Hẩm hiu phim lịch sử tiền tỉ

Hẩm hiu phim lịch sử tiền tỉ
"Sống cùng lịch sử" là một trong những bộ phim Việt được Nhà nước đầu tư kinh phí hàng chục tỉ đồng, nhưng đã "chết" ngay khi chưa ra rạp. Vậy tại sao những bộ phim có nguồn kinh phí khổng lồ, được quan tâm và trông đợi như "Sống cùng lịch sử" lại "chết yểu"?

Chi tiền tỉ làm phim không ai xem

Những năm gần đây, phim kỉ niệm những ngày lễ lớn đã và đang trở thành những tác phẩm nghệ thuật tâm huyết, hấp dẫn, xúc động lòng người, được công chúng đón nhận với một tâm thế mới. Phản ứng tích cực của khán giả trong các đợt phim kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên đã minh chứng cho điều đó.

Tuy nhiên, trong đợt phim ra rạp dịp lễ 2/9 vừa qua tại Hà Nội có 3 phim được Nhà nước rót kinh phí là Sống cùng lịch sử, Mộ gió, Đam mê. Các phim này cùng được đầu tư với kinh phí lớn và chịu chung số phận: Chỉ trụ rạp được vài ngày và phải ngừng chiếu vì không bán nổi vé.  

Một cảnh trong phim "Sống cùng lịch sử"

Sống cùng lịch sử được xem là thất bại lớn nhất dù đã được Nhà nước mạnh tay đầu tư 21 tỉ đồng, ngốn công sức, thời gian của bao nhiêu người (đoàn làm phim mất một năm để hoàn thành Sống cùng lịch sử với 300 người tham gia). Đây là một trong số dự án phim lịch sử có kinh phí lớn nhất của Việt Nam, do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, NSND Nguyễn Thanh Vân làm đạo diễn và nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn viết kịch bản.

Trước đó, Sống cùng lịch sử vốn được Nhà nước đặt hàng để kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim được Cục Điện ảnh tổ chức ra mắt báo giới ngày 23/4 kèm với việc công bố những thông tin khả quan. Nhưng sau đó, sau một số bài báo nhận xét về phim, Sống cùng lịch sử không được nhắc đến nữa. Cho đến những ngày qua, bộ phim này trở lại các mặt báo với thông tin đã bị bay khỏi một số rạp Hà Nội vì không bán được vé.

Lơ là khâu quảng bá cho phim

Giải thích nguyên nhân về bộ phim do chính mình làm đạo diễn ế khách khi ra rạp, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thừa nhận: “Việc truyền thông của phim làm không bài bản, thiếu chuyên nghiệp, kinh phí cho hoạt động quảng bá phim rất ít. Hơn nữa, thói quen của khán giả, khi nghe thấy dòng phim lịch sử Việt Nam là đã không hào hứng xem. Điều này cần được xây dựng từ hệ thống giáo dục về ý thức lịch sử dân tộc”.

Không thể phủ nhận một thực tế, khán giả thường ít lựa chọn dòng phim lịch sử khi ra rạp. Trần Việt Bách, sinh viên trường Đại học Văn hóa nói: “Em đã xem phim Scandal 2 - Hào quang trở lại của đạo diễn Victor Vũ và xem trailer phim Sống cùng lịch sử thì thấy phim của Victor Vũ hấp dẫn và phù hợp với giới trẻ hơn”.

Trên thực tế, lâu nay các hãng chỉ biết nhận tiền và làm phim, ít chú trọng tới khâu quảng bá cho đứa con tinh thần của mình. Phim ra mắt là cũng xong, không ai còn quan tâm đến chuyện phim bán vé thế nào, có bao nhiêu người xem vì tiền làm phim không phải của họ vì thua lỗ đã có Nhà nước chịu. Chính vì tâm lí này mà nhiều năm qua, có biết bao nhiêu phim tiêu tốn tiền của nhưng cùng chung số phận: Ế ẩm rồi đắp chiếu.

