Đạo diễn Giang Mạnh Hà Người Bắc, duyên Nam, làm… xuyên Việt

ĐD Nguyễn Mạnh Hà

ĐD Nguyễn Mạnh Hà

Chưa phải là gương mặt đình đám hay quá “phổ thông” trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng Giang Mạnh Hà là cái tên mà giới sân khấu không thể không nhắc đến. Người ta “sợ” đạo diễn Hà không chỉ bởi số lượng khổng lồ các vở diễn, chương trình lễ hội mà anh đã thực hiện mà bởi vì anh lúc nào cũng không hết việc. Bất cứ lúc nào “a lô” cũng thấy anh trả lời: “Tôi không ở nhà. Tôi đang ở Bắc, tôi đang ở Trung. Tôi đang đi dựng vở nơi xa”. Một năm, anh phải “nằm vùng” mấy bận, chưa kể những lần khăn gói đưa anh em nghệ sĩ miền Nam ra Bắc diễn âm thầm. Xuất thân là diễn viên, nhưng anh được phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND đều với cương vị đạo diễn.

Định duyên cho mình

Gặp Giang Mạnh Hà lần đầu, người trong giới thường túm lấy hỏi ngay hai câu hỏi chắc đã cất trong đầu từ lâu: Anh là người Bắc, sao lại trở thành một nhân vật quan trọng của cải lương miền Nam? Từ xưa đến nay, tôi chưa thấy một nghệ sĩ “đàng trong” nào lãnh đạo một đoàn chèo miền Bắc cả. Hai là: Dân quê lúa, đất chèo Thái Bình, sao lại đi làm cải lương? Những lúc ấy, Giang Mạnh Hà chỉ cười, bảo chắc đấy là cái duyên, có duyên phận lắm mới gắn bó khăng khít đến mức không gì chia tách được như thế. Song ít ai biết, đấy không phải là cái “duyên tiền định” mà lại là “cái duyên Hà định”.

images693981_13_Manh_Ha

 

Đạo diễn Giang Mạnh Hà người bên trái

Anh kể, từ nhỏ đã đam mê nghệ thuật, nên thường cùng các bạn ra cánh đồng lúa thi hát, rồi ra bờ biển hò hét theo tiếng sóng, thậm chí còn gào hết cỡ để thử sức mình xem đến mức độ nào thì… mất tiếng. Ngày ấy, ai cũng bảo thằng Hà thích bay bổng. Nhưng ít ai ngờ được rằng không phải anh thích bay trên cánh đồng lúa hay sóng biển Thái Bình mà thích bay vào tận miệt vườn phương Nam, còn vì lý do gì thì anh không rõ. Làm nghệ sĩ mà muốn gắn bó với trời Nam thì không thể lựa chọn Nghệ thuật Chèo làm con đường dẫn lối, đó chỉ có thể là cải lương.

Họp mặt kỷ niệm 67 năm ngành Văn hóa - thể thao và du lịch - Văn hóa -

 

Họp mặt kỷ niệm 67 năm ngành Văn hóa – thể thao và du lịch – Văn hóa

Nghĩ là làm, chàng trai họ Giang thi ngay vào khoa diễn viên cải lương Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Học hành chăm chỉ nhưng anh chưa thể thực hiện ước mơ “bay vào phương Nam” mà về làm diễn viên tại Đoàn Cải lương Thái Bình. 5 năm hoạt động, anh được giao toàn những vai chính nhưng cảm thấy chưa hài lòng vì đó chưa phải là điều mình muốn. Rồi anh quyết bỏ quê, chuyển vào Nam làm công tác đào tạo diễn viên cho các tỉnh miền Đông Nam bộ tại Trường Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Công việc lý tưởng thế, nhưng sau một thời gian, Giang Mạnh Hà mơ hồ nhận thấy, nó không đúng với khát vọng sáng tạo, bay bổng vốn có của mình. Đang loay hoay không biết tính sao thì may thay anh được con mắt xanh của những nhà quản lý văn hóa tỉnh Đồng Nai phát hiện và mời về làm trưởng đoàn cải lương tỉnh với hy vọng tài năng của chàng trai đất Bắc sẽ vực dậy môn nghệ thuật truyền thống đang xuống dốc không phanh.

 Nghề đạo diễn là một cuộc chiến

Xa nơi đô hội, về kết duyên với một tỉnh lúc ấy chưa phát triển mạnh, nhưng anh cũng kịp biết rằng, đó là sự lựa chọn sáng suốt. Lúc ấy, chàng trai đất chèo mới chỉ 31 tuổi. Tính đến nay, anh đã gắn bó với tỉnh này hai thập kỷ, đã mang về cho đoàn mình nhiều vàng, bạc sau mỗi kỳ liên hoan khiến nhiều người phải ngưỡng mộ một đơn vị nghệ thuật tỉnh lẻ.

images437997_4b

Tại đây, Giang Mạnh Hà có dịp đóng góp nhiều, từ dạy diễn viên ca hát, khuyến khích lòng đam mê, đẩy lùi khó khăn để các nghệ sĩ gắn bó hơn với nghệ thuật cải lương đến việc “tay vo” dàn dựng vở diễn. Ấy thế mà cũng thành công. 68 vở diễn đã được tay anh nhào nặn, trước khi anh kịp nhận thấy trình mình còn kém, phải đi học thêm đạo diễn một cách thật bài bản.

