Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 7: Thanh Kim Huệ 'thành' Cô gái tưới đậu

NS Thanh Kim Huệ

NS Thanh Kim Huệ

Năm 1976, trên sóng phát thanh xuất hiện một bài vọng cổ dễ thương, với giọng ca trong trẻo hồn nhiên của cô đào Thanh Kim Huệ, và cho tới nay, Cô gái tưới đậu vẫn là bài ca được người mê vọng cổ yêu mến.
 
Sau 1975 bà lại nổi tiếng trong Ngao Sò Ốc Hến (vai Thị Hến). Bà cũng là một trong những nghệ sĩ được thu đĩa hát nhiều. Mới 12 tuổi, bà đã được các gánh hát cho ca salon, tức là ca trước khi đoàn cải lương mở màn diễn vở chính thức. Sau đó, bà Sáu Liên của Hãng đĩa VN đã thu hàng loạt bài cho Thanh Kim Huệ.
Một giọng ca trong vắt, có thể lên các nốt cao vút, uốn lượn luyến láy như dòng suối, vuốt ve mơn trớn ngọt ngào, và dù có lạng bẻ thế nào đi nữa thì giọng ca của bà vẫn nghe rõ lời, rõ chữ, dễ chịu vô cùng. Vì vậy bà từng hát chung với nghệ sĩ Minh Vương, Minh Cảnh, Phượng Liên, Lệ Thủy… nhiều bài thật hay. Đặc biệt là với NSƯT Thanh Tuấn, bà kết hợp thành một đôi bạn diễn ăn ý. Thanh Tuấn từng nói: “Tôi giọng thổ, Thanh Kim Huệ giọng kim, vậy mà kết hợp với nhau lại rất hiệu quả. Chúng tôi hát chung với nhau bao nhiêu bài không nhớ nổi nữa”. Và Cô gái tưới đậu là một trong những bài ăn ý đó.
Thanh Kim Huệ kể: “Ban đầu Đài phát thanh TP.HCM mời tôi hát bài Dệt chặng đường xuân của tác giả Anh Động. Tôi thấy bài dài quá, nên đề nghị cho thêm một người nữa là anh Thanh Tuấn để có giọng đào giọng kép, nghe sinh động hơn. Bài Dệt chặng đường xuân được hoan nghênh nhiều lắm, thế là tác giả Trần Nam Dân đo ni đóng giày cho tôi và anh Tuấn bài Cô gái tưới đậu. Nói thiệt, dù là bài hát tuyên truyền sản xuất nhưng vì nó dễ thương, không có lời lẽ lên gân, nên dễ đi vào lòng người. Chú Ba Dân viết rất khéo, hai nhân vật quăng bắt, sinh động, ý tứ đúng với chất Nam bộ của mình, người hát cũng thích mà người nghe cũng thích. Mấy chục năm rồi nhưng bà con cứ yêu cầu tôi hát hoài”. Bạn bè cũng hay trêu Thanh Kim Huệ: “Tưới đậu gì mà tưới mấy chục năm, đậu hổng chịu lớn!”.
Hồi đó, người ta ca ngợi sản xuất, khuyến khích về nông thôn sản xuất, nên bài hát rất đúng “phong trào”. Nhưng lời lẽ trong bài tự nhiên, không có câu nào gọi là “tuyên truyền”, mà dường như người ta thấy nông dân được trân trọng, được yêu mến. Thì vậy, chàng trai từ thành thị xa xôi nghe tiếng đồn về cô gái sản xuất giỏi nên tìm về xem thử. Chừng gặp nhau, thì ra không chỉ giỏi làm ra hoa màu lúa đậu mà cô còn đẹp, còn… lanh nữa. Kiểu lanh lẹ thông minh cởi mở của người miền quê nhưng vẫn nguyên vẹn thiệt thà, chân chất. Vậy mới hay.
Qua vài lời đưa đẩy, thấy chàng trai đòi ở lại tưới đậu với mình, cô gái biết chàng trai có ý “ghẹo” rồi, nên cô cũng giả bộ “không hiểu” để ngó lơ luôn. Nhưng dư âm của bài hát là một sự hứa hẹn vui vẻ cho những mối tình đẹp mà người ta đặt vào những cô thôn nữ công dung ngôn hạnh. Thanh Kim Huệ khắc họa được hình ảnh của cô thôn nữ miền Nam, duyên dáng và đảm đang.
Đặc biệt, bài vọng cổ này đã làm nổi bật điệu Lý Tình Tang mà trước đó nó hơi bị chìm khuất. Trong kho tàng cổ nhạc VN có nhiều bài, nhiều điệu hát rất hay, nhưng vì một “duyên phận” nào đó mà nó bị ẩn chìm đi. Cho đến khi có một nghệ sĩ nào đó đẩy nó lên thì nó được nhiều người yêu thích. Điệu lý này cũng thế, nghe rất tung tăng, hồn nhiên, đúng với chất giọng của Thanh Kim Huệ, nên khi bà ca thì Lý Tình Tang bỗng sôi nổi trở lại.
“Nghe gió đồng bềnh bồng thênh thang. Trên đất giồng mình trồng khoai lang. Sáng nay nắng ấm trời êm, đồng xanh xanh sắc lá, mắt em hay sắc trời. Tang tình tang tính tình tang. Ở đâu anh đến một mình, chẳng quen mà không biết, sao nhìn sao nhìn người ta, tang tình tang tính tính tang...”.
Thanh Kim Huệ nói: “Trước 1975 các tác giả viết vọng cổ thường chỉ viết nói lối hoặc bản vắn trước khi vô câu vọng cổ chính thức. Nhưng sau 1975 thì các điệu lý mới thịnh hành, và tôi được yêu cầu hát lý nhiều lắm. Lý Tình Tang là một bài rất dễ hát, đến trẻ em cũng ngân nga được mà”. Quả đúng như vậy, khi Thanh Kim Huệ ca xong bài Cô gái tưới đậu thì Lý Tình Tang được hát khắp nơi.

Hoàng Kim


Nguồn tin: tcgd theo TN