Một Chuyện Tình Buồn. ( tiếp theo )

Một Chuyện Tình Buồn. ( tiếp theo )
Về đến nhà, tôi đi thẳng lên lầu ba, lại ngồi bên bàn viết, lấy cốt truyện tuồng « Mạo Danh » đang viết dở chừng, mở ra để trước mặt rồi ngồi yên lặng nhìn vô xấp giấy mà tâm tư của tôi thì suy nghĩ lung tung đủ thứ. Tôi bỏ cái tựa tuồng dự trù trước là Ảo Ảnh vì nó có dáng dấp của một vỡ thoại kịch chứ không phải tuồng cải lương. Tôi chọn tựa là ’’ Mộng Đẹp Nữa Đời Hoa ‘’. Chọn tựa tuồng rồi, tôi cầm viết lên, loay hoay mãi mà chẳng viết được một chữ nào…
Chị Lan bán vé kể về cô Mỹ Dung… cô đã đến kiếm tôi tại rạp hát nhiều lần trong thời gian tôi vắng mặt … với ý định gì? Chẳng lẽ cô ta muốn xin thêm thiệp mời xem hát ? Hay vì những món quà của tôi tặng buỗi đầu gặp gỡ mà cô nghĩ là tôi đã si mê cô, tôi tỏ tình một cách gián tiếp? Nghĩ đến đây, tôi phì cười vì cái tánh đa nghi, suy nghĩ lẩn thẩn của tôi. Nếu tôi si mê, tôi muốn tỏ tình thì tôi phải đích thân đi tìm cô…chứ sao cô gái đó lại đi tìm tôi ? Lời tục có câu : Trâu tìm cột, chớ sao có chuyện cột đi tìm trâu ? Nghĩ đến đây tôi lại cười, sao tự nhiên mình tự ví mình như con trâu ? Nếu cần nói ví thì nói Dê đi tìm cây sua đủa chứ sao cây sua đủa đi tìm dê? Mà cũng không được, vì tôi chưa biết nồng độ máu dê trong người tôi cao cở nào nhưng tôi biết chắc là tôi chưa có đủ trình độ để theo gót của ông «  thầy dê ».
Vợ tôi pha một bình trà để trên bàn cho tôi, định nói gì đó nhưng thấy tôi đang nhìn tập giấy trước mặt, vợ tôi nghĩ là tôi đang suy nghĩ viết tuồng nên quay lưng đi xuống lầu.
Trong gia đình, mọi người biết tánh ý của tôi và tôn trọng sự im lặng cần thiết khi tôi viết tuồng. Phòng riêng của tôi trên lầu ba có gắng interphone xuống tầng dưới. Khi tôi cần thức ăn, nước uống thì tôi nói qua interphone thì người giúp việc mang lên cho tôi. Nhà tôi có nuôi một con chó fox, khi khách lạ đến, nó sủa rất dữ. Tôi bấm interphone để nghe xem coi ai đến nhà. Nếu cần thì tôi báo hiệu và tôi xuống tiếp khách. Nếu vợ con tôi thấy tôi không nói gì qua interphone thì biết là tôi bận việc nên vợ hoặc con tôi tiếp chuyện với khách hoặc tìm cách từ chối không cho gặp tôi.
Tuy nhiên có hai người khách mà vợ con tôi không ngăn cản được, người đó chẳng những đến nhà, mà còn theo tôi vô phòng làm việc của tôi, theo tôi vô trong giấc ngủ của tôi, đó là cô Mỹ Dung và chị Lan bán vé hát có cái miệng đài phát thanh… Hai người đó ám ảnh trong tâm trí của tôi…Tôi ngồi trước bàn viết một mình nhưng kỳ thực trong lòng tôi đang nghĩ đến cô Mỹ Dung và chị Lan bán vé hát có cái miệng đài phát thanh đó ! Nếu cái bà bán vé hát không nheo nhéo nhắc hoài chuyện cô gái đến tìm tôi thì tôi đâu có bận tâm suy nghỉ.
Tôi đang bực mình vì không tài nào rức cái hình ảnh cô Mỹ Dung ra khỏi cái đầu óc hay lơ tơ mơ của tôi thì vợ tôi bước vô phòng, tay bưng một cái mâm nhỏ.
  • Anh nghĩ viết, ăn cháo cho khoẻ rồi hảy viết tiếp… vợ tôi học cách nấu cháo cá của ông Tàu ở dưới chợ cũ, cháo trắng nấu thật nhuyễn nhừ, cháo nóng như đang sôi, một dĩa cá lác mõng, gừng, hành và một chút tép mở…  vợ tôi nói tiếp : Anh thích ăn cháo của ông Tàu ở chợ cũ, em biết khi anh viết thì anh không có thì giờ đi chợ cũ để ăn, mà mua về thì nó nguội,. mất ngon, nên em học cách nấu đó. Lần trước anh ăn, anh thích lắm phải không?
  • Phải ! Ngon lắm ! Nhưng mà…khuya rồi , sao em chưa đi ngủ ?
