Chuyện cậy quyền thế trả thù riêng lên sân khấu kịch

Cảnh

Cảnh

Vở "Mảnh đất lắm người nhiều ma" khắc họa cảnh sống làng quê Việt Nam với đầy rẫy vấn nạn của giới quan quyền.

Tối 1/4, Mảnh đất lắm người nhiều ma do Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng đạo diễn tái diễn tại Hà Nội. Tác phẩm từng công diễn cuối năm 2017. Vở kịch mở ra bối cảnh làng quê Bắc bộ thời kỳ đổi mới những năm 1980 với hận thù nhiều đời giữa dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình. Sau khi Vũ Đình Đại - trưởng họ Vũ - mất, Hàm (NSƯT Công Lý thủ vai) cậy em trai là bí thư Đảng ủy xã đã sai người đào mả, lật úp quan tài, yểm bùa và kèm lời nguyền rủa họ Vũ ba đời tuyệt tự.

Anh em Hàm (phải) - Thủ (trái) trong Mảnh đất lắm người nhiều ma.

Anh em Hàm (phải) - Thủ (trái) trong "Mảnh đất lắm người nhiều ma". Vở kịch do Lê Mạnh Hùng chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.

Nghe tin dữ, Phúc - con ông Đại - kéo người nhà đến nghĩa địa ngăn cản rồi trói bắt Hàm lên trình báo công an xã. Thấy anh trai bị bắt, Thủ cấu kết chủ tịch xã giở trò vu vạ chị dâu có quan hệ tình cảm ngoài luồng với Phúc, khép anh tội ngoại tình. Để tránh tiếng vạ, Phúc đồng ý rút đơn kiện Hàm theo thỏa thuận của Thủ. Về sau, Thủ ép Son - vợ Hàm - viết đơn tố cáo bị Phúc hãm hiếp. Không chịu được những dằn vặt về nhân phẩm, Son tự tử. Cái chết của Son khiến anh em Hàm cảnh tỉnh trước những việc làm sai trái. Thủ bị bắt, mối thù giữa hai dòng họ được hóa giải.

Vở kịch khắc họa chân dung chủ tịch xã bạc nhược, thiếu chính kiến và năng lực quản lý, nịnh bợ cấp trên. Thủ - một bí thư Đảng bộ - làm việc thiếu minh bạch và dân chủ. Anh mị dân theo cách "lạt mềm buộc chặt". Trước lá thư nặc danh tố cáo quan xã lạm dụng chức quyền vụ lợi riêng, để chứng tỏ bản thân nghiêm minh, Thủ thông đồng chủ tịch xã kỷ luật và cho nhân viên y tế trạm nghỉ việc không lý do.

* Trích trong "Mảnh đất lắm người nhiều ma"

Chuyện chia bè phái trong cơ quan công quyền lên sân khấu kịch
 
 
 

Mảnh đất lắm người nhiều ma xây dựng tuyến nhân vật lý tưởng đối trọng với Thủ và bè lũ tay sai. Đó là nhân vật Tùng - bộ đội phục viên, Đảng viên trẻ nhiệt huyết. Trong các cuộc họp, Tùng mạnh dạn vạch mặt những thế lực gây mất đoàn kết nhân dân và đưa ra phương hướng xây dựng đời sống nông thôn mới.

Ngoài ra, tác phẩm còn đả phá lối sống gia trưởng, giày xéo phẩm hạnh phụ nữ của đàn ông. Son (NSƯT Linh Huệ thủ vai) đại diện cho phụ nữ truyền thống, sống im lặng và cam chịu trước thái độ coi thường của chồng. Trong cảnh Son xin tiền chồng về quê giỗ mẹ, Hàm quăng tiền xuống đất. Son chỉ biết ôm mặt khóc và chạy vào buồng. Hay khi bị Thủ buộc ra đầu làng gặp Phúc, Son một tay vác thúng, một tay lấy mẹt che mặt vì tủi hổ, không biết san sẻ nỗi lòng cùng ai. Chị trở thành nạn nhân giữa cuộc đấu đá của hai dòng họ. Mọi nỗi uất ức chỉ được giải tỏa khi Son trầm mình quyên sinh.

Chuyện chia bè phái trong cơ quan công quyền lên sân khấu kịch - 1

Nhân vật Son (trái) trong cảnh gặp Phúc để xin giảm tội cho chồng.

Vở diễn gây ấn tượng từ cách bài trí sân khấu, hiệu ứng ánh sáng đến diễn xuất của diễn viên. Mảnh đất lắm người nhiều ma dựng cây đa cao ba mét, giếng nước - hình ảnh đặc trưng nông thôn Việt - trên sân khấu. Để lột tả chất huyền bí, ma mị của vùng đất ẩn nhiều oan khuất, những cột khói trắng xuất hiện với tần suất dày đặc. Đứng lẫn trong đám khói là lớp diễn viên mặc áo trắng dàn hàng phía sau, chứng kiến toàn bộ việc xảy ra trong làng. Ánh sáng chủ yếu là gam màu lạnh tôn vẻ âm u, thay đổi linh hoạt với không khí cảnh diễn.

Thủ vai Hàm, NSƯT Công Lý thể hiện lối diễn đa chiều. Ban đầu, nhân vật của anh được tạo dựng là kẻ hách dịch, không quan tâm cảm xúc người thân, thêm vào đó là sự ghen tuông, ích kỷ. Cảnh kết thúc vở kịch, tâm lý nhân vật Hàm biến chuyển. Anh ân hận và quằn quại nỗi đau mất vợ. Nghệ sĩ nhập tâm vào bi kịch và nước mắt chảy ròng trên sân khấu, gây xúc động cho người xem.

[Caption]f

Cảnh kết thúc vở "Mảnh đất lắm người nhiều ma".

Tuy nhiên, cấu trúc âm thanh ở một vài phân cảnh lồng vào vở diễn thiếu hợp lý, trở nên thừa thãi. Khán giả Bích Thu (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy cách lồng nhạc nền vào đoạn giữa vở kịch cần được thay đổi. Nhạc bị thừa thãi, không phù hợp để diễn tả suy nghĩ, tâm lý nhân vật. Điều này cản trở người xem hòa cảm xúc vào vở diễn".

Trọng Trường

Nguồn tin: tcgd theo VNE