Trong khi đó, các bộ phim của tư nhân lại có kết quả hoàn toàn trái ngược. Một đội ngũ PR, phát hành đứng sau liên tục cung cấp thông tin ra ngoài từ lúc phim chưa bấm máy đến khi phim đã chiếu ở rạp. Mọi khía cạnh của phim, từ hậu trường, diễn viên đều được khai thác triệt để khiến một bộ phim dù kém hấp dẫn cũng vẫn phủ kín các phương tiện truyền thông, đảm bảo để nhiều người biết đến bộ phim đó.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân phân trần rằng Sống cùng lịch sử được nói là được rót 21 tỉ đồng nhưng thực tế chỉ còn khoảng 13 - 14 tỉ đồng đổ vào phim, còn lại dành để chi phí những việc khác của hãng. Chi phí đó chủ yếu là dùng trả lương cho nhân viên, vận hành hãng phim truyện Việt Nam mà không dành khoản nào cho công tác quảng bá.

Duy Long

 

Vì sao phim hàng chục tỉ không bán nổi vé?

Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến, tác giả của hàng loạt bộ phim truyền hình ăn khách như Ma làng, Đất và Người, Gió làng Kình, Chuyện làng Nhô cho rằng một trong những nguyên nhân khiến đến cái chết của bộ phim 21 tỉ 'Sống cùng lịch sử' chính là sự vô trách nhiệm của hãng phim.

Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến, tác giả của hàng loạt bộ phim truyền hình ăn khách như Ma làng, Đất và Người, Gió làng Kình, Chuyện làng Nhô cho rằng một trong những nguyên nhân khiến đến cái chết của bộ phim 21 tỉ 'Sống cùng lịch sử' chính là sự vô trách nhiệm của hãng phim.

Cái chết được báo trước


Cảnh trong phim 'Sống cùng lịch sử'

Những ngày qua, dư luận lại được dịp sôi lên vì bộ phim 'Sống cùng lịch sử' dù được rót kinh phí 21 tỉ nhưng khi ra rạp liên tục phải hủy suất chiếu, thậm chí phải về kho sớm vì không bán được vé. Xưa nay các bộ phim được gọi là 'cúng cụ' đa phần đều có chung số phận bi đát như vậy nhưng có lẽ chưa bao giờ rơi vào thảm cảnh như 'Sống cùng lịch sử'.

Nguyên nhân thì có nhiều. Lỗi đầu tiên chính là khâu quảng bá quá kém. Một bộ phim dù là đặt hàng, được nhà nước tài trợ nhưng không được quảng bá rộng rãi, ra rạp theo kiểu chiếu cho có, bán được vé hay không cũng không ai quan tâm vì phim lỗ cũng 'chẳng chết ai'. Chính vì tư duy kiểu 'bao cấp' như vậy mà rất nhiều bộ phim dù được nhà nước rót hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng như 'Sống cùng lịch sử' đều không đến được khán giả.

Tuy nhiên chuyện quảng bá kém chỉ là một phần, điều quan trọng là 'Sống cùng lịch sử' được làm khô cứng, thiếu hấp dẫn, và không gây được cảm xúc mạnh cho người xem. Phim lịch sử nhưng 'giả' và không chạm đến được tình cảm cũng như lòng tự hào dân tộc, vốn là yếu tố quan trọng để kéo khán giả đến rạp xem phim lịch sử. Đáng tiếc là 'Sống cùng lịch sử' chỉ có duy nhất 1 trường đoạn khiến người xem xúc động lại gần như là thước phim tài liệu được đưa vào cuối phim, khi hai diễn viên chính hòa vào đoàn người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chính vì không tạo được cảm xúc như vậy, lại cộng với tên phim quá khô cứng nên hiển nhiên khi 'Sống cùng lịch sử' ra rạp khó mà tạo được hiệu ứng truyền miệng và thuyết phục được khán giả bỏ tiền ra mua vé vào xem giữa bao nhiêu lựa chọn hấp dẫn khác ngoài rạp chiếu. 'Cái chết' của 'Sống cùng lịch sử' dường như đã được thấy trước và giống như giọt nước làm tràn ly về niềm tin của khán giả với những bộ phim nặng tính tuyên truyền ngốn hàng tỉ đồng của nhà nước.

