Những soạn giả một thời vang bóng: Bài 2: Soạn giả Kiên Giang – Hà Huy Hà: Cánh chim không mỏi

Những soạn giả một thời vang bóng: Bài 2: Soạn giả Kiên Giang – Hà Huy Hà: Cánh chim không mỏi
Ở thập niên 60, giới mộ điệu Sài Gòn từng “thẫn thờ” với các vở tuồng cải lương: Áo cưới trước cổng chùa, Người đẹp bán tơ, Ngưu Lang – Chức Nữ… Và đặc biệt không ai không biết đến tác phẩm Hoa trắng thôi cài lên áo tím cho đến bây giờ vẫn còn làm say đắm lòng người. Ông chính là nhà thơ, ký giả, soạn giả Kiên Giang – Hà Huy Hà.
Bước qua tuổi 83, nhưng ông vẫn “lang bạt giang hồ” cùng với chiếc xe cánh én đã sờn màu để tìm tòi và sáng tạo.

Tác giả Hoa trắng thôi cài trên áo tím

 
Lâu quá không về thăm xóm đạo/ Từ ngày binh lửa xóa không gian/ Khói bom che lấp chân trời cũ/ Che cả người thương, nóc giáo đường…”. Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà hầu như mọi người yêu thơ đều nghe qua những ca từ trên.
Kiên Giang – Hà Huy Hà tên thật là Trương Khương Trinh, sinh vào tháng 2-1928 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Là con thứ trong một gia đình gồm năm anh em, ông lấy tên quê hương đặt thành bút hiệu “Kiên Giang” cho mình sau này. Sinh ra trong một gia đình thuần nông miền sông nước, tuổi thơ của nhà thơ Kiên Giang trải qua những nhọc nhằn từ vùng U Minh Thượng. Đến năm 1943, nhà thơ Kiên Giang theo học Trường tư thục Lê Bá Cang ở Sài Gòn. Năm 1944, đến ở tại Cần Thơ đi học Trường tư thục Nam Hưng, và chính từ ngôi trường này mà cậu học trò họ Trương chớm nở một mối tình với cô bạn cùng lớp để sau này cuộc tình ấy là chất liệu cho ông thai nghén tác phẩm để đời “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”. Đến năm 1948, ông đi theo tiếng gọi non sông, rồi làm thơ ở Báo “Tiếng súng kháng địch” thuộc Chiến khu 9, miền Tây U Minh. Năm 1955, ông lên Sài Gòn viết báo cho các tờ: Dân Chủ Mới, Tiếng Chuông, Dân Ta, Dân Tiến… Ban đầu ông làm Thầy Cò (người sửa morasse) cho Báo Tiếng Chuông, rồi dần dần ông viết bài và trở thành ký giả của báo với bút danh là Hà Huy Hà chuyên viết về phóng sự xã hội và kịch trường. “Bút danh này khiến mật thám thời đó lầm tưởng tôi có họ hàng với Hà Huy Tập, Hà Huy Giáp những người làm chính trị ở miền Bắc, nên chúng đã bắt tôi. Sau khi nghe giọng nói Nam bộ của tôi, chúng đã thả tôi ra” – Kiên Giang thổ lộ. Viết báo, làm thơ không đủ sống, ông tiếp tục viết tuồng và vọng cổ để kiếm sống, và cũng từ năm 1955, nhà thơ - soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà xuất hiện nhiều trên văn đàn Sài Gòn. Ông nổi tiếng cùng thời với Năm Châu, Hà Triều, Hoa Phượng, Viễn Châu, Quy Sắc… với tác phẩm đầu tay là Ngưu Lang Chức Nữ được viết theo hình thức “thi ca vũ nhạc”. Trước năm 1975, ông còn phụ trách ban thi văn Mây Tần trên Đài Phát thanh Sài Gòn, làm ký giả kịch trường cho nhiều tờ báo lớn ở Sài Gòn.
 
