Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc vẫn “cháy” trên từng trang viết

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc vẫn “cháy” trên từng trang viết
Tôi luôn thấy có lỗi với khán giả, độc giả, bởi tôi đã không đi đến tận cùng những điều mình muốn viết, muốn diễn...”

.

 

* PV: Cho dù ẩn-hiện, đi-về bao nhiêu năm qua, nhưng khán giả, độc giả vẫn nhớ, vẫn yêu quý chị. Chị chia sẻ gì về tình cảm này?

* Nhà văn, nhà biên kịch NGUYỄN THỊ MINH NGỌC: Trước khi bước sang thế kỷ 21, tôi đã kịp nhận ra mình đã không để thời giờ sáng tác vì mình, mà cứ vì bạn bè, tình thân... Và tôi cũng đã kịp chấn chỉnh để các tác phẩm được ra đời. Giờ thì 15 năm trôi qua, tôi chẳng những không tiến bộ mà còn có vẻ thụt lùi trong việc tìm lại chính mình. Bên cạnh lời xin lỗi còn là nỗi nhớ nhung, nhớ khán giả, độc giả yêu dấu của mình, ngang với việc nhớ nhung mình của thời mới lớn “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.

* Sau bao nhiêu năm “mang chuông đi đánh xứ người”, cụ thể các vở Người đàn bà thất lạc (2009), Chúng tôi là (2011) trên sân khấu Off - Off Broadway (New York, Mỹ)..., trở về nước lần này, chị có mang kịch bản nào về Việt Nam?

* Sau hai vở kể trên, tôi còn thực hiện vở Con Rồng, cháu Tiên bằng tiếng Anh cho một bảo tàng dành cho trẻ em ở New York gồm các tích: Bánh dày - Bánh chưng, Phù Đổng Thiên Vương, Sự tích dưa hấu, Sự tích trầu cau và Chú Cuội - Hằng Nga cho trẻ em Mỹ xem. Họa sĩ Kim B. đã giúp tôi chọn màu sắc, đường nét tranh dân gian Làng Hồ cho phục trang và thiết kế sân khấu thuần Việt, kể cả hình ảnh chị Hằng vốn lâu nay cứ như Hằng Nga của nước khác vậy. Bên cạnh đó, tôi cũng làm các vở kịch ngắn, kịch dài cho cộng đồng người Việt tại Mỹ do tôi sáng tác hoặc biên tập dựa theo tác phẩm văn học của các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Ngọc Tư... hay các tác giả sau này như Huỳnh Phúc Điền, Hạnh Thúy… 

* Cho đến nay, liệu có thể kể hết những tác phẩm mà chị viết kịch bản, làm đạo diễn? “Đứa con” nào mà chị tâm đắc, yêu thương, nâng niu nhất cho đến giờ?

* Thực sự không thể nhớ nổi! Có vài nhà báo muốn tặng tôi danh hiệu “Nữ tác giả nhiều kịch bản sân khấu và phim nhất”, nhưng bản thân tôi nhận thấy mình làm đạo diễn ít hơn viết, dù tốt nghiệp nghề này. May mà vừa rồi, tôi thay Hạnh Thúy đạo diễn vở Dòng xoáy cuộc đời (chuyển thể từ truyện Dòng nhớ của Nguyễn Ngọc Tư) được bà con khen, tôi thấy mình vẫn chưa lụt nghề. Như các bà mẹ thường yêu những đứa con bất hạnh, bất toàn của mình, đứa con mà tôi cưng nhất đó là đứa... chưa ra đời. Nghệ sĩ Minh Trang đặt tôi viết một vở, sau nhiều lần chỉnh sửa, bản cuối Trang vừa ý thì các nhà sản xuất không an tâm đầu tư, nên rốt cục nó vẫn nằm đó. 

* Nổi tiếng với câu bè bạn, đồng nghiệp trêu đùa nhưng rất ứng với chị: “tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”, giờ chị vẫn như xưa?

* Năm ngoái được mời tham gia dự án đưa việc bảo vệ tê giác vào học đường, tôi rất vui khi được dùng đến loại hình sân khấu - diễn đàn. Những chuyến đi các nước của tôi trước đây đa phần để nghiên cứu, ứng dụng loại hình này: dùng sân khấu như một biện pháp giáo dục. Loại sân khấu này yêu cầu khán giả bỏ ghế, lên sàn diễn làm công việc của tác giả, đạo diễn và cả diễn viên để thay đổi cái đoạn kết vô hậu vừa xem, thành một cái kết có hậu như mình mong muốn. 

Nói về máu tào lao thì tôi có thừa, nên vẫn thường lén ông xã đi phát triển các dự án ảo. Hễ có nơi réo gọi, níu kéo vào việc gì dính líu tới sân khấu là tôi lại cứ hồn nhiên, căm cụi làm.

* Với sự nghiệp đáng mơ ước của nhiều cây bút Việt Nam, chị vẫn sống được bằng nghề?

* Khi còn độc thân, nhu cầu sống đơn giản nên đi làm nghề nhiều khi bị ép giá tới mức bị đồng nghiệp cho là tôi phá giá. Thù lao nhiều lúc phi lý còn hơn kịch phi lý! Số tiền lớn nhất tôi nhận được trong nghề viết là từ cuốn sách viết cho trẻ em do NXB Kim Đồng trao giải và tái bản nhiều lần - Năm đêm với bé Su. Cuốn Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ viết gần 20 năm, lãnh được 10% của 1.000 cuốn là 4,6 triệu đồng, tôi tặng hết cho từ thiện. Có khi một đêm độc diễn, khán giả và bạn bè quyên góp còn nhiều hơn số tiền đó và tôi cũng làm từ thiện hết. 

* Vậy đến nay, chị còn “cháy” hết mình trên trang viết?

* Tôi vẫn len lén “cháy” cho mình đôi chút, rồi lại tạm ngưng vì những lời réo gọi từ nhiều người khác, nơi khác. Thỉnh thoảng tôi vẫn nài nỉ bâng quơ: Đừng lay tôi nhé, cuộc đời, tôi (không) còn nhỏ dại, (nhưng vẫn xin) cho tôi mơ mòng. Đùa thôi. Dĩ nhiên cháy cho mình vẫn thú vị hơn.

* Nhận định của chị về tình hình điện ảnh, sân khấu Việt Nam hiện nay?

* Trong sức mình, tôi chỉ biết và cố nói không với những sản phẩm không thích hợp. Tôi mong sao bạn bè các nước khi đến Việt Nam muốn được xem phim, xem kịch có nét độc đáo riêng thì mình có thể hãnh diện giới thiệu một vài tác phẩm nào đó, không cần của mình, mà của đồng nghiệp yêu nghề, yêu khán giả... Vậy cũng đủ hạnh phúc lắm rồi!

Nguyễn Thị Minh Ngọc là giảng viên giảng dạy ngành biên kịch, lý luận kịch và lịch sử sân khấu Việt Nam, dựng nhiều vở kịch truyền thống, đương đại; viết trên 70 vở cho sân khấu, trên 30 kịch bản điện ảnh và hàng trăm tập phim truyền hình, cùng các công trình nghiên cứu về sân khấu, cải lương... Chị là phụ nữ Việt Nam đầu tiên đưa các tác phẩm Việt vào sân khấu Off -Off Broadway - New York (Mỹ) với cương vị tác giả, đạo diễn và diễn viên.

SONG PHẠM (thực hiện)


Nguồn tin: tcgd theo SGGP