  • Anh còn thức viết, em cũng thức để coi anh có cần gì thì em làm cho. Con nhỏ ở nó ngủ rồi….Ăn cháo đi anh !
Trong khi tôi đang ăn cháo, tôi thấy vợ tôi liếc mắt nhìn những trang giấy trắng trước mặt tôi.
Tôi định giải thích tại sao tôi không có hứng thú sáng tác nhưng tôi lại không thể nói những gì đang ám ảnh trong đầu của tôi. Tôi định kiếm một cái cớ nào đó không liên quan gì tới cô Mỹ Dung và chị Lan bán vé hát…. Nhưng tôi ngớ người ra : Tôi định nói dối chăng ? Tôi tự nhũ : Khi người đàn ông bắt đầu tìm cách nói láo với vợ nhà thì đúng là trong bụng ông ta đang tính chuyện lẹo tẹo bậy bạ chi đây! Mặc dầu chưa có chuyện gì xảy ra giữa tôi và cô gái kia, nhưng tại sao vì cô ta mà tôi nói láo với vợ tôi?
Tôi lặng im ăn cháo, mắt nhìn vợ tôi chăm chăm, bỗng một ý nghĩ lóe sáng trong đầu : trước mặt tôi là thực, còn hình ảnh cô gái kia là mộng! Tôi trân trọng cuộc sống thực, có trách nhiệm với chính bản thân tôi và gia đình, vậy thì nhân vật trong tuồng của tôi, cô gái mù đó phải chọn cuộc sống thực, có trách nhiệm với chính mình và gia đình mình, chớ không thể chạy đuổi theo ảo ảnh. Giải pháp kết thúc vở tuồng Mộng Đẹp Nữa Đời Hoa bắt đầu hình thành trong giây phút chớp nhoáng này.  
  • Anh viết được rồi, em đi ngủ đi. Anh ghi ngay những ý nghĩ trong đầu xong, anh sẽ ngủ.
  • Anh đừng thức khuya quá nghe anh! Hút thuốc nhiều, thức khuya, hại phổi lắm đó…
  • Được rồi ! Anh ghi tóm tắt mấy ý, kẻo mai lại quên mất. ( Tôi cầm viết, viết vội ý định kết thúc tuồng, ghi những câu nói chính để giải quyết cuộc tình tay ba giữa cô gái mù Mỹ Dung và Hồ Phong Quân với Lưu Thoại Nguyên.)
Nói là ghi tóm tắt, chớ tôi cũng phải mất cả giờ đồng hồ mới ghi lại được những ý chánh định viết trong tuồng. Đến một giờ khuya, tôi mới về phòng ngủ.
Hai tuần lễ liên tiếp tôi không ra rạp hát. Tôi cắm đầu viết cho xong vở tuồng ‘’Mộng Đẹp Nữa Đời Hoa ‘’, tôi viết đến đâu thì vợ tôi đánh máy đến đó.
Khi xong tuồng, tôi bảo vợ tôi đọc lại cho tôi nghe, tôi nằm trên võng, mắt lim dim để cho những nhân vật tuồng hiện ra trong tâm tưởng, hoạt động, nói cười như trên sân khấu. Đây là một cách để tự kiểm soát lại tác phẩm trước khi tôi đưa lên sàn tập.
Tôi hoàn thành tác phẩm kịp theo nhu cầu của đoàn hát. Khi tập tuồng Mộng Đẹp Nữa Đời Hoa, không may cho tôi là nữ nghệ sĩ Thanh Nga bị cảm nặng, sưng phổi. Cô được điều trị ở nhà thương Grall hai tuần lễ, sau đó cô đi Dalat nửa tháng nữa để dưỡng sức. Nữ nghệ sĩ Ngọc Giàu đóng thế cho Thanh Nga trong vai cô gái mù Mỹ Dung. Ngọc Giàu không đẹp về sắc diện nhưng giọng ca của Ngọc Giàu thật là tuyệt vời. Ngọc Giàu và Hữu Phước đã làm cho cả khán trường khóc mùi mẫn trước tình trạng của một cô gái mù, vẫn trọn tình yêu chồng như lại lầm kẻ mạo danh vì kẻ đó có những chứng cớ, những hiểu biết, làm cho Mỹ Dung bội phản chồng mà không hay biết…Cho đến khi người chồng thiệt ( Hữu Phước ) trở về…
Trong đêm hát khai trương, tôi mời hai cô Mỹ Dung, Mạnh Quyên và cha mẹ của hai cô xem hát với ngầm ý giải thích về món quà của tôi tặng cho cô Mỹ Dung chẳng qua là một cử chỉ cám ơn về sự gợi ý của cô cho tôi hoàn thành tác phẩm nầy.
Đêm hát đó tôi ở trong hậu trường giúp việc điều khiễn đêm hát, đồng thời tôi nhìn xuống khán giả để theo dõi phản ứng của khán giả.