'Nóng' vì không bán được vé


Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân trên trường quay 'Sống cùng lịch sử'
 

Bị ghẻ lạnh ngoài rạp nhưng những ngày qua 'Sống cùng lịch sử' lại làm nóng các mạng xã hội khi thất bại của phim được cả giới trong và ngoài ngành điện ảnh mổ xẻ.

Đã từ rất lâu đề tài điện ảnh, mà cụ thể ở đây là một bộ phim cụ thể được bàn luận sôi nổi và phân tích nhiều chiều như vậy. Lý do chính là bởi 'Sống cùng lịch sử' đã tiêu tốn một số tiền không hề nhỏ từ ngân sách nhưng lại không tạo được hiệu quả gì, ít nhất là ở khía cạnh khán giả.

Khi được hỏi về vấn đề này, nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến đã thẳng thắn phân tích những nguyên nhân dẫn đến thất bại của 'Sống cùng lịch sử'.

"Thứ nhất là tính thời điểm. Nếu phim ra rạp vào dịp 7/5, thời điểm người ta nói nhiều về chiến dịch Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì chắc chắn sẽ không nhận thất bại thảm hại thế này. Thêm nữa thời điểm này đất nước đang có nhiều biến động, nhất là sau sự kiện dàn khoan và niềm tin của người dân đang có nhiều chuyện cần chấn chỉnh.

Thứ hai là tên phim dở. 'Sống cùng lịch sử' là một cái tên rất tuyên truyền. Nếu đặt 'Chết cùng lịch sử' thì chẳng sao cả, chẳng ai bắt bẻ điều đó và có khi lại hút khán giả. Thêm nữa người ta tối kỵ đưa chữ 'lịch sử' vào tên phim. Chuyện nhà nước tài trợ cho các hãng làm phim 'cúng cụ' đã thành cái nếp từ rất lâu rồi nên là phim tài trợ sao không vượt ra khỏi điều đó, dù chỉ là cái vỏ thôi mà làm cách khác đi? Là người làm điện ảnh, tôi rất chia sẻ với những người cùng nghề. Theo đạo diễn Thanh Vân nói, toàn bộ 21 tỉ không giao hết cho đoàn phim mà bao gồm cả chi phí cho Hãng.

Thứ ba, đó là vấn đề lịch sử. Trong lịch sử Việt Nam hay bất cứ dân tộc nào, trong cuộc phát triển, nhất là mình là cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, trải qua mấy cuộc kháng chiến, với một đất nước non trẻ thì sai lầm là tất nhiên như sai lầm của Cải cách ruộng đất, Cải tạo công thương... Điều đó ai cũng hiểu. Nhưng chúng ta không minh bạch với quá khứ. Khi sòng phẳng với quá khứ thì sẽ đoạn tuyệt với sai lầm, nếu không sẽ mãi mãi mắc một món nợ. Phê phán đâu có phải là hạ bệ".

Từ sự thất bại của 'Sống cùng lịch sử', nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến cho rằng các nhà làm phim nên thận trọng hơn khi nhận phim: "Phim có vừa sức mình hay không là có thể tiên lượng được. Giới sáng tác phải tiên lượng được tác phẩm của mình. Nhà văn khi viết là biết tác phẩm của mình hay hay dở, vấn đề là anh có đủ dũng cảm để từ chối nó hay không. Không ai bắt anh cả. Và một điều nữa cần phải phê phán với phim 21 tỉ là nên quy vào đó là sự vô trách nhiệm của hãng phim, của chủ thể phim này. Người sáng tác họ chỉ biết làm xong việc của mình nhưng hãng phim thì phải biết mở chiến dịch PR cho phim chứ không phải làm cho xong chuyện'.

Hạnh Phương

khoi st
 

Nguồn tin: TTTĐ - VNN