Giã Từ Mạnh Bích của "Thôn Trăng"

Giã Từ Mạnh Bích của "Thôn Trăng"
Mới vào ngày đầu năm của năm Bính Tuất, tôi nhận được tin buồn từ Paris. Nhạc sĩ Trần Quang Hải và nhạc sĩ Linh Chi thông báo cho bạn bè trên net hay là nhạc sĩ hay giáo sư, cũng như nhà văn Nguyễn Mạnh Bích đã mãn phần. Đây là là một cú "shock" đối với tôi. Tháng 12 của 2005 khi nhạc sĩ Nguyễn Hiền ra đi, tôi gửi email lên net xin lời phân ưu cho bài viết, thì phải nói là nhà văn Mạnh Bích rất tình nghĩa, rất sốt sắng gửi bài viết ngay ngày hôm sau. Tôi xem lại lời ông viết cho nhạc sĩ Nguyễn Hiền, với một ý tưởng áy náy trong lòng, tôi đã nghĩ tôi nợ ông một bài viết. Và rằng nó chính là: "Giã Từ Mạnh Bích của "Thôn Trăng" " trước mặt tôi đây, mà tôi góp nhặt nhiều bài viết của các thân hữu biết ông nhiều, hoặc giả không biết nhiều về ông, nhưng trong ý nghĩ của tôi thì Nguyễn Mạnh Bích quý bạn bè trong tình bằng hữu, vì thế nên trong văn chương sách vở cũ với cái ý niệm "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ", tôi xin mời quý bằng hữu hãy đến cùng Nguyễn Mạnh Bích lần này khi ông rũ bỏ kiếp nợ trần gian.
Trong bài viết của nhà văn Từ Trì từ Paris qua tựa đề "Nhà văn Mạnh Bích Từ Trần", bài viết đi qua nhiều chi tiết về nhà văn Mạnh Bích (*) như sau:

"Nhà văn Mạnh Bích đã ra đi. Nhà văn Mạnh Bích không còn nữa: một tin buồn trong cộng đồng Người Việt Tự Do. Mạnh Bích tên thật là Nguyễn Mạnh Yên, sinh năm 1929 tại Thừa Thiên trong một gia đình nho phong miền Trung. Mạnh Bích là một con người ưu tú, nhiều tài năng đa dạng. Ông cùng một lúc là một giáo chức, môt nhạc sĩ và một nhà văn.

Tốt nghiệp cử nhân văn chương Pháp và cao học văn minh Pháp tại Đại Học Đường Sàigòn., ông đã giảng dạy môn văn chương Việt Nam tại các trường trung học Pháp ở Sàigòn như Jean-Jacques

Rousseau, Marie Curie, Regina Pacis, Taberd và dạy môn Văn chương Pháp tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, và Institut français. Định cư tại Pháp, ông tiếp tục giảng dạy môn văn chương Pháp tại các trường trung học Georges Brassens và André Maurois thuộc Académie de Versailles.

Là một nhạc sĩ ưu tú ông đã sáng tác tại Việt Nam trong thời gian 1949 - 1981 rất nhiều bản nhạc nổi tiếng như Dưới bóng dừa, Cánh phượng, Tâm tư v… v…và nhất là 10 ca khúc « Tiếng hát trong tù ». Tại quốc ngoại ông hay sáng tác theo lối phổ nhạc vào thơ mà ông gọi là loại « Lời thơ ý nhạc ». Các bài thơ thuộc loại này gồm có những bài « Anh ghép tên em vào tên anh » (thơ Hồ Trọng Khôi), « Ngày xưa » (thơ Tuệ Nga), « Về động Đào hoa » (thơ Phạm thị Nhung), « Tình già » (thơ Hoài Việt) v… v…

Là một nhà văn, Mạnh Bích viết rất nhiều cuốn sách có giá trị để gửi gấm những suy tư cảm nghĩ sâu rộng về cuộc sống tâm linh của con người. Đáng chú ý nhất là bộ tam thức gồm 3 cuốn Giòng sông trầm lặng, Lá rụng và Gió cuốn mây bay trong đó ông đưa ra những niềm trăn trở triết lý về sự « tĩnh lặng của tâm hồn ».

Là một nhà văn song ngữ ông còn viết nhiều văn phẩm bằng tiếng Pháp mà đặc biệt nhất là cuốn « Le Vietnam crucifié » nói lên những nỗi thống khổ của người dân Việt qua các cuộc tranh chấp ý thức hệ trên thế giới. Do đó ông đã được giải thưởng văn chương đặc biệt của Hội Văn Gia Pháp Ngữ Quốc Tế (ADELF hay Association des écrivains de langue française) năm 2001.

Là một nhà văn đầy nghị lực, Mạnh Bích từ khi gia nhập tổ chức Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (VBVNHN) vào năm 1995 đã tích cực hoạt động trong Trung Tâm Âu Châu. Ông hăng hái trợ giúp và ủng hộ Ban Chấp Hành của Trung Tâm trong việc liên lạc với các tổ chức bạn. Ông đã cùng với nhà văn Từ Nguyên, Chủ Tịch Trung Tâm Âu Châu, đại diện Văn Bút Âu Châu trong kỳ V của Đại Hội Đồng VBVNHN năm 1995 tại Little Saigon và được bầu vào chức vụ Chủ Tịch Ban Chấp Hành Lâm Thời của VBVNHN để tổ chức cuộc bầu cử tân Ban Chấp Hành năm sau. Cùng với các văn hữu Hoài Việt và Từ Nguyên ông đã thành lập hội Bạn Văn để bổ túc các hoạt động của VBVNHN.

Nhà văn Mạnh Bích đột ngột qua đời vào tối hôm mồng hai Tết Bính Tuất tức là ngày 30 tháng 01 năm 2006 để lại một khoảng trống mênh mông trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại.

(Thương khóc Mạnh Bích Nguyễn Mạnh Yên Đồng Tác giả Bình Huyên, Paris, đầu 02/2006)

(*): Giáo sư nhà văn nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Yên, có bút hiệu Mạnh Bích, là tác giả bộ Tam Thức, Gió Cuốn Mây Bay, Lá Rụng, Giòng Sông Trầm Lặng."

Từ thành phố New Orleans bị gió bão thiên nhiên tàn phá, nhà thơ Mùi Quý Bồng cho tôi đôi dòng về nhạc sĩ Mạnh Bích. Anh cũng là Chủ biên (Chief Editor) Tập San của Hội Y Nha Dược Việt Nam tại tiểu bang Louisiana:

"Tôi thực sự không được biết về nhạc sĩ Mạnh Bích nhiều, ngoại trừ hai bài nhạc mà ông đã sáng tác cho vườn âm nhạc Việt Nam. Bài thứ nhất là "Thôn Trăng", tôi còn nhớ là tôi đã nghe nhiều lần hồi còn nhỏ, học trung học, nhạc như sau:

Thôn Trăng

(Kính tặng thầy Nguyễn Trung Phán )

Đêm nay trăng soi thôn trang,
Gió đưa gió đưa nhịp chảy vang (quê hương à ơi)
Trăng đến vui thôn làng cho nặng tình yêu thương
(âm vang) ...