Gia đình của cô Mỹ Dung ngồi ở ghế thượng hạng, hàng thứ hai gần sân khấu nên đứng ở sau cánh gà, tôi quan sát rất rõ. Suốt màn ba, màn kết cuộc, từ sau khi Hữu Phước trong vai Lưu Thoại Nguyên, thương binh cụt một cánh tay về đến nhà, anh tưởng vợ mình vẫn cón chờ đợi mình vì mọi trang hoàn trong nhà vẫn giữ như ngày trước khi hai vợ chồng chia tay, Hữu Phước ca thật hay mà Ngọc Giàu ca cũng rất thảm, gia đình cô Mỹ Dung và cả khán phòng rơi lệ suốt màn kết cuộc nầy.
Tôi xin được phép nhắc lại đoạn gay cấn hồi kết cuộc, một số đông người tán thành lý giải của tôi nhưng cũng có số khác không đồng ý. Chính vì điểm đó mà tuồng hát ăn khách, rạp hát luôn luôn đông nghẹt khán giả mặc dù Thanh Nga vắng mặt trên sân khấu suốt một tháng trường.
Màn kết: Lưu Thoại Nguyên( Hữu Phước, cụt một tay, bước vô nhà): Mỹ Dung ơi! ( quan sát căn nhà) Mỹ Dung, cảnh cũ còn đây, không có gì thay đổi, Mỹ Dung ôi, anh đã về đây !( (dừng lại một giây, tự nói với mình) Không lẽ… không lẽ cảnh cũ thiếu người xưa? ( gọi to) Có ai ở trong nhà nầy không, chắc chỉ có mình ta thôi…Mỹ Dung có lẽ nàng đã chạy sang hàng xóm rồi… Không có gì thay đổi cả, vẫn ngăn nắp, vẫn lịch sự như thuở nào, nhưng sao quá vắng lặng và thoang thoảng u buồn! Đáng thương cho Dung quá, bao tháng năm cô đơn chích bóng, chắc nàng thu mình trong nếp sống tịch liêu, lặng nghe tiếng súng xa xăm mỏi mắt…
Ca vọng cổ 1/:trông chồng…càng mong càng nhớ càng cô quạnh trong lòng, … có những chiều thu gió thổi lá vàng rơi xào xạt trên đường vắng, nàng tưởng bước chân chồng trở lại cảnh xưa, và những đêm đông mưa tuyết vổ vào khung cửa như tiếng của chồng gọi ngoài hiên, nàng vội vàng chạy ra như muốn tìm chồng trong cơn giông bảo.
Câu 1 /  Chén đủa của thuở nào, chưa mẻ, chưa sờn, nàng chưa bao giờ quên tôi, dù phòng không chích bóng, nàng vẫn sống như thuở còn chung bóng chung đèn, trong mỗi bữa cơm thanh đạm khiêm nhường, nàng hồi tưởng Nguyên đây, Dung đó, cùng chia ngọt xẻ bùi, cùng nếm vị chua cay, dù tôi có phơi thây ngoài chiến địa, Mỹ Dung vẫn ngày ngày đối diện với chén xưa đủa cũ mà nuốt dần những hạt cơm buồn tẻ cùng với giọt lệ nhớ nhung.
Câu 3 /  Dung ơi ! Nguyên đã trở về đây, Nguyên đã về… nhưng người xưa không còn nguyên vẹn nữa, một cánh tay gỡi lại trong lửa đạn chiến tranh, Nguyên đã thành ra người tàn phế, vĩnh biệt bút lông giá vẻ, ôi màu sắc thân yêu, dầu không còn là họa sĩ, Nguyên cũng đuổi xô được giá buốt cô đơn, để cùng Dung chung bước, sống chung những ngày êm ấm thuở ban đầu.
Hữu Phước ca ba câu vọng cổ nầy rất hay, khi anh nhìn thấy trên bàn ăn bày sẳn hai chén hai đủa, chuẩn bị bữa cơm dành cho hai người ăn, anh ngỡ là vợ anh mỗi ngày dùng cơm một mình nhưng vẫn để chén đủa dành phần cho anh. Khán giả thì biết rõ là Mỹ Dung đã bị kẻ mạo danh là Hồ Phong Quân lừa gạt nên họ thương hại cho anh chồng thương binh bất hạnh trong hạnh phúc gia đình. Nhiều khán giả đã khóc rấm rức.
Kế đó Hồ Phong Quân ( Việt Hùng ) về. Hai người bạn chiến đấu đồng thời là cựu tù nhơn của quân nghịch đã trốn thoát về. Họ bất ngờ gặp lại nhau, Lưu Thoại Nguyên vẫn tưởng Hồ Phong Quân vì nhớ lời kể của anh trong tù nên tìm đến thăm anh. Anh kể chuyện anh bị thương nặng, thoát chết nhờ đồng bào trong làng cứu sống và che dấu, đùm bọc cho tới ngày anh mạnh lành, anh mới tìm đường trở về quê. Anh hứa giới thiệu vợ anh là Mỹ Dung cho Hồ Phong Quân biết…
H.P.Quân :  Không gì sung sướng cho bằng những người vừa thoát chết, vừa trở lại quê hương, vừa tìm lại hạnh phúc… Tôi đã để cho anh nói thao thao bất tuyệt, cho thỏa mản tình cảm, bây giờ đến phiên tôi nói…
Nguyên:   :  Ờ phải ! À…anh nói đi, anh nói gì ?
