Hầu đồng để làm gì?

Hầu đồng để làm gì?
Dư luận xôn xao về video clip tố cáo một quan chức ngành y tế đi hầu đồng. Mục đích của hành động ấy có phải cầu phúc cầu lộc gì hay không thì chưa rõ, nhưng những hình ảnh thể hiện qua đoạn phim đã cho thấy sự biến tướng đáng buồn của hầu đồng!
Trong tín ngưỡng văn hóa dân gian, hầu đồng là một nghi lễ giao tiếp với thần linh thông qua các ông đồng, bà đồng. Thông qua người trực tiếp đứng giá hầu đồng là Thanh Đồng, những trang phục sặc sỡ và những điệu múa cầu kỳ được tiếp thêm tính huyền hoặc bởi hát chầu văn. Tùy tập tục mỗi địa phương, mà hầu đồng có nhiều thể thức khác nhau. Tuy nhiên, một buổi hầu đồng bao giờ cũng có các phần thay lễ phục, dâng hương hành lễ, lễ thánh giáng, múa đồng, ban lộc và nghe Văn chầu và kết thúc khi Thánh thăng.

Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch đã công nhận hầu đồng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang chuẩn bị hồ sơ để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Tuy nhiên, bên cạnh các giá trị xã hội và văn hoá, một số người lợi dụng nghi lễ hầu đồng vì lợi ích cá nhân. Hầu đồng là để yên căn, yên số, yên bản mệnh, chứ không phải nơi cầu xin những thứ vật chất đời thường.

Vài năm qua, hầu đồng càng ngày càng có nhiều thay đổi tiêu cực. Không ít những người giàu sang đã tổ chức hầu đồng rất xa hoa và rất tốn kém, với chi phí bỏ ra từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng. Chính vì có hơi hướng đồng tiền mà hầu đồng bỗng mất đi vẻ đẹp văn hóa đặc thù của cư dân miền đồng bằng Bắc bộ. Và đáng lo ngại hơn, Thanh Đồng đã trở thành một thứ nghề và những giá đồng cũng trở thành một dịch vụ có màu sắc mê tín dị đoan. Không ít nghệ sĩ nổi tiếng tham gia hóa thân Thanh Đồng với thù lao cao ngất ngưởng.   

Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam khẳng định: "Không có tín ngưỡng nào trên đời này dạy con người làm những điều xấu xa, chỉ có con người lợi dụng nó cho những mục tiêu xấu xa… Bản chất nguyên sơ của hầu đồng là hình thức hoạt động văn hóa tín ngưỡng tâm linh, nhưng hiện nay đang bị bóp méo và lợi dụng. Nhiều người lên đồng vì những lợi ích vật chất, và ở đó có nguy cơ trở thành môi trường kiếm tiền, làm giàu, trục lợi. Cái mà người ta gọi là buôn thần, bán thánh".

Câu chuyện quan chức ngành y tế đi hầu đồng, ngỡ là chuyện sở thích cá nhân nhưng lại tác động không mấy lành mạnh đến xã hội. Mang danh phận cán bộ Nhà nước thì phải cổ súy lối sống tích cực, không nên sa đà vào những hoạt động dễ gây thị phi cho mọi người. Hơn nữa, để hầu đồng thực sự là một tín ngưỡng dân gian thì phải giữ gìn môi trường trong sáng và thanh cao, không thể chấp nhận bất kỳ sự phô trương và hào nhoáng nào! Trả lời câu hỏi, hầu đồng để làm gì, không đơn giản.

Tác giả bài viết: LTN

Nguồn tin: duyenclvn theo baohaiquan.vn