BỐN TƯỢNG ĐÀI BẤT HỦ CỦA ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ - KỲ 4: CỐ NSUT VŨY CHỖ

BỐN TƯỢNG ĐÀI BẤT HỦ CỦA ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ - KỲ 4: CỐ NSUT VŨY CHỖ
Xuất thân từ nghèo khó. Gắn liền với nghệ thuật ĐCTT mà làm nên danh phận. Đóng góp của ông đồi với bộ môn này chính là lối nhấn chuyển cung, rung và ngân trầm ấm, trình độ diễn tấu thượng thặng nên được giới chuyên môn nhận xét là danh cầm.
MỘT NHÂN CÁCH ĐÁNG KÍNH

NSND Bạch Tuyết nói về cố NSUT Vũy Chỗ: “Tôi thương và kính trọng ông, một người nhạc sĩ tài hoa về đàn tranh. Ông đã dành cả cuộc đời để dạy học trò, giữ uy tín với đồng nghiệp. Ông đã đỡ đầu cho rất nhiều nghệ nhân trẻ đến với nghệ thuật ĐCTT. Tôi nhớ năm tôi 16 tuổi, tôi đã được nữ danh ca Bạch Mai (vợ của cố nghệ sĩ hài Tư Rợm) và soạn giả Điêu Huyền, dẫn tôi giới thiệu với ông, để ông chỉnh sửa cho tôi từng câu ca, điệu hát theo nhịp đờn của ông. Để sau thời gian học cùng ông tôi đã tự tin bước vào con đường chuyên nghiệp, chính thức đi theo đoàn hát Kiên Giang. Nhân cách của ông rất đáng kính, đó là hòa nhã với mọi người, hết lòng dìu dắt đàn em và một dạ trung thành với âm nhạc dân tộc, ĐCTT Nam bộ. Hay tin ông được truy tặng Huân chương lao động hạng 3, tôi vô cùng xúc động”.

Image
NSUT Vũy Chỗ

Năng khiếu âm nhạc của NSUT Vũy Chỗ phát triển rất sớm. Năm ông 13 tuổi đã là thành viên của Ban cổ nhạc Đoàn cải lương Mông Vna6. Một đại ban nổi tiếng thời ấy với những tuồng kiếm hiệp đa đài. “Nhân cách của ông cũng được hình thành phong cách ca diễn theo trường phái kiếm khách, ma nữ, sầu bi để tạo sự huyền bí trong cách ca, và ngón đờn của Vũy Chỗ đã làm công tác sáng tạo, nâng thêm cảm xúc cho lời ca. Vốn dĩ đi từ ĐCTT đến với sân khấu cải lương, Vũy Chỗ cho biết áp dụng đúng lúc, đúng chỗ bài bản, có lần soạn giả Mông Vân muốn đưa một số bài bắc vào đoạn mùi mẫn của hai nhân vật đào kép chánh, ông phải đấu tới cùng, cho rằng đó là lạm dụng chứ không đúng niêm luật, vì mùi mẫn thì phải dùng Nam Ai, Nam Xuân, Trường Tương Tư…còn bài bắc chỉ dùng trong lúc đối thoại. Cuối cùng soạn giả Mộng Vân phải nhượng bộ”- nhạc sĩ Đức Lang (chồng của cố NS Kim Ngọc) kể.


PHÁT TRIỂN LỐI NHẤN CHUYỂN CUNG

Tiếng đàn tranh của cố NSUT Vũy Chỗ rất điêu luyện. theo nhận xét của Soạn già NSND Viễn Chau, thì nó chở nặng nỗi niềm tha hương, lạc quan hướng tới tương lai và không bi lụy, khi ông phát triển lối nhấn chuyển cung rất điêu nghệ.

