là điều hiếm thấy trong giới nghệ sĩ cải lương.

NSND Lệ Thủy bày tỏ xúc động: "Anh Phương Quang sống chân thành, hết lòng với bạn bè. Tôi nhớ mãi những kỷ niệm cùng anh khi đi diễn khắp nơi. Gần như anh không làm mất lòng anh em, luôn được công nhân hậu đài, diễn viên trẻ kính mến. Trong thời gian anh lâm bệnh khá nặng, tôi và bạn bè đồng nghiệp vẫn thấy anh còn yêu nghề lắm, lòng tự nhủ mong anh sẽ sớm hết bệnh để tiếp tục cống hiến cho sân khấu. Nhưng rồi hôm nay, anh đã ra đi mãi mãi…". 

 

Nghĩa cử cao đẹp

Tin NSƯT Phương Quang đột ngột ra đi đã khiến khán giả, nghệ sĩ đồng nghiệp bất ngờ. Càng xúc động hơn khi biết di nguyện của ông muốn được hiến xác cho y học. Cả đời ông sống cho sân khấu, đến khi thác vẫn muốn được cống hiến thân xác mình cho công việc nghiên cứu y khoa - một nghĩa cử cao đẹp mà nhiều thế hệ nghệ sĩ nghiêng mình kính phục.

NSƯT Phương Quang tên thật là Tô Văn Quang, sinh năm 1942 tại Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Nhiều năm qua, ông lâm trọng bệnh, sau ca phẫu thuật não, ông đã bị mất trí nhớ và qua đời lúc 9 giờ 30 phút ngày 13-7 tại nhà riêng. Theo di nguyện của ông, khi qua đời, xác của ông hiến cho y học. "Sau khi ba tôi qua đời, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM đã tiếp nhận xác lúc 16 giờ cùng ngày. Gia đình đã lập di ảnh và bàn thờ của ông tại nhà số 1033 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM để khán giả, người hâm mộ và các nghệ sĩ đồng nghiệp đến viếng" - anh Tô Quang Bảo, con trai của NSƯT Phương Quang, cho biết. Lễ tưởng niệm diễn ra lúc 9 giờ ngày 14-7.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn tin: tcgd theo NLĐ