Tác giả “Bố là tất cả”- NS Thập Nhất qua đời

Ns Thập Nhất

Ns Thập Nhất

Nhạc sĩ Thập Nhất (tên khai sinh là Nguyễn Thập Nhất, sinh ngày 13 tháng 6 năm 1959 tại Hà Nội ), hiện là Phó ban ca nhạc Đài Truyền hình TPHCM đã từ trần lúc 9 giờ 30 ngày 20/8 vì bị bệnh gan.

 

 
nhạc sĩ Thập Nhất

Trên trang cá nhân của nhạc sĩ Phan Hồng Sơn – Trưởng Ban ca nhạc Đài Truyền hình TPHCM đã thông báo về sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ Thập Nhất. Đối với nhạc sĩ Phan Hồng Sơn và các thành viên của Ban ca nhạc HTV, sự ra đi của nhạc sĩ Thập Nhất đã để lại niềm thương tiếc rất lớn.

Những ai đã từng làm cha và cho con đi nhà trẻ, hầu như đều thuộc ca khúc “Bố là tất cả” với giai điệu, ca từ dễ nhớ. Và nhạc sĩ Thập Nhất chính là người mang lại sự đồng cảm sâu sắc cho những ai đã từng là bố, để có sự thương yêu, trách nhiệm đối với con mình, nâng bước các con vào đời bằng tấm lòng bao dung, trìu mến và cho con những ước mơ đầu đời dựa vào hình ảnh, nhân cách của chính người bố trong cuộc sống.

“Bố là tàu lửa, bố là xe hơi

Bố là con ngựa em cưỡi, em chơi

Bố là thuyền nan cho em vượt sóng

Bố là sông rộng cho thuyền em bơi

Bố, bố là bờ đê cho em nằm ngủ

Bố, bố là phi thuyền cho em bay vào không gian

Bố, bố là bờ đê cho em nằm ngủ

Bố, bố là phi thuyền cho em bay vào không gian”…

Nhạc sĩ Vũ Hoàng – Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch TPHCM đã cho biết, nhạc sĩ Nguyễn Thập Nhất bắt đầu học nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam (sau này đổi thành Nhạc viện Hà Nội ) năm 1971. Sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp chính quy với môn sáo trúc năm 1980. Anh đã được phân công vào Nam, công tác ở Đoàn Ca múa Vũng Tàu cho đến năm 1984. Năm 1985, nhạc sĩ Thập Nhất trúng tuyển vào Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh , ngành sáng tác và tốt nghiệp vào năm 1988. “Sau khi tốt nghiệp, Thập Nhất dạy học ở trường Trung học Sư phạm Mầm non (hiện nay là Khoa Mầm non thuộc Trường Đại học Sài Gòn ). Năm 1990, anh chuyển sang công tác tại Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh , đảm nhiệm lãnh vực phổ biến âm nhạc dành cho thiếu nhi của đài. Năm 1997, Thập Nhất được nhạc sĩ Nguyễn Nam phân công phụ trách phần âm nhạc gắn với phong trào sinh viên, như các chương trình Âm nhạc và đời sống với hai chương trình nổi tiếng: “Một thời và mãi mãi”; “Đồng hành cùng nhạc sĩ”. Trong cuộc sống nhạc sĩ Thập Nhất sống rất hòa đồng với mọi người, chuyên tâm sáng tác và nghiên cứu, có trách nhiệm trong việc sáng tác nhiều ca khúc dành cho thiếu nhi, ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của phụ huynh, hướng phụ huynh học sinh hướng tới việc giữ gìn đạo đức, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ thông qua các ca khúc có ca tử, giai điệu dễ nhớ và nhân văn” – nhạc sĩ Vũ Hoàng đã nói.

Nhạc sĩ Thập Nhất viết khoảng 120 ca khúc dành cho thiếu nhi và 50 ca khúc về tình yêu và quê hương. Anh cũng viết nhiều nhạc hiệu cho các chương trình của Đài Truyền hình TPHCM, trong đó bao gồm bài "Những bánh xe quay nhanh" của cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh hay bài "Đuốc sáng Việt Nam" của chương trình cùng tên. Đặc biệt, nhiều năm gần đây anh còn tham gia ban giám khảo các cuộc thi như: Giờ thứ 9, Tiếng hát sinh viên, Đồng hành với công nhân lao động…

 
Nhạc sĩ Thập Nhất

“Anh là một tấm gương sáng cho thế hệ nhạc sĩ trẻ noi theo, khi anh sáng tác rất nhiều ca khúc với giai điệu và ca từ trong sáng, nâng cao tình yêu dân tộc và sự tỏng sáng của tiếng Việt trong cuộc sống. Vĩnh biệt anh, người nhạc sĩ tài hoa” – NS Ngọc Trinh – thành viên ban giám khảo của Giờ thứ 9 đã tâm sự.

Nhạc sĩ Thập Nhất cũng là người có nhiều ca khúc đoạt các giải thưởng hằng năm của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Nhạc sĩ Việt Nam . Những ca khúc viết cho thiếu nhi được khán giả yêu thích như: Bố là tất cả (phổ thơ: Đỗ Văn Khoái); Bé và ông mặt trời (lời: Ngô Thị Ngọc Hiền); Những bánh xe quay nhanh (thơ: Đinh Phong); Đuốc sáng Việt Nam…Nhạc sĩ Thập Nhất đã đoạt các giải thưởng: Giải tư Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 1987 với ca khúc "Nhớ đàn cò trắng" (phổ thơ Lê Hoàng Anh); Giải tư Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2000 với ca khúc "Ai xui quan họ" (phổ thơ Diệp Minh Tuyền); Giải tư cuộc thi sáng tác ca khúc do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2001 với ca khúc "Tình khúc cuối" (phổ thơ Phạm Dạ Thủy); Giải nhì cuộc thi do báo Mực Tím tổ chức năm 2003 với ca khúc "Sinh nhật Trăng"; Giải nhất Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2003 với tố khúc "Chuyện cổ tích loài người" (phổ thơ Xuân Quỳnh ); Giải nhất Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2006 và tặng thưởng Hội âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh năm 2006 với ca khúc "Anh hai"; Giải khuyến khích Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2006 với hợp xướng thiếu nhi" Em yêu Thành phố Bác Hồ của em"; Tặng thưởng Hội âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010 với ca khúc "Mùa Xuân DK"…

Nhạc sĩ Thập Nhất

 


Tác giả bài viết: Thanh Hiệp

Nguồn tin: Duyenclvn theo nld.com.vn