Êm êm trên sông ven thôn,
Gió đưa gió đưa giọng hò khoan hò khoan (hò khoan hò khoan)
Nghe sóng vỗ mạn thuyền gợi tình, tình quê hương
Nghe sóng vỗ mạn thuyền thêm nặng lòng biết bao là tình .
Ớ! quê hương mình (hò dô hò) đồng rộng trời thanh
Ớ! nước non mình (hò dô hò) cảnh đẹp người xinh

Ớ ờ ơ, này là trai (ơ) gái (ớ ớ dô ớ hò) ta như đôi bàn tay,
Ớ ờ ơ, cùng một giòng (ư) máu (ớ ớ dô ớ hò) ta thương yêu (ờ) nhau.

Đêm nay trăng soi thôn trang,
Gió đưa gió đưa dật dìu cành tre (quê hương à ơi)
Ai hát câu thơ Kiều nặng tình quê hương (âm vang) ...

Đêm đêm ai ca ru con khẽ đưa, khẽ đưa à ơi câu buồn thương (khoan khoan hò khoan)
Bao trẻ thơ trong làng ra bờ đê cười ca vang
Ra ngắm ông trăng vàng thêm nặng lòng mến yêu thôn làng
Ớ! Quê hương ờ ơi! Ơi, quê hương ờ ơi!

(Nhạc Mạnh Bích, lời: Nguyên Diệu)"

Bài ca này được nhà in Tinh Hoa Miền Nam ấn hành vào năm 1968. Bài thứ hai được nhiều người biết đến là "Không Bao Giờ Em Khóc" thì thành thực mà nói tôi chưa nghe bao giờ cả vì trong thời gian CS bắt dân quân cán chính VNCH đi "học tập cải tạo" thì tôi đang ở Hoa Kỳ du học. Bài Thôn Trăng mang âm hưởng nghe rất vui tươi, đầy tình tự quê hương, còn bài "Không Bao Giờ Em Khóc" có lời rất cảm động, nhưng tiết tấu nhạc vẫn có một nét tin tưởng, phấn khởi chứ không ủy mị khóc than, phản ảnh niềm tin mãnh liệt vững vàng ở một ngày mai tái ngộ dù cho sóng gió dập vùi:

"Không Bao Giờ Em Khóc (Mạnh Bích)
(Tặng những người vợ chờ đợi chồng đi học tập cải tạo về)

Tìm anh trong núi rừng Lam Sơn chập chùng
Tìm anh trong gió, trong mưa đất Kà-Tum
Em, em đi tìm trong những rã rời
của miền cát nắng A - Ba mươi (A30)
Trong màu nắng quắt những ân tình xưa
Chờ anh mãi mãi, bằng con tim u hoài
Chờ anh cho dẫu... sắc hương có tàn phai
Nhưng không bao giờ em khóc, cho dù...
Cho dù nắng đốt cháy tuổi xanh
Cho dù gió buốt tái tê duyên lành !

Nhưng anh ơi, như Chức Nữ gặp chàng Ngưu
Anh anh ơi, khi chúng ta gặp lại nhau
Thì anh, thì anh sẽ nhìn trong khóe mắt lệ đoanh tròng
Có bóng anh yêu muôn đời
Với ánh sáng trên làn môi

Chờ ngày hôm ấy, ngày đôi ta tương phùng
Lệ tràn đôi má chúng ta sẽ hòa chung
Em, em sẽ cùng anh nhấp men tình
Qua vị nước mắt ướt ven môi
Trong màu sáng chói ánh sao đổi ngôi
Em đang chờ anh, em sẽ chờ anh mãi mãi...!!!"

Tóm lại, tôi thích cả hai bài hát này, vì mỗi bài đáp ứng cho một chủ đề riêng, nguồn rung cảm riêng của người nhạc sĩ khi sáng tác. Nhưng thưa anh Việt Hải tôi nghĩ không cần viết thêm đâu, vì tôi e ngại lời viết sẽ thành sáo ngữ mất. Duy có điều buồn là vì theo dòng thời gian những mất mát, những mai một nhân tài cứ từ từ xảy ra cho làng âm nhạc hoặc văn học Việt Nam của chúng ta. Trong mấy tháng qua có bao nhiêu người đã ra đi từ bỏ thế giới chúng ta rồi? Những người tôi biết tên tuổi cũng như những người có những đóng góp thăng hoa cho đời sống này mà tôi không rỏ về họ lắm. Nhưng tất cả mọi sự ra đi của các thân hữu này đều làm cho chúng ta buồn. Xin anh cho tôi được góp một lời cầu nguyện cho hương hồn Giáo Sư và Nhạc Sĩ Mạnh Bích sớm siêu thoát. MQB"

Tôi nhận được một email khác của nhà thơ Thanh Thanh Lê Xuân Nhuận chia sẻ ý kiến khi nghe tin nhạc sĩ Mạnh Bích lìa bỏ chúng ta như sau:

"Kính anh Việt Hải,... Tôi là một người yêu âm-nhạc (ai mà không yêu âm-nhạc?) nhưng thời-gian tôi "gần-gũi" với nhạc-sĩ (nhạc-tác-gia lẫn nhạc-tấu-gia) và ca-sĩ nhiều nhất là khoảng 1954-1957, lúc tôi làm Trưởng Đài "Tiếng Nói Quân Đội tại Đệ Nhị Quân Khu” ở Huế.

Trong số các Ban của Đài, tất-nhiên có Ban Tân-Nhạc. Vì chương-trình "Tiếng Nói Quân-Đội” được phát trên Đài Huế, mà các làn sóng của Đài Huế thuở đó thì rất mạnh (nghe rõ tận các tỉnh ngoài Bắc lẫn trong Nam), hầu hết nhạc-sĩ và ca-sĩ của Đài Huế đều tham-gia Đài Quân-Đội; và Phòng 5 cấp trên của Đài Quân-Đội Đệ-Nhị Quân-Khu thì rất giàu (trả tiền hậu-hĩ cho văn-nghệ-sĩ) nên có nhiều Ban Nhạc cũng như cá-nhân nhạc-sĩ và ca-sĩ từ Sài-Gòn được mời ra trình-bày trên Đài Quân-Đội Huế, và một số ca+nhạc-sĩ nhờ Đài Quân-Đội Huế nâng đỡ bước đầu để sau đó vào Sài-Gòn là nổi danh. Các nhạc-phẩm nói về Huế và Miền Trung thì được phổ-biến nhiều hơn, và các nhạc-sĩ ca-sĩ gốc Huế hoặc trú tại Huế thì đương-nhiên được đồng-bào địa-phương quen tên biết mặt nhiều hơn.

Đông quá, vui quá; nhưng vì tôi quá bận-bịu về mặt chính-trị (viết bài "Bình-Luân" hằng ngày cho Đài, kiêm biên-tập-viên cho tuần-báo "Tiếng Kèn" và "Bản Tin" hằng ngày cũng như nội-dung tuyên-truyền của các toán "Tác-Động Tinh-Thần” lưu-động hằng đêm, kiêm "Phóng-Viên Chiến-Tranh", v.v... nhất là tự mình ly-khai với Bộ Tư-Lệnh Đệ-Nhị Quân-Khu thân Pháp để hậu-thuẫn cho chí-sĩ Ngô Đình Diệm, rồi xông-xáo vận-động quân-nhân và dân-chúng truất-phế Bảo Đại, v.v...), Ban Tân-Nhạc được khoán cho các nhạc-sĩ trong Đài, từ Lâm Tuyền, Văn Giảng, cho đến Lê Trọng Nguyễn (có sự giúp-đỡ của các nhạc-sĩ tên-tuổi bên ngoài như Nguyễn Hữu Ba, Lê Quang Nhạc, Ưng Lang, Hoàng Thi Thơ, Hoàng Nguyện, Anh Chương, Lê Hữu Mục, Ngọc Linh, Lê Tất Vịnh, v.v...), nên tôi rất tiếc không nhớ là mình đã gặp Mạnh Bích trong trường-hợp nào.

