Chàng trai Hà thành mê hát chèo

Nghệ sỹ Chu Cường

Nghệ sỹ Chu Cường

Mê hát chèo, thích diễn hài để mang tiếng cười vui vẻ đến cho khán giả, nghệ sỹ Chu Cường (ảnh), chàng trai Hà thành đã từ chối con đường tương lai rộng mở mà cha mẹ chọn cho anh, để theo học nghệ thuật hát chèo.
Với mong muốn đưa nghệ thuật hát chèo đến gần hơn với công chúng, nghệ sỹ Chu Cường thường xuyên tham gia các chương trình biểu diễn ngoài trời, để quảng bá, giới thiệu nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước.
 
Đưa nghệ thuật chèo đến gần công chúng
 
Trong tiếng trống rộn ràng, tiếng đàn réo rắt, tiếng hát chèo của nghệ sỹ Chu Cường vang lên ở sân khấu nhà bát giác (còn gọi là nhà Kèn, ở phía sau tượng đài vua Lý Thái Tổ bên bờ hồ Hoàn Kiếm). Khi thì anh hát những làn điệu chèo cổ như “Đào Liễu”, “Duyên phận phải chiều”, khi anh lại biểu diễn những làn điệu chèo cổ những được đặt lời mới như “Quê hương ơn Bác” theo điệu đường trường thu không hay bài “Bến sông xưa” theo điệu sa lệch chênh, rồi “Tình xa gửi ánh trăng gần” theo điệu đường trường bắn thước… Những tiết mục biểu diễn của anh đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến xem. Du khách người Việt thì yên lặng lắng nghe và cổ vũ, khách nước ngoài thì thích thú nghe hát, vừa tò mò với những nhạc cụ mà các nghệ sỹ sử dụng.
 

 

Nghệ sỹ Chu Cường cho biết, từ nhiều năm nay, đều đặn vào thứ 3, thứ 5 hàng tuần, anh cùng các nghệ sỹ nổi tiếng như NSND Hoàng Anh Tú, NSND Thế Dân, NSND Thanh Hương và một số anh em nghệ sỹ trẻ của Hà Nội, thường xuyên có mặt trong chương trình biểu diễn tại sân khấu nhà Bát Giác, giới thiệu bảo tồn “Cây đàn bầu Việt Nam và nhạc cụ dân tộc truyền thống với các làn điệu dân ca”. Chương trình do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức, nhằm giới thiệu cây đàn bầu, nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cho khách du lịch và nhân dân xung quanh khu vực Bờ Hồ. Chương trình biểu diễn đã trở thành điểm đến quen thuộc, thu hút đông đảo khán giả đến xem. 
 
“Nhiều người dân quanh khu phố cổ rất hay ra nghe tôi và các nghệ sỹ biểu diễn. Có người nghe nhiều thành “nghiện”, thế nên có những lần tôi đi công tác xa, phải tạm vắng mặt, đến khi đi diễn trở lại, có khán giả lên tận sân khấu đề nghị tôi hát lại mấy bài hát mà họ thích nghe. Có người nghe tôi hát xong thích quá, đến gặp và đề nghị tôi dạy hát chèo, có người thì hào hứng đến mức cởi phăng chiếc áo sơ mi đang mặc, rồi cứ nằng nặc đòi tặng và đề nghị tôi phải nhận…”, nghệ sỹ Chu Cường cho hay.
 
Không chỉ khách trong nước, mà nhiều du khách nước ngoài khi nghe Chu Cường biểu diễn cũng rất thích thú. “Có người vừa nghe vừa nhún nhảy theo nhạc, có người thì đề nghị được dạy để hát thử vài câu, có du khách thì sau buổi diễn đến gặp tôi và bảo, không thể tin được trên thế giới lại có lối hát hay và lạ như thế…”, nghệ sỹ Chu Cường nhớ lại.
 
Ngoài những buổi biểu diễn ở nhà Bát Giác, Chu Cường còn tham gia cùng các nghệ sỹ khác biểu diễn các chương trình biểu diễn khác do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức như chương trình biểu diễn tại khu đền Bà Kiệu, hay đền Hương Tượng (64 Mã Mây)…
Sinh ra để hát chèo
 
Thấy Chu Cường thường tham gia các chương trình biểu diễn giới thiệu nghệ thuật truyền thống trên phố cổ, không ít người nhầm tưởng anh là nghệ sỹ thuộc “biên chế” của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội. Nhưng ít ai biết, Chu Cường đang công tác tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam. Anh là một chàng trai Hà Nội, chỉ vì mê chèo nên đi học hát chèo, diễn chèo.
 