“Vua vọng cổ” kể: “Năm 1957, Vũy Chỗ học xong cấp 2. Lúc đó anh vừa làm thư ký cho một ông chủ nhà phố người Ấn Độ có lập đoàn hát mang tên Việt Hương. Sau mấy tháng nổi trôi thì gánh hát rã. Vũy Chỗ về công tác với Đài phát thanh Sài Gòn, phụ trách Ban cải lương Dư âm. Chính thời gian này, anh đã giới thiệu trên đài tiếng hát của NSND Bạch Tuyết. Thời gian làm Trưởng Ban Dư âm, Vũy Chỗ bắt đầu nghiên cứu ĐCTT, anh biên soạn ký xướng âm đầu tiên cho giáo trình dạy đàn tranh và cách phát triển lối nhấn chuyển cung. Vũy Chỗ còn soạn tuồng cải lương bút danh: Anh Duy, Thiều Quang. Với tính năng dộng của tuổi trẻ, anh lao vào công tác báo chí với bút hiệu Hoài Việt Hòa, có mặt trên các trang Kịch Trường của nhiều tuần san nhật báo. Qua đó, anh đã viết và hướng dẫn giới trẻ làm quen với đàn tranh, giới thiệu những nghiên cứu mới của anh”.

NSUT Thanh Kim Huệ cho biết, sau năm 1975, NSUT Vũy Chỗ được cử làm Nhạc Trưởng đoàn cải lương Sài Gòn 3 suốt 15 năm (từ năm 1975-1990). Thời gian này, anh đã sáng tác cho sân khấu nhiều bài bản cải lương khá phổ biến như: Biệt ly khúc (vở “Phụng và Hoàng”), Dạ Lý Hương, Hoài Nguyên Hương, Hạng Cơ biệt khúc, Tô Châu, Lý Sang Canh, Lý Sông Hương (vở Hương sắc Trà Mi)…Với cách đàn tranh nhấn, rung khi chuyển cung, anh đã phát triển bài Xàng Xê lớp xề, hòa cùng tiếng đờn Cò (nghệ nhân Mười Phú), tiếng đờn Kìm( nghệ nhân Năm Vĩnh) đã ngân vang rộn rã, trầm hùng, làm náo nức tại Lễ khai mạc Diễn đàn Âm Nhạc Quốc Tế tại Paris (Pháp) năm 1991. Nhắc đến anh là nhắc đến niềm tự hào của những nghệ nhân ĐCTT và nghệ sĩ sân khấu cải lương chúng tôi”

Với Vũy Chỗ, ngón đờn độc đáo của ông trong mọi làn điệu: Bắc Hạ, Nam Oán, Ngự, người nghe như được đứng trước một bức tranh sinh động về quê hương mình. “Anh có lối nhấn chuyển cung, lúc chuyển chữ, rất tuyệt chiêu trong các bản Bắc (Bắc thường và Bắc Nhạc lễ); Ngón chuyển đó gọi là khúc thức, với cách nhấn, rung cung, lướt chữ nhẹ nhàng, êm đềm đầy truyền cảm, nhất là qua điệu Ai, Oán. Với Tám Bài Ngự, thì anh trau truốt nắn nót âm thanh trên từng cung bậc, đầy chất Huế, khiến người nghe dạt dào cảm xúc, lâng lang thưởng thức hương vị một bài rượu ngon.

Trong điệu vọng cổ, âm thanh từ đôi tay của anh rất phong phú và đa dạng. Anh chạy chữ thanh thoát, tươi mướt, đôi khi có những lái chầu rất “gúc mắc” nhưng đầy duyên dáng. Đặc biệt, với thủ thuật “ngón cái đá ngược” nhẹ nhàng liên tục trong những lần chạy chữ hoặc cách “nhấn ém âm thanh” tạo tiếng “nấc nghẹn ngào”, anh thật sự tạo nên dung mạo tài hoa mà Viện Âm Nhạc Việt Nam phong tặng danh hiệu “danh cầm”, cách đây 30”- Thạc sĩ Huỳnh Khải nhận xét.
Công lao của ông cho đến ngày hôm nay vẫn còn được nhiều thế hệ nhạc sĩ trẻ học đàn tranh áp dụng. Đưa vào âm nhạc sân khấu cải lương những trình thức sáng tạo của ông, làm cho bài bản ĐCTT ngày càng phong phú và đa dạng. Đó chính là nét tinh hoa độc đáo, lan tỏa khắp nơi và liên tục phát triển theo từng thế hệ nghệ nhân đờn, và thế giới đã vinh danh ĐCTT Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể cũng chính từ những giá trị mà ông đã đóng góp cho đời.

Thanh Hiệp

Nguồn tin: BSK