Tuy nhiên, có điều chắc-chắn là nhạc của Mạnh Bích, nhất là bản "Thôn Trăng", là một trong những nhạc-phẩm mà tôi yêu thích nhất. Sau khi tôi đã từ-giã môi-trường văn-học/âm-nhạc trên Đài Phát-Thanh, tôi vẫn nghe Đài, và nghe "Thôn Trăng” được trình-bày rất nhiều lần, theo lời yêu-cầu của đồng-hương và thính-giả gần xa. Có gì vui thỏa cho bằng khi được các giới thưởng-ngoạn yêu thích tác-phẩm của mình...

Sau cùng, kèm theo đây tôi có mấy câu thơ "Tiễn Đưa Mạnh Bích", xin gửi anh, để tùy nghi xử dụng:

Tiễn Đưa
Mỗi lần có một bạn ra đi
Lòng lại ngùi đau nỗi biệt ly
Nhưng, đã góp phần cho cõi thế
Thì di sản đó mãi còn ghi...
Thanh Thanh (Lê Xuân Nhuận)".
Nhà thơ Dương Huệ Anh ở Bắc Cali nghe tin nhà văn Mạnh Bích ra đi, ông làm bài thơ tiễn bạn với ý tưởng như sau:

"LẠI MỘT NGƯỜI ĐI...

Lại một người đi chẳng hẹn về.
Ba mươi,bẩy chục... khác nhau chi?
Thân, sơ... một nỗi niềm u uất,
Già, trẻ... chung tâm sự não nề!
Danh vọng, bạc tiền... đành bỏ lại,
Sắc tài, sự nghiệp...dễ mang đi?
Đưa nhau, mấy nén nhang thơm, ngưyện,
Tịnh Độ nương về, quán Đại Bi!!
DHA".

Nhà văn Tạ Xuân Thạc tại Houston nêu lên những cảm nhận đầu tiên khi đọc sách "Gió Cuốn Mây Bay" của Mạnh Bích:

"Tôi đọc văn của nhà văn Mạnh Bích nghiệm thấy rằng ông áp dụng cả một trời lý thuyết tương quan Đông Tây nếu ta phải đi sâu, cặn kẽ về các nguyên tắc duy Luận lý hay Phân tâm học hay cả Phật học. Ông xoay quanh chủ đề tìm cho mình sự an bình tự tại. Theo lập luận của tác giả Mạnh Bích khi con người sống, họ sống với hai hình thái của giá trị trừu tượng về tâm linh, một là con người thật của chính mình, hai là con người khi mình ra ngoài xã hội, mà có khi con người xã hội kia lại mâu thuẩn với ngay chính mình, với thuyết suy luận bên Đông phương của Khổng Tử cho là "Nhân chi sơ tính bản thiện", đó là con người thực sự của chính ta, theo nếp sống bị xoay vần ngoài xã hội con người thực sự đó mất dần đi bản tính chính thống của chính mình để thành con người của xã hội. Bên phái Phân tâm học của nhà phân tâm Sigmund Freud cũng đưa ra hình thái con người nguyên thủy lúc chào đời, những suy tưởng tâm linh thật là trong trắng, để rồi xã hội tội lỗi mang con người đi xa với bản thể của chính mình, thì theo ý niệm trong văn của Mạnh Bích khi ta đứng giữa nỗi trăn trở, nỗi băn khoăn đó, thì chúng ta không có an bình.

Như vậy để có sự an bình trong tâm hồn, muốn sống thư thái trong sự an nhiên tự tại, ta hãy vui với chính mình, hợp với lý lẽ đạo Trời Đất, chúng ta hãy sống với con người thực của mình. Chính cái giá trị chân thiện mỹ trong kiếp sống vô thường, phù vân này khiến ta trở về với cái giá trị nguyên thủy mà bên Phật giáo quan niệm là rũ sạch bụi trần gian, ta sống với cuộc đời siêu sinh thanh tịnh, hầu giác ngộ bằng trí huệ viên mãn để gỡ bỏ những khổ lụy trầm luân.

Ngày hôm nay nhìn lại những tác phẩm mà Mạnh Bích để lại từ "Giòng Sông Trầm Lặng" đến "Gió Cuốn Mây Bay" là cả một đóng góp phản ảnh cho truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam. Và cũng trong ý tưởng thoát thai từ sách thì sự an bình đã đến với nhà văn, nhà giáo và nhạc sĩ Mạnh Bích của chúng ta để ông tìm được cõi hạnh phúc nơi cuối đời.

Tạ Xuân Thạc cùng các bạn Đồng Tâm DQS, Houston".

Nhạc sĩ Trần Đại Phước đã cho đôi dòng cảm nhận về cá tính của nhạc sĩ Mạnh Bích như người của sự trân quý với đức tính trầm mặc và hòa nhã:

"Nhạc sỹ Mạnh Bích là một thành viên có tuổi, trầm tính, ít lên tiếng trong diễn đàn, nhưng chỉ qua một vài liên lạc chung và riêng, chúng ta có thể nhận ngay ra tác phong tư cách cao cả của ông trong lãnh vực âm nhạc, văn hoá, lẫn xã giao thông thường.

Xin chân thành chia buồn cùng gia đình nhạc sỹ Mạnh Bích và cầu chúc hương hồn ông được về cõi vĩnh hằng cực lạc.
Trần Đại Phước"

Nhạc sĩ Trần Quang Hải cũng là nhà văn hội viên trong tổ chức Văn Bút Âu Châu đã có dịp phỏng vấn nhà văn Nguyễn Mạnh Bích, bài phỏng vấn khá dài tôi chỉ xin trích đoạn về phần bàn về nghề nghiệp và tác phẩm của ông để lại cho đời.

"* Trả lời nhạc sĩ Trần Quang Hải thì sau đây là chi tiết về tiểu sử:

Mạnh Bích (MB) : Tôi sinh năm 1929 ở Thừa Thiên (Trung Việt) . Lúc nhỏ học tiểu học ở trường Vạn Xuân (Thành Nội), và sau đó ở trường Quégnec tại Huế . Khi vào trung học thì học ở Lycée Khải Định (Huế) . Sau khi đậu tú tài, tôi vào đại học, đậu cử nhân giáo khoa văn chương Pháp và cao học văn minh Pháp ở đại học văn khoa Sài Gòn . Tôi đã dạy văn chương Việt ở các trường Pháp như Jean Jacques Rousseau, Marie Curie, Taberd, Regina Pacis ở Sài Gòn và Fraternité ở Chợ Lớn cho đến năm 1975 . Tôi cũng dạy văn chương Pháp ở Đại Học Vạn Hạnh (cấp cử nhân), và Institut Français (các lớp tốt nghiệp) ở Sài Gòn cho đến năm 1975. Khi sang Pháp, tôi dạy văn chương Pháp (cấp trung học) ở các trường Georges Brassens và André Maurois (Académie de Versailles, ngoại ô Paris) từ năm 1984 đến lúc hưu trí vào năm 1995.

