Đoàn hát Thủ Đô và đoàn Hương Mùa Thu

Đoàn hát Thủ Đô và đoàn Hương Mùa Thu
Rạp Nguyễn Văn Hảo được coi như lớn nhứt ở Sài Gòn, từng được mệnh danh là “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo. Rạp có đến 3 từng lầu với trên 800 chỗ ngồi.

Út Trà Ôn bị thất thế

Năm 1960 Út Trà Ôn bị thất thế ở gánh Thanh Minh Thanh Nga, do một cuộc cải vả dữ dội với bà bầu Thơ nên không còn được trọng dụng với vai trò kép chánh, mà bị đưa xuống đóng kép lão.

Cậu Mười Út nói:

- Chị hạ tầng công tác tôi hả chị Năm?

- Nhưng chú Út đã gần 50 tuổi rồi, đóng kép lão là hợp tình hợp lý.

- Tôi không chịu vậy đâu, tôi quen đóng kép mùi, người ta còn muốn nghe tôi ca vọng cổ kia mà!

- Tôi không cần biết! Nếu chú không nhận vai, căn cứ bản hợp đồng, trong một tuần chú trả lại tiền giao kèo, bằng không tôi đưa vấn đề ra pháp luật.

Bà bầu Thơ kêu soạn giả Năm Châu viết tuồng xã hội, có vai trò ông già quản gia bị cậu công tử đá đít (kép Thành Được đóng vai công tử), do đó đệ nhứt danh ca mới phản ứng dữ dội, và một cuộc đấu khẩu đã diễn ra...

Có phải bà bầu Thơ muốn hạ nhục Út Trà Ôn cho bỏ ghét chăng?

Trường hợp này cũng chẳng khác gì trưởng đoàn Văn Công thành phố cho kép mùi Thanh Hải đóng vai hề, nắm sợi dây dẫn heo nái đi động đực cho khán giả cười vậy.

Suốt gần 20 năm Út Trà Ôn luôn là kép mùi, kép chánh, là mục tiêu mua vé của khán giả, nên được bầu gánh và người trong đoàn nể trọng. Do vậy mà lúc nào ông cũng cho rằng mình là cao hơn ai hết, mọi người phải tùng phục mình, và lại còn thêm cái tật làm khó, để cho người ta chiều mình nhiều hơn (ông Ba Bản nói như vậy).

Khoảng cuối năm 1959, vì không chịu nổi cái tật làm khó của Út Trà Ôn, bà bầu Thơ quá bực tức, đã giáng cho Cậu Mười Út một đòn chí tử bằng cách giao cho vai trò chẳng đẹp trên.

Nếu không nhận vai trò ông già thì Út Trà Ôn phải thối lại tiền ký giao kèo, chớ không thôi thì sẽ bị đưa ra tòa. Vậy thì tiền đâu để trả lại cho bầu gánh chớ? Bởi tuy làm rất nhiều tiền, mỗi lần hạ bút ký công tra là có hai triệu xài chơi, mà không phải trả lại, nếu như hát đủ thời gian. Còn lương mỗi đêm hát thì cao hơn người ta cả chục lần, nhưng khổ nỗi do cái máu mê cờ bạc, mà bao nhiêu tiền cũng nướng hết vô sòng bài. Giờ đây bí quá Út Trà Ôn chạy đến than vản với ông Ba Bản, năn nỉ xin cứu giúp mình.

Nghĩ tình Út Trà Ôn đã từng cộng tác thu thanh nhiều dĩa hát bán chạy, làm giàu cho hãng dĩa Hoành Sơn. Nhưng giúp bằng cách nào đây, không lẽ đưa tiền khơi khơi cho Út Trà Ôn trả nợ. Nhớ lại 8 năm trước từng cho Út Trà Ôn ký giao kèo để độc quyền thu thanh tiếng ca vô dĩa hát, thì bây giờ lập gánh hát cho Út Trà Ôn ca vọng cổ hằng đêm thì cũng thế thôi.