Quân        :  Tôi cho anh biết vài sự thật, có lẽ không đẹp như anh mơ ước đâu, mà nó bỉ ổi xấu xa như chính gương mặt của tôi…
Nguyên      :  Quân, anh muốn nói cái gì ?
Quân          :   Tôi muốn nói với anh,… tôi là người của Thiên Tân lâu rồi, chớ không phải mới đến đây..
Nguyên      :  Hả ? Anh nói…
Quân          :  Thứ hai, ngôi nhà nầy bây giờ là của tôi, không còn thuộc quyền sở hữu của anh nữa…
Nguyên      :  Ạ …có nghĩa là anh đến đây đã lâu rồi…anh biết gì về căn nhà này? Anh có gặp vợ tôi không ?
Quân          :   Thứ ba là … anh, anh không còn là Lưu Thoại Nguyên nữa vì Lưu Thoại Nguyên của hiện tại là tôi.
Nguyên       :    Như vậy… có nghĩa là mầy đã mạo danh tao để… sang đoạt. Điều quan trọng là hiện giờ Mỹ Dung ở đâu ?
Quân           :  Mỹ Dung vẫn còn ở đây ! Mỹ Dung vẫn là vợ của… của Lưu Thoại Nguyên…
Nguyên       :  Nghĩa là vợ của…thằng Nguyên thật hay thằng Nguyên giả ?
Quân           :  Tôi đã mạo danh anh trên mọi lãnh vực, sự nghiệp lẫn ái tỉnh….
Nguyên  :  Thằng khốn nạn, Đã có lần tao cho mầy biết là tao có thể giết người, nếu ai chạm đến hạnh phúc của tao.( Nguyên chụp chiếc ghế liệng Quân, Quân và chiếc ghế lăn xuống rầm nhà) Thằng đễu giả, tao không ngờ gặp lại mầy để thanh toán một món nợ…
Quân    :   Anh đừng hành hung với tôi…anh chỉ còn một cánh tay, tôi thừa sức đánh thắng anh nhưng nghĩ tình bạn, tôi …  
Nguyên  :  Thằng khốn nạn, mầy còn dám nói lên cái tiếng bạn đó hay sao ?
Quân      :   Anh có thể mạt sát tôi hay đánh vào mặt tôi cũng được, nhưng phải cho tôi nói sự thật về Mỹ Dung…
Nguyên  :  Sự thật gì ? Sự thật của một đứa bỏ chồng theo trai và một thằng phản bạn, phải không ?  
Quân      :  Anh đừng kết tội Mỹ Dung. Khi tôi về đến đây thì nàng đã bị đui mù, nàng ngỡ là anh trở về vì tôi vô tình nhắc lại những kỷ niệm thầm kín của anh và nàng khi xưa, vì tôi có chiếc nhẩn hoa hồng, nàng vẫn sống với bóng hình của Lưu Thoại Nguyên.. 
Nguyên  :  Quân ! Mầy đúng là một thằng khốn nạn ! Mầy lợi dụng lòng tin của bạn, lợi dụng sự mù lòa tàn tật của một người đàn bà để thực hiện tham vọng bỉ ổi của mầy. Còn có sự trừng phạt ghê gớm nào xứng đáng dành cho mầy không ? Hả, đồ tồi…
Quân     :  Tôi không chối cải tội lỗi của tôi…Tôi có nhiều ham muốn không kềm chế được, tôi thoát sinh từ hạng người sống dưới gầm cầu, ngồi trong xó tối, có những chiều buồn lặng nghe từ bên trên sàn cầu vọng xuống, từng tiếng chân đi êm đềm, từng tiếng nói thanh tao của những cặp tình nhân sung sướng, tôi mơ cái thế giới đó , như con sâu kia miên man chờ kiếp bướm…Anh Nguyên, qua những năm tháng chung sống, tôi tìm thấy ở anh những điều mới lạ, có một nếp sống thanh cao và hạnh phúc, tôi thèm khát trở thành anh…một dịp may đến, tôi biến dạng để cho linh hồn anh ngự trị trong thể xác tôi, bây giờ anh muốn tôi phải làm sao đây ?
Nguyên :  Ngày nào còn ở trại giam, mầy cao rao triết lý : Con người trước dục vọng đều là những con thú… từ cái ăn, cái mặc, cái ngủ cũng giành giựt cấu xé lẫn nhau. Bây giờ đây, tao muốn dùng cái biện pháp thú vật đó đối với mầy…
Quân    :  Nghĩa là….
Nguyên : Nghĩa là tao muốn đòi lại cái linh hồn của tao mà mầy đã ăn cắp, bằng cách hủy hoại cái thể xác chứa đựng nó.( chụp con dao trên bàn ăn)
Quân    : Tôi đã vứt bỏ tên tuổi, cá tính và những thói quen thì tôi đâu có tiếc rẻ những gì còn lại của mình. Chỉ tội nghiệp cho Mỹ Dung, mắt của nàng sắp lành rồi, nàng sắp nhìn thấy cuộc đời… Không! Tôi không có quyền bỏ cuộc, tôi tự thấy mình có trách nhiệm hơn là có tội.
