Vua vọng cổ và những tác phẩm để đời: Chiếu này tôi chẳng bán đâu...

Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Minh Cảnh

Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Minh Cảnh

Nhân 49 ngày 'Vua vọng cổ' Viễn Châu giã từ cõi tạm, Thanh Niên xin giới thiệu những giai thoại, hồi ức gắn với những bài vọng cổ bất hủ của ông.
“Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy. Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra... chào”. Nhiều thế hệ người nghe Tình anh bán chiếu vẫn hay tự hỏi không biết anh chàng bán chiếu ôm mối tình tuyệt vọng kia có thật hay không.
Hồi soạn giả Viễn Châu còn sống, có lần ngồi uống cà phê với ông, tôi cũng hỏi ông câu này. Ông gật đầu: “Có chớ”.
Anh bán chiếu trên chợ nổi
Viễn Châu nói, chợ nổi Ngã Bảy, thuộc H.Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ (*) xưa là nơi ghe thuyền tập trung buôn bán rất đông đúc. Có một lần ông đi miền Tây về tới ngay đó, xe dừng nghỉ ngơi nên ông có thời gian ngắm nhìn xung quanh. Ông chú ý tới một anh chàng trẻ tuổi mặc bộ bà ba đen lam lũ, ngồi buồn hiu trên chiếc ghe chở đầy chiếu nhìn qua bên kia sông. Theo hướng nhìn của anh, Viễn Châu thấy bên kia sông có một đám cưới rình rang đi qua, cô dâu áo đỏ lộng lẫy. Đám cưới đã đi rất xa rồi mà anh bán chiếu vẫn cứ ngồi im nhìn mãi theo...
Đôi mắt buồn của anh bán chiếu làm ông soạn giả chạnh lòng. Ông hình dung mơ ước tình duyên trong lòng người trai trẻ. Hình dung ra cả phận nghèo không với tới trời sao. Hình dung ra một bến sông vắng lặng khi anh ôm đôi chiếu quay lại tìm người trong mộng... Để rồi năm 1961, ông cho ra đời một bài vọng cổ với “cốt truyện” lâm ly thương cảm mà anh bán chiếu là nhân vật chính. Và khi Út Trà Ôn cất tiếng thì khán giả đã choáng ngợp cả hồn “... Cửa vườn cô đã khóa kín tự hôm nào. Tôi vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm rẫy, chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi. Nhà của cô sau trước vắng tanh, gió lạnh chiều đông bỗng có ai dạo lên tiếng nguyệt cầm, như gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thê thảm”.
Bài hát có thêm những chi tiết mà Viễn Châu hư cấu như cô gái dắt chàng trai vào buồng cưới để anh đo ni cái giường mà dệt chiếu cưới cho cô. Anh thì lấy giá rẻ làm quen, còn cô thì đứng trên bến dặn dò kỹ lưỡng. Rồi anh về nhà lựa từng cọng lác, sợi gai dệt cho thật đẹp. Nhưng khi anh đem chiếu tới giao thì cô đã theo chồng được... bốn trăng qua. Thế là anh vác đôi chiếu bông bước đi mà nước mắt cứ rơi: “Chiếu này tôi chẳng bán đâu/Tìm cô không gặp/Hò ơ... tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm...”. Ai cũng hiểu, anh đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng. Đau lắm chứ!
Trước khi hát Tình anh bán chiếu, Út Trà Ôn vốn đã là một giọng ca lừng lẫy, nhưng chính bản vọng cổ này đã đưa tên tuổi ông lên đến hàng “đệ nhất danh ca”.
Đệ tử của Út Trà Ôn
Trà Vinh là quê hương của soạn giả Viễn Châu. Sau này, nơi đó có một chàng thanh niên tên Trần Minh Hoàng rất mê cổ nhạc.
Lớn lên, Minh Hoàng khăn gói lên Sài Gòn thử giọng ở đoàn hát của ông bầu Bảy Tâm. Ban đầu, ai nấy cười ngất vì bộ dạng nhà quê của anh ta, nhưng khi anh cất tiếng hát Tình anh bán chiếu thì mọi người rùng mình im thin thít. Trời ơi, Út Trà Ôn xuất hiện! Giọng ca giống Út Trà Ôn đến kỳ lạ. Thế là Minh Hoàng theo đoàn đi hát hơn 10 năm luôn.
Năm 1983, Minh Hoàng quyết định đến nhà Út Trà Ôn để gặp thần tượng của mình. Út Trà Ôn nghe Minh Hoàng hát cũng ngạc nhiên không tả nổi. Sao mà giống y như đúc! Thế là Út Trà Ôn truyền dạy thêm cho Minh Hoàng vài ngón nghề ca hát cho thêm điêu luyện, và Minh Hoàng cũng đổi nghệ danh thành Út Trà Vinh để hai thầy trò “song kiếm hợp bích”. Hai người thường đi hát chung với nhau khắp các tỉnh, khi nào Út Trà Ôn bệnh đột xuất thì Út Trà Vinh hát thay, không phụ lòng khán giả. Út Trà Vinh chấp nhận làm cái bóng của Út Trà Ôn như thế bởi ông quá thần tượng thầy mình. Và khán giả cũng mê ông vô cùng, không hề phủ nhận. Khi NSND Út Trà Ôn bệnh nặng không còn đi hát được nữa, Út Trà Vinh càng được yêu mến bởi ông giúp khán giả gặp lại giọng ca bất hủ mà họ từng yêu mến với rất nhiều bản vọng cổ của Viễn Châu, đặc biệt là Tình anh bán chiếu.
Sau này Út Trà Vinh thường đi hát chung với ca sĩ Bích Phượng, con gái của Út Trà Ôn. Bích Phượng nói: “Năm nay ông Út cũng già rồi, chắc đã 70 tuổi. Ba tôi dạy ông chỉ một ít thôi nhưng ông vẫn nhận là thầy, sống có tình nghĩa lắm”.

Tác giả bài viết: Hoàng Kim

Nguồn tin: duyenclvn theo thanhnien.vn