Vả lại ông Ba Bản cũng là người ham thích cải lương, nên cũng muốn làm bầu gánh hát một phen, vừa giúp Út Trà Ôn, vừa làm theo sở thích. Suy nghĩ chỉ trong 10 phút là ông Ba Bản quyết định thành lập gánh hát, cho đệ nhứt danh ca ký giao kèo lấy tiền trả cho bà bầu Thơ.

 

Chương trình buổi hát của danh ca Út Trà Ôn đăng trên quảng cáo
Chương trình buổi hát của danh ca Út Trà Ôn đăng trên quảng cáo

 

Thế là đoàn Thủ Đô ra đời mở đầu cho thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật cải lương. Sân khấu huy hoàng của đoàn Thủ Đô là nơi mà nhiều đào kép cải lương thành danh như: Ngọc Hương, Thanh Hải, Thanh Thanh Hoa, Tấn Tài, Trương Ánh Loan, Dũng Thanh Lâm v.v...

Khởi sự vào việc, ông Ba Bản giao cho Thu An viết tuồng khai trương bảng hiệu (tuồng Tiếng Trống Sang Canh), đồng thời đưa Thu An lên chức vụ giám đốc kỹ thuật (giống như đạo diễn), mời chọn và phân vai đào kép. Lúc này thì cuộc đời Thu An lên hương thấy rõ, vừa có quyền lại vừa có tiền, “chú Sáu đờn cò” đã lột xác và đã “cua” được cô đào chánh trẻ đẹp Ngọc Hương. Dĩ nhiên hình bóng cô Thu thơ ký đã lui vào dĩ vãng, nếu so sánh thì đào trẻ Ngọc Hương vượt trội hơn nhiều.

Gánh hát Hương Mùa Thu

Đoàn Thủ Đô hoạt động chưa đầy 2 năm thì Thu An và Ngọc Hương bỏ đoàn Thủ Đô nhảy sang đoàn Kim Chưởng. Đào chánh bỏ đi thì kép chánh Thanh Hải cũng bỏ đi sang đoàn Kim Chưởng, để hát đóng cặp với Ngọc Hương. Đến giữa năm 1964 hết hợp đồng, cặp Thu An Ngọc Hương đứng ra thành lập gánh hát Hương Mùa Thu.

Trong số những gánh hát cải lương được xếp vào hàng đại ban của thời thập niên 1960, người ta phải kể đến đoàn Hương Mùa Thu, một đại ban oanh liệt vững vàng, nhờ tuồng tích chỉ một mình Thu An là đủ cung cấp cho đoàn, mà không phải cần thêm một soạn giả nào, và Ngọc Hương thì đảm trách vai đào chánh. Chỉ nội 2 yếu tố đó thôi cũng hơn hẳn các đoàn khác rồi, do đó mà yên tâm làm ăn, ngày càng tạo nên thanh thế của một đại ban cải lương.

Vở tuồng “Lá Của Rừng Xanh” của Thu An khai trương bảng hiệu Hương Mùa Thu được quảng cáo mạnh mẽ. Thời gian đoàn tập tuồng, Thu An cho thu dĩa hát và ngày khai trương cũng là ngày phát hành bộ dĩa “Lá Của Rừng Xanh”. Đồng thời mở cuộc xổ số, ai mua vé có trúng số thì được lãnh bộ dĩa. Sự nghiệp sân khấu cải lương của Thu An, Ngọc Hương lên cao nhứt là ở thời điểm này.

Có điều kiện gánh hát nhà nên cuộc đời nghệ thuật của Ngọc Hương ngày một đi lên, và tuồng nào có Ngọc Hương hát trên sân khấu thì sau đó người ta lại thấy tuồng được thu dĩa hát để phổ biến rộng rãi hơn. Thời đó Hương Mùa Thu chỉ hát ở các rạp lớn Sài Gòn, coi như ngang hàng với các đại ban Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chung, Kim Chưởng.