* Câu hỏi về học nhạc:

MB : Lúc đầu tiên tôi học nhạc bằng cách chơi đàn với bạn bè : mặng cầm (mandoline) và sáo tre với nhạc sĩ Văn Giảng (là Thông Đạt, tác giả ca khúc « Ai về sông Tương »). Khi Văn Giảng đến học hạ-uy-cầm với Ưng Lang thì tôi học tây ban cầm với Ưng Tiến. Trong thời kỳ này (từ 1942 đến 1949 ở Huế) tôi học thêm nhạc lý với trường hàm thụ ở Paris (Cours universels de correspondance)

- Từ lúc vào Sài gòn, học thêm nhạc lý (hòa âm và sáng tác) với nhạc sĩ Trần văn Lý, đài Pháp Á. Anh Lý là « ông thầy » khai tâm của tôi. Hôm ấy, tôi đem đến cho anh ấy một bản vừa sáng tác « Trở về chốn xưa » (sau này được sửa lại là « Nhà cũ vườn xưa ») anh Lý, tuy vừa ở phòng thâu ra và sắp phải tập dượt tiếp với Anh Ngọc, vẫn cầm lấy để xem. Sau khi đọc qua, anh ấy kéo tôi vào văn phòng và một cách ân cần và dịu dàng phân tích cho tôi nghe là tác phẩm đầu tay của tôi « hoàn toàn hỏng, complètement foutu ». Tôi ngẩn ngơ và rất buồn. Không ngẩn ngơ sao được vì lúc ấy, tôi không hiểu gì cả về những nguyên tắc căn bản của sự cấu tạo giai điệu (phrase mélodique), hòa âm (harmonisation), hợp âm (contre-point) và nhất là cấu trúc (structure) của một bản nhạc. Còn buồn thì tất nhiên rồi vì khi đến, tôi hí hửng tưởng được khen là « tác phẩm đầu tay mà tuyệt tác quá, un coup d’essai valant un coup de maitre ! », đâu ngờ !!! Thấy vậy, anh Lý vỗ vai tôi và khuyên : « Em nên trau dồi thêm về hòa âm để làm nhạc ‘tốt’ hơn. Về cấu trúc, em chỉ cần học thật kỹ thơ Đường » Lại một chuyện lạ nữa. Sao lại phải học thơ Đường, tôi tự hỏi. Anh Lý, hình như đoán biết, liền tươi cười nói : « Thơ Đường có nhiều loại, có thể đem lại cho mình nhiều vần điệu cũng giống như nhạc vậy. Riêng loại thông dụng bốn câu năm chữ, loại tám câu bẩy chữ thì rất cần vì từ đó, mình mới nắm vững được sự cân đối của một bài nhạc. Về học đi »

Mấy tháng sau, nhận thấy tôi có thâm nhập được những lời khuyên của mình, anh Lý giới thiệu cho tôi anh Xuân Lôi (từ Hà Nội vào) và nhạc sư Grégor (pianiste). Theo anh Lý, đấy là hai nhạc sĩ mà anh quí trọng : « anh Xuân Lôi thổi saxo rất điêu luyện vì anh ấy có tâm hồn thi sĩ. Nhờ vậy mà anh ấy chơi nhạc hay. Còn ông Grégor là một giáo sư piano rất bổ ích cho việc soạn nhạc vì ông ấy rất chú trọng về "étude de gammes" (nghiên cứu thang âm hay âm giai)

Dù được soi đường như vậy, chuyện âm nhạc của tôi vẫn nằm trong nguyên lý văn chương trong truyền thống của gia đình : người có học (instruit) thì phải biết nhiều nghề (sĩ kiêm bách nghệ), nói cho gọn là phải biết hưởng BỐN sinh thú tinh thần : cầm, kỳ, thi, họa. Có bạn văn chương chưa đủ, phải có thêm bạn đờn, đấy là lời dạy bảo được lưu truyền từ đời ông-nội của tôi. Cho nên, tôi không bao giờ có ý định trở thành instrumentiste, cũng như cố leo lên bậc cao cấp của việc « học nhạc ». Tôi học tây–ban-cầm, cũng như dương cầm, cũng như măng cầm (mandoline) hay thổi sáo tre chỉ đến trình độ xoàng xĩnh, tầm thường, có thể xếp vào hạng chơi vớ vẩn vậy thôi. Có nghĩa là âm nhạc, đối với tôi, kể cả lúc viết nhạc, chỉ là một thú tiêu khiển như viết văn.

* Những nhạc phẩm của Mạnh Bích:
Trong thời kỳ này (1949-1981) tôi chỉ viết vỏn vẹn có những bài này:
- Dưới bóng dừa (với Y Vân)
- Cánh phượng (với Võ đức Tuyết)
- Tâm tư (với Hoàng Lang)
- Thư người chiến binh (với Nguyên Diệu)
- Về miền núi cao
- Những cánh mai vàng
- 10 ca khúc « Tiếng hát trong tù » : Tình ca người vượt biển, Ngoài song, Không bao giờ em khóc, Đón mẹ, Quà đau thương, Mưa buồn thế hệ, Giọt sương, Trăng mờ Ma Liêng, Giáng sinh Ma Liêng, Một ngày mai.

* Những nhạc phẩm phổ từ thơ:

MB : Sau này, khi tôi bắt đầu hoạt động văn hóa tại Pháp, tôi quay sang lối viết bằng cách « phổ nhạc vào thơ » . Nguyên nhân là khi tôi nhận được một thi phẩm của một nhà thơ nào gửi đến tặng thì tôi cám ơn bằng cách « phổ nhạc » một vài bài tôi ưa thích nhất. Loại nhạc này được tôi xếp vào loại « Tình thơ ý nhạc » còn loại của tôi sáng tác trọn vẹn cả nhạc lẫn lời thì thuộc loại « Tình ca »

- Anh ghép tên em vào tên anh (Hồ trọng Khôi, 1991)
- Buồn xưa (Tùy Anh, 1996)
- Đà Lạt yêu (Vũ Thi An, 1998)
- Hoài hương (Minh Tâm, 1997)
- Lẵng hoa trong mộng (Tuệ Nga, 1996)
- Màu thơ tôi (Hoài Việt, 1990)
- Ngày xưa (Tuệ Nga, 1996)
- Những giọt sương (Tùy Anh, 1998)
- Tình già (Hoài Việt, 1990)
- Ước thầm (Vũ Thi An, 1998)
- Về động Đào hoa (Phạm thị Nhung, 1998)
- Chốn cũ vườn xưa
- Cho tôi một ngày
- Nhớ Sài gòn
- Về với Paris
- Mẹ

* Về viết sách:

MB : Viết sách là động cơ chính cho sự hoạt động văn hóa của tôi ở Pháp. Lúc đầu, từ khi ở trên đất Pháp, vì bận việc dạy học, tôi chỉ viết những quyển « Le douloureux voyage » (tâm sự lưu vong nói với con cháu) « Promenade dans leurs jardins » (dịch thơ hay của các bạn thơ) để dành cho con cháu, bạn bè thân xem chứ không cho phổ biến. Chỉ bắt đầu từ năm 1997, sau biến cố lớn lao và đau buồn của Văn bút Việt nam hải ngoại, tôi mới nghĩ đến việc phổ biến tư tưởng văn học của mình. . Bản tiếng Pháp tựa là « Le Viêt nam crucifìé » được Giải thưởng Văn chương đặc biệt của Hội Văn gia Pháp ngữ Quốc tế năm 2001.