Nguyên :  Phải, con sâu muốn hóa bướm, xét ra không có tội gì hết, cũng như con bướm đẻ trứng để hóa thành sâu, cũng không có tội lệ gì. Bây giờ tao xin nguyện làm con bướm đẻ trứng để trả mầy về kiếp sâu…(Định hành hung, Mỹ Dung về)
Mỹ Dung về đến nhà, nàng khoe sắp có con nên đi mua sắm áo cho con, sắp nhìn thấy ánh sáng cuộc đời,… nàng bỗng phát hiện sự giằn co giữa chồng nàng và một người thứ ba trong nhà.
Qua cuôc cải vả của hai người đàn ông, nàng biết được là Lưu Thoại Nguyên thật đã trở về và kẻ mà bấy lâu nay nàng tưởng là Lưu Thoại Nguyên thì đó chỉ là một kẻ mạo danh, đã lợi dụng lòng tin của Nguyên và cướp lấy chiếc nhẩn chạm hình đóa hoa hồng, khiến cho nàng phải lầm. Mỹ Dung bẽ bàng, định tự móc mắt chịu mù lòa luôn hơn là khi đôi mắt của nàng nhìn được ánh sáng thì nàng lại phải nhìn thấy bộ mặt phản bội của chính nàng.
Hồ Phong Quân định bỏ ra đi để trả Mỹ Dung về cho Lưu Thoại Nguyên. Nhưng Lưu Thoại Nguyên hiểu rõ Mỹ Dung bị kẻ mạo danh lừa gạt, anh cho là vì có chiến tranh nên mới có chia ly đổ vở, anh tự quyết định ra đi vì Mỹ Dung đã có con với Hồ Phong Quân. Đứa bé vô tội, nó không thể thiếu cha.
Và tôi đã kết thúc vở tuồng bằng cách cho Lưu Thoại Nguyên đau đớn mà bỏ đi nhanh, trong khi đó Mỹ Dung lạc giọng gọi tên chồng…
Sau suất hát khai trương và thêm vài đêm hát nữa, khán giả khóc nhiều nhất trong màn kết thúc tuồng. Tôi nhận được nhiều thơ của khán giả gởi về địa chỉ của đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga. Khán giả góp ý nhiều cách kết thúc tuồng. Người thì phản đối việc tôi cho Lưu Thoại Nguyên bỏ đi để cho Mỹ Dung ở lại với Hồ Phong Quân, vì họ cho là Mỹ Dung sẽ không còn hạnh phúc khi chung đụng với kẻ mạo danh lừa gạt người và phản bạn…Người khác đề nghị cho Mỹ Dung đi tu vì nàng sẽ ngỡ ngàng với cả hai người đàn ông đã qua trong đời nàng… Người khác đề nghị Hồ Phong Quân tự sát, để trả lại người yêu cho bạn và tự trừng phạt mình…
Trong số những bức thư gỡi đến cho đoàn hát, ngoài số thư góp ý với soạn giả, có thư khen giọng ca và sự diễn xuất tinh tế của Hữu Phước và Ngọc Giàu… Có thư phản đối Việt Hùng, trong vai anh chàng mạo danh.
Có một bức thư gỡi cho Nguyễn Phương với 4 câu thơ :
Anh đã dìu em đến cõi mơ,
Đầy hoa và mộng dưới trăng mờ,
Mộng nghe pháo nổ mừng duyên mới,
Tỉnh giấc, cô phòng lạnh gió thu.
Thơ viết tay, nét chữ con gái, không có ký tên, không có địa chỉ. Thư gỡi theo đường bưu điện nên cũng không biết tác giả là ai. Vợ tôi cũng đọc hết những thư của khán giả gỡi nên cho là ai đó đã làm thơ tức cảnh về nhân vật tuồng Mỹ Dung. Riêng tôi có cảm giác là kẻ viết 4 câu thơ nầy để trách khéo Nguyễn Phương : phải chăng đó là cô gái đã bị anh chàng lái taxi mạo danh Nguyễn Phương gạt và cốt chuyện mạo danh đó cùng với những sở thích của cô ta được tôi chọn làm cốt chuyện và làm người mẫu trong tuồng Mộng Đẹp Nữa Đời Hoa trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga? Người ta trách cứ tôi có lẽ vì có sự hiểu lầm sau khi tôi tặng hoa và chiếc nhẩn có chạm hình hoa hồng. Có thể cô ấy hiểu ngầm đó là một cách tỏ tình của tôi chăng?
Đêm sau, thay vì ra rạp hát như thường lệ, tôi ra bến Bạch Đằng, lại pointe des Blagueurs uống bia  để thư giản sau một thời gian làm việc căn thẳng khi viết và tập vở tuồng hát đó.