Lúc bấy giờ có người nói rằng khi còn ở đoàn Thủ Đô thì Ngọc Hương chuyên đóng các vai tiểu thơ đài các, vai công chúa như trong tuồng Cây Quạt Lụa Hồng, đào Ngọc Hương đóng vai công chúa Huyền Trân. Tới lúc lập gánh Hương Mùa Thu thì không hiểu sao Thu An lại viết tuồng dựng lên toàn bối cảnh nhà quê nghèo nàn, cho Ngọc Hương đóng vai cô gái quê nghèo. Cái đáng suy gẫm là trước ngày kỷ niệm đệ nhứt chu niên ngày thành lập gánh Hương Mùa Thu, soạn giả Thu An đã ráo riết cho tập dượt vở hát “Bà Chúa Ăn Mày”, dựng lên một đám ăn mày, đồng thời cho bà xã Ngọc Hương thủ vai bà chúa ăn mày. Thiên hạ nói làm bà chúa ăn mày thì khá cái nỗi gì chớ, sớm muộn gì cũng nghèo! Tại sao Thu An lại không kiêng cữ gì hết vậy?

Hưng thịnh được vài năm, đến Tết Mậu Thân thì đoàn Hương Mùa Thu xuống dốc thê thảm. Trong hoạt động sân khấu cải lương nếu như một gánh hát ra đời, thì dù lớn dù nhỏ cũng khi thăng lúc trầm, khi thịnh lúc suy, hễ yếu thì thu hẹp hoạt động cầm chừng chờ cơ hội vươn lên trở lại như các gánh Hoa Sen Thanh Minh, Kim Chưởng, Thúy Nga v.v... Tóm lại gánh hát nào đó nếu có xuống dốc thì cũng nhiều lần, hoặc đôi ba lần lên xuống, chớ không phải như đại ban Hương Mùa Thu, lúc mới khai trương bảng hiệu thì được liệt vào hạng “A”, nhưng sau một thời gian vài năm thì xuống hạng “B” rồi tới hạng “C” và tiếp tục xuống nữa, xuống nữa...

Không còn hát ở Sài Gòn, đoàn phải đi hát đình hát chợ, người ta muốn biết đoàn đang hát ở đâu cũng khó kiếm. Vào thời điểm 1971 theo Quốc lộ 15 từ xa lộ Biên Hòa đi vào tỉnh này chừng 3, 4 cây số có một cái chợ nhỏ, người ta thấy tại chợ có treo cái bảng hiệu của đoàn “Hương Mùa Thu”. Chẳng rõ nghệ sĩ của đoàn trú ngụ tại đâu, bởi giờ này khoảng 9 giờ 30 sáng là giờ đào kép còn ngủ. Buổi chợ đang còn bán lưa thưa, nhìn sâu vào nhà lồng chợ bên kia thấy một số cây ván được xếp lại thành đống, có lẽ là đống ván làm sân khấu dẹp lại cho bạn hàng nhóm chợ.

Ai nhìn thấy chắc cũng cùng một ý nghĩ: Cải lương đã đến hồi mạt vận rồi, những bảng hiệu đại ban mới ngày nào, nay phải hát chợ, hát đình, hát miễu không hơn gì mấy gánh hát bầu tèo chuyên sống vất vưởng ở mấy làng quê. Và cũng kể từ thời điểm này, gánh Hương Mùa Thu không còn dịp nào trở lại Đô Thành, do bởi phim Tàu chiếm hết rạp. Cặp vợ chồng Thu An, Ngọc Hương trôi nổi từ chợ này đến chợ khác.

Lúc ấy khoảng 1972 người ta thấy tất cả nghệ sĩ gánh Hương Mùa Thu đều dồn xuống chiếc ghe máy nhỏ xíu, ngồi chật nứt chạy đến cù lao Rồng thuộc tỉnh Mỹ Tho, tới đây coi như không còn chỗ nào thấp hơn để mà xuống, và khi đoàn dọn đến Gò Công thì rã gánh tại một xã của tỉnh này.

Ngành Mai


 

Soạn giả Thu An và cặp đào kép chánh Ngọc Hương – Thanh Hải thành danh từ đâu?