Nghệ sỹ Chu Cường kể, gia đình anh không có ai theo nghệ thuật. Anh biết nghệ thuật chèo vì khi còn nhỏ, ông và bố anh thường xuyên nghe đài, vì ngày đó trên đài hay có các chương trình dân ca và nhạc cổ truyền, chương trình sân khấu hay hát chèo và diễn chèo. Anh nghe nhiều và rất thích. Đặc biệt, anh rất mê các vai hài, vai hề chèo, bởi đó là những vai diễn mang lại tiếng cười cho khán giả, nhưng cũng phê phán những bất công của xã hội một cách thâm thúy, sâu cay. Có lẽ nghe nhiều nên “ngấm”, học hết cấp 3, Cường tự nộp hồ sơ thi vào đại học Sân khấu điện ảnh. Nghệ sỹ Chu Cường cho biết: “Khi biết tôi thi vào trường nghệ thuật, bố mẹ tôi phản đối quyết liệt, bởi ông bà muốn tôi thi vào trường quân đội, để sau ra làm quân nhân chuyên nghiệp. Nhưng vì mê hát quá, nên tôi nhất quyết không chịu, mất cả tháng thuyết phục, cuối cùng bố mẹ tôi đành thuận theo, chấp nhận cho tôi đi học”.
 
Để có thể thi được vào khoa Kịch hát dân tộc của trường Sân khấu điện ảnh, Cường đã học điệu chèo lới lơ, và bài xẩm xoan để “làm vốn” đi thi. Thật không ngờ, giọng hát của Cường đã chinh phục ngay các thầy cô, và Cường đỗ thủ khoa năm ấy.
 
Nghệ sỹ Chu Cường cho biết, mới đầu tưởng học hát dễ, nhưng càng học, càng thấy khó quá. Chẳng nhẽ lại chịu thua. Nhưng với bản tính bướng bỉnh, không chịu khuất phục trước khó khăn, nên càng khó, Cường càng quyết tâm học cho bằng được, và phải học thật tốt. Rồi càng học, càng thấy thích, thấy mê. Tốt nghiệp ra trường, giọng hát và diễn xuất của Cường đã “lọt mắt xanh” lãnh đạo Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, được lãnh đạo Nhà hát mời về công tác. Khi về công tác tại đây, anh được NSND Hồng Ngát, NSƯT Văn Chương và các anh chị trong đoàn chỉ bảo, giúp đỡ, Cường ngày càng tiến bộ trong nghệ thuật. Anh thường đóng các vai hề chèo trong các vở chèo nổi tiếng như “Xã trưởng mẹ đốp”, “Tuần Ty đào Huế”, vai phù thủy trong vở “Xúy Vân”…
 
Trong quá trình đi biểu diễn, Cường gặp NSƯT Đoàn Thanh Bình, một giọng ca nổi tiếng trong làng chèo Việt Nam, rất ấn tượng với giọng hát chèo của Chu Cường, lại tiếc vì thấy Cường chỉ hay diễn hề chèo, những vai hài thì lãng phí tài năng, nên NSƯT Đoàn Thanh Bình đã khuyên Cường nên trau dồi để nâng trình độ bản thân, có thể đảm nhiệm những vai kép chính, chứ không nên chỉ diễn mãi hề chèo. Rồi NSƯT Đoàn Thanh Bình dành thời gian dạy Cường thêm những kỹ thuật khó trong nghệ thuật hát chèo. Vốn có năng khiếu, lại sẵn lòng yêu nghề, nên Cường chỉ luyện tập trong một thời gian ngắn, và đã đảm nhận được nhiều vai chính trong các vở kịch như vai Trương Viên trong vở chèo cổ “Trương Viên”, vai Thiện Sỹ trong vở chèo “Quan âm Thị Kính”…
 
Khi được hỏi, điều gì khiến một chàng “công tử” Hà thành lại từ bỏ một tương lai ngời ngời mà bố mẹ đã chuẩn bị sẵn, để đến với nghệ thuật hát chèo, Chu Cường cho hay: “Tôi nghĩ mình sinh ra để hát chèo và diễn hài. Tôi yêu cuộc sống của người nghệ sỹ, bởi tôi được thể hiện đam mê của mình, và mang được niềm vui, tiếng cười vui vẻ đến cho mọi người, như vậy là tôi đã thấy vui vẻ, thỏa mãn rồi”, nghệ sỹ Chu Cường tâm sự.
 

Ngoài hát chèo, Chu Cường còn thường xuyên cộng tác làm diễn viên trong những bộ phim hài như “Làng ế vợ 2”, “Đại gia chân đất”… Hiện anh đang cộng tác cùng Hãng phim Bình Minh của đạo diễn Trần Bình Trọng, đảm nhiệm một vai trong seri phim sitcom hài “Râu ơi vểnh ra”, loạt phim sẽ ra mắt khán giả trong thời gian tới.

 

Tác giả bài viết: Phương Hà

Nguồn tin: duyenclvn theo baotintuc.vn