Những tác phẩm khác như « Những tâm hồn nổi loạn, Người công dân thế kỷ 21 » được viết cho lứa tuổi vị thành niên cũng nằm trong luận điệu ấy. Hai quyển « Tam giáo và Việt tính » (khảo luận) và « Lá rụng » (triết lý) chỉ có liên quan đến vấn đề « tĩnh lặng của tâm hồn ». Những bài báo của tôi thường lấy trọng tâm « Việt tính » mà thôi, kể cả những bài viết có tựa đề là « Chuyện tào lao » với biệt hiệu Ô.L.A."

Khi nhạc sĩ Mạnh Bích ra đi thì nhạc sĩ Trần Quang Hải đang làm chuyến lưu diễn trên ba tiểu bang của Mỹ quốc. Anh cho thấy niềm luyến tiếc một nhân tài, một văn hữu và một nhạc sĩ có tâm hồn yêu quê hương, anh đã tâm sự cùng tôi khi điện đàm mà anh cung cấp các internet link cho tôi viết bài.

Từ Minneapolis, nhà văn biên khảo Nguyễn Văn Thành nhận xét về sự ra đi của nhà văn Mạnh Bích như sau:

"Trước sự ra đi của cố nhạc sĩ Mạnh Bích, chúng ta thật thương tiếc một nhân tài trong nền văn học Việt Nam qua văn, thơ, nhạc… Đôi giòng về giòng nhạc trong tình yêu của Mạnh Bích nói lên sự thủy chung son sắt qua nhạc phẫm "Không Bao Giờ Em Khóc", tâm trạng của những người vợ chờ chồng đi học tập cải tạo, dù sông núi chập chùng, dù gió mưa hiểm trở, em vẫn đi tìm anh trong màu nắng quắt những ân tình xưa, em vẫn chờ anh dù tuổi xuân có qua đi bằng con tim u hoài, tấm lòng người vợ cố nén những giọt nước mắt để vượt qua những đau buốt tái tê trong duyên phận.

Chờ anh mãi mãi, bằng con tim u hoài
Chờ anh cho dẫu... sắc hương có tàn phai
Nhưng không bao giờ em khóc, cho dù...
Cho dù nắng đốt cháy tuổi xanh
Cho dù gió buốt tái tê duyên lành !

Sự gặp gỡ như Ngưu Lang Chức Nữ qua những lần vượt ngàn dặm viếng thăm, gặp nhau trong nước mắt lưng tròng, nhưng tình yêu dành cho anh vẫn muôn trùng, bóng dáng anh vẫn muôn đời trong cuộc đời người vợ sắt son.

Nhưng anh ơi, như Chức Nữ gặp chàng Ngưu
Anh anh ơi, khi chúng ta gặp lại nhau
Thì anh, thì anh sẽ nhìn trong khóe mắt lệ đoanh tròng
Có bóng anh yêu muôn đời
Với ánh sáng trên làn môi

Nàng chờ đợi ngảy tương phùng sẽ cùng chàng nhấp men tình, cả hai sẽ hòa chung những giòng lệ tràn đầy khóe mắt, Em sẽ chờ và sẽ mãi mãi chờ đợi anh.

Chờ ngày hôm ấy, ngày đôi ta tương phùng
Lệ tràn đôi má chúng ta sẽ hòa chung
Em, em sẽ cùng anh nhấp men tình
Qua vị nước mắt ướt ven môi
Trong màu sáng chói ánh sao đổi ngôi
Em đang chờ anh, em sẽ chờ anh mãi mãi...!!!

Nguyễn Văn Thành, Minnesota"

Kẻ đi sau khóc người đi trước. Nhà báo Lê Anh Dũng từ Nam Cali ghi nhận vài giòng tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa Mạnh Bích qua bài "Anh Đi Rồi":

"Anh đi rồi,

như con thuyền nhổ neo,
Để người nhìn theo tưởng nhớ!
Có nổi buồn nào không vụn vỡ,
Để hàng cau sắp hàng tiễn đưa!
Để Thôn trầu lá úa lưa thưa,
Còn đâu nữa mùa xuân ngày củ...
Anh để lại,
Có bao giờ ta thấy đủ,
Có bao giờ ta đón nhận hân hoan!
Gia tài của anh như nốt nhạc thời gian,
Sao ta vẫn còn quá nhiều đòi hỏi...
Đòi hỏi anh ở lại,
Vì chúng ta vẫn còn trong cỏi,
Cỏi nhân gian đã thiếu vằng tên anh...
Ôi ta ngước lên gào với trời xanh,
Sao cứ để nhân tài tác tan hoa rụng!
Mạnh Bích cả nét hiền nét dũng
Chưa đủ âm ba sương phủ giang hà!
Hảy hát lên vượt thác phong ba...

lêanhdũng"

Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng từ Nam Cali chia sẻ và nhắc lại bài "Thôn Trăng" của nhạc sĩ Mạnh Bích:

"Nhận được tin NS Mạnh Bích qua đời bên Pháp, hưởng thọ 77 tuổi. Xin chia buồn cùng gia đình NS Mạnh Bích. Mong hương hồn NS MB chóng về cõi Vĩnh Hằng.

Phạm Anh Dũng. "

Trong cái tâm tình khi thấy một thân hữu ra đi, nhạc sĩ Anh Vũ, đại diện cho Văn Bút Nam Cali đã gửi lời phân ưu:

"Việt Hải thân, Nghe tin bạn thông báo nhạc sĩ Mạnh Bích đã mãn phần tại Paris, tất cả anh chị em Văn Bút Nam Cali xin gởi lời chia buồn với bảo quyến của của nhạc sĩ nhà văn Mạnh Bích và Trung tâm Văn Bút Âu Châu.

"Lời này nhắn gởi người đi
Trao nhau lời cuối biệt ly ngậm ngùi."
Anh Vũ, TT VBNCali."
Nhạc sĩ Phan Đình Minh tại Dallas, một hội viên của Văn Bút Vùng Nam Hoa Kỳ, gửi đến tôi lời chia buồn như sau:

"Một người bạn quý của nền văn học Việt Nam đã vĩnh viễn rời bỏ chúng ta, một cây bút trung thành với chữ nghĩa Việt Nam ra đi, và anh là một cựu tù nhân dưới chế độ bạo quyền của CSVN; Dĩ nhiên, anh em chúng ta đau buồn. Tôi muốn nhìn sự ra đi của nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Bích ngày hôm nay bằng ý nghĩa tích cực nhất, bởi vì anh đã để lại những áng văn chương vô giá, những tác phẩm bất hủ sống mãi trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.

Xin anh cho tôi gửi lời phân ưu đến gia đình nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Bích.

"Chờ ngày hôm ấy, ngày đôi ta tương phùng
Lệ tràn đôi má chúng ta sẽ hòa chung
Em, em sẽ cùng anh nhấp men tình
Qua vị nước mắt ướt ven môi
Trong màu sáng chói ánh sao đổi ngôi
Em đang chờ anh, em sẽ chờ anh mãi mãi...!!!"