Tuyệt phẩm Áo cưới trước cổng chùa

 
Nhắc đến soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà không thể không kể đến các vở cải lương “Áo cưới trước cổng chùa”, “Người vợ không bao giờ cưới” đã từng làm “lay động” bao trái tim của khán giả mộ điệu. Vở cải lương “Người vợ không bao giờ cưới” đã giúp cho cố nữ nghệ sĩ Thanh Nga đoạt giải thưởng Thanh Tâm “Nữ nghệ sĩ cải lương xuất sắc nhất” do nhật báo “Tiếng Dội” của nhà báo Trần Tấn Quốc làm chủ nhiệm tổ chức. Thanh Nga cũng từ đó trở thành một ngôi sao trong giới nghệ sĩ cải lương. Khi nhắc đến tác phẩm “Áo cưới trước cổng chùa”, đôi mắt ông sáng lên với những suy tưởng như mới ngày hôm qua: “Vở này là câu chuyện có thật được tôi viết năm 1959 theo sự tích về chùa Phù Dung (Hà Tiên) nói về cuộc đời của Dì Tự (Xuân Tự - trong vở cải lương Áo cưới trước cổng chùa) được Tổng trấn Mạc Thiên Tích ái mộ nhưng không đi đến hôn nhân. Truyền rằng: Mạc Lịnh Công tức Mạc Thiên Tích (Út Trà Ôn) có một bà thứ cơ tên là bà Dì Tự (Thanh Nga). Thứ cơ sắc nước hương trời và hay chữ lắm. Mạc Lịnh Công vì mê sắc đẹp, yêu tài thơ, đã từ chỗ sủng ái mà ra thiên ái, cho nên, khiến bà chính thất Nguyễn phu nhân ghen giận, lập mưu hãm hại bà thứ cơ. Một hôm, nhân Mạc Lịnh Công đi duyệt binh vắng, ở nhà, Nguyễn phu nhân (tức Thái phu nhân Nguyễn Hiếu Túc) đem nhốt thứ cơ vào lòng một cái chậu úp cho ngột mà chết. Nhưng bất thình lình, vừa lúc đó, trời bỗng đổ trận mưa to. Mạc Công cũng vừa về đến, thấy trời đang mưa, mà lạ, sao chậu to không ngửa lên hứng nước mà lại để úp. Công bèn truyền lệnh giở chậu ra, thì nàng ái cơ đang thoi thóp, nhưng may mắn thay, hãy còn cứu kịp. Nàng thứ cơ thoát chết, trở nên chán chường sự thế, xin Mạc Công cho nàng đi tu. Trước sự tình éo le đó, Mạc Công không biết làm sao khác, cũng đành chiều ý, cất một ngôi am tự cho thứ cơ tu hành. Bên am tự, cho đào ao, trồng hoa sen trắng, để kỷ niệm mối tình xưa. Cho đến khi thứ cơ mất, Mạc Công cho xây ngôi mộ kiên cố đẹp đẽ để tỏ lòng tưởng nhớ yêu thương giai nhân đã vì ông mà oan khổ...”. Vở được thu vào đĩa nhựa và đã thu hút không biết bao nhiêu con tim của khán thính giả thời bấy giờ. Trên sân khấu, Thanh Nga lúc mới lớn nhận vai Xuân Tự (sư nữ chùa Phù Dung). Tính cách cô gái miền biển chân chất, tâm trạng u buồn của một sư nữ và cách ứng xử trong sáng giữa vị hôn phu và vị tổng trấn đã được Thanh Nga lột tả một cách linh động sâu sắc. Ông nhận xét: “Mỗi vai diễn đều có cái hay, nhưng riêng Thanh Nga và Út Trà Ôn đóng quá hay. 2 nhân vật ấy diễn đạt làm nổi bật được tính cách nhân vật, người đóng thật và đẹp. Về trang phục, Thanh Nga mặc áo dài lỡ, bới tóc kiểu bánh lái ghe, bỏ vòng cách tiên, cổ đeo kiềng bạc, tay bưng quả nếp: “Tay bưng quả nếp đi chùa, thắp nhang lạy Phật xin bùa cầu duyên”. Và hình ảnh Xuân Tự đã sống mãi trong lòng hàng triệu khán giả và thính giả qua kịch bản trên sân khấu Thanh Minh. Chùa Phù Dung càng được nhiều người biết và tìm đến ngày một nhiều hơn chính là nhờ “Áo cưới trước cổng chùa” cũng như hình dáng nàng Xuân Tự - Thanh Nga.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

 

Sau năm 1975, soạn giả Kiên Giang – Hà Huy Hà được cử làm Phó đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga đồng thời làm việc tại phòng nghệ thuật sân khấu, là Ủy viên Ban chấp hành Hội Sân khấu thành phố qua 3 nhiệm kỳ. Hiện, ông đang sống cô độc tại Hội Ái hữu Nghệ sĩ Sân khấu TP.HCM nằm trên đường Cô Bắc.

Tác giả bài viết: Nguyên Hà

Nguồn tin: giaoduc.edu.vn