Gíó sông thổi mát lạnh, uồng ly bia lạnh, tôi cảm thấy khoan khoái trong người giữa một đêm tháng bảy nóng nực, nhưng tôi chưa kêu chai bia thứ hai thì tôi thấy một cô gái mặc áo dài màu hoa cà  bước đến bàn của tôi,, tự tiện kéo ghế ngồi : Anh… anh mời em uống bia chứ ?
Tôi ra hiệu cho anh bồi mang thêm chai bia và thức nhắm : Không ngờ mà anh gặp Mỹ Dung ở đây. Mấy ngày nay bận quá…
  • Em biết! Tuồng mới hát, chắc phải còn sửa tới sửa lui…
  • Mời Mỹ Dung ! ( tôi nâng ly bia lên)
  • Mời anh và em  xin uống mừng vở tuồng thành công.
  • Cám ơn…À !...  Hôm trước, nghe nói em tới rạp hát kiếm anh, có chuyện gì vậy ?
  • Em… không hiểu tại sao em học không vô, cả tuần lễ em vô lớp học, ngồi như người mất hồn, giáo sư giảng những gì em cũng chẳng biết nữa… em muốn gặp anh để hỏi một chuyện, em muốn hiểu cho rõ ràng nhưng mà…  nhưng mà… rồi biết anh phải tập trung tinh thần và thì giờ lo cho vở tuồng nên em không hỏi nữa.
  • Chuyện gì nghe coi quan trọng quá vậy? Bây giờ tuồng đã hát xong, anh có thể nghe em hỏi  và trả lời cho em.
  • Anh… anh nghĩ sao mà anh tặng cho em chiếc nhẩn hôm mới gặp em lần đầu tiên.
  • Ồi,… tưởng chuyện gì… Anh thấy em thích chiếc nhẩn đó thì anh tặng cho em vui .
  • Anh thường hay tặng nhẩn cho những cô gái mà anh mới gặp hay sao ?
  • Không ! Hôm ấy em… em đẹp quá ! Em giúp cho anh nhiều ý rất hay, để anh cấu tạo vở hát của anh. Những cá tính nhân vật, những sở thích của nhân vật, những lời nói và những ước mơ…Em xem hát, em không thấy những cá tính đó, những ước mơ, những lời nói đẹp đã thể hiện trong nhân vật Mỹ Dung của anh trong vở tuồng đó sao ?
  • Không lẽ anh nhìn người nào cũng qua lăng kính của người soạn giả, người nào xuất hiện dưới mắt anh cũng đều là nhân vật trong tuồng của anh ?
  • Anh xin lỗi, đó là một sự méo mó nghề nghiệp…
Mỹ Dung không nói gì nữa, cô bưng ly bia uống một hơi dài như muốn nuốt hết những sự bực tức vào lòng. Sau đó, cô nàng chào tôi rồi ra lộ đón xe về, cô từ chối lời tôi đề nghị chở đưa cô về.
Tôi yên chí là mọi sự đã kết thúc và hối hận vì mình đã có một hành động bốc đồng, gây ra một sự hiểu lầm đáng tiếc. Thật ra thì tôi cũng như nhiều soạn giả trong lứa tuổi của tôi, trong cái thời điểm mà chúng tôi ganh đua hơn thua nhau qua các soạn phẩm trên sân khấu, chúng tôi có cách sống và cư xử hơi méo mó nghề nghiệp.
Về đến nhà, vợ tôi lại đưa cho tôi xem một bức thơ, nói là của chị Lan bán vé chuyển dùm. Vẫn nét chữ con gái như thơ trước, tôi xé ra đọc rồi đưa cho vợ tôi xem:
Cái thuở ban đầu thơ mộng ấy,
Bẽ bàng khi gió thoảng lầu hoa,
Phấn hương chưa nhạt mùi son phấn,
Tình nghĩa phôi pha nét đậm đà.
Một ánh sao mờ, bặt phiếm tơ,
Nữa đời son phấn, mấy duyên hờ !
Cành hoa gió cuốn, chiều xuân lạnh !
Tê tái hồn hoa tự bấy giờ…
Vợ tôi nói: Vậy là có một nữ khán giả đã si mê anh rồi ! Phải chăng đó là cô gái đến xin thiệp mời xem hát mà chú An taxi đã mạo danh anh rồi gây ra cớ sự nầy ?
Tôi cười, nói giả lả: Chưa chắc là vậy, nhưng mà…quan trọng là ở anh, anh không lộn xộn thì cô ta có gỡi cả chục cái thơ thì cũng vậy thôi!
  • Có mèo nào chê mỡ đâu, anh ! Anh…anh coi chừng giống như mấy anh Kiên Giang, Lê Khanh, Mộc Linh…Mấy anh đó cũng tìm ý để viết tuồng, gần cô nầy cô kia rồi thì… thì rứt không ra.!
Nghe vợ tôi nhắc, tôi thừ ra suy nghỉ. Ừ ! Cũng có chuyện đó thật !