vo dien cua Doan Cai luong Dong Nai (dao dien Giang Manh Ha) (2)

Vở diễn của đoàn Cải lương Đồng Nai ( Đạo diễn Giang Mạnh Hà)

Học xong rồi mới thấy, được đào tạo bài bản thôi chưa đủ mà cái chính vẫn phải là con người mình. Làm đạo diễn nghĩa là lao vào cuộc chiến đấu không phải bằng súng đạn, gươm dao mà bằng suy nghĩ, sự cảm nhận của tâm hồn. Cuộc chiến với những cộng sự của mình như tác giả, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa để thuyết phục họ thay đổi, cắt đi cái này, thêm vào cái kia. Có những vở diễn phải thay đổi hoàn toàn bố cục, viết thêm nhân vật này, hoặc bỏ đi những nhân vật khác. Rồi phải chiến đấu với cả Hội đồng nghệ thuật nơi mình đến dàn dựng, có người hiểu, có người không hiểu, có người trong nghề, người không phải trong nghề. Nhưng họ đã có quyền duyệt thì phải đưa ra ý kiến song có những ý kiến nghe xong không thể chịu nổi vì nó hoàn toàn xa lạ với thông đệp mà mình muốn gửi gắm vào vở diễn. Mình nói thế này nhưng họ lại hiểu khác hoặc họ muốn nó phải khác. Rồi chiến đấu với chế độ tài chính, mình thích vở thế này, cách thể hiện phải thế này thì phải có những đạo cụ này, âm nhạc thế này, mỹ thuật thế kia nhưng thuyết phục mãi không được, cuối cùng họ bảo không có tiền. Thế là thôi, đành bó tay, khát vọng sáng tạo đành không thăng hoa mà hạ thấp.  Vô vàn những áp lực, gian nan mà một người đạo diễn phải gánh chịu. Song nếu một đạo diễn ăn khách, một năm trung bình cũng chỉ dựng từ 2 đến 4 vở diễn, còn với anh con số đó là 6, một nửa trong số này được dàn dựng ở miền Bắc.

Nếu liệt kê, số vở diễn, chương trình lễ hội mà anh vừa làm tác giả và tổng đạo diễn đến nay đã lên đến vài trăm, nằm rải rác khắp trong Nam, ngoài Bắc, và các tỉnh miền Trung. Làm việc xuyên Việt nên anh được tiếp cận với nhiều thể loại sân khấu, đặc trưng văn hóa vùng miền, “gu” nghệ thuật thẩm mỹ của mỗi địa phương, biết được khả năng, nhận thức, trình độ của các nghệ sĩ biểu diễn cũng như của khán giả, từ đó có thêm kiến thức để sáng tạo sao cho phù hợp với từng vùng đất.

Làm thì nhiều vậy, song mỗi lần nhắc đến cái “hơi thở thời đại” của kịch hát truyền thống dân tộc, anh cũng không tránh khỏi nỗi buồn. Anh cũng như nhiều nghệ sĩ khác đã trải qua những năm tháng hoàng kim, thời kỳ vàng son của nghệ thuật cải lương. Khi ấy, diễn viên được khán giả vô cùng yêu quý và tung hê. Nhiều lúc vừa biểu diễn trên sân khấu xong, nhận hoa từ người xem, có những người nhận anh là con, có người nhận là anh em. Những ngày tháng tươi đẹp ấy đã xa quá rồi, giờ thì ai cũng lo lắng, thậm chí bi quan về tương lai của môn nghệ thuật này. Nhưng xét cho cùng, trong kịch nghệ sân khấu thế giới cũng có những giai đoạn hình sin, và nó là xu hướng phát triển bình thường khi mà các hình thức công nghệ thông tin đang phát triển mạnh. Nếu tìm ra cách thức mới tiếp cận mới cho cải lương, thì có thể sẽ nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Hiện nay, khán giả không ồ ạt xếp hàng mua vé vào rạp xem cải lương như ngày xưa nữa. Nhưng nghệ sĩ vẫn quyết đến với khán giả. Vì thế, Cải lương đã thay đổi hình thức là không thể chỉ được biểu diễn ở một địa điểm duy nhất, mà phải tìm mọi cách tiếp cận với công chúng ở bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào diễn viên có thể đứng hát được. Anh gọi đó là diễn cho khán giả ngoài rạp. Hình thức này hóa ra lại hay vì nó giúp nghệ sĩ sống khỏe, sống vui. Anh bảo, mỗi lần đưa đoàn cải lương Đồng Nai ra đây, khán giả Bắc xem không ai bỏ về. Mỗi cảnh diễn, Giang Mạnh Hà lại đi xuống ngồi ở một góc khán giả, hết cảnh, anh lại chuyển sang góc khác để nghe ngóng phản ứng để biết họ thích và không thích điều gì trong tác phẩm của mình. Liệu họ có thấy được hình bóng mình trong đó? Khán giả không xếp hàng mua vé, doanh thu không thuộc loại “khủng” nhưng năm nào đoàn anh cũng được mời đi diễn các nơi, thế tạm gọi là thành công.

Thu Huyền

Nguồn tin: tcgd theo SK