Tiếp sức cho cải lương

Tiếp sức cho cải lương
Trong sự phát triển như vũ bão của các loại hình giải trí được sự trợ giúp từ công nghệ thông tin, cải lương ngày càng khó khăn. Rạp Hưng Đạo – nơi được xem như thánh đường cải lương giữa trung tâm TP.HCM cũng không phát huy được vai trò giữ gìn giá trị cho sân khấu nghệ thuật truyền thống này. Vì vậy, công chúng thật nức lòng nức dạ khi chứng kiến khách sạn Oscar dành hội trường trên tầng 11 để làm tụ điểm biểu diễn cải lương định kỳ.
.
Chính quá trình xã hội hóa sẽ giúp cải lương tìm lại khán giả!

Tất nhiên, một đơn vị kinh doanh khách sạn thì không thể có sàn diễn chuyên nghiệp với mọi thiết bị âm thanh, ánh sáng hoặc phông màn đáp ứng đầy đủ tiêu chí dàn dựng cần thiết của nghệ thuật cải lương. Thế nhưng, hành động tiếp sức cho cải lương như vậy, rất đáng biểu dương và khích lệ.

Đoàn 3 của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang phối hợp với Asia Media sẽ tổ chức biểu diễn cải lương vào tối thứ năm cách tuần mỗi tháng ngay tại sân khấu tầng 11 khách sạn Oscar như một địa chỉ mới cho những người yêu cải lương. Mỗi chương trình kéo dài khoảng hai giờ theo từng chuyên đề riêng biệt. Chẳng hạn, chương trình đầu tiên diễn ra ngày 16-6 là đêm tưởng nhớ  “ông vua vọng cổ” - soạn giả NSND Viễn Châu nhân 100 ngày mất của ông. Chương trình quy tụ đông đảo nghệ sĩ tên tuổi như Bạch Tuyết, Kiều Phượng Loan, Giang Châu, Kim Tử Long, Phượng Loan, Trọng Phúc, Ngọc Đợi, Tú Sương, Lê Tứ…

Đạo diễn Quốc Kiệt – phụ trách nội dung của chương trình cải lương định kỳ, khẳng định: “Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện sân khấu dần dần để thu hút không chỉ khán giả thành phố mà còn cả khách nước ngoài. Các chương trình sẽ được thực hiện theo hình thức tổng hợp với các trích đoạn, ca cảnh và bài ca cải lương. Lực lượng nòng cốt là các diễn viên của đoàn 3, tùy theo chuyên đề phù hợp chúng tôi sẽ mời thêm các nghệ sĩ tài danh khác”. Còn đại diện đơn vị đồng hành Asia Media, cam kết “Chúng tôi xác định khi đầu tư thực hiện chương trình này là không vì lợi nhuận. Chỉ mong có điểm diễn để khán giả tìm được giá trị thật của cải lương. Khán phòng sân khấu chỉ có sức chứa khoảng 200 ghế nên tùy tình hình mỗi chương trình, nếu doanh thu bán vé không đủ, chúng tôi sẽ bù lỗ hết!”.

Giá vé chương trình từ 300.000 - 500.000 đồng/vé không phải quá cao, nếu so với ca nhạc, nhưng để duy trì được tụ điểm cải lương này không hề đơn giản. Thử thách lớn nhất của các nghệ sĩ là xây dựng được những tiết mục phù hợp với thị hiếu công chúng đương thời mà vẫn giữ được bản sắc của cải lương. Nếu vì lợi nhuận mà triển khai những trích đoạn biến tấu, kiểu như Trấn Thành với “Tô Ánh Nguyệt”, thì sẽ nguy hại đến số lượng khán giả cải lương vốn đang thu hẹp dần.

Cũng nhằm chấn hưng nghệ thuật cải lương, suốt 10 năm qua Đài truyền hình TP.HCM nỗ lực duy trì chương trình “Vầng trăng cổ nhạc” phát sóng trực tiếp hàng tháng. Khán giả xem miễn phí, nhưng các nghệ sĩ thống nhất với nhau không sử dụng công nghệ... hát nhép. Đó là một cách tôn trọng và gìn giữ vẻ đẹp cải lương, mà theo cách nói của NSƯT Vũ Linh: “Hát bằng giọng thật thì phần âm thanh giọng hát không hay bằng các bạn diễn khác hát nhép nhưng tôi rất hài lòng vì mình hát thật, không phụ lòng tin yêu của khán giả. Lần này chương trình không cho sử dụng MD thu sẵn, tôi rất vui nhưng ban tổ chức cũng cần đầu tư tốt hơn về âm thanh để nghệ sĩ chuyển tải đầy đủ đến người xem chất lượng giọng ca thật của mình”.

Nghệ thuật cải lương từng có một thời vàng son. Bây giờ muốn nghệ thuật cải lương quay trở lại thuở ấy thật không dễ. Tuy nhiên, nghệ thuật cải lương không hề lo sợ bị biến mất khỏi đời sống văn hóa, vì đây là bộ môn gắn bó mật thiết với tâm hồn và cốt cách người dân Nam bộ. Để cải lương thịnh vượng, rất cần những sự tiếp sức từ cộng đồng, đặc biệt là từ giới doanh nhân! Khách sạn Oscar đã góp thêm một tụ điểm cải lương ngay tại trung tâm Sài Gòn, có thể xem như một tín hiệu lạc quan!


Tác giả bài viết: Tuy Hoà

Nguồn tin: duyenclvn theo baohaiquan.vn