Hồi đó soạn giả Lê Khanh chuẫn bị viết vở tuồng Đời Vũ Nữ. Mỗi đêm anh ta chạy xe lambretta xuống dancing Mỹ Phụng, ngồi chờ trước cửa, làm quen với một cô vũ nữ rồi chở cho cô ta về nhà. Lê Khanh giả như si tình, ngày ngày chở cô vũ nữ tới vũ trường, rồi ngồi trước cửa chờ cho tới khi vũ trường đóng cửa để chở cô vũ nữ Kỉnh ra về như một kẻ si tình chánh cống. Anh ta muốn có cái cảm xúc thật của một người chồng phải bấm bụng cho vợ của mình đi hành nghề gái nhảy.
Khi cô vũ nữ đó có khách sộp chở xe hơi đi du ngoạn thì cái anh chàng soạn giả cảm thấy như người yêu của mình bị cướp đi. Anh ta đau khổ, dằn dật và qua bao nhiêu cảm xúc bi thương và phẩn nộ, qua nhiều đêm ngồi dưới cột đèn đường trước vũ trường để chở em về, cuối cùng Lê Khanh sáng tác được vở tuồng Đời Vũ Nữ thật là hay, sự kiện sống động, nội dung xúc tích. Kết quả là sau sự thành công của vở tuồng, cô vũ nữ quá cảm động vì cho rằng vì cô ta nên mới có vở tuồng Đời Vũ Nữ đó. Thế là cô ta trở thành vợ hai của soạn giả Lê Khanh.
Lại một chuyện khác: anh chàng thi sĩ Kiên Giang, lúc gặp một cô gái đẹp(đẹp vừa vừa thì cũng là một cô gái đẹp) anh ta lập tức làm thơ tặng cho người đẹp. Nhất là những cô gái bán bar, bán bia, bán cà phê, nghĩa là những cô gái mà anh gặp trong khi đi lang thang ngoài đường. Không có giấy để viết bài thơ để tặng? Anh lập tức xé bao thuốc đang hút giở chừng, lật bên trong bao thuốc lá lấy chổ giấy trắng để làm nơi đề thơ. Hoặc anh xé tấm lịch trên tường, hoặc xé ngay cuốn sổ tay… có khi là một trang bản thảo đang viết dở chừng. Kiên Giang sáng tác ngay bốn câu thơ hay cả một bài thơ dài tràng giang đại hải để mà ca tụng người đẹp của anh. Và anh cũng không biết đã đề thơ tặng cho bao nhiêu cô gái rồi. Anh mặc kệ các cô đó nghĩ sao thì nghĩ, anh muốn làm thơ khen thì anh cứ khen bừa. Và các cô đó bỗng nhiên được khoát cho chiếc áo Tây Thi, Dương Quí Phi hay nàng Chiêu Quân cống Hồ…Vậy đó mà cũng có một cô mê thơ của Kiên Giang, đeo theo anh ta sát nút… Kiên Giang cũng khổ sở không ít vì mối tình si của cô gái mê thơ của anh…
Lại có một anh soạn giả khác, khi thai nghén cốt truyện tuồng Gái Điếm Vợ Hiền, anh ta liền mướn một cô gái điếm thật sự, vể ở chung với anh và cô nàng phải đóng vai cô vợ hiền. Đó, anh ta muốn quan sát, muốn va chạm vào cuộc sống thực tế của cái giới mà anh cho làm nhân vật chánh trong tuồng của anh. Anh theo dõi cuộc sống giả vờ làm vợ hiền của cô ta và theo dõi cưộc sống bê tha trụy lạc của một cô gái điếm thật. Anh thành công trong sáng tác phẩm của anh nhưng anh phải ở cô ky suốt đời vì không một cô gái nào đàng hoàng chịu về làm vợ của anh sau khi anh lấy gái điếm làm vợ hiền.
Hôm sau tôi chủ động đến góc đường Hiền Vương – Hai Bà Trưng, ngồi ngoài xe vespa nhìn về phía nhà của cô. Một lác sau tôi thấy cô Mỹ Dung lửng thửng đi ra. Thì ra cô nàng cũng đã thấy tôi ngồi chờ bên kia đường. Cô đi thẳng đến tôi, tự nhiên lên ngồi đệm sau của xe vespa. Tôi chở cô chạy dọc theo đường Hai Bà Trưng xuống bến Bạch Đằng.
Cô hỏi tôi: Mình đi đâu đây, anh ?
  • Em muốn dùng cơm ở restaurant Kim Sơn hay xuống Ngân  Đình Tửu Quán ?
  • Anh chưa dùng cơm sao ? Xuống Ngân Đình Tửu Quán, nghe anh. Ở đó gió mát, ít người
Tôi chở cô đến Ngân Đình Tửu Quán như ý cô thích.
Tôi thường dùng cơm tối và uống bia ở đây nên các anh bồi bàn quen mặt, chọn cho tôi một cái bàn dưới bóng cây, vừa khuất gió vừa kín đáo. Tôi gọi hai phần bifteck kiểu Mỹ( bifteck à l`Américaine, hai chai bia hennekene, dĩa lạc rang, cũ kiệu, tôm khô...