(Tình ca "Không Bao Giờ Em Khóc", Mạnh Bích)

Thi sĩ Nguyễn Phan Ngọc An của vùng Bắc Cali, chị muốn tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Bích trong bài chia tay chung này như sau:

"Nghe tin anh Nguyễn Mạnh Bích mất Ngọc An buồn, vì từ từ những bạn bè thi ca nhạc hay văn hữu tiếp tục ra đi, xin Việt Hải ghi nhận sự đóng góp của Ngọc An qua lá email này trong tâm tình thi hữu:

"Trần gian giã biệt chia tay,
Chúc anh yên giấc thiên thai muôn trùng".
Nguyễn Phan Ngọc An, San Jose).

Nhà văn Hoàng Huy Giang, đương kiêm Chủ Tịch Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Nam Úc Châu, chị chia sẻ trong email như sau:

"Xin anh Việt Hải cho HHG và các bằng hữu trong Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Nam Úc Châu gởi lời chia buồn đến nhà văn Nguyễn Mạnh Bích và xin cầu chúc hương linh nhà văn sớm tiêu diêu nơi lạc cảnh.

Hoàng Huy Giang, Adelaide)

Từ Montreal của Canada nhà văn biên khảo Nguyễn Vy Khanh chia sẻ những cảm nhận riêng của anh:

"Lại một người bạn văn hay nhạc sĩ nữa ra đi, kiếp sống nhân sinh như chu kỳ của luật tạo hóa, của diễn trình sinh, bịnh, lão, tử; Tôi đã nghe bài nhạc "Thôn Trăng" của nhạc sĩ Mạnh Bích hẳn phải lâu lắm rồi.

Êm êm trên sông ven thôn,
Gió đưa gió đưa giọng hò khoan hò khoan (hò khoan hò khoan)
Nghe sóng vỗ mạn thuyền gợi tình, tình quê hương
Nghe sóng vỗ mạn thuyền thêm nặng lòng biết bao là tình.
Ớ! quê hương mình (hò dô hò) đồng rộng trời thanh
Ớ! nước non mình (hò dô hò) cảnh đẹp người xinh...

Nhạc của ông và lời của nhà thơ Nguyên Diệu cho ta thấy nét thắm thiết tình quê, bài ca như vậy rất dễ ăn sâu vào dân gian, với quảng đại quần chúng chung của dân tộc Việt Nam.

Lời chia tay với nhạc sĩ, nhà văn Mạnh Bích là tôi cầu chúc ông sớm tìm được hạnh phúc an lạc sau kiếp nhân sinh này. Thân chào anh.

Nguyễn Vy Khanh, Canada)

Lời quan tâm của hai nhà thơ Minh Hồ Đào và Minh Hồ tại Montpellier:

"Anh Hải và Việt Hải thân mến,
Minh Hồ & Minh Hồ Đào vắng nhà nên nhận tin trể về sự ra đi của Nhạc Sĩ, Nhà Văn, Nhà Giáo Mạnh Bích, nên MHĐ vừa mới đưa Tin Buồn và Phân Ưu lên trang Thông Tin trong link:
http://www.daothinh.perso.cegetel.net/page18.html
http://www.daothinh.perso.cegetel.net/page98.html

(Tưởng Nhớ Cố Nhạc Sĩ, Nhà Văn, Nhà Giáo Mạnh Bích).
Cám ơn anh Hải và Việt Hải lẹ làng thông báo. Chúc anh Hải và Việt Hải luôn vui khoẻ, hẹn gặp lại anh Hải tại
Montpellier nhé.
Em Nho
Minh Ho & Minh Ho Dao
Montpellier, Pháp quốc"

Lời chia buồn của nhạc sĩ Linh Chi tại Paris, vốn là cựu học sinh Regina Pacis, nơi giáo sư Nguyễn Mạnh Bích dạy trước 1975:

"Vâng anh Hải ạ, em mới là bị sững sờ vì vừa gọi điện thoại chúc Tết Thầy Mạnh Bích 2 ngày trước Giao Thừa, đang hỏi thăm Thầy về Luật làm Thơ tiếng Tây, rồi Thầy Trò chọc ghẹo nhau rất vui, hẹn sẽ gặp nhau khi trời Paris sang Xuân.

Sáng Mồng Một Tết em cũng nhận được Thiệp Chúc của Thầy, xin gởi lại chia sẻ lá thư cuối của NS Mạnh Bích.

Những lời chia buồn trong NV, em đã chuyển đến địa chỉ của cô Bích Khuê (tức Mme Mạnh Bích).
Thân kính,
Linh Chi
http://vietsciences.free.fr/forum/viewtopic.php?t=519

Tết Bính Tuất đến rồi
Xuân Mới lại về trên Quê Hương
Trong tâm cảnh chung Nhớ Nước Thương Nhà
xin gửi đến Các Bạn lời cầu chúc chân thành
Trọn 365 ngày Mạnh Khỏe
Suốt 12 tuần trăng An Bình
để thực hiện tốt đẹp mọi ước nguyện.

Nguyên Đán Bính Tuất
Mạnh&Bích".

Là một thành viên Văn bút Âu Châu, nhà văn Trường Hà Vũ Duy Toại sống tại thành phố Witten/Dortmund, Đức quốc đã sáng tác bài thơ đưa tiễn nhà văn Mạnh Bích với phần cảm tưởng trong bài "Tiễn Đưa Văn Hữu Mạnh Bích" như sau:

“Tôi nhận tin buồn về sự ra đi của anh văn hữu Mạnh Bích qua điện thư của anh Trần quang Hải chuyển đến các thành viên của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoạ /Trung tâm Âu Châu. Tôi hết sức ngỡ ngàng và lặng người đi trong giây lát. Nhưng từ từ tôi nhận ra đây là sự thật, một sự thật của niềm đau vì đã mất đi một người bạn văn khả kính.

Tôi chợt nhớ ra rằng cách đây không lâu tôi có nhận được Email của anh bạn thân của tôi là Việt Hải Los Angeles, trong đó Việt Hải liên lạc với nhà văn Mạnh Bích để lấy bài viết phúng viếng nhạc sĩ Nguyễn Hièn vừa từ trần. Trong Email tôi đọc được những văn từ của nhà văn Mạnh Bích nói về người quá cố là nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Tôi không bao giờ có thể ngờ rằng đây lại là những ý văn cuối cùng của một người văn hữu mà tôi quen biết đã hơn mười năm trời.

Còn nhớ lần đầu gặp anh đến họp chung Văn Bút Âu Châu ở Reutlingen bên Đức, anh và chị Mạnh Bích gặp tôi chào hỏi, tôi nhìn hai anh chị với nụ cười trên môi trông rất nhã nhặn lịch sự, cái dáng dấp của anh chị Mạnh Bích của lần đầu gặp gỡ đã gây ấn tượng trong tôi. Vì thế mõi lần Văn Bút Âu Châu họp mặt là tôi tìm gặp anh chị Mạnh Bích để trò chuyện. Lần cuối cùng gặp anh là mùa hè của năm 2004 tại Paris. Hôm đó sau khi họp có phần ăn uống, anh Mạnh Bích chạy vòng vòng hỏi thăm mọi người sau đó trở về chỗ của anh, khi anh đi len qua tôi để vào chỗ cũ của anh tôi đã nói vui với anh Mạnh Bích là "trở về mái nhà xưa". Khi tạm biệt anh Mạnh Bích có tặng tôi cuốn sách DUO gồm các bài viết bằng tiếng Việt Nam chen với tiếng ngoại quốc như Anh, Pháp, hay Đức ngữ do anh và nhóm Bạn Văn chủ trương và nói rằng, lần sau tôi phải góp bài cho anh bằng hai thứ tiếng Việt Nam và tiếng Đức với chủ đề Mẹ. Lời kêu gọi của anh văn hữu Mạnh Bích quý mến tôi chưa đáp ứng được mà giờ đây đã âm duơng cách biệt rồi.