 
2-ngochuong02_gbdu-622.jpg
Nghệ sĩ Ngọc Hương
 


Tạo nên sự nghiệp nhờ đoàn Thủ Đô

Những người am tường theo dõi hoạt động cải lương, hầu như ai cũng biết Thu An – Ngọc Hương – Thanh Hải thành danh, tạo nên sự nghiệp là nhờ ở đoàn Thủ Đô của ông bầu Ba Bản, chớ như hát ở đoàn khác thì khó thể nào nổi tiếng mau lẹ như vậy, mà rất dễ dàng bị lu mờ luôn, bởi đoàn hát nhỏ thường hay rã gánh. Trong lịch sử cải lương đã từng cho thấy ca vọng cổ hay như đệ nhị danh ca Út Nhị mà ở đoàn nhỏ thì tên tuổi bị lu mờ đi. Thế mà cả ba người khi đã nên danh, có tiền vô nhiều lại bỏ đi, gây cho đoàn Thủ Đô một khoảng trống, phải thời gian vài tháng mới lấy lại phong độ, thì ai lại không chán nản bỏ cuộc.

Khi sang đầu quân đoàn Kim Chưởng thì Thu An cũng làm soạn giả thường trực kiêm giám đốc kỹ thuật, và Thanh Hải – Ngọc Hương thì cũng nắm giữ vai đào kép chánh, tức chẳng kém hơn lúc còn ở đoàn Thủ Đô về tiền lương đêm hát, cũng như ký giao kèo. Nhưng có điều là thành danh nhờ đoàn Thủ Đô mà bỏ đi như vậy thì Tổ nghiệp có cho hưởng lộc lâu dài, hay là về sau thì đã không còn được như vậy. Nhiều người tin tưởng vào vô vi đã nói thế, và họ chứng minh rằng về sau thì Thanh Hải bị bạc đãi, kép mùi mà bị giao cho vai hề, một vai khó coi, bị làm trò cười cho đồng nghiệp đến nổi phải nghỉ hát.

Còn vợ chồng Thu An, Ngọc Hương thì sao, Tổ nghiệp có cho hưởng lộc lâu dài không? Nếu như người ta ngược thời gian trở về trước thì sẽ rõ biết và tùy theo sự nhận xét ở mỗi người mà phê phán. Soạn giả Thu An nguyên là nhạc sĩ đờn cò, quê quán ở Ba Vát, Bến Tre, thường hay tham gia đờn ca tài tử, đình đám ở địa phương. Tuy xuất thân là nhạc sĩ đờn cò, nhưng về sau làm soạn giả thường trực kiêm giám đốc kỹ thuật đoàn Thủ Đô, đoàn Kim Chưởng, làm bầu gánh. Nhưng khi tiếp xúc với mọi người, với báo chí, chẳng khi nào Thu An nhắc đến cái quá khứ “đờn cò” của mình, mà chỉ nói mình biết đờn mandolin, viết nhạc...

Chán ngán cảnh sống trong bưng biền

Năm 1946 Thu An đi kháng chiến, làm văn nghệ trong khu, được vài năm thì chán ngán cảnh sống trong bưng biền, nên bỏ trốn về thành, thì lại bị lính của Le Roy bắt giam ở khám lá Bến Tre. Thời này Tỉnh Trưởng Bến Tre là Đại Tá Le Roy, vốn là Tây lai, rất gắt gao với những ai có thành tích kháng chiến.

Thân mẫu Thu An nghe nói ông bị lên án tử, nên gấp rút lên Sài Gòn cầu cứu với ông Ba Bản. Sợ rằng đợi đến ngày mai có thể Thu An sẽ không còn, nên dù đêm tối ông Ba Bản cũng lái xe về Bến Tre ngay.

 

1411195646-thanh-hai4-622.jpg
Từ trái sang: Nghệ sĩ Tuấn Thanh, Nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm, Nghệ sĩ Thanh Hải và Nghệ sĩ Ngọc Hương trong chương trình Làn điệu phương nam trước đây.

 

Gặp Đại Tá Le Roy tại dinh tỉnh trưởng lúc gần nửa đêm, ông Ba Bản nói về vấn đề Thu An. Theo lời ông Ba Bản kể lại với tôi thì lúc đó Le Roy nói:

- Thằng đó là Việt Minh, ở đây nhiều người biết nó đi kháng chiến.

Ông Ba Bản nói:

- Chớ bộ tôi không phải Việt Minh sao? Nhưng tôi biết nó đã về thành rồi.