Tôi chưa biết khởi đầu câu chuyện như thế nào nhưng cô nàng vừa uống bia, vừa hỏì tôi có đọc qua qưyển triết lý hiện sinh không? Tất nhiên là tôi đọc rồi và cũng hiểu ngay dụng ý của cô khi hỏi tôi về triết lý hiện sinh.
Tôi nói rất ít nhưng tôi chủ động gợi ý để cho cô nói về quan niệm sống của cô.
Mỹ Dung cho biết mẹ cô mất sớm, cha cô cưới bà kế thất, gia đình cô bề ngoài yên ấm nhưng cô và em gái của cô không mấy thuận thảo với bà kế mẩu. Do đó người anh trai của cô tình nguyện học lớp sĩ quan Thủ Đức. Cô học đại học Văn Khoa nhưng tranh thủ đi dạy kèm học sinh để có thu nhập thêm mà không phải lệ thuộc vào tài chánh chu cấp của gia đình. Cô muốn tự lập, thoát ly gia đình, mướn một cái phòng nhỏ, một căn nhà nhò để ở tạm trong thời gian học cho tới dứt đại học. Cô muốn học thêm Anh Văn để làm cho Mỹ… nghĩa là cô muốn tách ra khỏi cuộc sống gia đình mà cô cho là bà kế mẩu đã làm cho cuộc sống trở thành nặng nề. Và cô sẳn sàng phiêu lưu trong một cuộc đời mới, cô nhắc tới triết lý hiện sinh, cô nhắc tới phong trào CTY trong giới học sinh. CTY là Cho Tôi Yêu hay Cho Tình Yêu……
Tôi cũng làm như vô tình, kể chuyện gia đình của tôi. Tôi có vợ và được 4 con. Vợ tôi chơn chất thật thà. Tuy đậu bằng trung học Pháp, đánh máy giỏi, đã đậu thi tuyển làm thư ký ngân hàng quốc gia nhưng vợ tôi tình nguyện theo tôi đế giúp đánh máy những tuồng hát của tôi và chăm sóc gia đình để cho tôi yên tâm sáng tác. Có những năm tôi lang thang theo gánh hát ở miền Trung và vùng Cao Nguyên, ít về Saigon, một tay vợ tôi lo chăm sóc, dạy dỗ và nuôi nấng các con. Vợ tôi đã chịu nhiều hy sinh, khổ cực với tôi và các con tôi nên khi tôi làm bất cứ việc gì, khi có thu nhập dù nhiều dù ít, tôi nghĩ đến việc chu toàn cho vợ tôi trước khi tôi chi xài việc khác. Lúc đó thì tôi thu nhập thật là nhiều, mỗi tháng có tiền bản quyền của gánh hát, của các ban kịch, thu nhập trên dưới một trăm ngàn đồng, dễ như trở bàn tay. Tuy nhiên vì tánh bốc đồng, tôi không giữ tiền mà để cho vợ tôi thay mặt tôi đi thu tiền ở đoàn hát hay các ban kịch. Chỉ riêng tiền viết thu thanh dĩa vọng cổ, dĩa kịch hài hước cho hãng Capitol, tôi thừa tiền để ngày nào cũng đi ăn uống lang thang với bạn ở Thanh Thế, Thanh Bạch, Brodard hay restaurant Động Phát….
Tôi chợt nói: Nếu em cần giúp tiền học hay tiền mướn phòng trò, anh có thể giúp cho em. Coi như anh em mình kết nghĩa, nhưng em nên đến nhà anh để làm quen với vợ anh…
Và tôi đọc mấy câu thơ vui, tự trào;
Cái Nghiệp cầm ca nhiều bội bạc,
Cười ra nước mắt, giận làm vui!
Ai thương, ai trách, đời sân khấu
Chân giả là đâu, giấy vẻ voi !   
Cô nàng cũng cười, nói: Giấy vẻ voi là bạc đó nghen ! Hình Voi in trên giấy bạc Đông Dương ngày xưa đó ! Quý lắm…Em mà dùng giấy vẻ được voi là đời như lên thiên đàng rồi.
Bữa cơm tối đó là bữa cơm từ giả giữa tôi và cô gái đẹp Mỹ Dung. Tôi không muốn làm hại đời của cô. Tôi cũng không muốn làm cho vợ con tôi đau khổ. Và tôi cũng không muốn vướng bận chuyện lôi thôi như các anh bạn soạn giả thân thiết của tôi.
Nhưng trong thâm tâm, đúng là một chuyện tình buồn…buồn cho cô gái và buồn cho tôi. Tại sao tôi lại bốc đồng như vậy ? Bây giờ, già rồi, tôi nhiều khi cũng muốn bốc đồng ẩu, nhưng kịp đạp thắng, nếu không thì xe xuống dốc, tan xương nát thịt rồi.
Tự nghĩ:
Trái tim là một con tàu suốt,
Chẳng có sân ga trạm cuối cùng!
Soạn giả đi tàu không người lái,
Thả hồn lạc lõng cõi mê cung !
 
 Nguyễn Phương .

Tác giả bài viết: SG NGUYỄN PHƯƠNG