Khi Việt Hải yêu cầu góp văn thơ để giã từ anh Mạnh Bích, tôi chỉ còn biết chia buồn với tang quyến và bày tỏ cảm xúc của mình qua bài thơ sau đây để kính tặng hương hồn của một người anh khả kính trong giới văn học:

Tiễn Đưa Văn Hữu Mạnh Bích

Nhà văn Mạnh Bích đã ra đi
Để lại dương gian hết những gì
Tình thân Văn Hữu mười năm lẻ
Người đi kẻ ở hận biệt ly

Tôi gọi tên anh trọn nỗi niềm
Ngày nào quen biết gặp vui thêm
Tay bắt mặt mừng tâm kết nhạc
Thi điệu văn từ há dễ quên

Mỗi lần Tết đến hoa đào nở
Anh lại vui mừng đặt ý thơ
Gói tròn hoài bão trên trang giấy
Lời chúc Xuân về bao ước mơ

Thôi nhé từ nay vĩnh biệt nhau
Nguyện xin anh thoát mọi u sầu
Niết bàn cực lạc anh tìm đến
Tôi ở trần gian dạ xót đau.

(Trường Hà Vũ Duy Toại)

Văn Bút Việt nam Hải Ngoại/Trung Tâm Âu Châu
Tết Bính Tuất 2006"

Nhà văn Mạnh Bích thường cộng tác với nhiều báo và websites tại Mỹ, trong đó có tờ nhật báo Thời Luận tại Los Angeles. Khi được tin ông ra đi, Thời Luận cho đăng nhiều tác phẩm của ông như để tưởng niệm một nhân tài, cũng là một cộng tác viên. Một trong những bài viết là bản tin thông báo "Nhà Văn Kiêm Thi Nhạc Sĩ Và Nhà Giáo Mạnh Bích Từ Trần Ở Paris Thọ 77 Tuổi". Trong một buổi nói chuyện với nhà văn Đỗ Tiến Đức, chủ nhân tờ Thời Luận, thì khi nhà văn Mạnh Bích nhận được tin Thời Luận ăn mừng sinh nhật 21 tuổi, nhà văn Mạnh Bích đã nói rằng sang sinh nhật 22 tuổi của Thời Luận thì ông sẽ bay sang Los Angeles tham dự chung vui với bạn bè. Điều tôi nhận xét là nhà văn Mạnh Bích rất lo lắng đến các bạn bè của ông. Sau đây là bản tin tôi đọc nơi trang 12, số ra ngày Thứ Sáu, 3/02/2005 trên tờ Thời Luận:

"Paris.- Sáng 31 tháng 1, 2006 tin từ thủ đô nước Pháp cho hay nhà văn Mạnh Bích đã đột ngột từ trần, hưởng thọ 77 tuổi. Ông là một nghệ sĩ đa tài, sáng tác nhiều bộ môn. Bài viết cuối cùng của ông xuất hiện ở Hoa Kỳ có lẽ là bài "Chó Và Người" đăng trên Giai Phẩm Thời Luận Xuân Bính Tuất 2006. Nhiều năm nay, ông viết cho Thời Luận và đã từng sang Nam California thăm con cháu và dự buổi ra mắt Giai phẫm Xuân Thời Luận.

Nhà văn Mạnh Bích tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Yên, sinh năm 1929 ở Thừa Thiên. Ông học ở Lycée Khải Định (Huế) và đậu cử nhân giáo khoa văn chương Pháp và cao học văn minh Pháp ở đại học văn khoa Sài Gòn. Ông đã dạy văn chương Việt ở các trường Pháp như Jean Jacques Rousseau, Marie Curie, Taberd, Regina Pacis ở Sài Gòn và Fraternité ở Chợ Lớn cho đến năm 1975. Tôi cũng dạy văn chưông Pháp ở Đại Học Vạn Hạnh (cấp cử nhân), và Institut Francais (các lớp tốt nghiệp) ở Sài Gòn cho đến năm 1975.

Khi sang Pháp, ông dạy văn chương Pháp (cấp trung học) ở các trường Georges Brassens và André Maurois (Académie de Versailles, ngoại ô Paris) từ năm 1984 đến lúc hưu trí vào năm 1995.

... việc viết sách, làm văn học tất nhiên phải chiếm ưu thế. Ông nói với nhạc sĩ Trần Quang Hải : "Đối với một người thích "gần với sách vở" thật tình mà nói, không gì hạnh phúc bằng được sống cái cảnh tự do, thoải mái đọc sách, viết lách và làm thơ, viết nhạc lúc nào cũng được. Và mỗi ngày, sau vài giờ viết lách, đọc sách, tôi mới "đến" với âm nhạc để tâm hồn được nghỉ ngơi, thanh thản".

Ban biên tập Thời Luận và thân hữu, độc giả của nhà văn Mạnh Bích xin chia buồn với chị Bích Khuê và cầu nguyện hương linh anh Mạnh Bích sớm về cõi niết bàn."

Tôi có người bạn anh là nhà văn, cũng là một nhạc sĩ tài tử, đó là anh Phạm Văn Vĩnh, anh hiện cư ngụ tại Paris. Anh yêu âm nhạc Việt Nam, chuộng văn biên khảo và mến văn hóa Việt Nam, anh gửi tôi bài viết về nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Bích. Bài "Tôi Đã Gặp Một Lần", viết do ngòi bút Paris Phạm Vĩnh như sau:

"Thành thực mà nói thì tôi không quen nhà văn, thơ, nhạc sĩ, giáo sư Mạnh Bích nhưng tôi đã đến với ông từ mấy mươi năm nay khi tôi học đánh đàn Tranh và được dịp hoà đàn cổ nhạc với bạn bè bài Thôn Trăng của nhạc sĩ Mạnh Bích. Hồi đó tôi chỉ biết bài nhạc mang tên Thôn Trăng còn tên của tác giả thì tôi vô tình quá ! Sau này có dịp tôi đã tổ chức một lần hoà cổ nhạc bài này ở Bordeaux bên pháp với các nhạc cụ bầu, tranh, saó, ghi ta và dàn trống. Ngày xưa ở Việt Nam khi hoà nhạc bài Thôn Trăng, thầy âm nhạc của tôi lúc đó là một linh mục, đã soạn ra phần phiên khúc cho tranh, bầu, sáo nhưng ở phần điệp khúc, bắt đầu từ đoạn hò "ờ, ờ, ơ, này là trai ..." thì thầy tôi cho đánh theo tân nhạc với đàn ghi ta, sáo và dàn trống. Có một lần chúng tôi được dịp trình diễn bài này trước ba vị trong ban AVT và các vị khen lắm.