Lúc kháng chiến mới nổi lên, ông Ba Bản từng tham gia và có chức vụ khá lớn, ông từng mang cả nhà in vào chiến khu hiến cho kháng chiến. Thời gian sau ông về thành, cùng với các ông Trần Văn Lắm, Hồ Thông Minh, Tướng Bảy Viễn...

Le Roy lệnh cho tập họp tất cả người tù cho ông Ba Bản tìm Thu An trong đám tù nhân, gặp Thu An thì thấy đã bị cạo đầu rồi. Vấn đề “cạo đầu” này tôi thắc mác hỏi ông Ba Bản thì ông nói “để đừng lộn với thằng khác”. Thế là ông Ba Bản lãnh Thu An đem lên Sài Gòn ở tại nhà ông ở đường Macmahon (thiên hạ ở Sài Gòn gọi là đường “Mặt Má Hồng”) phía trên cầu Công Lý, đường đi lên phi trường Tân Sơn Nhứt. Với cái ơn cứu mạng kia, người ta nói Thu An có làm thân trâu ngựa cũng chưa trả được, vậy mà về sau Thu An lại phản ông, đưa đến việc đoàn Thủ Đô bị rã gánh. Vấn đề sẽ nói ở phần sau, giờ đây nói tiếp chuyện lãnh Thu An lên Sài Gòn. Đến lúc ông Ba Bản thành lập hãng dĩa hát Hoành Sơn, ông cho Thu An trông coi phòng thu thanh và trả lương tháng, nhiệm vụ giữ chìa khóa mở cửa đóng cửa mỗi khi có nghệ sĩ thu thanh.

Cũng cần nói thêm lúc bấy giờ chưa có cái tên Thu An, mà tên của ông là Nguyễn Văn Sáu, người ta thường gọi là chú Sáu, anh Sáu. Ở phía sau hãng dĩa Hoành Sơn đất rộng, ông Ba Bản cất dãy nhà nhiều căn cho nhân viên ở, trong đó có dành một căn cho cô thư ký tên Thu, và chú Sáu đang đeo đuổi cô thư ký này, dù rằng ông đã có vợ con ở quê nhà Ba Vát, Bến Tre.

Ngày nọ Út Trà Ôn và các nghệ sĩ nhạc sĩ, đến thu thanh, họ chờ lâu mà không thấy chú Sáu mở cửa. Cậu Mười Út nói có lẽ chú Sáu đang ở nhà cô Thu, kêu Hữu Phước xuống kiếm coi có ở đó không. Lúc nầy thì Hữu Phước mới vừa được Tướng Bảy Viễn giới thiệu về đây, còn hụ hợ chớ chưa có nhận việc gì chánh thức, cũng chưa được cho ca vô dĩa hát. Thời gian sau chú Sáu lên chức (làm thêm việc gì đó cao hơn) nên giao chìa khóa cho Hữu Phước.

Quả thật, Hữu Phước xuống nhà cô Thu thì thấy chú Sáu đang tán tỉnh người đẹp, chạy về báo lại.

Út Trà Ôn nói:

- Đó! Tôi nói có trật đâu, chú Sáu đang an nghỉ ở nhà cô Thu.

Rồi người nào đó lại lên tiếng:

- An nghỉ ở nhà cô Thu, vậy thì từ đây mình gọi chú Sáu là “Thu An” anh chị em đồng ý chớ!

Mọi người cùng cười vui sau câu nói ấy, và rồi cũng có người gọi chú Sáu là Thu An. Thấy cái tên “Thu An” nghe cũng hay hay, nên khi viết tuồng cải lương chú Sáu lấy biệt danh Thu An luôn cho tới bây giờ. Chớ trước đó viết bài ca vọng cổ Tấm Lòng Hiếu Tử, bài Ly Rượu Thọ thu thanh dĩa hát, thì chú Sáu lấy biệt danh Nguyễn Thu, tức ghép tên cô Thu với cái họ của mình.

Cái tên soạn giả Thu An bắt nguồn là như vậy đó. Nhiều người mới nghe tưởng là nói đùa, nhưng sự thật là thế.

Ngành Mai

Nguồn tin: tcgd theo RFA