Những ai đã từng yêu mến hai giọng ca của ông bà Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết hẳn đã nghe bài Thôn Trăng này. Bài hát này tuy là theo tân nhạc nhưng giai điệu của nó rất dân ca, mà lại đệm theo điệu nhạc rất thịnh hành thời đó là Boléro, hát đối nhau theo kiểu những bài lý này, lý nọ ở xứ mình. Nhạc sư của tôi hay có thói quen bắt nhạc sinh hát trước khi đàn nên tôi còn nhớ mấy câu đầu phải hát là:

Đêm nay trăng soi thôn trăng gió đưa
Gió đưa nhịp chày vang chày vang
Quê hương à ơi
Trăng đến vui thôn làng cho nặng tình yêu thương
Trăng đến vui thôn làng cho nặng tình yêu thương

Khúc dạo đầu là một đoạn đàn tranh theo thể Lý Con Sáo Sang Sông, tiếp theo là một đoạn Bầu bài Lý Giao Duyên và tất cả ban nhạc vô câu "Đêm nay trăng soi thôn trăng gió đưa" và khúc nhạc tấu cứ tuần tự mà đi, êm ả như một thôn trăng thanh bình quá.

Tôi không biết phải nói gì thêm nhưng bài Thôn Trăng này đối với tôi nó hay quá đi thôi và rất tình tự quê hương ngang ngửa với những bài hát của các nhạc sĩ khác như bài Gạo Trắng Trăng Thanh, Lối Về Xóm Nhỏ, Khúc Hát Ân Tình .... Bài Thôn trăng của nhạc sĩ Mạnh Bích là một khúc hát ân tình, rất tình tự quê hương.

Tôi ngậm ngùi mỗi khi thấy một nhân tài ra đi, với Mạnh Bích, giờ đây tôi xin kính chúc hương linh của ông sớm tìm được cõi bình yên nơi chín suối.

Paris 7 fev 2006, Phạm Vĩnh "

***

Bài viết này đã đi từ nhà văn Từ Trì của Paris, sang nhiều nhà văn thân hữu của nhà văn Mạnh Bích khắp nơi đã nghĩ đến ông bằng lời văn và chia sẻ cảm tưởng về ông, để rồi tôi xin kết thúc bởi nhà văn Phạm Vĩnh cũng tại Paris. Như nhà thơ Mùi Quý Bồng New Orleans, như nhà văn Nguyễn Văn Thành tại Minneapolis hay như nhà văn Phạm Vĩnh Paris, các anh nuối tiếc cho những nhân tài trong các phạm vi nghệ thuật, âm nhạc hay văn học đã nối tiếp nhau ra đi. Chúng ta đã mất Nhật Trường Trần Thiện Thanh, Trần Thúc Vũ, Nguyễn Đình Nghĩa, Nguyễn Hiền và giờ đây, đầu năm mới này là Nguyễn Mạnh Bích. Tôi còn nhớ lời văn của ông viết gửi tôi khi ông viết lời tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Hiền, ông chia sẻ như sau:

"Anh Nguyễn Hiền ra đi, về một cảnh giới khác. Cũng như lần ra đi của Hoàng Thi Thơ, tôi rất buồn. Tôi có nhiều kỷ niệm với Hoàng Thi Thơ vì đấy là một trong hai người bạn nhạc lúc tôi mới mới chập chững vào nghề. (Người kia là Văn Giảng - Thông Đạt). Về sau, tuy chúng tôi vẫn rất thân thiết nhưng tôi chỉ giữ vai ''tài tử, nghiệp dư" thôi, còn Thơ thì nhất quyết ép mình vào nghiệp dĩ.

Còn đối với Anh Nguyễn Hiền? Đấy là, trong một thời gian khá dài, lúc tôi thường lên "Đài" để duyệt bài mới sáng tác, một trong những nhạc sĩ có biệt tài gây xúc động qua làn hơi ấm, tròn mà các ban nhạc Hoàng Thi Thơ, Hoàng Trọng, nhất là Võ đức Tuyết (vốn rất khó tính) rất trọng dụng. Tôi không có dịp nói chuyện nhiều với Anh nhưng tôi vẫn nhớ giọng nói nhẹ nhàng, điềm đạm của Anh và quí hơn hết là những nhận xét, phê bình của Anh luôn luôn tế nhị nhưng thật tình. Thêm vào đấy, phong thái của một người nhiều văn hơn nghệ ! Tôi vốn yêu thích những người trầm lặng như vậy.

Nhưng việc xầy ra đã để lại cho tôi một kỷ niệm khó quên về con người mà tôi hằng quí trọng. Hôm ấy là buổi họp đầu tiên của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại để bầu ban Chấp Hành mới tại Quận Cam. Anh Nguyễn Hiền là người đệm đàn đương cầm cho mọi người đồng ca bài Quốc ca Cộng hòa Việt Nam. Tiếng đàn vững chắc vừa đủ sức vang dội để tạo được khí thế cho bài hát. Tôi vừa vui vừa mừng. Sau buổi họp, tôi đến chào Anh để nhân tiện nói về nhận xét ấy và Anh đã điềm nhiên nói : " Cám ơn anh, tôi còn vui và mừng hơn vì hát quốc ca mà đệm đàn lỏng khỏng có một cây piano thì kẹt lắm. Nhưng, tai qua nạn khỏi rồi. Nghe cũng không đến nỗi nào là tốt rồi".

Sau buổi họp ấy, suốt trong thời gian bão tố của VBVNHN, Anh Nguyễn Hiền vẫn giữ vị thế kín đáo, tế nhị của một người nhiều văn hơn nghệ. Chúng tôi không nối lại tình bạn-nhạc với nhau nhiều vì riêng tôi, tôi nghĩ là không cấn thiết giữa những ngưòi đã chọn lựa cách sống ấy. Nhưng không phải vì vậy mà sự ra đi của Anh không tạo cho tôi một khoảng trống vắng. Những bạn-nhạc của tôi, cùng lứa tuổi của tôi, lần lượt ra đi. Không buồn sao được!

Tôi cầu mong Anh đã tìm về được cảnh giới trầm lặng, hiền hòa mà Anh cố sống lúc sinh tiền! (Mạnh Bích)."

oOo

Đọc lời văn trên ta thấy gì? Có phải một Nguyễn Mạnh Bích sống rất tình nghĩa với bạn bè? Là một người thầy ông có nhiều học trò luyến tiếc khi ông ra đi, là một nhạc sĩ ông có nhiều bạn nhạc lưu luyến với một hình ảnh người bạn tốt của ông; Và, sau hết là một nhà văn ông đã để lại một dấu ấn đẹp đẽ từ tình bạn cao thượng đến những tác phẩm văn chương cao quý của ông. Là một ngòi bút thuộc thế hệ hậu duệ của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Mạnh Bích, tôi xin gom góp những dòng cảm nghĩ khắp nơi để tiễn biệt một kẻ sĩ HO sẵn lòng tha thứ cho những kẻ đã giam cầm ông, Nguyễn Mạnh Bích là một người đồng hương trong kiếp sống lưu vong bỏ xác thân nơi xứ người, nhưng tôi đoan chắc rằng những tâm tình của Nguyễn Mạnh Bích vẫn gần gũi với quê hương xứ sở Việt Nam, qua những tác phẩm ông để lại cho hậu thế. Kính chúc ông thực sự tìm được giấc bình an trong thế giới vĩnh cửu ở bên kia.

Việt Hải Los Angeles

Tác giả bài viết: Việt Hải

Nguồn tin: Saigon Gate